Kế thừa những thành tựu, bài học trong những năm qua, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là căn cứ quan trọng để ngành Công Thương tập trung hoàn thiện thể chế, ban hành và thực hiện nhiều giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối, khuyến khích tiêu dùng... để tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, từng bước mở rộng thị trường và lớn mạnh.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, bình quân hàng năm, thương mại trong nước tạo ra giá trị khoảng 14 - 15% GDP, doanh thu bán lẻ và dịch vụ không ngừng tăng, riêng giai đoạn 2016 - 2020 mức tăng bình quân ước đạt gần 9,4%/năm, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế, tạo ra nhiều hơn giá trị tăng thêm.
Đồng thời, thương mại trong nước phát triển cũng hỗ trợ tích cực cho công tác giải quyết việc làm khi thu hút khoảng 6 - 7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội). Đồng thời, hệ thống phân phối, dịch vụ cung ứng hàng hóa, thương mại trong nước được mở rộng đã đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, nhờ đó đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Như vậy, cùng với 3 lĩnh vực gồm: thương mại trong nước, xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo thành "chân kiềng" có tính bổ trợ vững chắc, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành Công Thương cũng như của cả nền kinh tế đất nước.
Tỷ lệ hàng Việt Nam được phân phối qua các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại luôn chiếm tỷ trọng cao, khoảng trên 89%. Tính đến nay, tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ trọng trên 90% đối với hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ.
Tại các địa phương, đô thị lớn trên cả nước đã có sự hiện diện của hệ thống các doanh nghiệp phân phối hiện đại, chiếm tỷ trọng khá lớn trong quy mô thị trường bán lẻ (ước tính khoảng trên 70%).
Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm các quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu; xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) về quy mô bán lẻ và thương mại điện tử. Đến nay, thương mại điện tử trở thành kênh phân phối quan trọng của nước ta với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt, 27%/năm từ 5 tỷ USD năm 2016 lên 11,8 tỷ USD năm 2020, chiếm xấp xỉ 7% quy mô thị trường bán lẻ trong nước, cao nhất trong nhóm các nước ASEAN.
Năm 2021 tiếp tục tăng lên 13,7 tỷ USD và đạt 16,4 tỷ USD trong năm 2022, trong năm 2022, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng cao (20%) năm 2022; năm 2023 là 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022 và dự kiến cả năm 2024 con số này sẽ vào khoảng 27,5-28 tỷ USD.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, thương mại nội địa đã thực sự trở thành trụ đỡ quan trọng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và xuất khẩu suy giảm; một điều rất đáng chú ý là đã xuất hiện những hình thức xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ liên vùng, xuyên biên giới trên nền tảng số, đảm bảo đầu ra cho nhiều loại nông sản. Đồng thời, kịp thời cung ứng các hàng hóa nguyên, nhiên vật liệu, tiêu dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, trong tháng 9/2024, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thị trường trong nước vẫn duy trì tốc độ ổn định và gần tiệm cận mục tiêu Chính phủ đề ra cho năm 2024 là tăng trưởng 9% so với cùng kỳ.
Thương mại trong nước đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và gắn liền với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Cơ cấu chủ sở hữu hệ thống hạ tầng thương mại cũng có sự chuyển biến ngày càng đa dạng với sự xuất hiện của khu vực ngoài nhà nước cũng như có sự lớn mạnh vượt bậc của một số doanh nghiệp trong nước.
Từ thực tiễn được đúc kết từ cả thành công cũng như hạn chế, tồn tại giai đoạn vừa qua, có thể thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước; đặc biệt tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII năm 2021, đã nêu rõ: “…gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”.
Theo đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 - một trong những văn kiện quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XIII - đặt ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp: “Xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia. Thúc đẩy phát triển thương mại trong nước theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, gắn với nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm; bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.”; “cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh”; “thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị”; “đẩy mạnh thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm”…
Tiếp thu quan điểm chỉ đạo đó, từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021. Trong đó, khẳng định vai trò của thương mại trong nước và nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo tiêu thụ - đầu ra cho hàng hóa, sản phẩm thương hiệu Việt trên cơ sở phát huy nội lực, tiềm năng và dư địa phát triển của thị trường trong nước.
Xét về tiềm năng, thị trường trong nước có đủ điều kiện, lợi thế để thực hiện các nhiệm vụ phát triển giai đoạn mới. Cụ thể là quy mô dân số trên 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50), tốc độ đô thị hóa nhanh, thu nhập bình quân đầu người ước tính sẽ đạt khoảng 7.500 - 8.000 USD vào năm 2030; tầng lớp trung lưu có xu hướng tăng nhanh và tỷ lệ tiêu dùng so với GDP cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực (trên 70%)...
Đặc biệt, vai trò của thị trường trong nước đã được nâng lên ở một tầm nhận thức mới ở các cấp quản lý trong hệ thống chính trị cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Cách nghĩ coi thị trường trong nước chỉ là "giải pháp tình thế" khi gặp khó khăn về xuất khẩu đã dần được xóa bỏ.
Thay vào đó là tư duy chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để một mặt tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu; và ở chiều ngược lại, hiện Việt Nam cũng đã trở thành một cánh cửa kết nối quan trọng - đầu tư vào Việt Nam đồng nghĩa với việc có thể tiếp cận được với hầu hết các thị trường lớn của thế giới.
Phát triển thị trường trong nước lành mạnh, bền vững song hành với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế được Bộ Công Thương xác định là một trong những trọng tâm chiến lược trong giai đoạn sắp tới. Đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn trong khu vực và thế giới đang có xu hướng gia tăng; những hậu quả từ biến đổi khí hậu sẽ ngày một phức tạp, khó dự đoán sẽ tác động không nhỏ tới xuất khẩu, tiêu dùng. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan của Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với ngành Công Thương chung tay nâng cao năng lực phản ứng của thị trường trong nước đối với những biến động căng thẳng, dị biệt từ bên ngoài.
Trên cơ sở này, Bộ Công Thương đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để tạo lập, hoàn thiện môi trường kinh doanh ổn định; đồng thời tổ chức hệ thống phân phối hiệu quả thông qua cải thiện, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại. Từ đó, hướng tới thực hiện thắng lợi 2 mục tiêu song hành theo định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước: Khơi thông, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa Việt trên thị trường trong nước; Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia, kết nối hiệu quả vào hệ thống phân phối, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Theo Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Việt Nam sẽ phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.