Quảng Nam: Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết ngành
11/10/2024 lúc 13:00 (GMT)

Quảng Nam: Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết ngành

 
 

Tỉnh Quảng Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp hỗ trợ, ngày càng nhiều các dự án, doanh nghiệp lớn tham gia vào ngành này.

Quảng Nam định hướng sẽ phát triển công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết ngành, phấn đấu đưa tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực về công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí.

Công nghiệp hỗ trợ Quảng Nam

Từ khi tái lập vào năm 1997, tỉnh Quảng Nam đã đặt vấn đề thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo lên hàng đầu. Tỉnh Quảng Nam đã thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Kết quả đã huy động được quy mô khá lớn vốn đầu tư phát triển, đạt 217.000 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD) trong giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng bình quân 12%/năm. 

Cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp hạ nguồn, thời gian qua công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thu hút một số dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và các bộ phận phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô; nguyên vật liệu và phụ liệu, hóa chất phục vụ sản xuất ngành may mặc; linh kiện điện tử phục vụ ngành điện – điện tử…

công nghiệp hỗ trợ Quảng Nam

Trao đổi với Tạp chí Công Thương, ông Lê Vũ Thương – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển dịch theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế tạo động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô, dệt may, da giày. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân hằng năm gần 10% (giai đoạn 2016-2020). Các sản phẩm ngành công nghiệp khẳng định được chất lượng và thương hiệu như: ô tô, sản phẩm điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày… đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Quảng Nam

Một số các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghiệp ở vùng Đông Nam của tỉnh đã được triển khai thực hiện.

Trong đó, có 02 nhóm dự án đang triển khai thực hiện đạt kết quả tốt là: Nhóm dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ; Nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.

Có 02 nhóm dự án đang xúc tiến đầu tư và lập thủ tục chuẩn bị đầu tư: Nhóm dự án Khí - Điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí; Nhóm dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai.

công nghiệp hỗ trợ Quảng Nam

Theo Sở Công Thương Quảng Nam, tỉnh đã hình thành Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải với 31 dự án từ sản xuất linh, phụ kiện cho ngành ô tô đến lắp ráp ô tô nguyên chiếc và các ngành cơ khí; Khu công nghiệp Dệt may tại Khu Công nghiệp Tam Thăng đã thu hút được 27 dự án (trong đó 21 dự án của nhà đầu tư nước ngoài và 06 dự án của nhà đầu tư trong nước) với các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Hyosung, Công ty TNHH MTV Panko, Công ty TNHH Oriental Commerce Vina, CTR, Công ty TNHH YeJin F&G (Hàn Quốc), Công Amann (Đức)... với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 13,04 nghìn tỷ đồng (620 triệu USD) và Khu Liên hiệp sợi - dệt - nhuộm - may tại huyện Quế Sơn, tạo động lực cho sự phát triển công nghiệp hỗ ngành cơ khí và ngành dệt may của địa phương.

Thaco Quảng Nam

Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương vẫn còn một số khó khăn, tồn tại nhất định. Cụ thể, các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn ít, chủ yếu là gia công sản phẩm, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, công nghệ, máy móc sản xuất lạc hậu... việc tiếp cận Chương trình, Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ còn khó khăn, hạn chế.

 

Quảng Nam

Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam thông tin, hằng năm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được tiếp cận thông tin, nghiên cứu, đăng ký tham gia Chương trình, Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ theo đề nghị của Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương. Bên cạnh, địa phương phối hợp lồng ghép hỗ trợ từ nhiều nguồn thông qua các chương trình như: chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, chương trình phát triển khoa học công nghệ…

 
Quảng Nam Thaco
Quảng Nam Thaco
Quảng Nam Thaco

Ngoài ra, Nghị quyết số 115/NC-CP ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện các Nghị định, Nghị quyết, Quyết định về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã cụ thể hóa thành một số chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương.

Cụ thể, tỉnh đã ban hành Quyết định số 1286/QĐ-UBND, ngày 24/4/2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 22/01/2014 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 – 2020.

Đến nay, công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Nam bước đầu đã hình thành một số ngành trong các lĩnh vực: cơ khí chế tạo (sản xuất kim loại, sản xuất các sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy…), dệt may (sản xuất sợi, dệt, dệt nhuộm, thêu, phụ kiện ngành may…), điện – điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất pin và ắc quy, sản xuất thiết bị điện chiếu sáng...).

công nghiệp hỗ trợ Quảng Nam

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Quyết định số 2042/QĐ-UBND ngày 04/7/2018 về Kế hoạch hành động của tỉnh Quảng Nam thực hiện Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Hàng năm, chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện quy định hướng dẫn của Trung ương về phát triển công nghiệp hỗ trợ; cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, đơn giản hóa hồ sơ thủ tục, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; tích cực hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư ổn định sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hơn nữa, tỉnh đã cụ thể hóa các nội dung, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị tại Kế hoạch số 5050/KH-UBND ngày 10/9/2018 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình số 16-CTr/TU ngày 26/6/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Quảng Nam
Quảng Nam

Tại buổi làm việc với các sở, ngành, huyện Núi Thành, doanh nghiệp để nghe báo cáo tiến độ thực hiện “Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai” mới đây vào ngày 18/9/2024, Giám đốc Sở Công Thương Lê Vũ Thương cho hay, đơn vị đã khảo sát thực tế tại THACO và các doanh nghiệp sản xuất, gia công cơ khí trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai (143 doanh nghiệp của 9 khu công nghiệp và 9 huyện đồng bằng) và sơ bộ đánh giá được hiện trạng của các doanh nghiệp có khả năng tham gia vào chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình làm việc với các sở, ngành, huyện Núi Thành, doanh nghiệp để nghe báo cáo tiến độ thực hiện Đề án vào ngày 18/9/2024. (Ảnh: quangnam.gov)

Sở Công Thương cũng làm việc với đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (thuộc Bộ Công Thương) để xây dựng đề cương nhiệm vụ, dự toán đề án và xác định cơ sở pháp lý và sản phẩm đầu ra của đề án; theo dõi, trình cấp thẩm quyền quyết định ban hành.

Theo đó, thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai theo hướng: (1) Cần lồng ghép, gắn kết chính sách, chương trình khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai với các chính sách, chương trình liên quan khác. (2) Cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cụ thể và thực tiễn trong thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai. (3) Tập trung hình thành, phát triển hợp tác liên kết sản xuất theo cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành cụm liên kết trong một số lĩnh vực có tiềm năng.

Quảng Nam

Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng chính sách và giải pháp hiệu quả để công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ Quảng Nam phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể là đánh giá hiện trạng và khả năng hợp tác liên kết sản xuất theo cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu Kinh tế mở (KKTM) Chu Lai; đánh giá tiềm năng phát triển cụm liên kết ngành CNHT và công nghiệp cơ khí tại KKTM Chu Lai. Xây dựng thí điểm cơ chế chính sách và giải pháp phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại KKTM Chu Lai, với Thaco Industries là công ty đầu chuỗi.

Chia sẻ thêm về một số nét chính trong Đề án, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, điểm nhấn là xây dựng chính sách của Chính phủ thí điểm phát triển Cụm liên kết ngành CNHT và công nghiệp cơ khí tại KKTM Chu Lai.

Chính sách Thuế: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp từ khi doanh nghiệp có thu nhập; Miễn thuế đối với nguyên vật liệu và linh kiện trong nước chưa sản xuất được; Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô cho phần linh kiện trong nước sản xuất được.

Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Trung (thuộc Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương): đề xuất đặt tại Khu kinh tế mở Chu Lai, với sự hỗ trợ đầu tư và điều hành của Thaco Industries.

Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại KKTM Chu Lai và tỉnh Quảng Nam: Hỗ trợ vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Hỗ trợ đầu tư công nghệ và nghiên cứu và phát triển từ Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (Bộ Công Thương)…

Chính sách phát triển hạ tầng và logistics đồng bộ KKTM Chu Lai: phát triển nâng cấp hạ tầng và thủ tục đồng bộ về cảng biển, hàng không, đường bộ…

Khu kinh tế mở Chu Lai
Quảng Nam

Các giải pháp khác của tỉnh Quảng Nam như:

Hỗ trợ phát triển Cụm liên kết ngành và Vườn ươm doanh nghiệp ngành Cơ khí và CNHT tại KKTM Chu Lai: Hỗ trợ tìm kiếm Nhà cung cấp/nhà đầu tư vào Cụm, Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái sản xuất các cụm linh kiện/sản phẩm hoàn chỉnh, Hỗ trợ nâng cao năng lực, kết nối khách hàng trên toàn quốc và toàn cầu…

Tăng cường năng lực công nghiệp Quảng Nam đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu: (1) Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các quy trình/tiêu chuẩn/hệ thống quản lý quốc tế; (2) Cải thiện chất lượng đào tạo nghề phục vụ các lĩnh vực công nghiệp liên quan; (3) Đào tạo năng lực tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp cho cán bộ cơ quan ban ngành tỉnh; (4) Dịch vụ hành chính công một cửa hỗ trợ các nhà đầu tư vào KKTM Chu Lai và Quảng Nam…

Hỗ trợ thúc đẩy liên kết ngành cơ khí Quảng nam với toàn quốc và quốc tế: (1) Xây dựng các chương trình xúc tiến công nghiệp cơ khí Quảng Nam để tìm kiếm khách hàng và nhà cung cấp tại VN và quốc tế; (2) Tổ chức khu gian hàng CNHT/Cơ khí Quảng Nam tại các hội chợ công nghiệp chế tạo trong và ngoài nước; (3) Khuyến khích đầu tư FDI vào các lĩnh vực có quy mô thị trường và lan tỏa được sang nội địa; (4) Công bố, quảng bá, duy trì và kết nối trực tuyến dữ liệu về doanh nghiệp/sản phẩm công nghiệp cơ khí tỉnh Quảng Nam với khách hàng tại Việt Nam và trên toàn cầu.

 

 

Về vấn đề này, ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Công Thương phối hợp với các ngành và Thaco Industries cập nhật thực tiễn của Quảng Nam, rà soát các chính sách vượt trội, trong đó làm rõ các chính sách về thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu linh kiện và cơ chế thúc đẩy nội địa hóa linh kiện ô tô… để hoàn thiện báo cáo trình UBND tỉnh xem xét, đưa vào nội dung làm việc với Thủ tướng sắp tới.

 

Quảng Nam
Quảng Nam

Thời gian đến, tỉnh Quảng Nam sẽ định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) theo cụm liên kết ngành.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Nam, các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chính cần tập trung phát triển bao gồm: CNHT ngành cơ khí, CNHT cho sản xuất lắp ráp ô tô, CNHT lĩnh vực dệt – may; ngoài ra còn có CNHT lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao.

Để góp phần thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đồng thời thu hút các doanh nghiệp công nghiệp nói chung, doanh nghiệp CNHT nói riêng vào đầu tư vào địa bàn, Sở Công Thương cho rằng, tỉnh Quảng Nam cần tập trung triển khai thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Quảng Nam về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong đó, trọng tâm tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nguyên liệu, cung cấp điện ổn định phục vụ tốt cho sản xuất… tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt sản xuất, thúc đẩy các dự án đi vào hoạt động, gia tăng năng lực sản xuất mới. Đồng thời, có các đề xuất phương án, tham mưu UBND tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc cho doanh nghiệp và tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính.

công nghiệp hỗ trợ Quảng Nam
công nghiệp hỗ trợ Quảng Nam
công nghiệp hỗ trợ Quảng Nam

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng nghiên cứu các giải pháp để tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Đồng thời triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; đẩy mạnh hoạt động người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam; tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch phát triển thương mại điện tử, Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP và các Hiệp đinh FTA mà Việt Nam là thành viên, Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có khả năng cao của tỉnh… nhằm kích cầu tiêu thụ.

Theo Kế hoạch số 4691/KH-UBND ngày 25/6/2024 về Tái cơ cấu ngành Công thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam cơ bản đạt được các tiêu chí là tỉnh có cơ cấu nền công nghiệp hiện đại, vững mạnh với khả năng thích ứng, chống chịu cao; đưa tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 28,7 %; đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 15 - 16%/năm…

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Quảng Nam xác định, trong lĩnh vực công nghiệp, sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án phát triển các ngành công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đưa ngành công nghiệp trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, tập trung các nhóm dự án công nghiệp chủ lực gồm mở rộng Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải; phát triển công nghiệp chế biến - chế tạo theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

"Tỉnh thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp, hướng vào phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực và ưu tiên thúc đẩy phát triển công nghiệp đi vào chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, đảm bảo tính chủ động của nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa", ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

Quảng Nam

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, gồm: công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano,...

Phát triển hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển công nghiệp của tỉnh, nhất là các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn và các lĩnh vực khuyến khích phát triển, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp

Quảng Nam

Kế hoạch lần này cũng nêu rõ, tỉnh Quảng Nam tập trung xây dựng triển khai các đề án phát triển công nghiệp gồm: Đề án hình thành và phát triển Trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp Silica; Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, thúc đẩy hình thành cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí.

Hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn trong các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành; nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia.

          

Thực hiện: Hạ Vĩ

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí