Năm 1958, Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được khởi công xây dựng. Ba năm sau, ngày 24/2/1961, Nhà máy chính thức đi vào hoạt động, trở thành cơ sở đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà cả Đông Dương sản xuất bóng đèn và phích nước. Ngày 28/4/1964, Rạng Đông vinh dự được đón Bác Hồ về thăm Nhà máy và từ đó, đây đã trở thành ngày truyền thống của Công ty. Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, tròn 60 năm ngày Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân Nhà máy, Rạng Đông hôm nay đã thực sự chuyển mình, sẵn sàng cho một hoa giáp mới, một kỷ nguyên mới với một sức sống mới, một khát vọng mới.
Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, có thể nói Rạng Đông đã trải qua 5 lần chuyển đổi, được ví như 5 lần “tái khởi nghiệp”. Mỗi lần tái khởi nghiệp là một lần chuyển đổi tầng công nghệ, tái cơ cấu để bước lên một tầm cao mới.
Khởi nghiệp lần 1: Là thời điểm Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là 1 trong 13 nhà máy được Bác Hồ và Chính phủ chọn lựa xây dựng trong thời điểm hoà bình lập lại sau những năm kháng chiến, khởi đầu của nền công nghiệp nhẹ Việt Nam – thực hiện sứ mệnh sản xuất thiết bị chiếu sáng dân dụng.
Khởi nghiệp lần 2: Vừa sản xuất vừa chiến đấu, đứng lên từ đống đổ nát của chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Khởi nghiệp lần 3: Xoá bỏ bao cấp, tự trang trải trong cơ chế thị trường. Vượt qua bờ vực phá sản, tự chủ đi lên bằng sự nỗ lực và lòng quả cảm. Lần tái khởi nghiệp này, Rạng Đông phải đóng cửa Nhà máy 9 tháng, tinh giảm hàng trăm lao động, bắt đầu làm quen với với cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
Khởi nghiệp lần 4: Làm chủ công nghệ chiếu sáng Led, xác lập vị thế dẫn đầu trong ngành chiếu sáng, hội nhập quốc tế, trở thành “hiện tượng Rạng Đông”.
Khởi nghiệp lần 5: Chủ động và quả cảm trong tự làm mới, tự thay đổi, thực hiện Chuyển đổi số bằng lý luận và cách làm phù hợp.
Theo ông Lê Thanh Hà – Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên nhận xét, sau 60 năm với 5 lần khởi nghiệp, Rạng Đông đã đi trọn một hoa giáp với nhiều thành tựu, trở thành hiện tượng, với hơn 30 năm tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước cả về chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Cứ mỗi lần chuyển tầng công nghệ, Rạng Đông lại tiến thêm một bước cơ bản và rất vững chắc, vượt qua được tình thế “sao đổi ngôi” mà ngay cả các công ty lớn cũng đã và đang gặp phải.
Vào thời điểm năm 2019, đứng trước bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ, ngày 18/7/2019, Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng ký quyết định thành lập Chương trình trọng tâm số 01 – Chương trình chuyển đổi số Công ty. Mục tiêu của Chương trình là chuẩn bị mọi điều kiện để Rạng Đông trở thành một công ty phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số, thích ứng với cạnh tranh số và khách hàng số.
Ngày 25/7/2019 Công ty chính thức cho ra đời Quỹ đầu tư mạo hiểm.
Ngày 12/8/2019 Rạng Đông thành lập Trung tâm Sáng tạo ý tưởng mới.
Đó là những bước đi chưa từng có tiền lệ, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Công ty tạo dựng một môi trường sáng tạo, thúc đẩy hoạt động đổi mới. Tất cả những điều này được hy vọng là nền tảng quan trọng để tạo nên sức mạnh cạnh tranh cho Công ty trước sự chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế số trên toàn cầu.
Từ năm 2020, Đại hội đồng cổ đông thường niên Rạng Đông quyết định dành 15%/năm lợi nhuận sau thuế cho Nghiên cứu Phát triển và 7% lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm.
Kết quả, sau 5 năm chuyển đổi số, giai đoạn 2020-2023, Công ty đạt mức tăng trưởng doanh thu 20,4%/năm, bất chấp đây là giai đoạn đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển của các doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu năm 2024, Công ty đạt mức tăng doanh thu 31% so với năm 2023. 9 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, doanh thu tăng 27,1% so với kế hoạch. Đây là con số đáng mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp trong tình hình vẫn còn nhiều khó khăn chung của nền kinh tế.
Nhìn lại 5 năm chuyển đổi số, kết quả rõ nét nhất có thể nhìn thấy là Công ty đã tạo lập được mặt bằng tăng trưởng mới ở mức 15-20% so với thời kỳ trước khi thực hiện chuyển đổi số là 8-10%.
Bên cạnh đó, hoàn thiện và phát triển Hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ 4.0+, đẩy nhanh tiến độ tổ hợp, tích hợp, đưa công nghệ IoT và AI, phát triển các thuộc tính nổi trội của công nghệ số, tạo tiền đề để thích ứng với thị trường và khách hàng, góp phần mở rộng không gian tăng trưởng. Đồng thời, tối ưu hóa năng lực sản xuất, điều hành sản xuất thông minh, linh hoạt, thúc đẩy tự động hóa, robot và AI hóa, thông minh hóa sản xuất, tạo nên một mặt bằng năng suất, chất lượng mới, đảm bảo đủ hàng hóa với tốc độ tăng trưởng cao.
Mặt khác, triển khai DBM, đồng bộ hóa 3 phương thức kinh doanh, từ đa kênh tiến tới hợp kênh, bước đầu đưa Rạng Đông tham gia, cộng sinh vào các chuỗi cung ứng và các nền tảng, chủ động thử nghiệm phát triển nền tảng Rallismart do Rạng Đông làm chủ. Bước đầu đã định hình được thế hệ kinh doanh mới – kinh doanh công nghệ từ đội ngũ hiện có, chuẩn bị sẵn sàng khi bước vào kỷ nguyên mới, với phương thức sản xuất số, sản xuất xanh.
Trong đó, chuyển đổi số là phương tiện, chuyển đổi xanh là đích đến. Chuyển đổi số là sử dụng công nghệ số để hình thành phương thức sản xuất – kinh doanh mới với năng lực gia tăng hiệu suất và hiệu quả gần như không giới hạn. Chuyển đổi xanh là chung tay kiến tạo cuộc sống thân thiện môi trường, thông minh, hạnh phúc, phát triển bền vững. Ngôi nhà chuyển đổi Kép của Rạng Đông – là bản thiết kế tương lai Số và Xanh của một doanh nghiệp có bề dày truyền thống, đang chuyển mình mạnh mẽ thích ứng với xu thế thời đại, đồng hành cùng Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Kết thúc một hoa giáp, để thực hiện bước chuyển mình sang một kỷ nguyên mới, sức sống mới – khát vọng mới, từ nửa cuối năm 2023, Rạng Đông đã tiến hành 6 thử nghiệm đột phá chiến lược.
Một là, chuyển từ chuyển đổi số sang chuyển đổi kép: Số và Xanh
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là bạn đồng hành, bổ sung cho nhau. Chuyển đổi số là phương tiện, công cụ với mục tiêu thực hiện chuyển đổi xanh. Rạng Đông tiếp tục thực hiện vòng lặp 3 chuyển đổi số, đồng bộ hóa từng phần mở rộng, tiến tới đồng bộ hóa toàn phần, nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.
Để chuyển đổi xanh, Rạng Đông luôn chú trọng đến yếu tố môi trường trong quá trình sản xuất. Việc sử dụng công nghệ tự động hóa và robot hóa giúp giảm thiểu lãng phí nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải, chất thải ra môi trường. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng, nếu như vào năm 2019, để tạo ra 1 tỷ đồng doanh thu sản phẩm chiếu sáng, Rạng Đông đã sử dụng đến 0,497 TOE. thì nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và áp dụng các công nghệ hiện đại, đến tháng 9/2024, Rạng Đông chỉ cần 0,147 TOE cho cùng 1 tỷ doanh thu, giảm đến 70% năng lượng sử dụng.
Bên cạnh đó, Rạng Đông sử dụng lò điện sản xuất thủy tinh không ống khói, không thải ra bụi, không thải khí CO2 ra môi trường, không sử dụng amiang trong sản xuất ruột phích, sản phẩm thủy tinh không chứa 259 chất có hại, đảm bảo an toàn cho sức khỏe và môi trường.
Hướng tới tiêu dùng xanh, Rạng Đông không ngừng nâng cấp, cải tiến để tạo ra các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao hơn, sản phẩm thông minh hơn, sử dụng năng lượng ít hơn, tuổi thọ dài hơn, giảm lượng rác thải ra môi trường. Đã có hơn 130 sản phẩm của Công ty được dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, Rạng Đông cũng phát triển sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo như đèn năng lượng mặt trời, hệ thống điện áp mái có tích hợp trí tuệ nhân tạo để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh.
Hai là, đưa nhanh thành tựu của I 4.0+ vào tất cả mọi hoạt động
Nhấn mạnh mô hình phát triển bằng công nghệ, phát triển kinh tế tri thức, nhanh và bền vững. Tập trung xây dựng đội ngũ thành thế hệ kinh doanh công nghệ, thành thạo hoạt động trên môi trường số và biết tương tác tối ưu hóa giữa thế giới thực và bản sao số. Đồng thời, khẩn trương, tăng tốc đưa các thành tựu của I-4.0⁺, đặc biệt là những đột phá của IoT với sự tích hợp sâu của AI vào tất cả các lĩnh vực cốt lõi…
Ba là, tái cấu trúc Hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ I-4.0⁺
Lý luận về phát triển Hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ I-4.0⁺ dựa trên nền tảng là nền sản xuất điện tử, quy mô lớn và hệ thống phân phối rộng khắp, kết hợp lõi công nghệ chiếu sáng và IoT để phát triển mở rộng sang các vùng lân cận tạo thành tháp sản phẩm với 6 lớp thực tế trong những năm qua khẳng định tính đúng đắn.
Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao từ 0%, tăng lên 30%, tăng lên 45% góp phần quan trọng nâng cao tốc độ tăng trưởng. Ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu AI, giúp cá nhân hóa trải nghiệm của người tiêu dùng, giúp thực hiện mục tiêu sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh, cuộc sống xanh.
Mục tiêu tỷ trọng công nghệ cao đạt 70% với quy mô doanh thu ngày càng lớn đòi hỏi phải khẩn trương đầu tư nguồn lực lớn ứng dụng AI vào Hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ I-4.0⁺ nhằm từng bước nhanh chóng chuyển các giai đoạn của đường cong chấp nhận công nghệ mới.
Bốn là, chuyển đổi từ nhà máy sản xuất công nghiệp truyền thống sản xuất bóng đèn phích nước tiền internet thành Nhà máy sản xuất điện tử hiện đại, công nghệ cao, hệ thống sản xuất và điều hành: Xanh - Thông minh - Linh hoạt - Quản lý chất lượng tin cậy đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Để thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu trở thành doanh nghiệp dân tộc Việt Nam tầm khu vực, dẫn dắt một chuỗi cung ứng, doanh thu tầm tỷ đô, tỷ suất lợi nhuận trên 10% phải đầu tư phát triển cả khâu đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) khâu thiết kế, tự sản xuất linh kiện chính, lắp ráp trên dây chuyền hiện đại do Việt Nam chế tạo, khâu bán hàng chuyển từ hình ống sang DBM, chuyển từ kinh doanh sản phẩm sang kinh doanh dịch vụ, trải nghiệm khách hàng trong Hệ sinh thái kinh doanh dựa trên nền tảng PBE.
Chương trình chuyển đổi số phải chú trọng các mục tiêu sản xuất xanh, từng bước đạt các chỉ tiêu cụ thể của sản xuất xanh là hộ chiếu cho sản phẩm Rạng Đông đi ra thế giới.
Năm là, thực hiện Mô hình kinh doanh số DBM và tăng tỷ trọng doanh thu cung cấp cho các công trình/ dự án
Năm 2024-2025 hoàn thành mô hình đa kênh. Đảm bảo chất lượng sản phẩm/dịch vụ – tin cậy, uy tín. Đầu tư phát triển 3 phương thức bán hàng vận hành đồng bộ và đẩy mạnh phát triển phương thức thương mại điện tử. Phát triển mạnh sản xuất mô-đun, mở rộng các đối tác trong hệ sinh thái đa kênh, kết nối trên nền tảng công nghệ RalliSmart.
Chuẩn bị tiền đề từ năm 2025 phát triển mô hình kinh doanh nền tảng và Hệ sinh thái kinh doanh dựa trên các nền tảng số PBE.
Sáu là, xây dựng nguồn nhân lực thế hệ mới, chuẩn bị mô hình tổ chức - hoạt động mới, kế thừa và phát triển bản sắc văn hóa Rạng Đông thời đại số
Xây dựng nguồn nhân lực thế hệ mới, đặc biệt đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp và nhân tài số. Nâng năng lực số toàn công ty. Phát triển thế hệ kinh doanh công nghệ.
Chuẩn bị Mô hình tổ chức - hoạt động mới: Dịch chuyển từ cấu trúc phân tầng chức năng sang cấu trúc mạng lưới phẳng phân lớp dựa trên các đội nhóm sáng tạo – tự chủ.
Phát triển bản sắc văn hóa Rạng Đông trong thời đại số, văn hóa số gắn liền với đổi mới – sáng tạo, phát triển bộ Gen 6T + của người Rạng Đông.
Ở tuổi 60, Rạng Đông lại bắt đầu một lần tái khởi nghiệp mới. Nhưng lần khởi nghiệp này, Rạng Đông đã mang một tâm thể hoàn toàn mới với những lần khởi nghiệp trước.
Sự khác biệt đầu tiên cần được nhắc đến là sự chủ động, thể hiện trên cả hệ thống, từ lãnh đạo cao nhất đến từng cá nhân. Ngay từ giữa năm 2023, Rạng Đông đã tiến hành các thử nghiệm đột phá. Từ 2/5/2024, Rạng Đông bước vào khởi điểm lịch sử mới, hiện thực hóa Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ.
Công ty sẵn thử nghiệm để tạo đột phá. Tăng tốc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi hoạt động, tạo đột phá khẩu trong kỷ nguyên mới. Mỗi cá nhân dám bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình, tự phá huỷ để tái sinh trở lại ở vòng lặp cao hơn nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Ban lãnh đạo.
Đặc biệt, đổi mới sáng tạo đã trở thành một phần của văn hoá Rạng Đông mới, phong trào đổi mới sáng tạo đem lại doanh thu, lợi nhuận và phần thưởng thiết thực. Vì thế, 2.400 cán bộ công nhân viên Công ty đều mang khát vọng cháy bỏng tạo ra một kỷ nguyên mới với mức thu nhập cao gấp 2-3 lần so với hiện tại.
Với đội ngũ mới, tinh thần mới, động lực mới, khát vọng mới, Rạng Đông đã sẵn sàng cho một hoa giáp mới, một kỷ nguyên mới của phương thức sản xuất số đi đôi với bảo vệ môi trường.
Sau một hoa giáp thực hiện Lời dạy của Bác Hồ (28/4/1964-28/4/2024), đặc biệt sau 5 năm chuyển đổi số (2020-2024) Rạng Đông bước vào khởi điểm lịch sử mới, chuyển mình vươn lên cùng dân tộc, phấn đấu vì Việt Nam thành nước phát triển, thu nhập cao với phương thức sản xuất số và sản xuất xanh. Phấn đấu đến năm 2030 là một trong 120 doanh nghiệp dân tộc có doanh thu tầm tỷ đô, dẫn đầu chuỗi cung ứng Smart Home, có thương hiệu tầm khu vực.
Thành tựu của 5 năm chuyển đổi số đã tạo được niềm tin cho người Rạng Đông, từ đó lan tỏa niềm tin trong khách hàng và cộng động rằng, Rạng Đông đang thực sự chuyển mình mạnh mẽ trong hoa giáp mới, đang khởi nghiệp ở tuổi 60, đang nắm bắt cơ hội lịch sử để viết tiếp kỳ tích mới – Rạng Đông của thời đại số.
“Muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa đi cùng nhau”. Rất nhiều đối tác đã lựa chọn đi xa cùng Rạng Đông trên con đường tương lai phía trước, cùng cộng sinh, cùng phát triển, bởi họ nhìn thấy ở Rạng Đông sự tin tưởng. Ông Nguyễn Mạnh Tùng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Song Nam cho biết, Song Nam đang đầu tư phát triển nền tảng AI, IoT kết hợp cùng hệ sinh thái thiết bị của Rạng Đông hướng tới giải quyết các bài toán về tự động hoá trong căn hộ thông minh, toà nhà thông minh, khu đô thị thông minh, rộng hơn là thành phố thông minh trong tương lai. Việc này có thể gia tăng được doanh thu cho cả hai bên. Chúng tôi là Công ty chuyên phát triển phần mềm, kết hợp với Rạng Đông có hệ sinh thái khép kín về thiết bị, như vậy ta có nền tảng hoàn thiện hướng tới bài toán người Việt đồng bộ được cả phần cứng và phần mềm.
Chúng tôi cho rằng, xây dựng căn hộ thông minh, toà nhà thông minh, khu đô thị thông minh chính là một phần của chuyển đổi số. Chính phủ hiện nay đang rất quan tâm tới vấn đề này và đang khuyến khích doanh nghiệp có nhiều nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm chuyển đổi số. Do đó, hy vọng rằng, sự kết hợp của Song Nam và Rạng Đông sẽ tạo ra các sản phẩm mang lại sự cạnh tranh trên thị trường, giữ được thị phần với các doanh nghiệp nội địa hiện nay.
Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng 4.0, thị trường còn rất tiềm năng, nhưng cũng sẽ cạnh tranh rất tàn khốc. Do đó, nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm ra sản phẩm mà khách hàng có thể đón một cách dễ dàng ngay cả về đặc tính, chất lượng của sản phẩm cũng như về giá thành. Tôi tin rằng, cùng Rạng Đông, chúng tôi sẽ tạo ra những sản phẩm với thế mạnh nhất định, để có thể cạnh tranh được trong thị trường khốc liệt như vậy.
Về phía Viettel, một đơn vị rất tên tuổi trong ngành Viễn thông cũng rất tin tưởng trong việc hợp tác với Rạng Đông. Ông Bùi Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp CNTT và Dịch vụ số Tập đoàn Viettel – Tổng công ty Viễn thông Viettel (VTT) chia sẻ, ở mảng viễn thông Viettel đang đứng ở vị trí số 1, nhưng đối với lĩnh vực dịch vụ số thì Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp hàng đầu, đặc biệt là lĩnh vực smarthome thì Viettel xác định mình vẫn là “đàn em”. Trong công cuộc phát triển các dịch vụ số, về cơ bản là không thể đi một mình. Vì vậy, việc hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu là tất yếu. Thế mạnh của Viettel kết hợp với thế mạnh của Rạng Đông sẽ đưa ra những sản phẩm giúp cho người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận với công nghệ số. Thứ nhất, đưa camera Viettel lên các ứng dụng của Rạng Đông vì có ứng dụng Rallismart có thể điều khiển được camera của Viettel. Việc này giúp làm giàu hệ sinh thái của Rạng Đông, cung cấp sản phẩm cho hộ gia đình. Thứ hai, ngược lại, toàn bộ các sản phẩm của Rạng Đông được tích hợp trên nền tảng Viettel Home của Viettel. Bằng việc hợp tác này giúp cho trải nghiệm khách hàng ở Việt Nam được tốt hơn, thuận tiện hơn, dễ dàng cho việc tích hợp các thiết bị của hai bên sang nền tảng của nhau và mang đến một hệ sinh thái tốt hơn cho khách hàng, cùng nhau hỗ trợ, chăm sóc khách hàng. Và đây sẽ là mảng thị trường tăng trưởng rất nhanh trong thời gian tới.
Đại diện cho thế hệ trẻ start up, anh Phạm Ngọc Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ cao và Dịch vụ phần mềm FaceNet chia sẻ rằng, trong quá trình làm việc với Công ty, điều anh cảm nhận được chính là tinh thần cởi mở, hợp tác và xây dựng một hệ sinh thái cộng sinh cùng phát triển - đây là một tinh thần rất mới. Các doanh nghiệp ở Việt Nam đôi khi đâu đó vẫn có một số trở ngại về việc hợp tác, vẫn còn dè chừng nhau, nhưng khi vào Rạng Đông thì FaceNet cảm thấy rất rõ việc được chia sẻ, được hỗ trợ, được đồng hành và cùng phát triển, từ đó những giải pháp công nghệ của FaceNet cũng đã có cơ hội để đi vào thị trường. Tinh thần của Rạng Đông thực sự là tinh thần vì dân tộc phát triển, vì người lao động. FaceNet hiện đang cung cấp công nghệ AI cho các cho các cơ sở bên Đức các giải pháp nhận diện bệnh ung thư da, dấu hiệu nhận biết bệnh vẩy nến, bệnh về tóc... Hay mới đây đã triển khai các giải pháp về sử dụng khuôn mặt để thực hiện chuyển khoản cho 2 trong top 6 ngân hàng lớn tại Việt Nam. Chia sẻ thế để thấy, tức là công nghệ người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, nhưng làm sao để đưa công nghệ đấy vào thực tiễn thì cần có môi trường. Và chúng tôi thực sự rất cảm ơn các doanh nghiệp như Rạng Đông - những đơn vị có tinh thần cởi mở, hợp tác và đồng hành để giúp chúng tôi có môi trường để triển khai được các ý tưởng và giải pháp của mình và cùng nhau phát triển.
Có thể thấy sự tin tưởng của các đối tác với Rạng Đông rõ ràng như thế nào. Cũng có thể thấy Rạng Đông đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào cho lần chuyển mình này với một khát vọng mãnh liệt, lột xác thành một Rạng Đông mới, một doanh nghiệp tỷ đô công nghệ cao mang tầm khu vực năm 2030.