Tận dụng FTA thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thế mạnh: Thực tiễn ở Cần Thơ
20/12/2023 lúc 12:45 (GMT)

Tận dụng FTA thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thế mạnh: Thực tiễn ở Cần Thơ

 

Cần Thơ là một trong những địa phương được đánh giá sớm chủ động triển khai nhiều hoạt động thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về các FTA và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tận dụng những ưu đãi, cam kết của các FTA.

Những kết quả tích cực trong hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Thành phố phần nào cho thấy hiệu quả của những hoạt động thực thi FTA trên địa bàn Cần Thơ.

thực thi FTA

Theo Sở Công Thương Cần Thơ, thời gian qua Sở thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin từ Bộ Công Thương, các Thương vụ tại nước ngoài nhằm kịp thời chuyển tải thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu, những thông tin cảnh báo về rào cản kỹ thuật, yêu cầu của các nước nhập khẩu, nhu cầu nhập khẩu, để doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của nước nhập khẩu.

Hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký; thường xuyên cập nhật và triển khai các văn bản về hội nhập quốc tế đến doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Phối hợp với các Cục, Viện, trường tổ chức các lớp tập huấn nhằm tuyên truyền các FTA do cho các sở, ngành, cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, nhất là thông tin, tuyên truyền về các Hiệp định thương mại thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA,…

Đáng chú ý, TP. Cần Thơ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động, sự kiện phổ biến, hướng dẫn sâu rộng tới doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cũng như phối hợp với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngay từ khi các FTA mới đi vào thực thi và được duy trì thường xuyên cho đến nay. Đặc biệt tập trung vào những ngành hàng chủ lực của Thành phố.

           
Anh Dương

Có nhiều địa phương tổ chức các hoạt động rất thường xuyên và cũng trao đổi thường xuyên với Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và kể cả với mạng lưới chuyên gia để có thể hỗ trợ.

Ví dụ như Cần Thơ chẳng hạn, họ rất tích cực mời các chuyên gia tham gia trình bày cho cộng đồng doanh nghiệp và cũng như mời các chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong những vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải khi thực thi các FTA.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

          
xuất khẩu

Việc tận dụng các FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ cùng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức độ sâu nhất theo lộ trình đã đẩy mạnh tăng trưởng thương mại, đa dạng hóa thị trường và tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Thành phố.

Theo số liệu của Sở Công Thương Cần Thơ, sau năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, tình hình xuất khẩu hàng hóa của Thành phố trong năm 2022 sang các thị trường FTA thế hệ mới đã phục hồi và tăng trưởng khả quan.

Trong đó đối với thị trường CPTPP, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 114 triệu USD, với các mặt hàng chủ yếu gồm: Động vật và sản phẩm động vật 79 triệu USD; nguyên liệu dệt và các sản phẩm dệt 27 triệu USD; thực phẩm chế biến, đồ uống 5 triệu USD…

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố sang thị trường các nước CPTPP đạt 241 triệu USD với các nhóm hàng chủ yếu bao gồm: Động vật và sản phẩm động vật 85 triệu USD; thực phẩm chế biến, đồ uống 72 triệu USD; chất béo và dầu có nguồn gốc từ động vật hoặc thực vật 18 triệu USD…

Ở chiều ngược lại, năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của Thành phố từ thị trường CPTPP đạt 33 triệu USD; năm 2022 tăng mạnh lên mức 74 triệu USD với chủ yếu là các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như: Xăng, dầu các loại, nhựa đường; nguyên liệu dệt và các sản phẩm dệt; máy móc, thiết bị; hóa chất và sản phẩm hóa chất; kim loại cơ bản và các sản phẩm bằng kim loại cơ bản…              

Đối với thị trường thành viên EVFTA, kim ngạch nhập khẩu của Thành phố năm 2021 đạt 32 triệu USD; năm 2022 tăng mạnh 218,75% và đạt mức 102 triệu USD với các nhóm hàng chủ yếu gồm: Động vật và sản phẩm từ động vật 27 triệu USD; thực phẩm chế biến và đồ uống 17 triệu USD; thực vật và sản phẩm từ thực vật 13 triệu USD; gạo 7 triệu USD…

Chiều ngược lại, năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của Thành phố từ thị trường thành viên EVFTA đạt 30 triệu USD; năm 2022 đạt 15 triệu USD.

Đối với Hiệp định UKVFTA, mặc dù mới đi vào khai thác chưa lâu nhưng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố sang thị trường Vương quốc Anh đạt 4 triệu USD với các nhóm hàng chủ yếu bao gồm: Thủy, hải sản; dệt may; thực phẩm chế biến…

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố sang thị trường Vương quốc Anh tăng gấp đôi so với năm 2021, đạt 8 tỷ USD chủ yếu là các nhóm hàng: Thủy sản, thủy sản chế biến; giày dép; dệt may; thực phẩm chế biến…

Ở chiều ngược lại, TP. Cần Thơ chủ yếu nhập khẩu từ thị trường Vương quốc Anh là các nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất của các lĩnh vực công nghiệp chế biến như: Máy móc, thiết bị; hóa chất, sản phẩm hóa chất; kim loại và các sản phẩm bằng kim loại…

Đặc biệt đối với lĩnh vực thế mạnh là thủy sản, toàn TP. Cần Thơ có 67 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Hàng hóa xuất khẩu đến trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó xuất khẩu sang nhiều nhất là Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Brazil, Canada, Hà Lan, Anh, Bỉ, Úc…

Năm 2022, sản lượng xuất khẩu thủy sản của Thành phố đạt khoảng 183,48 ngàn tấn, tăng 26,63% so với cùng kỳ; với kim ngạch ước đạt 600,07 triệu USD, tăng 36,46% so với cùng kỳ. Trong 8 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 110,96 ngàn tấn, với kim ngạch ước đạt 364,17 triệu USD, đạt 71,66% kế hoạch. Các sản phẩm xuất khẩu gồm: cá tra đông lạnh, cá tra fillet, cá tra cắt miếng xiên que, tẩm bột, cá viên, chả cá (cá tra, cá biển); tôm đông lạnh, tôm xẻ bướm đông lạnh, tôm tẩm bột chiên; surimi,…

Một nhóm hàng chủ lực khác của Thành phố là trái cây cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng xuất khẩu tích cực. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu trái cây và trái cây chế biến đạt khoảng 170,17 triệu USD, tăng 31,41% so với cùng kỳ. Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 102,53 triệu USD, đạt 67,7% kế hoạch.

          
Cần Thơ

Các FTA thế hệ mới đã tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Ðồng thời, mở ra cơ hội thúc đẩy các doanh nghiệp thành phố tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Thành phố đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu.

Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ

          

Ðể tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, TP. Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, nhất là trước xu hướng gia tăng các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chủ động nắm bắt thông tin, các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo của các bộ, ngành để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, định hướng thị trường tại địa phương; hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; xây dựng, củng cố đội ngũ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập. Tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống logistics; tăng cường liên kết các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại...

gao xuat khau
sau rieng
thuy san
det may
các FTA

Tuy nhiên, đi liền với thuận lợi là những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải như áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước do hàng hóa chất lượng cao từ các nước được mở rộng vào thị trường nước ta. Trong khi đó, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, năng lực sản xuất còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng cho các thị trường và các điều kiện ưu đãi thuế quan trong các FTA đã ký kết nên vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội từ FTA.

Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ có quy mô nhỏ và vừa nên chưa có phân công cán bộ phụ trách liên quan đến các cam kết để thực thi có hiệu quả, chỉ mang tính khái quát. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn thiếu thông tin về các đối tác kinh tế lớn và các nước; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu sang một số thị trường truyền thống; doanh nghiệp chưa mạnh dạn mở rộng, tìm kiếm thị trường mới…

Phát biểu tại Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI năm 2023 tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 10/2023, ông Huỳnh Thanh Sử đề nghị, Bộ Công Thương cần phát huy nguồn lực, lợi thế, giúp các địa phương trong tổ chức vùng trồng, phối hợp cùng các ngành để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất sạch, xanh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường EU. Đồng thời các bộ, ngành cần thường xuyên tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vấn đề thủy sản; giúp các địa phương kêu gọi đầu tư.

Quan tâm đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như doanh nghiệp thành phố Cần Thơ xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như: gạo, thủy sản, nông sản và nông sản thực phẩm chế biến, may mặc. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do.

Đối với địa phương, trong thời gian tới Cần Thơ tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền phổ biến thông tin về các Hiệp định thương mại tự do tới cộng đồng doanh nghiệp, dưới nhiều hình thức như hội nghị, hội thảo, tập huấn, cổng thông tin điện tử và các nền tảng số khác. Thường xuyên hỗ trợ về thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp thành phố tham gia trực tiếp vào các mạng lưới phân phối hàng hóa tại thị trường nước ngoài.

Tiếp tục nghiên cứu đề xuất Trung ương các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư trong và ngoài nước; thúc đẩy hình thành và phát triển các tổ chức kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, năng lực cạnh tranh cao.

Tăng cường liên kết các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại giữa Thành phố với các tỉnh, thành trong nước và đối tác quốc tế. Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, hệ thống các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại nước ngoài nhằm hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đến với người tiêu dùng nước ngoài. Tăng cường hỗ trợ, quảng bá xúc tiến xuất khẩu cho các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực, các ngành hàng có lợi thế, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của thành phố.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các nội dung có liên quan đến các quy định về thuế, thủ tục cấp C/O, hải quan, truy xuất nguồn gốc,… thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết Việt Nam đã tham gia.

Cần Thơ 2
          

Bài: Thanh Hà
Ảnh bìa và Thiết kế: Hoàng Phương

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí