Thâm nhập thị trường Thụy Điển hiệu quả thông qua Cổng FTAP
10/12/2023 lúc 10:25 (GMT)

Thâm nhập thị trường Thụy Điển hiệu quả thông qua Cổng FTAP

 

Thụy Điển - một trong các quốc gia có mức sống cao nhất thế giới, là thị trường xuất, nhập khẩu lớn tại khu vực Bắc Âu. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Thụy Điển bao gồm: Máy móc, phương tiện vận chuyển, giấy, dược phẩm, đồ gỗ…; các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm: Máy móc, nhiên liệu khoáng sản, thiết bị điện tử, phương tiện vận chuyển, sản phẩm nhựa, sắt, thép…

Với cơ cấu kinh tế và thương mại xuất, nhập khẩu không cạnh tranh trực tiếp, cùng ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do EVFTA tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam gia tăng giao thương với các đối tác Thụy Điển. Tuy nhiên hiện nay quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Điển chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn, cho nên tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào thị trường này rất lớn.

thị trường Thụy Điển

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin và khai thác thị trường Thụy Điển hiệu quả, tại địa chỉ: https://fta.gov.vn/index.php?r=site%2Fcountry-profile&id=215, Cổng thông tin về các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) cung cấp những điều cần biết cho các doanh nghiệp về thị trường Thụy Điển.

Các nội dung được Cổng FTAP kết cấu một cách hệ thống, dễ truy cập và theo dõi theo 4 mục nhỏ: Thông tin chung; Thủ tục Xuất - Nhập khẩu; Biện pháp phi thuế quan; Các quy định khác. Điều này giúp doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm đến thị trường Thụy Điển có thể thuận tiện tìm thấy nội dung, thông tin muốn nghiên cứu, nắm bắt.

Trong đó, 02 nhóm nội dung chủ yếu hữu ích cho doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu với thị trường này được Cổng FTAP tập trung thông tin là: Thủ tục xuất - nhập khẩu; Biện pháp phi thuế quan.

Giao diện mục thông tin thị trường Thụy Điển trên Cổng FTAP

Thụy Điển 1
thủ tục

Ở nhóm nội dung này, nhằm giúp doanh nghiệp nắm được cách thức quản lý, kiểm soát hàng hóa tại Thụy Điển trong bối cảnh nước này là một thành viên Liên minh Châu Âu (EU), Cổng FTAP giới thiệu về Liên minh hải quan châu Âu và quy trình, thủ tục hải quan của EU đối với hàng hóa.

Cổng FTAP cho biết, với Liên minh Hải quan châu Âu (ECU) được quản lý bởi các cơ quan hải quan của 27 nước thành viên, hoạt động như một thực thể duy nhất, các quốc gia thành viên EU áp dụng các quy tắc chung, không áp thuế giữa các quốc gia và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm tra giữa các nước thành viên cho phép hàng hóa được tự do di chuyển trong khối và chỉ kiểm soát các hoạt động xuất nhập khẩu với bên ngoài.

ECU có trách nhiệm giám sát hàng hóa giao thương với bên ngoài khu vực EU (đường biển, đường không và đường bộ) cũng như trong nội khối khu vực EU. Ngoài ra, ECU còn thực hiện các chức năng khác như thu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, nhằm đảm bảo thương mại bình đẳng và thu ngân sách….

Tiếp đó, Cổng FTAP cung cấp về quy trình, thủ tục hải quan của EU đối với hàng hóa bao gồm: thủ tục hải quan; điều kiện đối với hàng hóa nhập khẩu được đưa vào tiêu thụ; các thủ tục đặc biệt khác như hàng hóa quá cảnh đối với hàng hóa ngoại khối và hàng hóa nội khối, hàng hóa lưu kho hải quan và khu vực miễn thuế…

Bên cạnh việc thông tin về quy trình, thủ tục hải quan của EU, Nhóm nội dung này của Cổng FTAP dành dung lượng lớn cung cấp một cách dễ hiểu, đầy đủ về các quy định nhập khẩu của Thụy Điển.

Những thông tin được cung cấp, hướng dẫn cụ thể bao gồm: Thủ tục hải quan thông thường; thủ tục hải quan đơn giản; quy định về tờ khai hải quan; khai báo hải quan qua Internet; khai báo hải quan trên giấy tờ; các chứng từ cơ bản cần có khi khai hải quan; các loại phí đối với người nhập khẩu, người xuất khẩu hàng hóa vào Thụy Điển; thông tin liên hệ Cơ quan Hải quan Thuỵ Điển - Cơ quan chịu trách nhiệm làm các thủ tục thông quan hàng hoá khi nhập khẩu vào Thuỵ Điển…

Hướng dẫn các chứng từ cơ bản cần có khi khai hải quan nhập khẩu hàng hóa vào Thụy Điển đăng tải trên Cổng FTAP

chứng từ

Đáng chú ý, Cổng FTAP cho biết, Thuỵ Điển có những qui định nhập khẩu riêng đối với một số hàng hoá trong diện hạn chế nhập khẩu. Việc hạn chế có thể do: Chính sách thương mại; bảo vệ môi trường; sức khỏe và an ninh; ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch đối với động vật và thực vật. Ngoài ra, ở Thụy Điển, rượu thường bị đánh thuế rất nặng và chỉ được bán ở những cửa hàng đặc biệt.

Mặt khác, rất nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Điển yêu cầu bắt buộc phải có giấy phép, trong đó có hầu hết các mặt hàng dệt may và các sản phẩm sắt thép, thủy sản và nông sản. Trước khi nhập khẩu, nhà nhập khẩu nên tìm hiểu các qui định áp dụng đối với mặt hàng của mình và cần phải liên hệ với cơ quan cấp giấy phép trước khi tiến hành nhập khẩu.

          

Hàng mẫu của những sản phẩm cần phải xin giấy phép nhập khẩu vào Thụy Điển cũng phải thông qua các thủ tục xin giấy phép tương tự như đối với các lô hàng có tính chất thương mại.

Để đơn giản hóa thủ tục, Thụy Điển chấp nhận cấp giấy phép nhập khẩu trọn gói có giá trị lên đến 6 tháng. Theo đó, nhà nhập khẩu Thụy Điển có thể nhập khẩu nhiều lần một số lượng hàng mẫu nhất định có giá trị vừa phải từ một nước nào đó. Như vậy, nhà nhập khẩu không phải xin từng giấy phép riêng biệt cho từng lô hàng mẫu.

Cổng Thông tin điện tử về các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP)/ Hỗ trợ doanh nghiệp/ Thông tin thị trường Thụy Điển.

          

 

Để thuận tiện cho doanh nghiệp quan tâm đến việc xin cấp phép nhập khẩu hàng hóa vào Thụy Điển, mục “Thủ tục xuất - nhập khẩu” còn cung cấp thông tin Đầu mối các cơ quan cấp phép theo từng nhóm mặt hàng, bao gồm: địa chỉ, cách thức liên hệ của Uỷ ban Thương mại Quốc gia là cơ quan cấp phép nhập khẩu các sản phẩm sắt, thép, nhôm; Uỷ ban Nông nghiệp là cơ quan cấp phép và quản lý nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, phân bón; Cơ quan Thực phẩm Thuỵ Điển là cơ quan quản lý nhập khẩu các thực phẩm cho con người; Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thuỵ Điển là cơ quan quản lý nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến môi trường như rác thải; Cơ quan Hoá chất Thuỷ Điển là cơ quan quản lý nhập khẩu các sản phẩm hoá chất nguy hiểm, chất ô nhiễm hữu cơ, và các chất tẩy rửa.

Mục “Thủ tục xuất - nhập khẩu” cũng thông tin cụ thể quy định của Thụy Điển về tạm nhập/tái xuất hàng hóa; phân loại hàng hóa theo Hệ thống hài hoà về mô tả và mã hoá hàng hoá (HS)…

phi thuế quan

Tại mục “Biện pháp phi thuế quan”, Cổng FTAP thông tin cụ thể những yêu cầu về bao gói và nhãn mác đối với hàng hóa lưu thông tại Thụy Điển.

Trong đó nêu rõ: Hiện nay, các qui định về nhãn mác của Thụy Điển phù hợp với các qui định chung của EU. Ngôn ngữ trên nhãn mác phải có ít nhất 1 trong ba thứ tiếng là Thuỵ Điển, Đan Mạch, và Na Uy. Thụy Điển không yêu cầu hàng nhập khẩu ghi tên nước xuất xứ trên nhãn hàng hoá. Tuy nhiên, các hàng hoá sai tên xuất xứ đều bị cấm. Đối với một số mặt hàng, ví dụ dược phẩm, hóa chất, hàng thực phẩm, cần phải tuân thủ các qui định và yêu cầu ghi nhãn mác đặc biệt.

Thụy Điển có các qui định về dán nhãn, vệ sinh và y tế rất nghiêm ngặt cũng như các yêu cầu phức tạp để giám sát chất lượng hàng hoá. Ví dụ: Một gói hàng thực phẩm bán lẻ phải ghi tên nhà sản xuất, nhà đóng gói và nhà nhập khẩu, tên thương mại của sản phẩm, trọng lượng hoặc khối lượng tịnh, các thành phần theo yêu cầu giảm dần về trọng lượng, ngày sử dụng sau cùng, hướng dẫn bảo quản nếu sản phẩm dễ hư hỏng, hoặc chỉ định giữ xa tầm tay trẻ em. Các thông tin trên được mô tả bằng tiếng Thụy Điển và nhà nhập khẩu có thể hỗ trợ các công ty trong việc sắp xếp hợp lý các thông tin trên nhãn mác.

 

Các danh mục sản phẩm được liệt kê dưới đây phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn của EU nhằm đảm bảo người tiêu dùng có được tất cả các thông tin cần thiết để đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua hàng:

Thuỷ sản;

Thực phẩm;

Giày dép;

Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;

Các sản phẩm thịt;

Các sản phẩm dệt;

Săm lốp;

Rượu vang.

Cổng Thông tin điện tử về các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP)/ Hỗ trợ doanh nghiệp/ Thông tin thị trường Thụy Điển.

Về bao gói sản phẩm, Cổng FTAP cho biết, Thụy Điển không đưa ra quy định đặc biệt nào về việc bao gói sản phẩm. Tuy nhiên, Thụy Điển không khuyến khích sử dụng cỏ khô, rơm hoặc bao tải để bao gói hàng. Trong trường hợp sử dụng thì cần phải có giấy chứng nhận vệ sinh kèm theo.

Bên ngoài thùng đựng hàng nên có ký hiệu của người uỷ nhiệm, ký hiệu của cảng và được đánh số (tương ứng với danh mục hàng đóng gói) trừ khi hàng đã được nhận dạng theo một cách nào khác. Vận chuyển hàng vượt quá trọng lượng 1.000 tấn phải được đánh dấu trọng lượng tổng.

Đối với quy định về kiểm dịch động thực vật đối với hàng hóa tại thị trường Thụy Điển, Mục “Biện pháp phi thuế quan” thông tin đầy đủ về các quy định liên quan, bao gồm: Chứng nhận vệ sinh; kiểm dịch động vật; kiểm dịch thực vật.

Trong đó lưu ý, về kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật, ngoài các quy định chung của EU, Thuỵ Điển áp dụng thêm các quy định riêng.

Đối với quy định về tiêu chuẩn sản phẩm, Cổng FTAP tập trung cung cấp những quy định, yêu cầu cụ thể về an toàn sản phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nhà sản xuất và phân phối sản phẩm cho thị trường EU nói chung, Thụy Điển nói riêng.

Bên cạnh đó, mục “Biện pháp phi thuế quan” thông tin: Một số sản phẩm khi tiêu thụ tại thị trường Thụy Điển cũng như thị trường Châu Âu yêu cầu phải được dán nhãn CE (CE Marking, nghĩa là tiêu chuẩn châu Âu). Khi một sản phẩm có dấu CE có nghĩa là sản phẩm đó đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khoẻ, và bảo vệ môi trường của EU. Chứng nhận CE cũng được coi như “hộ chiếu thương mại” để sản phẩm vào thị trường EU.

sản phẩm CE

Đáng chú ý, không chỉ cung cấp những thông tin cần thiết bằng tiếng Việt, Cổng FTAP còn gắn đường link dẫn tới các nguồn tin chính thống của EU và Thụy Điển (bằng tiếng Anh, tiếng Thụy Điển…) về những quy định, chính sách đối với việc nhập khẩu, lưu thông hàng hóa tại thị trường này và địa chỉ liên hệ của các cơ quan quản lý liên quan phía EU và Thụy Điển cũng như Đại diện Cơ quan thương mại Việt Nam tại Thụy Điển giúp thuận tiện cho doanh nghiệp quan tâm tra cứu, tìm hiểu hoặc liên hệ phục vụ hoạt động giao thương của mình.

Một số đường link hữu ích được cung cấp trong Mục thông tin về thị trường Thụy Điển trên Cổng FTAP:

Các qui định của EU về bao gõi, nhãn mác

Các qui định của EU về nhãn CE

Các qui tắc chung của EU về an toàn sản phẩm
Các qui định đối với tiêu chuẩn sản phẩm hoá chất của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn dược phẩm và mỹ phẩm của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn máy móc, thiết bị và một số sản phẩm khác của EU

Qui định kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm của EU
Danh sách động vật và các sản phẩm có nguồn gốc động vật bị kiểm soát tại biên giới

Qui định về nhập khẩu thực phẩm vào Thuỵ Điển

Svenka Institutet for Standarder – SIS (Viện Tiêu chuẩn Thụy Điển)

Livsmedelsverket (Swedish Food Agency – Cơ quan Thực phẩm Thụy Điển)

Jordbruksverket (Swedish Board of Agriculture - Ủy ban Nông nghiệp Thụy Điển)…

Thụy Điển 2

Bài: Hoàng Phương
Ảnh bìa và Thiết kế: Maika


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí