Thực thi Nghị định 06 - Luật Bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp cần nhận diện các nguồn phát thải lớn, giảm thải hiệu quả để bảo vệ môi trường
28/11/2024 lúc 17:05 (GMT)

Thực thi Nghị định 06 - Luật Bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp cần nhận diện các nguồn phát thải lớn, giảm thải hiệu quả để bảo vệ môi trường

Kiểm kê khí nhà kính

Thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thực hiện cam kết tại COP26, thúc đẩy việc giảm phát thải KNK vào tháng 01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP (Nghị định 06) quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, bao gồm cả việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon; ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính...

Mới đây, tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, của Chính phủ, ban hành ngày 13/8/2024 đã cập nhật Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, từ ngày 01/10/2024, 6 lĩnh vực phải kiểm kê KNK, bao gồm năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông lâm nghiệp và sử dụng đất, cuối cùng là chất thải. Có 2.166 cơ sở, chiếm khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia sẽ phải thực hiện nội dung này theo quy định. Tới đây, Chính phủ cũng sẽ tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có thể trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để đạt được hạn ngạch phát thải của mình.

Được nhận định là một trong các văn bản dưới Luật BVMT 2020 quan trọng, Nghị định 06 lần đầu tiên xác lập nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc giảm phát thải như: phải báo cáo kiêm kê KNK, tiếp đến là thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải. Nghị định cũng quy định lộ trình thiết lập thị trường Carbon; vai trò trách nhiệm của các bộ ngành liên quan tạo nền tảng quan trọng cho kế hoạch thực thi Net zero của Việt Nam, bao gồm quy định các lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê KNK, mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải KNK.

Đây là khung pháp lý quan trọng để doanh nghiệp có thể thực hiện các nghĩa vụ, đồng thời tạo cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp tham gia thị trường Carbon trong nước… tạo bước ngoặt quan trọng đối với việc phát triển thị trường Carbon của Việt Nam. Nghị định đã tạo ra công cụ chính sách mới, góp phần giúp Việt Nam giảm phát thải KNK, cũng như thực hiện mục tiêu NET Zezo theo cam kết.

các mốc thời gian nghị định 06

Nghị định 06 cũng quy định, trong cùng 1 giai đoạn cam kết, các cơ sở có thể đấu giá để sở hữu thêm hạn ngạch phát thải KNK, ngoài lượng hạn ngạch phát thải được phân bổ, có thể chuyển giao lượng hạn ngạch phát thải chưa sử dụng hết trong năm trước sang các năm tiếp theo; cũng có thể sử dụng tín chỉ carbon từ các dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon để bù cho lượng phát thải KNK vượt quá hạn ngạch phát thải được phân bổ (số lượng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải không được vượt quá 10% tổng số hạn ngạch phát thải KNK phân bổ cho cơ sở). Định kỳ 2 năm một lần, Chính phủ sẽ cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, thực hiện kiểm kê KNK mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích cụ thể, như: Kiểm kê KNK giúp doanh nghiệp hiểu rõ hoạt động kinh doanh của chính mình qua việc khảo sát, lựa chọn và tập hợp thông tin một cách có hệ thống; Khi doanh nghiệp đánh giá các rủi ro liên quan đến tác động tiêu cực của KNK sẽ làm lộ diện các “điểm nóng” trong chuỗi giá trị của mình. Từ đó, giúp doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên trong nỗ lực giảm phát thải một cách phù hợp với nguồn lực nội bộ; Việc có một cơ sở dữ liệu phát thải KNK chính xác cũng sẽ làm tăng độ tin cậy của các bên liên quan và là tín hiệu cho thấy việc sử dụng tài nguyên và năng lượng của doanh nghiệp có hiệu quả;

Ngoài ra, với cơ sở dữ liệu minh bạch cũng sẽ giúp doanh nghiệp có được chứng nhận khí nhà kính là điều kiện cần thiết để đăng ký nhãn sinh thái, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Trường hợp doanh nghiệp đầu tư giảm phát thải hiệu quả, việc trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon còn mang lại một nguồn thu nhập đáng kể.

nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính

Đặc biệt, CBAM không chỉ yêu cầu dữ liệu trong phạm vi doanh nghiệp, mà còn yêu cầu dữ liệu phát thải của chuỗi cung ứng, cụ thể là của nguyên liệu đầu vào. Theo bà Loan, “chứng chỉ CBAM thực ra không phải do doanh nghiệp xuất khẩu mua, mà các đơn vị nhập khẩu tại châu Âu sẽ phải đăng ký với đơn vị thuế và mua chứng chỉ CBAM tương ứng với phát thải KNK của hàng hàng hóa mà họ nhập khẩu vào. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, nhà nhập khẩu sẽ tìm cách trao đổi và chuyển một phần chi phí sang các doanh nghiệp xuất khẩu.

thách thức trong kiểm kê khí nhà kính

Theo các chuyên gia, việc kiểm kê KNK có thể được hiểu như là đo dấu chân carbon (to nhỏ ra sao), từ đó có những số liệu chính xác và phù hợp, trên cơ sở đó mới tính toán được những giải pháp trong cắt giảm dấu chân carbon, giảm phát thải KNK. Thực hiện kiểm kê KNK thực tế có thể mang lại nhiều giá trị chiến lược cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng xanh hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, do đây là nghĩa vụ lần đầu tiên quy định cho doanh nghiệp khá ngỡ ngành, gặp nhiều lúc túng trong triển khai thực hiện và còn nhiều điểm còn phải làm rõ.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), “trong quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, Chính phủ căn cứ vào mức độ phát thải của doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp có phát thải lớn trên 3.000 tấn CO2/1 năm, cho tới năm 2030. Còn những doanh nghiệp đến năm 2050 phát thải trên 1.500 tấn CO2/1 năm sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải".

TS. Nguyễn Phương Nam - Chuyên gia tư vấn của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cho biết: “Thực tế, Việt Nam đã làm kiểm kê phát thải KNK cấp quốc gia từ 20 năm nay, nên năng lực kiểm kê của Việt Nam cơ bản khá tốt so với các nước đang phát triển trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, ở cấp độ doanh nghiệp, vấn đề này còn tương đối mới”. Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp đã tiên phong trong kiểm kê KNK, còn đa phần các doanh nghiệp đều đang đối mặt với các thách thức lớn.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tiến Hải - Giám đốc Kỹ thuật - Công nghệ mới, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (đơn vị triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện kiểm kê KNK) cho biết: trong quá trình triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, ông nhận thấy gần đây, đa số các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng và trách nghiệm phải kiểm kê KNK, đáp ứng các nghĩa vụ báo cáo theo quy định của pháp luật. Như vậy, chưa lúc nào kiểm kê KNK lại sôi động như thời điểm này. Nhiều doanh nghiệp đã thuê các đơn vị tư vấn để tiến hành kiểm kê KNK; chủ động cử cán bộ tham gia hội thảo, tập huấn, đào tạo về kiểm kê nhằm xây dựng năng lực, kiện toàn nhân sự để tự thực hiện kiểm kê.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tiến Hải, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp đã tiên phong, còn đa phần các doanh nghiệp đều đang đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức thứ nhất là còn thiếu năng lực kỹ thuật, việc kiểm kê KNK đòi hỏi doanh nghiệp phải có kiến thức chuyên sâu về các loại KNK, nguồn phát thải, phạm vi phát thải, phương pháp tính toán, phương pháp đo lường và thu thập dữ liệu… Doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc xác định đúng các nguồn phát thải, phân loại và tính toán chúng, đặc biệt là cho các nguồn phát thải phức tạp như từ xử lý nước thải, chất thải, hay các quá trình công nghiệp… Để khắc phục, cần rất nhiều các khóa đào tạo, hướng dẫn tới tiểu lĩnh vực cụ thể.

thách thức

Thách thức thứ hai là thiếu dữ liệu, nguyên nhân do doanh nghiệp thiếu các thiết bị đo lường, phân tích. Doanh nghiệp cũng chưa có hệ thống thu thập dữ liệu cho kiểm kê KNK, việc thu thập dữ liệu và lưu trữ dữ liệu chưa được thực hiện hoặc chưa đầy đủ;
Thách thức thứ ba là thiếu nguồn lực. Thực tế, đa số các doanh nghiệp chưa có nhân sự chuyên sâu về kiểm kê KNK. Thông thường, nhiệm vụ này sẽ được giao cho nhân viên phòng môi trường, an toàn lao động kiêm nhiệm. Điều này dẫn đến việc thiếu chuyên môn sâu, có thể ảnh hưởng đến chất lượng và độ chính xác của kết quả kiểm kê; Về nguồn lực tài chính để thực hiện kiểm kê KNK (GHG) là quá trình đo lường, tổng hợp và tính toán lượng phát thải KNK từ các hoạt động của doanh nghiệp cần công nghệ, thiết bị đo lường, phần mềm, hệ thống quản lý dữ liệu, nhân sự trong công ty và thậm chí là sự tham gia của bên thứ ba. Chi phí này có thể là gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Thách thức thứ tư là quy định về thời gian doanh nghiệp phải nộp báo cáo kiểm kê trước ngày 31/3 của năm kế tiếp cũng tạo ra áp lực lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khi họ còn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý KNK.
Ngoài ra, việc thiếu quy định, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, công cụ hỗ trợ cũng tạo ra những trở ngại không nhỏ với doanh nghiệp. Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành thông tư hướng dẫn về kiểm kê KNK. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu thông tư hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, chăn nuôi…

đặt mục tiêu

Theo các chuyên gia, sự chính xác của kiểm kê KNK phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phức tạp của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, mức độ minh bạch và trình độ quản trị của doanh nghiệp. Bên cạnh nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện, kiểm kê KNK về cơ bản còn mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích. Tuy nhiên, cần sự đầu tư dài hạn, bài bản của doanh nghiệp, nhất là trong thực hiện chiến lược giảm phát thải.

Từ thực tiễn trong triển khai thực hiện kiểm kê KNK của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Hải - Giám đốc Kỹ thuật - Công nghệ mới, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường đã tham vấn để xây dựng chiến lược giảm phát thải KNK sau khi kiểm kê: Doanh nghiệp cần thực kiểm kê khí nhà kính và sau đó xây dựng lộ trình giảm phát thải KNK theo cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero) vào năm 2050. Hiện nay, theo quy định các thông tin về kiểm kê KNK, các hướng dẫn kỹ thuật do các bộ, ngành cung cấp. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chỉ tham khảo các hướng dẫn đó, sẽ khó áp dụng để tự thực hiện kiểm kê cho doanh nghiệp của mình.

Ông Hải cho rằng, doanh nghiệp có thể hợp tác với các đơn vị tư vấn có chuyên môn và kinh nghiệm về kiểm kê KNK, giúp doanh nghiệp xác định đúng các công cụ và phương pháp đo lường phù hợp với từng loại hình, quy mô doanh nghiệp, từ đó xây dựng chiến lược tín chỉ carbon hiệu quả. Trên cơ sở kết quả kiểm kê KNK, doanh nghiệp sẽ xác định được mức phát thải, cường độ phát thải KNK của doanh nghiệp và có thể so sánh với định mức phát thải KNK của lĩnh vực do nhà nước công bố, từ đó biết được doanh nghiệp đang nằm ở đâu trên bản đồ phát thải của Việt Nam.

ông Hải

Theo ông Nguyễn Tiến Hải: Doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình giảm phát thải, lựa chọn và thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK ngắn hạn và dài hạn hợp lý theo chi phí biên giảm phát thải của từng biện pháp và nguồn lực của doanh nghiệp. Cần tích hợp chiến lược giảm phát thải vào chiến lược kinh doanh tổng thể, tăng cường hợp tác với các bên liên quan, theo dõi và báo cáo tiến độ chặt chẽ, tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên.

Thực tế, việc xây dựng chiến lược giảm phát thải KNK không phải là một quá trình đơn giản, mà đòi hỏi sự đầu tư dài hạn và cam kết từ cả lãnh đạo và nhân viên. Tuy nhiên, thông qua việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hợp lý và hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn có thể giảm chi phí, nâng cao uy tín và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thị trường ngày càng chú trọng đến yếu tố bền vững.

giảm phát thải khí nhà kính

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí