Những mô hình dự án tạo tín chỉ carbon từ Intraco

Tín chỉ carbon là một lĩnh vực kinh doanh mới không phải dành cho tất cả mọi doanh nghiệp, mà chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, đây là thông tin ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại (Intraco) chia sẻ trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây.

Thương mại hóa Tín chỉ carbon cần nhiều tiền kiến thức và kinh nghiệm

Theo ông Hoàng Anh Dũng đầu tư một dự án tạo và thương mại hóa tín chỉ carbon cần không chỉ nhiều tiền mà còn nhiều kiến thức và kinh nghiệm.

Ông Dũng chia sẻ tín chỉ carbon
Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại (Intraco)

Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại (Intraco), được biết đến là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tham gia vào nghiên cứu, đầu tư để tạo và thương mại hóa tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Thành lập từ năm 2001 đến nay Intraco đã triển khai và thương mại hóa chỉ carbon tại nhiều dự án trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, các dự án cộng đồng.

Chia sẻ về thị trường tín chỉ carbon, ông Hoàng Anh Dũng cho biết: “carbon ở đây không phải để chỉ riêng khí thải CO2, mà được hiểu rộng ra bao gồm 6 loại khí được Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu liệt kê là gây ra hiệu ứng nhà kính, bao gồm CO2, CH4, N2O, HFC, PFC và SF6. Sáu loại khí này có mức độ gây hại tới môi trường không giống nhau, đơn cử như Mê – tan (CH4) gây ra hiệu ứng nhà kính mạnh hơn 25 lần, hay các đồng vị của khí HFC gấp từ 50 đến 14.800 lần so với khí CO2. Điều đó có nghĩa là giảm được một tấn khí thải Mê – tan tương đương với giảm 25 tấn khí thải CO2, tương tự với các loại khí khác…”

Theo đó các loại khí gây hiệu ứng nhà kính đều được quy đổi về CO2. Cứ giảm một tấn khí CO2 quy đổi, ta thu về được một tín chỉ carbon. Các tín chỉ carbon này cần phải được chứng nhận bởi một trong số các nền tảng phát hành tín chỉ như UNFCCC, Gold Standard, Verra hay Plan Vivo.

4 tiêu chí của Tín chỉ carbon

Thực tế hiện nay trên thế giới có khoảng 170 loại tín chỉ carbon, có nguồn gốc từ những dự án giảm phát thải carbon khác nhau như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối), xử lý rác thải, giảm phát thải khí mê tan từ trồng lúa cũng tạo ra tín chỉ carbon, hay xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng tạo ra tín chỉ carbon, trồng rừng và sử dụng đất nông nghiệp…

Thông thường Tín chỉ carbon có bốn tiêu chí như: Phải xuất phát từ một dự án có công nghệ, phê duyệt bởi tiêu chuẩn carbon, có thể kể đến bao gồm sản xuất điện tái tạo nối lưới hay giảm phát thải từ cải tạo đất; Thứ hai, các chứng chỉ carbon được tạo ra từ dự án có tính bền vững và không thể bị đảo ngược; Thứ ba, phải có một bên thứ ba thẩm định, xác nhận sự tồn tại và tính khả thi của dự án tạo tín chỉ; Cuối cùng, phải được đăng ký với một tiêu chuẩn phát hành tín chỉ carbon, chính là các nền tảng phát hành tín chỉ.

Thị trường tín chỉ carbon vận hành có các bên mua, bán và các tổ chức trung gian. Bên bán, có thể là các tổ chức, doanh nghiệp nếu “dấu chân carbon” – hoạt động phát thải carbon trong toàn bộ hoạt động (chuỗi cung ứng, kinh doanh trực tiếp, chuỗi phân phối) có tổng mức phát thải ròng CO2 âm. Thị trường tín chỉ carbon được hình thành khi thực hiện các dự án trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái, doanh nghiệp phát triển dự án năng lượng tái tạo, công ty sản xuất xe điện, các doanh nghiệp triển khai các giải pháp giảm phát thải trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải…có thể tạo ra tín chỉ carbon.

Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024 ban hành danh mục cập nhật lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Từ ngày 1/10/2024, 6 lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm: Năng lượng; Giao thông vận tải; Xây dựng; Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Chất thải, với 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê. Theo đó bên cạnh việc kiểm kê các cơ sở trong danh mục đồng thời phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở và theo lộ trình quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn

Các doanh nghiệp có lượng phát thải CO2 vượt qua mức hạn ngạch cho phép, buộc phải mua tín chỉ carbon để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh, ví dụ như công ty sản xuất thép, xi măng, hóa dầu, sản xuất hóa chất, may mặc…

Ở giữa người mua và người bán, các đối tác trung gian là các đơn vị tư vấn, đơn vị kiểm toán, các nhà môi giới trung gian chia theo nhiều cấp độ. Thị trường tín chỉ carbon là nơi giao dịch những tín chỉ carbon đó, hiện nay ước tính có khoảng 100 thị trường carbon đang vận hành trên thế giới.Trên thị trường hiện có hai loại chính: thị trường bắt buộc (do Chính phủ quy định) và thị trường tự nguyện (cho phép các công ty tự nguyện tham gia để cải thiện hình ảnh và trách nhiệm xã hội). Thị trường carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.

Giá bán tín chỉ carbon thông thường được điều tiết bởi thị trường. Giá của mỗi tín chỉ carbon có biên độ giá dao động rất lớn, từ 1 cent (0,01USD) đến 4 nghìn USD phụ thuộc vào thời điểm, quy mô, tính chất cộng đồng của các lô tín chỉ carbon được giao dịch. Tín chỉ carbon có giá trị cao đó là các dự án mang tính chất cộng đồng, nâng cao sức khỏe cho người dân. Ví dụ các dự án về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện. Hay các dự án thu khí CO2 trực tiếp từ không khí sau đó cô lập nó thì đều được định giá tín chỉ rất cao.

Thị trường carbon nội địa (thị trường bắt buộc) do quốc gia hoặc vùng lãnh thổ quy định và được thành lập, vận hành nhằm mục tiêu thực hiện các cam kết giảm phát thải của quốc gia, vùng lãnh thổ đó. Hiện nay, Việt Nam chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ carbon. Do đó việc chuyển giao kết quả giảm phát thải được thực hiện thông qua các thỏa thuận đàm phán song phương giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện.

Những mô hình dự án tạo tín chỉ carbon từ Intraco

Theo Intraco thực hiện thỏa thuận đã ký với Citigroup, một công ty tài chính tại Mỹ, trong phát triển các dự án hỗ trợ cộng đồng, Intraco đã triển khai một số mô hình giảm phát thải như chương trình bếp sạch Việt Nam, nghiên cứu, thiết kế ra một loại bếp củi tiết kiệm năng lượng, có thể giảm được 70% lượng củi tiêu thụ và 90% khói bụi phát sinh, sau đó phát cho những hộ gia đình nghèo ở vùng sâu vùng xa vẫn đang sử dụng củi để đun nấu. Tại dự án này các hộ gia đình đồng ý nhận bếp, sẽ ký thỏa thuận giao quyền giảm phát thải cho chủ dự án. Hàng năm, Intraco thống kê ngẫu nhiên một tỷ lệ nhất định để tính toán lượng củi tiêu hao trung bình, quy đổi ra lượng CO2 giảm thiểu được.

mô hình bếp từ Intraco
Chương trình bếp sạch tạo tín chỉ carbon.

Hoặc như Chương trình cung cấp nước uống an toàn cho người dân, Intraco triển khai phát miễn phí các máy lọc nước cho các hộ gia đình để sử dụng nước uống trực tiếp từ vòi sau khi lọc, thay vì phải đun nước như trước đây (Nhu cầu đun nước giảm thì sẽ tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải).

Đến hiện tại, Intraco cho biết đã phân phát khoảng 850 nghìn bếp đun cải tiến và 364 nghìn bình lọc nước cho bà con, qua đó chuyển nhượng được khoảng 1,1 triệu tín chỉ carbon cho Citigroup. Lượng tín chỉ carbon này sau đó có thể sẽ bán lại cho một số đối tác là các tập đoàn lớn trên thế giới có nhu cầu trung hòa carbon trong chuỗi cung ứng.

tạo tín chỉ carbon
Dự án cộng đồng, nâng cao sức khỏe cho người dân đồng thời tạo tín chỉ cao.

Intraco cũng cho biết đang tiếp tục triển khai một số mô hình, dự án tạo tín chỉ carbon như: Tặng miễn phí bóng đèn LED tiết kiệm điện cho hơn 1 triệu hộ gia đình. Cung cấp miễn phí những lò nung để chế tạo than sinh học, sản xuất ra phân bón từ những phụ phẩm nông nghiệp. Loại phân bón sinh học này có thể hấp thụ CO2 trong khí quyển. Hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi tạo ra tín chỉ carbon từ chất thải, các doanh nghiệp chế biến sắn tạo chứng chỉ carbon từ nước thải, phụ phẩm của cây trồng…Công ty cũng đang tiến hành khoảng hơn 20 dự án tạo ra tín chỉ carbon tại Lào, Campuchia và Philippines…

Theo ông Hoàng Anh Dũng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư muỗn tham gia thương mại tín chỉ carbon thì điều quan trọng nhất là phải hiểu rõ về các yếu tố kinh tế và tài chính. Chia sẻ kinh nghiệm ông Dũng cho biết, khi triển khai dự án về bếp đun tiết kiệm năng lượng, Intraco phải tiến hành hàng chục nghiên cứu, mà mỗi nghiên cứu lại tốn kém đến hàng chục nghìn USD… mới có thể tạo ra tín chỉ carbon và có khả năng thương mại hóa cho thấy việc chi tiêu hàng triệu USD là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên theo ông Dũng nếu một nhà đầu tư đổ hàng tỷ USD vào một dự án và thu về chỉ vài cent cho mỗi tín chỉ, sẽ chắc chắn gặp rủi ro lỗ vốn. Vì thế các nhà đầu tư phải tính toán kỹ không chỉ mỗi tập trung vào giá trị môi trường mà cần xem xét đến khía cạnh khác như lợi nhuận, như thế dự án mới có thể tồn tại.

Thu Hồng