Đa dạng giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong sản xuất
Tại Tọa đàm “Xanh hóa” sản xuất hóa chất và phân bón: Cơ hội cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp”, ông Phùng Ngọc Bộ - Trưởng Ban Kỹ thuật - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, thời gian qua, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, “xanh hóa” ngành hóa chất.
Theo đó, để triển khai Chương trình quốc gia về tiết kiệm năng lượng, Tập đoàn đã ban hành hàng loạt Kế hoạch, văn bản nhằm tăng cường tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh. Trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn cũng đã lồng ghép các nhiệm vụ kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trên cơ sở đó, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan.
Song song với đó, để giảm phát thải khí nhà kính (CO2), Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023 đến 2025 nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050; Giảm phát thải khí nhà kính (CO2) thông qua chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch.
Đối với giải pháp xử lý, tái chế chất thải, Tập đoàn đã có chính sách nội bộ như khuyến khích các sáng kiến cải tiến, ưu tiên nghiên cứu khoa học, đầu tư, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất. Các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn cũng triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh tái chế.
Đơn cử, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã đầu tư vào nhà máy tái chế lốp xe với công suất 110.000 lốp/năm. Hiện tại, DRC thực hiện tái chế gần 60.000 lốp/năm. DRC dự định tiến tới hợp tác với các đối tác (CSM, SRC) để nâng công suất tái chế tối đa lên 110.000 lốp/năm. Nguồn phát sinh từ quá trình sản xuất tại các phân xưởng Nhiệt điện và Khí hóa của các cơ sở sản xuất trực thuộc Tập đoàn, 100% tro xỉ được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất.
Hoặc, nguồn phát sinh từ quá trình sản xuất tại phân xưởng sản xuất axit Photphoric của Công ty CP DAP số 2-Vinachem và Công ty CP DAP-Vinachem. Trong đó, có Công ty CP DAP-Vinachem đang chuyển giao gyps cho Công ty cổ phần thạch cao Đình Vũ chế biến làm phụ gia cho xi măng.
Khắc phục khó khăn
Xu hướng sản xuất xanh hóa, đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tuy là xu hướng không thể đảo ngược, song cũng tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp hóa chất.
Ông Phùng Ngọc Bộ chia sẻ, lựa chọn năng lượng, nguyên liệu xanh, thân thiện với môi trường phục vụ sản xuất đang là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp Hóa chất, nhưng thực tế cho thấy năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch đang chiếm ưu thế do giá rẻ.
Bên cạnh đó, sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường vẫn là sản phẩm thuộc phân khúc thị trường ngách với giá cao, khó cạnh tranh về giá với sản phẩm truyền thống hiện hữu.
Về mặt chính sách, mặc dù chủ trương phát triển kinh tế xanh đã được quan tâm trong thời gian gần đây, nhưng chính sách cụ thể để xanh hóa ngành Hóa chất vẫn còn thiếu và chưa triển khai đồng bộ. Do đó, doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa có được hành lang pháp lý rõ ràng, chưa có khuyến khích chuyển dịch xanh hóa một cách hiệu lực.
Ngoài ra, hệ thống tài chính xanh còn non trẻ khiến dự án Hóa học xanh gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn tài chính, bao gồm cả huy động vốn hoặc tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi. Chưa kể, mức độ nhận thức và sự tham gia của người dân vào các vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vẫn chưa cao. Điều này hạn chế tiềm năng thay đổi hành vi và đổi mới xã hội có thể hỗ trợ tăng cường xanh hóa ngành Hóa chất và phát thải ít các-bon.
Trong thời gian tới, định hướng phát triển của Vinachem là sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc thực hiện các nguyên tắc kinh tế xanh, không ngừng đổi mới và sáng tạo để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững. Với chính sách và kinh nghiệm trong công tác quản trị biến động để vượt khó những năm gần đây sẽ là cơ sở để Tập đoàn thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, phát triển kinh tế xanh, từng bước xây dựng và phát triển trở thành Tập đoàn Công nghiệp chủ chốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước”.
Cụ thể, tiếp tục chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên; Tiếp cận công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao, tăng sức cạnh tranh bền vững; Hướng các hoạt động nghiên cứu phát triển (Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam) phục vụ cho phát triển công nghệ và các sản phẩm, nguyên liệu cho Tập đoàn. Phát huy các nguồn lực về khoa học công nghệ của các đơn vị thành viên để xây dựng hệ thống, liên kết tổ chức Khoa học - Công nghệ trong toàn Tập đoàn;
Trong các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng, sẽ ưu tiên sử dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại đã được thương mại hóa, đảm bảo các chất thải phải đáp ứng quy chuẩn quốc gia, có định mức tiêu hao tiên tiến, thân thiện với môi trường. Làm chủ và thuần thục sử dụng các công nghệ và thiết bị nhập khẩu, đồng thời từng bước tạo ra công nghệ của mình.
Tập đoàn cũng sẽ tập trung đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm mới. Triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách và định hướng quốc gia về CMCN 4.0 và chuyển đổi số; hỗ trợ, tạo điều kiện và thúc đẩy các doanh nghiệp trong Tập đoàn đảm bảo nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu số; ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình sản xuất, kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp;
Song song với sự nỗ lực tự thân, Vinachem cũng đề xuất các cơ quan chức năng có chính sách ưu đãi về thuế đối với xử lý chất thải thạch cao PG thành nguyên liệu cho phụ gia sản xuất xi măng góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường; xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10%, giảm thuế VAT đối với thạch cao PG sản xuất trong nước xuống 5%.
Đồng thời, sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn xử lý thạch cao PG theo lộ trình được nêu tại các Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2014, Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2017 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt để doanh nghiệp không phải ngừng sản xuất.
Song song với đó, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm giúp các doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng trong nước; khuyến khích đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu để chuyển đổi năng lượng phù hợp hướng tới kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.