Căn cứ Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 và Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg.
Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý và triển khai thực hiện Chương trình, tập trung vào các hoạt động chính bao gồm: (i) Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối, trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; (ii) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; (iii) Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; (iv) Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; (v) Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.
Báo cáo sơ bộ cho thấy, sau 4 năm triển khai giai đoạn II (2021-2024), Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Phạm vi và quy mô Chương trình ngày càng được mở rộng. Chương trình được nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo trên khắp cả nước quan tâm và tích cực tham gia. Quy mô của Chương trình cũng được mở rộng trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, tạo tác động lan tỏa rộng khắp và thu hút sự quan tâm của đông đảo các thành phần như các Bộ, ngành, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp...
Các hoạt động của Chương trình ngày càng phong phú, đa dạng, đi vào chiều sâu, có tính ứng dụng cao và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tham gia các hoạt động thuộc Chương trình ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu như quản trị sản xuất, quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Sau khi tham gia các hoạt động hỗ trợ của Chương trình, doanh nghiệp đã thực sự có sự thay đổi, chuyển mình theo chiều hướng tích cực, doanh nghiệp có khả năng tăng năng suất và hiệu suất sản xuất đồng thời cắt giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm khách hàng, đối tác tiềm năng mới.
Chương trình đã tạo ra được sân chơi giao lưu, học hỏi, kết nối giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước và nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia thông qua các diễn đàn, hội thảo, triển lãm quốc tế. Công tác truyền thông, thông tin về công nghiệp hỗ trợ phủ sóng rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, truyền tải các thông điệp về vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là kênh thông tin để các doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội ngành hàng, chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp chia sẻ về các khó khăn, thách thức cũng như cơ hội và tiềm năng phát triển của ngành, từ đó nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng tăng nhanh nhưng chưa đáng kể.
Doanh nghiệp đã quan tâm và chú trọng hơn đến việc áp dụng các hệ thống, tiêu chuẩn quản lý sản xuất, quản lý chất lượng quốc tế tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay mới chỉ áp dụng thành công các hệ thống, tiêu chuẩn cơ bản. Một số tiêu chuẩn, hệ thống quản lý nâng cao và có tính chất kỹ thuật chuyên sâu đòi hỏi sự đầu tư lớn và dài hạn của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu vẫn còn chưa được quan tâm và chú trọng đầu tư, phần nào hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp FDI.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật. Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Phần lớn lao động tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là lao động phổ thông, được đào tạo dưới hình thức vừa học vừa làm, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp rất thấp và luôn trong tình trạng khan hiếm. Trình độ của đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành doanh nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình theo Quyết định số 68/QĐ-TTg và Quyết định số 71/QĐ-TTg, từ năm 2021 đến năm 2024, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được tham gia các Chương trình xúc tiến đầu tư, triển lãm trong và ngoài nước; đặc biệt nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn được tổ chức nhằm tăng cường sự kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm…
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT ô tô, cơ khí chế tạo, điện tử, dệt may và da giày về các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn như tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng theo EICC, hệ thống quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất, 5S3D, ISO 50001, dãn nhãn điện tử CE/UL, sản xuất tinh gọn LEAN Manufacturing, ISO 9001:2015, IATF16949:2016, Monozukuri, JIT, TPM, DMAIC, ISO 45001, ISO 14001, PMS, 5S & KaiZen, LEAN, KaiZen, ISO 45001:2018, CAD/CAM/CAE, ISO 3834, ISO 31000:2018, KPIs… là những tiêu chuẩn quốc tế được công nhận rộng rãi không những góp phần cải tiến quy trình sản xuất, quản trị chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn nâng cao uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam và tạo sự tin cậy cho các đối tác nước ngoài trong quá trình tìm kiếm nhà cung cấp nội địa…
Các đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng đã tổ chức tư vấn cải tiến sản xuất cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, cải thiện môi trường làm việc, tối ưu hóa lưu thông sản xuất, giảm tồn kho từ đó tăng năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất trong nước và toàn cầu.
Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nhân lực ở các cấp bậc, trình độ, chuyên môn khác nhau như cấp lãnh đạo, quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên, chuyên gia,… đáp ứng yêu cầu cho các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử, dệt may và da giày.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ, Bộ Công Thương cho rằng, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ quyết liệt, đồng bộ và dài hạn của Nhà nước. Trong đó, cần bố trí đủ nguồn lực để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đạt trình độ khu vực và toàn cầu trong quá trình phát triển, rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất toàn cầu. Các chính sách hỗ trợ cần được xây dựng đồng bộ và theo đuổi kiên trì, dài hạn, đầu tư nguồn lực thích đáng để gấp rút nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thông qua các chương trình có mục tiêu cụ thể.
Bộ Công Thương tổ chức phiên họp khai mạc và công bố kế hoạch, chương trình hoạt động của Hội đồng thẩm định Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ năm 2025
Để nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, vẫn cần tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả các giải pháp xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức mang tính cốt lõi, đó là những giải pháp về kết nối kinh doanh, thông tin thị trường, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực… Những giải pháp vì mục tiêu dài hạn này cần được triển khai đồng bộ với công tác truyền thông, thay đổi và nâng cao nhận thức của các bên liên quan và cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển dài hạn và bền vững.
Đặc biệt, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp về thị trường, kết nối chuỗi giá trị, đào tạo, phát triển công nghệ, chuyển đổi số, phát triển bền vững… cần được duy trì và triển khai hiệu quả trong giai đoạn tới để có thể giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thực sự chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thực hiện: Như Hạ