Cây chanh không hạt là loại cây không gai, thích hợp và sinh trưởng tốt với khí hậu Việt Nam. Hoa chanh không hạt mọc thành chùm, cánh hoa có màu trắng, dạng quả hơi dài, có vị chua và thơm.
Khi cành ở giai đoạn thành thục thì các gai bị thoái hóa, cây cho quả sai, một chùm cho 7 - 8 quả. Từ năm thứ 3 - 4 sẽ cho năng suất cao hơn. Chanh không hạt sẽ cho thu hoạch trên 10 năm mới bị thoái hóa. Cây có thể mọc cao đến 6m, thân cây không có gai, có tán lá tròn, trái chùm, không có hạt (hoặc chỉ có vài hạt).
Thời gian từ trồng đến thu hoạch là 18 tháng. Trung bình một cây sẽ cho khoảng 40 kg, năng suất trung bình khoảng 30 - 40 tấn trái/ha/năm. Để vườn chanh phát triển tốt, ngoài cung cấp đủ nước, phòng trừ sâu bệnh cần phải thường xuyên cắt tỉa tạo tán cho cây.
Đặc biệt là cây chanh không hạt này cho trái quanh năm, vào mùa nghịch thì cho trái nhiều hơn mùa chính vụ. Cây rất cần nước trong thời kỳ phân hóa mầm hoa, ra hoa và đậu trái, nên khi trồng phải đánh rãnh để đưa nước lên xuống, vào mùa khô thì nên tưới nước, ủ thêm lục bình vào gốc cho giữ độ ẩm.
Ngoài công dụng làm nước giải khát, chanh không hạt còn dùng để làm hương liệu trong chế biến thực phẩm và hàng tiêu dùng trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình.
Lợi thế của cây chanh không hạt là kỹ thuật chăm sóc đơn giản, cây phát triển được trên hầu hết các loại đất, lại cho thu nhập thường xuyên, giá cả ổn định. Từ những bước đầu trồng thử nghiệm, cây chanh không hạt dần trở thành một trong số những nông sản có giá trị xuất khẩu cao và đầu ra ổn định tại tỉnh Trà Vinh.
Thời gian gần đây, tỉnh Trà Vinh đã tích cực triển khai thực hiện mô hình trồng chanh không hạt xuất khẩu ở các huyện Càng Long, Châu Thành, Trà Cú,… có liên kết và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, tại xã Huyền Hội - huyện Càng Long, mô hình trồng chanh không hạt đã giúp thu nhập của nông dân cải thiện gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Theo lời kể của bà con nơi đây, trước kia trồng lúa và dừa từng là hoạt động chủ yếu của cư dân địa phương, nhưng không mang lại lợi nhuận đáng kể, khiến họ phải tìm kiếm loại cây trồng mới cho hiệu quả hơn và cây chanh không hạt đã nổi lên như một lựa chọn vượt trội.
Xã Huyền Hội hiện có 9 ấp, hơn 3.700 hộ dân. Trước đây, Huyền Hội là xã đặc biệt khó khăn của huyện Càng Long, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 11,6%. Năm 2020, xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở các phum, sóc được thay đổi rõ rệt. Có được diện mạo này, một phần nhờ bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chanh không hạt.
Ông Phan Đức Tài (xã Huyền Hội, huyện Càng Long) - Giám đốc Hợp tác xã Thành Chí là người tiên phong đưa cây chanh không hạt về trồng ở vùng đất này từ năm 2018. Ban đầu, gia đình ông và 5 hộ dân ở địa phương chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích 3,9 ha. Sau 1 năm, chanh bắt đầu cho trái, 18 tháng cho thu hoạch ổn định, năng suất từ 30-50 tấn/ha/năm.
Thấy rõ hiệu quả, nhiều hộ dân trong ấp cũng chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả hoặc cải tạo vườn tạp để trồng chanh không hạt. Ông Nguyễn Văn Danh, ấp Sóc, xã Huyền Hội, huyện Càng Long cũng là một trong những người tiên phong quyết định chuyển đổi từ trồng dừa sang trồng chanh.
Từ diện tích trồng thử nghiệm ban đầu, ông đã mạnh dạn chuyển đổi thêm 1,1ha đất trồng lúa của gia đình sang đầu tư trồng chanh không hạt. Vào những tháng cao điểm, giá bán ổn định từ 20 - 30 nghìn đồng/kg, còn thời điểm giá rẻ cũng từ 15 - 20 nghìn đồng/kg. Hai tuần, ông có thể thu hoạch một lần và thu nhập hàng năm của gia đình đạt khoảng 400 triệu đồng từ 4 công đất trồng chanh (1 công = 1.000m2).
Đại diện xã Huyền Hội cho biết, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Xã, chanh không hạt là cây trồng chuyển đổi chủ lực, mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân địa phương, gấp 7-8 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích. Đây là cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu do tiết kiệm nước tưới, nông dân có thể tưới nhỏ giọt.
Bên cạnh đó, do dễ trồng, dễ thích ứng, nhẹ công chăm sóc nên người dân có thể tận dụng lao động gia đình để tiết kiệm chi phí nhân công, tăng hiệu quả sản xuất cho nông hộ. Do vậy, địa phương đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 phát triển thêm 100 ha trồng chanh không hạt.
Diện tích trồng cây được mở rộng đồng nghĩa với cơ hội việc làm mới cũng sẽ được tạo ra cho lao động địa phương. Sự thành công của việc trồng cây chanh không hạt tại xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, là một ví dụ điển hình về sự mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Mô hình chuyển đổi thành công không chỉ mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình, mà còn đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con.
Tại huyện Càng Long, mô hình trồng chanh không hạt của HTX nông nghiệp Thành Chí (xã Huyền Hội) là điểm sáng về liên kết người nông dân, chuyển giao kỹ thuật để sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP để xuất khẩu sang Hà Lan. Từ đó, người nông dân có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Tạ Quốc Huy ở ấp Trà On xã Huyền Hội cho biết, hơn 2 năm qua, anh có thu nhập ổn định và kinh tế khá hơn nhờ trồng chanh không hạt. Khu vườn trồng chanh này trước đây, anh Huy canh tác lúa, nhưng năng suất không cao, dịch hại nhiều, giá phân tăng qua từng vụ nên canh tác thường bị thua lỗ.
Từ ngày bén duyên với cây chanh, được HTX Thành Chí hỗ trợ quy trình kỹ thuật, lại được bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, đảm bảo giá cao hơn thị trường bên ngoài, nên 2 năm qua, anh Huy an tâm sản xuất, dồn hết tâm huyết cho vườn chanh, năng suất vụ sau cao hơn vụ trước. Từ đó, thu nhập của gia đình cũng khá hơn rất nhiều.
Trung bình mỗi cây chanh cho năng suất 150 kg/năm. Giá bán thấp nhất ở vụ thuận là 10 ngàn đồng/kg và thấp nhất ở vụ nghịch là từ 20 đến 25 ngàn đồng/kg và có thể cao hơn tuỳ thời điểm nhưng HTX luôn đảm bảo thu mua chanh cho bà con cao hơn giá thị trường 3 ngàn đồng/kg.
Ông Phan Đức Tài, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Chí chia sẻ, qua việc canh tác tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, HTX đã thiết lập mối liên kết giữa các nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu. HTX đã ký hợp đồng xuất khẩu chanh không hạt với một công ty ở Hà Lan, sản lượng lên đến 100 tấn mỗi năm.
Năm 2022, ông Phan Đức Tài thành lập Hợp tác xã trồng chanh không hạt Thành Chí, với 10 thành viên, sản xuất 7 ha. Do sản lượng không đủ cung ứng cho đối tác xuất khẩu nên cùng với việc kết nạp thành viên mới, hợp tác xã còn liên kết với nông dân ở các xã khác ở huyện Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần và Trà Cú để mở rộng thêm diện tích trồng chanh không hạt.
Mỗi tháng nhu cầu xuất khẩu chanh không hạt của đơn vị đối tác lên đến 100 tấn nhưng hợp tác xã chỉ đáp ứng được 30 - 50% sản lượng. Vì vậy, hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh không hạt với nông dân các địa phương trong tỉnh, từ nay đến năm 2027, mỗi năm phát triển thêm 50 ha. Dự định trong năm nay, hợp tác xã sẽ xây dựng vùng nguyên liệu chanh không hạt tại huyện Cầu Kè.
Nông dân tham gia mô hình được hợp tác xã cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất, chăm sóc, kí kết hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường ít nhất 3.000 đồng/kg. Nông dân tham gia hợp tác xã còn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng/thành viên từ nguồn vốn ủy thác của Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh để chuyển đổi mô hình; đồng thời được tạo điều kiện để tiếp cận nhiều chính sách khác của Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
Hiện mô hình liên kết trồng chanh không hạt xuất khẩu được Hợp tác xã trồng chanh không hạt Thành Trí xã huyền Hội, huyện Càng Long thực hiện thu mua và cung cấp (xuất khẩu) cho Công ty TNHH The Fruit Republic (Hà Lan). Đến cuối tháng 5/2024, tổng diện tích chanh không hạt được phát triển trồng gắn với liên kết bao tiêu trên 120ha; trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Càng Long với 48,2ha/55 hộ trồng (gồm xã Huyền Hội 40ha/45hộ; xã Phương Thạnh 5,8ha/05 hộ và xã Tân Bình 2,4ha/05 hộ).
Dự kiến đến cuối năm 2024, cả tỉnh sẽ phát triển thêm 50ha trên địa bàn các xã Lương Hòa A (huyện Châu Thành), Phước Hưng (huyện Trà Cú),... Mô hình liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất bền vững và ổn định; đồng thời hướng đến quy trình sản xuất hữu cơ, sạch, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu với các đối tác liên kết.
Tháng 3/2024, Công ty TNHH The Fruit Republic (Hà Lan) đã có chuyến khảo sát thực tế tại tỉnh Trà Vinh để tìm kiếm, xây dựng vùng nguyên liệu; liên kết xuất khẩu trái cây có múi, phù hợp với định hướng của Trà Vinh theo hướng sản xuất sạch, an toàn, hữu cơ. Tỉnh Trà Vinh mong muốn phía Công ty tìm kiếm và mở rộng diện tích sản xuất, kết hợp giữa Công ty và Hợp tác xã (HTX), nông hộ để có đầu ra nông sản và tạo chuỗi sản xuất hiệu quả cho người sản xuất…
Hiện Công ty đã liên kết hộ trồng chanh không hạt với 98 hộ/100ha xã Huyền Hội, huyện Càng Long. Công ty mong muốn thời gian tới sẽ mở rộng thêm liên kết khoảng 500 nông dân được dự án ký hợp đồng. Từ năm 2022 - 2023, tỉnh đã nhân rộng ra diện tích trồng chanh không hạt thêm 120ha, nông dân đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để sản xuất; năm 2025, phấn đấu mở rộng thêm 300ha.
Công ty TNHH The Fruit Republic sẽ xây dựng vùng sản xuất theo hướng tập trung, dễ quản lý và xa nguồn nước mặn; như vùng sản xuất của xã Huyền Hội, An Trường, Tân An, Tân Bình (huyện Càng Long); Phước Hưng (huyện Trà Cú); Hiếu Trung, Hiếu Tử, Tập Ngãi (huyện Tiểu Cần); Song Lộc (huyện Châu Thành).
Đây chính là cơ hội tốt cho bà con tiếp tục mở hướng phát triển cây chanh không hạt cũng như mở rộng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.