Cây sả được trồng ở Trạm Tấu thuộc giống sả Java, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Sả java là loại thân thảo sống lâu năm, mọc thành bụi, cao từ 1.5-2 m. Thân thẳng, Lá cây thuôn dài có mép nhám, màu xanh, khi đến độ trưởng thành sẽ rủ xuống ⅔ phiến lá. Đặc điểm rõ nhất để phân biệt sả java với sả chanh là gốc thân màu hồng tím hay màu đỏ tím. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt và khá nồng so với sả chanh.
Cây sả Java là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi và tốn ít công chăm sóc, chủ yếu ưa khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây sả có ưu điểm chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 9 đến 10 năm liền. Sả chỉ phải làm cỏ năm đầu, từ năm thứ hai trở đi sả đã kín đất, không phải làm cỏ, đặc biệt không phải dùng phân bón và thuốc hóa học.
Sả Java được trồng để làm gia vị và chủ yếu để chiết xuất tinh dầu có thành phần là: Citronellal, Citronellol và Geraniol. Tinh dầu sả Java – Citronella có mùi thơm cay, được sử dụng trong xà phòng, chất chống côn trùng (muỗi), thuốc xịt côn trùng,… và các chất khử trùng trong gia đình. Hàng năm, mỗi ha sả Java có thể chiết xuất được 100 lít tinh dầu nguyên chất.
Đối với đông y, giống sả này từ lâu đã được xem như một loại thuốc quý chữa rất nhiều chứng bệnh thường gặp. Củ sả có vị cay the, mùi thơm, tính ấm, quy vào kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng làm ra mồ hôi, thông tiểu, hạ khí tiêu đờm. Nhờ tác dụng này, nó được điều chế thành thuốc trị cảm lạnh, đồng thời hỗ trợ hệ tiêu hóa kém, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Những năm gần đây, thay vì trồng cây ngô, cây lúa, người dân huyện Trạm Tấu đã chuyển đổi sang cây sả Java để lấy tinh dầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Mô hình mới này đã mở ra triển vọng phát triển kinh tế, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số. Mỗi ha sả sau thu hoạch đem lại gia trị gia tăng cao gấp 5 - 6 lần so với trồng ngô hoặc sắn. Nếu như thu nhập từ trồng ngô, lúa nương đạt 6 triệu đồng/ha thì trồng sả cho thu nhập 35 đến 45 triệu đồng/ha.
Để đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi có thể thay đổi nhận thức, tiếp cận với những giải pháp thâm canh mới giúp tăng năng suất, hiệu quả cây trồng, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống thì những mô hình liên kết sản xuất đã thực sự mang lại hiệu quả.
Xã Bản Mù với dân số đa phần là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống đều phụ thuộc vào trồng lúa, ngô. Từ năm 2018 đến nay, HTX Hương Chanh xây dựng mô hình trồng sả Java và hệ thống chiết xuất tinh dầu trên địa bàn xã đã nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
HTX Hương Chanh được thành lập năm 2013 tại xã Hát Lừu, huyện trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Khi mới thành lập, HTX có 9 thành viên, hoạt động chủ yếu là tập trung vào các khâu sản xuất nông nghiệp của thành viên và người dân trên địa bàn như cung ứng giống cây sả, vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật; với tổng diện tích là 20 ha. Khu trồng sả của HTX hiện nay trước kia là bà con chỉ trồng cây ngô, lúa nương cho thu nhập thấp.
Năm 2018, khi được biết về trồng sả lấy tinh dầu, HTX Hương Chanh đã liên kết với HTX cơ khí Thanh Tùng, huyện Văn Yên và HTX Hướng Nghiệp, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai tổ chức đưa bà con thành viên đi tham quan học tập kinh nghiệm kỹ thuật trồng sả và chưng cất tinh dầu sả tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Nhận thấy việc trồng sả lấy tinh dầu phù hợp với thổ nhưỡng và có thể phát huy tiềm lực về đất đai, lao động trên địa bàn, cuối năm 2018, Hợp tác xã Hương Chanh (Trạm Tấu), HTX Thanh Tùng (Văn Yên) và HTX Hương Nghiệp, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã liên kết sản xuất, khuyến khích bà con trồng sả lấy tinh dầu trên vùng đất trồng ngô, lúa nương cho năng suất thấp.
HTX cấp giống miễn phí cho bà con nông dân và thành viên HTX chuyển đổi giống cây trồng tại 2 xã Hát Lừu và Bản Công, huyện Trạm Tấu, mỗi ha khoảng 800-1.000kg giống, bà con nông dân có đất và bỏ công trồng, chăm sóc, thu hoạch. HTX sẽ thu mua toàn bộ lá nguyên liệu cho bà con.
Với trên 20ha sả trồng tại 2 xã Hát Lừu và Bản Công (Trạm Tấu), sau 6 tháng trồng, sả phát triển rất tốt và cho thu hoạch lứa đầu được khoảng 600kg lá khô/01ha; tổng sản lượng thu lứa đầu đạt 6 tấn lá tươi tương đương với 2,5 tấn lá khô; HTX thu mua cho bà con với giá 1.500đ/kg tươi, 4.500đ/kg khô. Sả thu hoạch lứa đầu có sản lượng và tỷ lệ tinh dầu cao, tinh dầu đạt 16kg/1 tấn lá khô với giá bán tinh dầu đang khoảng 400-500 ngàn đồng/kg.
Để bảo đảm quyền và lợi ích của các bên, giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các hộ thành viên, nông dân tham gia, HTX đã ký hợp đồng liên doanh, liên kết mang tính ràng buộc trách nhiệm của các bên như: 3 HTX cùng bỏ tiền mua giống sả Java, cấp miễn phí cho bà con trồng và có trách nhiệm thu mua 100% lá sả sản xuất ra. Đối với bà con đã ký hợp đồng và nhận giống về trồng nếu tự phá bỏ thì phải bồi thường cho HTX 100% giá trị giống đã đầu tư.
Tới nay, mô hình liên kết trồng, sản xuất tinh dầu sả của HTX đã thu được kết quả bước đầu. Với trên 20ha sả trồng tại 2 xã Hát Lừu và Bản Công (Trạm Tấu), sau 6 tháng trồng, sả phát triển rất tốt và cho thu hoạch lứa đầu được khoảng 600kg lá khô/01ha.
Tổng sản lượng thu lứa đầu đạt 6 tấn lá tươi tương đương với 2,5 tấn lá khô; HTX thu mua cho bà con với giá 1.500đ/kg tươi, 4.500đ/kg khô. Sả thu hoạch lứa đầu có sản lượng và tỷ lệ tinh dầu cao, tinh dầu đạt 16kg/1 tấn lá khô với giá bán tinh dầu đang khoảng 400-500 ngàn đồng/kg.
Bên cạnh diện tích sả trồng tại Trạm Tấu, HTX Hương Chanh còn liên kết với HTX Hướng Nghiệp trồng 28 ha sả tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và 30 ha sả nguyên liệu liên kết với 22 thành viên của HTX cơ khí Thanh Tùng. Đồng thời, HTX cũng đầu tư xây dựng xưởng chưng cất tinh dầu tại xã Tân An, huyện Văn Bàn.
Do điều kiện cơ sở vật chất chưa có nên khi thu hoạch, HTX phải đưa số sả thu hoạch được chuyển sang chế biến lấy tinh dầu ở Hợp tác xã Hướng Nghiệp, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Cuối tháng 8/2019, nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái, công trình nhà xưởng chưng cất tinh dầu sả của Hợp tác xã Hương Chanh được xây dựng tại thôn Trông Dềnh, xã Bản Mù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với công suất 1 tấn lá khô/nồi, có thể chưng cất 16 kg tinh dầu/tấn nguyên liệu.
Trung bình mỗi lần nấu thu được 200l tinh dầu. Mỗi năm, HTX Hương Chanh có thể chiết xuất 1,5 tấn tinh dầu sả.
Đại diện huyện Trạm Tấu cho biết, kể từ khi chuyển đổi đến nay, doanh thu HTX liên tục tăng từng năm, nâng cao thu nhập bình quân các thành viên đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn; tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Từ khi tham gia vào HTX trồng sả, người dân ở xã Bản Mù đã không phải lo đầu ra, thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Trạm Tấu đã thành lập mới 11 doanh nghiệp, 9 hợp tác xã, trên 120 tổ hợp tác sản xuất, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện lên 36. Hiện toàn huyện có 23 hợp tác xã, 330 tổ hợp tác và 809 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động.
Để có được kết quả này, Trạm Tấu đã thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách, triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển. Huyện phấn đấu mỗi năm thành lập mới được từ 3 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã trở lên.
Bài: Bảo An
Trình bày: Hoàng Nguyên