Tháng 8/2024 vừa qua, Airbus đã công bố Dự án sản xuất tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu cho chuỗi cung ứng hàng không của Việt Nam nói riêng và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung.
Cụ thể, Airbus triển khai Dự án cửa thoát hiểm trên cánh cho dòng máy bay thân hẹp A321neo. Các cửa thoát hiểm này được công ty MHI Việt Nam, là công ty con của Tập đoàn Công Nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries-MHI) Nhật Bản, sản xuất tại Hà Nội.
Các cửa thoát hiểm trên cánh được lắp đặt trên tàu bay A321neo chỉ để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp và được trang bị chức năng mở tự động trong những trường hợp cần sơ tán nhanh chóng. Những sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam sẽ sớm được bàn giao và chuyển đến các nhà máy của Airbus tại Đức để lắp ráp lên thân máy bay.
Sau khi hợp đồng giữa tập đoàn Airbus và tập đoàn MHI được ký kết vào năm 2023, Airbus đã cử các chuyên gia từ Pháp và Đức sang Việt nam, làm việc chặt chẽ với MHI, đồng thời hướng dẫn, đào tạo trực tiếp đội ngũ nhân lực người Việt.
Dự án sản xuất mới nhất với nhà máy MHI Việt Nam tiếp nối các hợp tác công nghiệp của Airbus tại thị trường Việt Nam, hiện đang tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động trong nước.
Lãnh đạo Airbus Việt Nam cùng chuyên gia Airbus và MHI Việt Nam trong lễ bàn giao sản phẩm cửa thoát hiểm máy bay được sản xuất tại Việt Nam
Trước MHI Việt Nam, Airbus cũng đã hợp tác với các doanh nghiệp tại Việt Nam như Artus (Meggitt) Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cung cấp thiết bị cơ điện cho dòng máy bay A320, A330 và A350; Nikkiso Việt Nam tại Hà Nội sản xuất các cấu trúc bằng composite cho máy bay A320 Sharklet và các linh kiện cho máy bay A330neo và A350.
Với việc đưa sản xuất về Việt Nam, Airbus không chỉ tăng cường năng lực sản xuất của tập đoàn mà còn đảm bảo tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp giảm thời gian thực hiện và tăng công suất sản xuất dòng máy bay A320 bán chạy nhất thế giới.
Bên cạnh đó, động thái chiến lược này của Airbus còn đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế của Việt Nam thông qua việc tạo việc làm tay nghề cao và phát triển kỹ năng cho người lao động.
Trước đó, đầu năm 2019, Công ty Universal Alloy Corporation Asia Pte.LTD (Tập đoàn UAC) từ Hoa Kỳ - nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới đã quyết định đầu tư 170 triệu USD để sản xuất một số cấu kiện, bộ phận chi tiết của máy bay tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của UAC tại Đà Nẵng sản xuất hơn 4.000 bộ phận khác nhau cho các máy bay Boeing Boeing 787, 777 và 737; và động cơ cho Rolls Royce. Theo thiết kế, nhà máy Sunshine có công suất 12.470 tấn sản phẩm/năm, được vận hành theo quy trình khép kín, trang bị hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, áp dụng nghiêm ngặt các quy định của Hệ thống quản lý an toàn quốc tế. Các sản phẩm sản xuất của nhà máy này chủ yếu được xuất khẩu đi EU, Malaysia và Bắc Mỹ.
Theo tập đoàn UAC, 100% sản phẩm được sản xuất tại Đà Nẵng sẽ xuất khẩu sang thị trường hàng không vũ trụ trên thế giới, đặt mục tiêu thu về hơn 180 triệu USD xuất khẩu hàng năm vào năm 2026. UAC cũng có kế hoạch tuyển dụng từ 650-1.200 lao động tay nghề cao về lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa; đồng thời phát triển chuỗi sản xuất về ngành công nghiệp hỗ trợ với việc thu hút trên 2.000 lao động khác.
Theo kết quả dự báo dịch vụ toàn cầu (GSF) mới nhất của Tập đoàn Airbus, thị trường dịch vụ hàng không thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ) sẽ tăng hơn gấp hai lần giá trị, từ mức 52 tỷ USD hiện nay lên 129 tỷ USD vào năm 2043.
Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu khoảng 19.500 máy bay mới và lưu lượng hành khách hàng không trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 4,81%.
Nhờ vào sự gia tăng lưu lượng hàng không hằng năm, sự mở rộng đội bay và nhiều máy bay có nhu cầu được kết nối, hỗ trợ kỹ thuật số hơn, sự tăng trưởng nhu cầu dịch vụ sẽ được thể hiện thông qua các giải pháp được triển khai trong tất cả các giai đoạn của máy bay, từ khi bàn giao đến khi hết vòng đời sử dụng, bao gồm bảo dưỡng, nâng cấp và đào tạo bay.
Trong số các phân khúc khác nhau của mảng dịch vụ tại châu Á - Thái Bình Dương, giá trị thị trường của phân khúc bảo dưỡng máy bay sẽ tăng hơn gấp hai lần, từ 43 tỷ USD lên 109 tỷ USD (5% CAGR).
Phân khúc cải tiến và nâng cấp máy bay dự kiến tăng trưởng tương tự, từ 5,1 tỷ USD lên 13 tỷ USD (5,1% CAGR), trong khi phân khúc đào tạo và vận hành dự kiến tăng từ 4,1 tỷ USD năm 2024 lên 7,6 tỷ USD vào năm 2043 (3,3% CAGR).
Tập đoàn Airbus cũng dự báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 999 nghìn chuyên gia lành nghề mới (gần 45% số nhân lực toàn cầu) trong 20 năm tới, bao gồm 268.000 phi công mới, 298.000 nhân viên kỹ thuật mới và 433.000 tiếp viên hàng không mới.
Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành. Ngành vận tải hàng không của Việt Nam hiện tạo ra 2,2 triệu việc làm và đóng góp 12,5 tỷ USD, tương đương 5,2% vào GDP của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với ông Steve Biegun, Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Boeing bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC và Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) tại thành phố Detroit, Hoa Kỳ hồi tháng 5/2023
Tại buổi làm việc với ông Steve Biegun - Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC và Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) tại thành phố Detroit, Hoa Kỳ hồi tháng 5/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, một số nhà cung cấp tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ sản xuất một số thành phần máy bay thương mại của Boeing như một số bộ phận trong cấu trúc máy bay, linh kiện, nội thất máy bay và vật liệu tổng hợp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ vẫn chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các doanh nghiệp thuần Việt Nam mới chỉ sản xuất được những linh phụ kiện nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao.
Thực tế, từ năm 2020, công nghiệp hàng không vũ trụ đã được đưa vào danh mục các ngành công nghiệp công nghệ cao được Việt Nam ưu tiên đầu tư phát triển. Trong ngành cơ khí chế tạo, tại Việt Nam đã hình thành những tập đoàn lớn thuần Việt có năng lực và cũng sẵn sàng đầu tư cho công tác nghiên cứu - phát triển, máy móc thiết bị để theo đuổi các mục tiêu lớn hơn trong lĩnh vực công nghệ cao, hoàn toàn có thể trở thành những đối tác tiềm năng của Boeing trong tương lai.
Do đó, đầu tư của Boeing vào Việt Nam trong thời gian tới cần góp phần tích cực để tạo ra tác động lan toả mạnh mẽ hơn tới việc nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn Boeing đẩy nhanh hơn nữa quá trình phát triển các nhà cung ứng tại Việt Nam, xây dựng các dự án kết nối và hỗ trợ cụ thể; dành thời gian khảo sát, làm việc, tư vấn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể đáp ứng được các yêu cầu hãng đưa ra; cử chuyên gia đến để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ khi đã đáp ứng đủ điều kiện.
Cùng với nỗ lực kết nối của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng đang chủ động chuẩn bị để sẵn sàng nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam. Một trong những nỗ lực đó là việc đạt được chứng nhận AS9100 - tiêu chuẩn quốc tế trong ngành hàng không vũ trụ.
Theo ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (Hansiba), mặc dù ngành công nghiệp hàng không và vũ trụ tại Việt Nam còn rất mới mẻ, nhưng đang phát triển nhanh chóng, có tính chất lan tỏa, tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, đồng thời đóng một vai trò quan trọng trong mục tiêu hiện thức hóa chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam, với trọng tâm là các ngành công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ.
Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần đầu tư vào công nghệ mà còn phải đạt được chứng nhận AS9100. Việc đạt được chứng nhận này là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực này.
Chứng nhận AS9100 không chỉ đơn thuần là một tiêu chuẩn chất lượng mà còn được xem là “giấy thông hành” giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Vũ Mạnh Giáp, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chính xác TCI, khẳng định rằng việc hiểu và áp dụng tiêu chuẩn AS9100 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các đối tác nước ngoài.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã quen với việc đáp ứng tiêu chuẩn từ các doanh nghiệp FDI nên việc chuyển đổi sang sản xuất theo tiêu chuẩn AS9100 sẽ không quá khó khăn. Tuy nhiên, thách thức chính là việc kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành hàng không và vũ trụ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phát triển thị trường và đặc biệt là chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hợp tác sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh thị trường hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển với tốc độ chóng mặt, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt nhanh chóng cơ hội này và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành hàng không và vũ trụ.
Bài: Phương Chi
Thiết kế: Khánh Thy