Ông Mohd Izham Hassan, Phó giám đốc MPOC, dự báo nhu cầu sử dụng dầu ăn nói chung, dầu thực vật nói riêng trên toàn cầu sẽ tăng lên và thị phần của dầu cọ trên thị trường dầu thực vật toàn cầu có thể lên tới 60% trong năm nay. Malaysia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới, sau Indonesia
Giá các loại dầu thực vật trên toàn cầu, bao gồm cả dầu cọ, đã tăng kỷ lục trong năm nay khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2 vừa qua đã khiến nguồn cung dầu hướng dương từ Ukraine bị đứt gãy. Đồng thời, việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ trong tháng 5 đã gây ra cú sốc cung lớn đến thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Nhiều quốc gia đang phụ thuộc mạnh vào dầu cọ để giải quyết việc thiếu hụt nguồn cung dầu hạt hướng dương, dầu hạt cải và dầu đậu nành. Dầu cọ đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp như chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và nhiên liệu. Trong năm ngoái, tình trạng thiếu hụt lao động nhập cư tại các đồn điền dầu cọ cũng như biến đổi khí hậu khiến năng suất cây trồng sụt giảm đã khiến sản lượng dầu cọ của Malaysia và Indonesia ở mức thấp, đẩy giá mặt hàng này tăng cao.
MPOC cũng chốt mức giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch dầu cọ tại nước này tấn trong năm nay. Trong đó, giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch từ nay đến cuối tháng 7/2022 là 6.500-6.800 Ringgit và giảm xuống còn 6.300-6.500 Ringgit trong giai đoạn từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 9/2022 do Indonesia nối lại hoạt động xuất khẩu (1 USD= 4,3880 Ringgit).
Ông Mohd Izham Hassan cho biết “Giá các loại dầu thực vật có thể sẽ giảm xuống vào cuối quý 4 năm nay nhưng giá dầu cọ được dự báo sẽ ở trên mức 6.000 Ringgit/tấn. Nguồn cung ở mức thấp, trong khi nhu cầu cao, sự biến động của giá dầu thô Brent và các căng thẳng địa chính trị sẽ là những nhân tố chính chi phối giá dầu thực vật thời gian tới”.