Đất mặn mòi chân sóng
Dong ruỗi trên con đường thiên lý từ nam ra bắc hay ngược lại, Nam Ô là điểm dừng ở ngay dưới chân Hải Vân Sơn. Người già trong làng hay kể chuyện rằng: ngôi mộ ngoài mé biển, hiện nay ở gần đồn biên phòng Nam Ô, là ngôi mộ của vị tướng dưới quyền Trần Khắc Chung cùng vào nam cứu công chúa Huyền Trân năm 1307. Công chúa Huyền Trân được gả cho Chế Mân, đổi lại Đại Việt được hai châu Ô và châu Lý, nhưng năm sau thì Chế Mân chết. Theo tục của người Chiêm, chồng chết thì vợ phải chết theo, vua Trần Anh Tông nghe vậy thương con, sai Trần Khắc Chung đi cứu. Trần Khắc Chung nói với người Chiêm để công chúa ra bờ biển chiêu hồn chồng về trước khi lên giàn hỏa, rồi dẫn công chúa chạy từ thành Đồ Bàn ra tới chân núi Hải Vân để xuống thuyền, Quân Chiêm đuổi theo, nhiều quân sĩ đánh chặn hậu đã chết ở sông Cẩm Lệ, Trần Khắc Chung mới đưa được Huyền Trân chạy thoát ra Nam Ô. Lúc ấy tháng 10, gió bấc thổi mạnh nên thuyền không thể ra khơi, công chúa phải ở lại đây chờ đến mùa gió nam. Khi đoàn người lên thuyền về bắc thì một vị tướng xin ở lại Nam Ô, ông là người Việt đầu tiên ở lại đất Chiêm Thành và chết trên đất Chiêm Thành. Thời Chế Bồng Nga, người Chiêm chiếm lại đất này, đập phá bia mộ, từ đó ông trở thành người vô danh. Những người Việt di dân sau này tôn ông là tiền hiền của vùng đất Nam Ô, hằng năm tế lễ vào ngày 24-6 âm lịch.
Dù đi vào hay đi ra, bằng đường biển hay đường bộ, do vị trí độc đạo nên suốt hàng ngàn năm qua Nam Ô là trạm nghỉ, dân cư tụ hội sinh sống đông đúc. Di tích Chiêm hiện nay vẫn còn là nhiều ngôi miếu thờ nằm lẫn dưới những tán cổ thụ của rú Cấm, một khu rừng núi thiêng không ai dám xâm phạm. Tại Nam Ô, trước đồn biên phòng vẫn còn di tích của một ngôi tháp Chăm cổ xây bằng những viên gạch vồ lớn, trong Bảo tàng điêu khắc Champa hiện còn nhiều bức tượng mà các nhà nghiên cứu Pháp đã đưa về từ đây. Ngoài ra Nam Ô vẫn còn ba cái miếu Bà Giàng và rất nhiều mả vôi, dân làng gọi là mả Hời, nguyên vẹn dấu vết của kiến trúc Chămpa cổ. Ngay giữa làng còn có hàng chục cái giếng Chăm hình vuông, nước quanh năm trong vắt. Từ những cứ liệu này cho thấy Nam Ô xa xưa là một làng Chăm, người Chăm đã sống ở đây cho đến khi Gia Long lên ngôi.
Nghề xưa nay vẫn giữ
Ngày nay làng Nam Ô thuộc Hoà Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng, vẫn lừng danh với nghề làm nước mắm. Nước mắm Nam Ô không lẫn với mùi vị nước mắm ở nơi khác, do nguyên liệu độc đáo - con cá cơm than đánh bắt vào tháng ba âm lịch trên vùng biển Đà Nẵng. Trước lúc rạng đông, ngư dân đánh cá cơm than đi biển bằng ghe lớn, chở theo dụng cụ chuyên dụng gọi là “mành”. Từ tháng giêng âm lịch, từng đàn cá cơm than ở Cà Mau xuôi theo dòng hải lưu đến Phan Thiết, Mũi Né, ở đây ngư dân cũng đánh cá cơm than về làm nước mắm Phan Thiết. Sang đầu tháng ba âm lịch, đàn cá đến vịnh Đà Nẵng, và ở lại đến tháng 8 âm lịch. Những tháng ấy làng Nam Ô vào vụ nước mắm. Họ muối cá bằng thứ muối Cà Ná hạt lớn để lâu năm, mất hết chất đắng, chỉ còn vị mặn mòi tinh khiết. Các chum nước mắm làm bằng gỗ mít, dưới đáy chèn sạn và chổi đót, một chum có thể chứa được 200-300 kg cá ướp muối. Để đến 12 tháng sau, mới lấy được khoảng 100-150 lít nước mắm loại 1.
Người ta gọi là nước mắm “nhỉ” bởi vì phải lọc hết sức công phu, bằng những cái “chuột” để nước mắm nhỉ ra từng giọt, từng giọt. Cái “chuột” lọc nước mắm làm bằng tre hình nón, bên ngoài bọc một cái bao vải trắng, treo trên ba cái tao như chiếc nôi trẻ con, bên dưới đặt một thau lớn hứng nước mắm nhỏ xuống như thể cà phê phin. Từ màu vàng chuyển sang màu đỏ đậm, một kiệu nước mắm lớn phải lọc như thế mất hai ngày hai đêm mới xong, nước mắm cá cơm than loại 1 có màu đỏ sậm, đặc sánh.
Người Nam Ô rất tự hào về nghề làm nước mắm của làng mình, đâu có dễ để tạo dựng lâu bền một thương hiệu như thế! Sắp tới, nếu du khách vào Nam ra Bắc, đi theo quốc lộ 1 A, nên tranh thủ dừng lại Nam Ô một chốc, để mua nước mắm ngon về chấm thịt heo ba rọi ăn Tết.
Mặn mòi nước mắm Nam Ô
TCCT
Làng Nam Ô (Hoà Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) xưa nay đã lừng danh với nghề làm nước mắm. Thương hiệu nước mắm Nam Ô không lẫn vào các loại nước mắm khác, do hương vị chế biến từ một thứ nguyên liệu