Trong một bước tiến quan trọng hướng tới tương lai bền vững, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Quỹ Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) cùng với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đã thảo luận mối liên kết giữa tính bao trùm giới và hành động vì biến đổi khí hậu tại Hội thảo “Nữ giới và Nền kinh tế xanh” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 4 vừa qua.
Việt Nam với tiền đề là sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động và các lĩnh vực chính trị cao hơn nhiều so với trung bình toàn cầu, sở hữu nền tảng quan trọng để thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Cụ thể, Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động hơn 70%, cùng với 30,26% nữ giới trong Quốc hội, vượt xa trung bình toàn cầu 25,5%. Tuy nhiên, sự hiện diện của phụ nữ trong các vị trí quản lý cấp cao và sở hữu doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 26,5%. Sự không đồng đều này cho thấy tiềm năng phát triển và tác động lớn hơn mà phụ nữ có thể mang lại trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Mạng lưới Lãnh đạo về Khí hậu (the Climate Leaders Network), ra mắt vào tháng 6 năm 2023, cũng được giới thiệu tại sự kiện lần này, cam kết nâng cao vai trò của phụ nữ trong hành động vì biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự quan tâm của các bên liên quan về thách thức khí hậu của Việt Nam và mối liên kết giữa giới và khí hậu, đồng thời khuyến khích thế hệ tương lai các nhà lãnh đạo nữ trong lĩnh vực môi trường.
Bà Sarah Twigg, Trưởng nhóm Giới và Phát triển Kinh tế bao trùm, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, IFC, nhấn mạnh: "Việt Nam hiện đi đầu trong việc lồng ghép giới và hành động vì biến đổi khí hậu. IFC, thông qua những sáng kiến như Mạng lưới Lãnh đạo vì Khí hậu, đặt mục tiêu biến các nền tảng hiện có trở thành một lực lượng năng động thích ứng với biến đổi khí hậu và kinh tế. IFC cam kết thúc đẩy các khoản đầu tư hướng đến tăng trưởng giải pháp khí hậu, và chúng tôi ghi nhận sự lãnh đạo của phụ nữ đóng vai trò trọng tâm để thực hiện mục tiêu này."
Bà Sunita Dubey, Đại diện Quốc gia của GEAPP tại Việt Nam, đưa ra một góc nhìn bổ sung: "Việc thành lập Mạng lưới Lãnh đạo vì Khí hậu đánh dấu bước đột phá mới trong lĩnh vực môi trường bằng cách giải quyết tình trạng thiếu hụt đại diện phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo. Cách tiếp cận của chúng tôi tận dụng các thành tựu của Việt Nam trong bình đẳng giới như một mô hình để tạo ra các chiến lược sáng tạo và toàn diện về khí hậu. Bằng cách tập trung vào các giải pháp bao hàm giới, GEAPP mong muốn truyền cảm hứng cho sự thay đổi hệ thống có lợi cho cả môi trường và cộng đồng."
Hội thảo không chỉ tôn vinh vai trò của phụ nữ trong việc lãnh đạo hành động vì khí hậu mà còn thảo luận kế hoạch cho các sáng kiến tương lai nhằm tăng cường tác động của họ trong các lĩnh vực xanh. Nội dung của hội thảo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và lãnh đạo của phụ nữ trong nền kinh tế xanh, nhận thức vai trò then chốt của bình đẳng giới trong việc đạt được các mục tiêu toàn diện về khí hậu.
Thông qua Mạng lưới Lãnh đạo vì Khí hậu, IFC, GEAPP và các đối tác hướng đến việc tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các vai trò lãnh đạo ở các lĩnh vực kinh tế chính của Việt Nam và trao cho họ vai trò quyết định trong việc định hình các chính sách và hành động về khí hậu của quốc gia. Thông qua đối thoại, chia sẻ các thực tiễn tốt và cung cấp hỗ trợ cho những nhà lãnh đạo và doanh nhân nữ, Mạng lưới hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh toàn diện và kiên cường.