Ngày 14/3/2018, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức Diễn đàn “Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018” tại Hà Nội.
Để chuẩn bị cho Diễn đàn lần này, VECOM đã tiến hành khảo sát hơn 4000 doanh nghiệp trên cả nước và xây dựng dựa trên bốn trụ cột: Hạ tầng và nguồn nhân lực, Giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và dịch vụ công trực tuyến (G2B).
Đánh giá của VECOM cho thấy, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, có một sự chênh lệch rất lớn về chỉ số thương mại điện tử giữa Tp. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với các địa phương còn lạiCụ thể, với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website TMĐT cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.
Với lĩnh vực thanh toán, thông tin từ Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho thấy, năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Còn trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết (afiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.
Cũng theo báo cáo của VECOM, Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu về chỉ số TMĐT với điểm tổng hợp là 82,1 điểm và cao hơn 3,5 điểm so với năm 2017. Đứng thứ hai là Hà Nội với điểm tổng hợp 79,8 điểm, cao hơn 4 điểm so với năm trước.
Đặc biệt, trong năm nay, Hải Phòng vươn lên vị trí thứ ba
trong bảng xếp hạng về chỉ số TMĐT, tiếp theo đó là Đà Nẵng và Bình Dương.
Tuy nhiên, phát biểu tại Diễn đàn ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT & Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, có một sự chênh lệch rất lớn về chỉ số TMĐT giữa Tp. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với các địa phương còn lại. Trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 9 tỉnh không xuất hiện trong báo cáo về chỉ số TMĐT lần này, gồm 5 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La), 4 tỉnh miền Tây Nam bộ (Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng). Đây là những tỉnh có số tên miền quốc gia “.vn” quá thấp, trung bình từ 3.000 dân trở lên mới có 1 tên miền.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động TMĐT tại Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh. Đây là thách thức không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước khác trên thế giới, kể cả các nước đã phát triển TMĐT, hoặc các nước lớn ở châu Âu, Mỹ, môi trường pháp lý vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển TMĐT.
“Vì vậy, rất mong Diễn đàn “Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018” sẽ thảo luận những nội dung thiết thực, cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách, nhất là những chính sách cần sửa đổi để thúc đẩy phát triển TMĐT”, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh.
Trước những số liệu trên, VECOM khuyến nghị: “Việt Nam cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ để vừa thúc đẩy vai trò đầu tàu về TMĐT của 2 trung tâm kinh tế ở 2 đầu đất nước vừa hỗ trợ sự phát triển của các địa phương khác, tạo sự phát triển nhanh và bền vững trên phạm vi cả nước”.
Diễn đàn “Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018” thu hút sự tham gia từ các tổ chức và cá nhân có sức ảnh hưởng lớn tới kinh doanh trực tuyến, bao gồm các đại diện đến từ Tổng cục Thuế, Amazon, Nielsen, NAPAS (Công ty thanh toán quốc gia Việt Nam), VnPost (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam), quỹ đầu tư VinaCapital, Zalo, Mắt bão, PA Vietnam, Vietinbank, Vinaphone, Mobifone, Fado.
Diễn đàn đã tạo cơ hội cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trao đổi về những xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến, các công nghệ nổi bật và ý tưởng kinh doanh sáng tạo.