Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019”. Thực tế thì tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 đã vượt 7%.
Thế nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 lại không có được sự “tỏa nắng” đủ để nhà đầu tư lạc quan. Chỉ số VN-Index cả năm 2019 tăng 7,67% so với năm 2018, nhưng không nhiều cổ phiếu chiến thắng được thị trường. Thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng đã sụt giảm gần một phần ba so với năm 2018 trước sức cạnh tranh của các kênh đầu tư khác như vàng hay trái phiếu doanh nghiệp.
Qua rồi thời tất cả cùng thắng?
Một thống kê buồn cho năm 2019 là hàng loạt quỹ đầu tư sừng sỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức lợi nhuận thua xa cả gửi tiết kiệm. Khảo sát với 17 quỹ đang hoạt động thì quỹ tăng trưởng tốt nhất là hai quỹ do công ty VFM quản lý là quỹ VFMVF4 và VFMVF1, tăng trưởng tương ứng 8,9% và 11%. Phần lớn các quỹ chỉ tăng trưởng trong khoảng 4-8%. Quỹ VinaCapital VOF lỗ 1,4%.
Nếu như các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận và chật vật để đạt được một mức tăng trưởng chấp nhận được, thì các nhà đầu tư cá nhân càng khó khăn hơn. Sau một năm 2018 đầy biến động, thị trường chứng khoán 2019 đã diễn ra sự thanh lọc khắc nghiệt với các cổ phiếu cũng như với nhà đầu tư.
Thống kê năm 2019 đối với sàn HoSE, chỉ có 170/383 cổ phiếu là có tăng trưởng dương, tỷ lệ khoảng 44,3%. Thế nhưng chỉ có 131 cổ phiếu chiến thắng được thị trường, tức là đạt mức tăng trưởng cao hơn chỉ số VN-Index, tỷ lệ 34,2%. Số cổ phiếu đạt mức tăng trưởng tương đương với kỳ vọng bình quân của lĩnh vực đầu tư - khoảng 20%/năm - chỉ là 80 cổ phiếu, tỷ lệ 20,89%.
Nói cách khác, nhà đầu tư trong năm 2019 phải lựa chọn cực kỳ khó khăn mới có thể đạt được mức lợi suất tốt. Cứ mỗi 10 cổ phiếu lựa chọn đầu tư thì chỉ 2 mã là có khả năng thắng lợi cao. Phần lớn các khoản đầu tư dù lãi cũng có khả năng chỉ tương đương hoặc thấp hơn gửi tiết kiệm. Phía ngược lại nguy hiểm hơn nhiều khi tới gần 60% nguy cơ nhà đầu tư chọn sai cổ phiếu và bị thua lỗ.
Tính trong một năm đầu tư với tỷ lệ tăng trưởng thấp và xác suất rủi ro cao như vậy thì rõ ràng thị trường chứng khoán không phải là kênh đầu tư “dễ xơi”. Trong khi đó như vàng, chỉ việc mua đầu năm rồi giữ chặt hết năm, lợi nhuận cũng đã là 18,8% (giá vàng thế giới, trong nước tăng 16,3%) mà chẳng phải lo lắng gì đến triển vọng kinh tế, lãi lỗ kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm 2019 cũng đánh dấu sự bùng nổ của một kênh đầu tư cạnh tranh với chứng khoán là trái phiếu doanh nghiệp. Ước tính quy mô của thị trường này đạt khoảng 10,2% GDP với các nhà phát hành chủ đạo là ngân hàng thương mại (47,9%), doanh nghiệp bất động sản (31,5%), doanh nghiệp hạ tầng (7,9%) và các định chế tài chính phi ngân hàng (3,8%).
Điểm khác biệt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là các giao dịch thứ cấp đã tìm đến được với người mua cuối cùng là các nhà đầu tư cá nhân. Các công ty chứng khoán đã thông qua tập khách hàng là người gửi tiết kiệm. Lãi suất bình quân của trái phiếu không phải khối ngân hàng phát hành là khoảng 9,72%, trong đó lãi suất bình quân của khối doanh nghiệp bất động sản là 10,01%/năm, nhóm phát triển hạ tầng là 9,79%/năm, nhóm định chế tài chính là 8,64%/năm. Các đơn vị phân phối tiêu biểu là Công ty chứng khoán Techcombank, Công ty chứng khoán MB đều là các công ty có ngân hàng mẹ và tập khách hàng lớn.
Lợi thế lớn nhất của kênh đầu tư trái phiếu là mức độ rủi ro thấp hơn nhiều so với chứng khoán, lợi suất cao hơn gửi tiết kiệm và có khả năng tạo thị trường có thanh khoản trong trường hợp nhà đầu tư muốn thu về tiền mặt trước hạn. Theo khảo sát của Công ty chứng khoán SSI, 53,4% giao dịch mua trái phiếu đến từ các nhà đầu tư trong nước, khoảng 24,7% là các công ty chứng khoán và 9,6% là các ngân hàng thương mại.
Cơ cấu lãi suất của trái phiếu bất động sản và cơ cấu nhà đầu tư. Nguồn: SSI research
Rõ ràng sự cạnh tranh của các kênh đầu tư đã khiến nguồn lực của thị trường chứng khoán bị chia sẻ. Đó là một trong những lý do chính khiến tăng trưởng của thị trường này trong năm 2019 không thực sự tích cực dù thị trường chứng khoán toàn cầu tăng trưởng rất tốt, cũng như nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước rất khả quan. Thanh khoản của thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh trong ăm 2019 là bằng chứng rõ ràng nhất của sự cạnh tranh này.
2020 - cơ hội để “tỏa nắng”
Kết thúc năm 2019, chỉ số VN-Index đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức 960,99 điểm. Hàng loạt định chế tài chính trong và ngoài nước đều đánh giá cơ hội rất lớn cho năm 2020. JP Morgan đưa ra dự báo VN-Index có thể đạt 1.105 điểm trong năm 2020. VinaCapital cũng dự bán chỉ số lên tới 1.104 điểm. Chứng khoán Bảo Việt dự đoán VN-Index lên 1.070-1.110 điểm. Chứng khoán BSC dự đoán 1.100 điểm, Chứng khoán Rồng Việt dự kiến có thể tới 1.120 điểm, Chứng khoán VNDirect dự đoán 1.160 điểm...
Cơ sở để các tổ chức đầu tư nói trên đưa ra dự đoán rất lạc quan chủ yếu vẫn dựa trên sự tăng trưởng vĩ mô ổn định cho năm 2020. Báo cáo mới nhất công bố ngày 8/1/2020 của Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2020, chấm dứt tình trạng giảm tốc bắt đầu từ năm 2018, với những tác động lớn đến hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu, đặc biệt là trong năm ngoái. Đó cũng chính là dấu hiệu “mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu” mà tổ chức này đưa ra trong báo cáo 2019.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam 2020 được nhiều tổ chức dự báo trong khoảng 6,8%, tức là thấp hơn năm 2019. Tuy nhiên nền kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định với lạm phát dự kiến thấp, dòng vốn FDI và tăng trưởng xuất khẩu ổn định. Đó là điều kiện cơ bản hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Dòng vốn sụt giảm mạnh trên thị trường năm 2019 là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng của thị trường không đều và tạo ra hiện tượng phân hóa mạnh mẽ đối với cổ phiếu. Chỉ số ít cổ phiếu có được mức tăng trưởng vượt bậc trong khi đa số còn lại tăng trưởng thấp hoặc giảm. Theo thống kê, giá trị giao dịch trung bình năm 2019 của thị trường chứng khoán giảm gần 27% so với 2018. Vì vậy kéo dòng vốn trở lại thị trường là một trong những yếu tố mang tính quyết định cho cơ hội tăng trưởng mới.
Yếu tố đầu tiên là định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối rẻ, sau khi có năm 2019 tăng trưởng yếu hơn các thị trường khác. Hệ số lợi nhuận/giá (P/E) bình quân thị trường cuối 2019 chỉ khoảng 15,7 lần, là mức thấp nhất trong vòng 3 năm gần đây. Trong khi đó P/E của thị trường Indonesia khoảng 20 lần, Thái Lan 18 lần, Philipines 17 lần. Công ty Chứng khoán Bảo Việt ước tính lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp niêm yết 2020 tăng khoảng 13,9%, giúp EPS (lợi nhuận trên cổ phần) tăng 10,5%. Với tốc độ tăng EPS như vậy thì P/E của thị trường 2020 sẽ giảm xuống còn 14,5 lần, là mức rất hấp dẫn so với các thị trường.
Việc định giá rẻ sẽ hấp dẫn các dòng vốn đầu tư quay lại thị trường, bao gồm cả dòng vốn nước ngoài. Năm 2019 là năm không tốt đối với dòng vốn nước ngoài khi khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường. Các yếu tố bất định như căng thẳng thương mại cũng như tốc độ tăng trưởng mạnh của các thị trường phát triển cũng làm suy yếu dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi, thị trường cận biên.
Năm 2020 có thể sẽ là năm thay đổi trong dòng vốn này, khi các quỹ đầu tư ETF vẫn đang hút tiền rất mạnh cho thị trường Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn từ Hàn Quốc, Thái Lan. Quỹ ETF nội địa là E1VFMVN30 năm 2019 đã tăng quy mô hơn 2.150 tỷ. Đến cuối 2019, giá trị danh mục của quỹ này đã lên tới gần 6.417 tỷ đồng (276,6 triệu USD) và là quỹ nội lớn nhất thị trường. Nguyên nhân chính là cả hai quốc gia này đều có mức lãi suất rất thấp sau các đợt cắt giảm liên tục, trong khi VN-Index có mức tăng trưởng tốt hơn nhiều thị trường chứng khoán Thái Lan (+0,6%) và Hàn Quốc (6,3%).
Ngoài ra, cơ cấu phân bổ lại xếp hạng các thị trường cũng đang có tín hiệu tốt. Thị trường Kuwait chắc chắn sẽ được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market Index trong tháng 5/2020. Với việc tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Market 100 Index chỉ khoảng 12,3% hiện nay, khả năng tỷ trọng Việt Nam trong rổ này sẽ được nâng lên 30%, theo tính toán của MSCI. Khi đó, quỹ Ishare MSCI Frontier100 ETF có thể mua vào gần 2.000 tỷ đồng.
Không chỉ thế, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI cận biên cũng sẽ được nâng lên đáng kể cuối tháng 5. Hiện nay vẫn chưa có quỹ ETF nào mô phỏng bộ chỉ số này. Tuy nhiên, có một số quỹ cận biên đang so sánh với MSCI cận biên, do đó cũng có khả năng các quỹ mua có chọn lọc các cổ phiếu lớn và có thanh khoản của Việt Nam.