Đơn hàng sẽ dồi dào trở lại từ quý 4/2023, biên lợi nhuận vượt trội mặt bằng chung
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã cổ phiếu MSH – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 2.200 tỷ đồng và lãi ròng đạt 112 tỷ đồng, lần lượt giảm 20,4% và giảm 33,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tính riêng quý 2/2023, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp may mặc này đã cho thấy tín hiệu hồi phục trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn và giá bán trung bình sụt giảm. Cụ thể, doanh thu thuần đạt hơn 1.500 tỷ đồng và lãi ròng đạt 85 tỷ đồng, lần lượt tăng 142% và 213% so với quý 1/2023.
Ban lãnh đạo May Sông Hồng cho biết, nhiều đơn hàng đã được ký mới trong quý 2/2023, dự kiến tình hình đơn hàng vào quý 3/2023 vẫn có thể còn gặp khó khăn nhưng từ quý 4/2023 trở đi thì đơn hàng sẽ dồi dào trở lại.
Đáng chú ý, May Sông Hồng là một trong số các doanh nghiệp dệt may chú trọng chuyển dịch phương thức sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng đơn hàng FOB (Free On Board) thay vì đơn hàng gia công CMT (Cut - Make - Trip). So với đơn hàng CMT, FOB là phương thức có biên lợi nhuận cao hơn do doanh nghiệp được chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng đầu vào để làm ra sản phẩm.
Thông qua phương thức FOB, May Sông Hồng có thể tham gia vào việc tìm nguồn cung ứng cho các yếu tố đầu vào và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị. Đối với nhóm sản phẩm FOB và chăn ga gối đệm, doanh nghiệp này chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng đầu vào, ưu tiên phát triển mạng lưới hợp tác với các nhà cung ứng nguyên vật liệu trong nước.
Do đó, May Sông Hồng có biên lợi nhuận gộp ở đơn hàng FOB và chăn ga gối đệm dao động khoảng 14% - 23%, vượt trội so với mức biên lợi nhuận gộp chỉ ở mức 4% của đơn hàng CMT. Trong nửa đầu năm nay, doanh thu FOB và doanh thu nội địa vẫn là động lực tăng trưởng chính của May Sông Hồng, chiếm 85% tổng doanh thu. Tính riêng quý 2/2023, biên lợi nhuận gộp của May Sông Hồng trong quý 2/2023 đạt 12,9%, cao hơn mức trung bình của toàn ngành dệt may (10%).
Sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi, cổ phiếu MSH tăng “nóng”
Vào tháng 3/2022, May Sông Hồng đã đưa Nhà máy May Sông Hồng 10 vào hoạt động với công suất trên 40 chuyền may. Nhà máy này hiện đang thu hút khoảng 2.000 công nhân, bằng 50% so với công suất thiết kế do đơn hàng đang ở mức thấp. May Sông Hồng cho biết nhà máy này sẽ chuyên tập trung sản xuất đơn hàng xuất khẩu, các đơn hàng FOB cho các đối tác lớn, có yêu cầu kĩ thuật cao với biên lợi nhuận hấp dẫn.
Bên cạnh đó, công ty con của May Sông Hồng là Công ty Cổ phần May Sông Hồng - Xuân Trường sẽ bắt đầu triển khai dự án Nhà máy May Xuân Trường trong quý 3 này, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2024 - đầu năm 2025.
Nhà máy này có tổng vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng, 50 chuyền may, quy mô 3.000 lao động, và công suất thiết kế là 3 triệu sản phẩm jacket/năm. May Sông Hồng dự kiến sẽ nắm 51% vốn điều lệ tại May Sông Hồng - Xuân Trường. Đáng chú ý, Ban lãnh đạo May Sông Hồng cho biết nhà máy này sẽ đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn nhà máy xanh của ngành dệt may thế giới.
Sau khi 2 nhà máy mới hoạt động hết công suất, quy mô sản xuất của May Sông Hồng vào năm 2025 sẽ đạt khoảng 255 chuyền may với gần 15.000 lao động, nâng tổng công suất lên 17%. Các nhà máy mới sẽ là bước chuẩn bị giúp May Sông Hồng nhanh chóng nắm bắt các đơn hàng xuất khẩu khi nhu cầu dệt may thế giới phục hồi.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 12/9, cổ phiếu MSH đạt 45.500 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, cổ phiếu MSH đang có nhịp tăng mạnh với mức tăng hơn 25% chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây, với thanh khoản cao đột biến so với thông thường. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu MSH đã tăng hơn 43%.