T hành lập từ năm 1988, Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) là một trong những doanh nghiệp may mặc lớn nhất Việt Nam. Với ưu thế ngành nổi trội, MSH luôn kinh doanh ổn định và duy trì việc trả cổ tức tiền mặt cao cho nhà đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp chủ yếu sản xuất đơn hàng xuất khẩu, với tỉ trọng xuất khẩu thị trường Mỹ (60%) và EU (30%). MSH hưởng lợi lớn từ chính sách thương mại và mạng lưới đối tác nước ngoài quy mô lớn. Lũy kế 12 tháng đầu 2018, Công ty đạt doanh thu 3.951 tỉ đồng, lợi nhuận ròng đạt 370 tỉ đồng (tăng trưởng 84,5%).
Đồng sở hữu lợi thế ngành như các công ty may mặc khác, MSH còn có lợi thế riêng biệt là mạng lưới khách hàng uy tín và quy mô. Theo nguồn tin của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đến thời điểm hiện tại, MSH đang có giao dịch với các tập đoàn thời trang có tên tuổi như Apparel Tech, Bugatti, Columbia Sportwear, G-III, GAP, New York & Company, SEA-A Trading, Haddad Apparel...
Trong đó, có nhiều đối tác là đơn vị thiết kế, kinh doanh và phân phối cho các thương hiệu lớn, như trường hợp của Haddad Apparel - đơn vị có quan hệ kinh tế với Converse, Nike, Levi’s. Năm 2017, Haddad Apparel còn là khách hàng mà MSH mới phát triển với giá trị vận đơn lần đầu chỉ có 7,9 triệu USD, thì đến năm 2018, con số này là 29 triệu USD. Qua đó, có thể thấy niềm tin của khách hàng Mỹ với MSH dần được củng cố, nhờ đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng cho khách.
Theo tìm hiểu của VDSC, trong năm 2019, MSH sẽ mở rộng hợp tác liên doanh với đối tác Luen Thai (tập đoàn may mặc tại Hồng Kông, chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm may mặc thời trang, nội y... cho các thương hiệu lớn như Adidas, Uniqlo, Polo Ralph Lauren, Calvin Klein). Hai phía đối tác dự kiến sẽ thành lập trụ sở tại Hồng Kông, sản xuất hàng nội y cho các thương hiệu tên tuổi như Victoria’s Secret, Calvin Klein. Doanh thu ước tính vào khoảng 40 triệu USD, dự kiến sản xuất theo phương thức FOB cấp 2 nên việc hợp tác này được kỳ vọng sẽ mang lại biên lợi nhuận gộp cao hơn các dòng sản phẩm hiện hữu (20-25%).
Trên nền tảng đó, thuế suất hàng Việt Nam với từng mặt hàng sẽ hưởng ưu đãi thuế quan 0% theo các lộ trình đã ký kết. Bên cạnh việc thẩm thấu sâu hơn với các đối tác truyền thống như Mỹ và EU, chính sách thương mại mới còn mở cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam tiến vào các thị trường đầy tiềm năng như Canada, Mexico, Úc, New Zealand, Chile và Peru... Theo đó, thị trường của nhóm quốc gia tiềm năng mới dự kiến trị giá 41 tỉ USD, trong đó Canada là 12 tỉ USD. Hiện tại, Việt Nam ước tính chiếm 5% thị phần xuất khẩu dệt may vào Canada, một nguồn tin chuyên sâu cho biết.Ngoài ra, mảng trợ lực trọng yếu khác cho MSH là chính sách thương mại quốc tế thuận lợi với hàng may mặc Việt Nam. Thực hiện chính sách thương mại đa phương, Việt Nam đã lần lượt ký hiệp định thương mại tự do như VJEPA (Việt Nam - Nhật), VKFTA (Việt Nam - Hàn Quốc), ASEAN - Úc/New Zealand (AANZFTA), EVFTA (Việt Nam - EU), CPTPP...
Ngoài ra, các luận điểm đầu tư MSH thứ yếu khác, có thể kể đến: khả năng sinh lời hấp dẫn của MSH so với các doanh nghiệp cùng ngành, tỉ suất cổ tức chi trả nhà đầu tư hấp dẫn và việc doanh nghiệp này đưa vào vận hành nhà máy Sông Hồng 10 sẽ là chất xúc tác cho tăng trưởng trong dài hạn.Theo dự phóng được tính toán bởi VDSC, doanh thu thuần năm 2019 của MSH có thể đạt 4.359 tỉ đồng (tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ), lợi nhuận ròng thu về 406 tỉ đồng. Trên phương diện hiệu suất tài chính, ROA và ROE của MSH lần lượt ước đạt 15,1 và 35,9 vào năm 2019.
VDSC cũng đưa ra định giá cho MSH, dựa trên các phương pháp tiếp cận như chiết khấu dòng tiền và định giá tương đối tham chiếu P/E. Các giả thuyết được đưa vào mô hình định giá bởi VDSC, gồm phương pháp định giá DCF giả định chi phí sử dụng vốn bình quân là 13,5%, tốc độ tăng trưởng dài hạn dòng tiền FCFF là 1,1%; phương pháp định giá P/E với tham chiếu ngành là 7,3. Trên cơ sở đó, giá mục tiêu của MSH được VDSC khuyến nghị ở mức 56.500 đồng/cổ phiếu.