15 ngày bắt kịp xu hướng
Ngay sau khi lời kêu gọi phòng, chống dịch Covid-19 của Tổng bí thư, Chủ tịch nước được phát đi, chỉ chưa đầy 2 tuần, nhóm nghiên cứu Khoa Điện tử Viễn thông và Trung tâm nghiên cứu phát triển (Trường Đại học Điện lực - EPU) phối hợp với một số chuyên gia y tế đã cho ra đời phiên bản đầu tiên của máy trợ thở cho bệnh nhân mắc Covid-19 và các bệnh khác cần trợ thở.
ThS. Trần Vũ Kiên, giảng viên Khoa Điện tử Viễn thông, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ, nỗ lực nghiên cứu của trường nhằm chung tay cùng với Chính phủ trong công tác điều trị và phòng chống dịch trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 lây lan trên diện rộng.
Để cho ra đời phiên bản máy trợ thở đầu tiên này, 8 thành viên trong nhóm đã miệt mài, nỗ lực nghiên cứu. Nhiều cuộc họp trực tuyến cùng hàng trăm cuộc gọi lúc nửa đêm đã diễn ra để chỉnh sửa động cơ, thay đổi nguyên vật liệu,...
“Gần 2 tuần liền, phòng nghiên cứu trở thành nhà của anh em. Nhiều cuộc trao đổi trực tuyến từ các chuyên gia y tế hàng đầu hàng Việt Nam; từ các anh em, bạn bè, đồng nghiệp,... động viên, hoàn thiện chiếc máy đầu tiên”, trưởng nhóm Trần Vũ Kiên nhớ lại.
Và đúng như kỳ vọng, sau gần 2 tuần miệt mài nghiên cứu, nhóm đã cho ra đời 2 phiên bản máy thở không xâm nhập. Phiên bản EV1 nhằm mục đích chính là đáp ứng tốc độ sản xuất nhanh khi không may xảy ra trường hợp y tế khẩn cấp.
Phiên bản EV2 nhỏ gọn hơn, nhiều tính năng hơn nhưng vật tư, linh kiện lại không dễ huy động số lượng lớn trong thời gian ngắn. Nhóm nghiên cứu đang xin ý kiến của các chuyên gia y tế để hoàn thiện sản phẩm.
ThS. Trần Vũ Kiên cho biết, máy được chế tạo dựa theo thiết kế mẫu của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học thế giới, được cải tiến để phù hợp với điều kiện Việt Nam và tình hình dịch bệnh hiện nay.
“Nhóm đã nghiên cứu và quyết định sử dụng động cơ của cần gạt nước ô tô để chế tạo thành động cơ cho máy trợ thở. Phần vỏ máy, nhóm cũng sử dụng chất liệu sẵn có, không giới hạn, phù hợp với diễn biến dịch bệnh ở Việt Nam. Nếu dịch bệnh diễn biến xấu, trong thời gian ngắn, có thể huy động hàng trăm ngàn động cơ, nguồn nguyên liệu trên cả nước để sản xuất hàng loạt, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cấp bách”, ThS. Trần Vũ Kiên chia sẻ.
Bổ sung thêm những thông tin về máy trợ thở, TS. Phạm Duy Phong - Phó Trưởng Khoa Điện tử - Viễn thông cho biết, đây là loại máy trợ thở không xâm nhập, có các tính năng cơ bản, đạt được các thông số như lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở và tỉ số inhale/exhale,... Ngoài ra, có thể nâng cấp thêm một số tính năng khác của máy trong thời gian tới.
Máy có chức năng hỗ trợ thở cho những bệnh nhân suy giảm khả năng hô hấp hoặc phù phổi cấp do virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào, gây rối loạn hệ miễn dịch và tổn thương nghiêm trọng đến phổi. Sản phẩm sẽ góp phần hỗ trợ các nhân viên y tế vượt qua thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao có thể cứu sống nhiều bệnh nhân suy hô hấp, đang nguy kịch vì dịch bệnh Covid-19.
“Với thiết kế được cải tiến, có thể sản xuất máy với số lượng lớn trong thời gian ngắn, sử dụng nguồn vật tư, linh kiện có thể huy động có sẵn trong nhân dân, nhóm có thể chuyển giao công nghệ để cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong cả nước có thể tham gia ý kiến hoàn thiện sản phẩm, tự chế tạo để cho ra đời sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu điều trị cho bệnh nhân”, TS. Phạm Duy Phong chia sẻ.
Nội lực nghiên cứu khoa học sẵn có
Đánh giá về phiên bản máy trợ thở đầu tiên này, ThS. Hà Quang Thanh - Giám đốc Trung tâm đánh giá chất lượng trang thiết bị y tế (Bộ Y tế) cho biết, máy trợ thở do Trường Đại học Điện lực nghiên cứu phù hợp với tiêu chuẩn chung và đáp ứng được với nhu cầu trong giai đoạn cấp thiết cần có thêm các thiết bị để chống dịch như hiện nay.
Chỉ chưa đầy 2 tuần, nhóm đã nghiên cứu và cho ra đời 2 phiên bản, đây là sự nỗ lực rất lớn của giảng viên và sinh viên nhà trường. Đặc biệt, đây cũng là kết quả minh chứng cho việc Trường Đại học Điện lực là trường dẫn đầu về chỉ số công bố bằng nội lực của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam năm 2019, ThS. Hà Quang Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là cơ sở cho việc chế tạo thành công máy trợ thở trong thời gian ngắn, chính là nhờ Ban Giám hiệu Nhà trường đã luôn quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh việc gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất và đời sống.
Thêm vào đó, nhà trường đang đào tạo ngành CNKT Điện tử Viễn thông, trong đó có chuyên ngành Thiết bị điện tử y tế, với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề, cũng là cơ sở để cho ra đời sản phẩm này.
“Chuyên ngành này đã đào tạo được 6 năm, có sự tham gia giảng dạy của nhiều chuyên gia thiết bị điện tử y tế hàng đầu cả nước, cùng với sự hợp tác của các cơ sở khám chữa bệnh,... nên việc đào tạo có nhiều thuận lợi. Lý thuyết đi đôi với thực hành, sinh viên ra trường có thể đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng, được nhiều cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận, đây cũng là cơ sở giúp nhóm nghiên cứu hoàn thành máy trợ thở”, TS. Phạm Duy Phong chia sẻ.
Thiết kế dự trữ cho tương lai
Mặc dù cho ra đời máy trợ thở đầu tiên trên cả nước và được nhiều chuyên gia y tế đánh giá cao, nhưng trưởng nhóm nghiên cứu ThS. Trần Vũ Kiên chia sẻ “chỉ mong thiết bị này có giá trị dự trữ, chứ không mong muốn được đưa vào sử dụng hoặc phải chế tạo hàng loạt trong những ngày phòng, chống Covid-19”.
Bởi, theo ThS. Kiên, khi máy được đưa vào sử dụng, phải chế tạo hàng loạt, có nghĩa là dịch bệnh đã diễn biến xấu, lây lan trên diện rộng, không thể kiểm soát được. Do vậy, chỉ mong đây là thiết kế dự trữ cho tương lai, sẵn sàng dự phòng cho những khi thực sự cần thiết.
“Máy trợ thở này là đứa con tinh thần của nhóm, dù không mong muốn đưa vào sử dụng nhưng ai cũng đều vui vẻ, vì đã thỏa mãn được đam mê sáng tạo. Trước mắt, máy cần được hoàn thiện tốt nhất, để đưa đi kiểm định chất lượng, sau đó mới được phép lưu hành, đưa vào sử dụng để điều trị” ThS. Trần Vũ Kiên chia sẻ.
Ngay khi ra mắt máy trợ thở, ông Trần Anh Vương (Shark Vương) đại diện cho Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã đến làm việc với Trường và sẵn sàng hợp tác. “Trong trường hợp cần thiết, Hội Doanh nghiệp trẻ sẽ cùng hợp tác sản xuất, cho ra mắt nhiều sản phẩm, trong thời gian ngắn với chất lượng đảm bảo, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân”, trưởng nhóm nghiên cứu máy trợ thở tiết lộ.
Đáng lưu ý, hiện nay nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị cần thiết khác phục vụ cho việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới.
TS Nguyễn Lê Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực: Ngay từ khi xảy ra dịch Covid-19, Nhà trường đã nhận được sự chỉ đạo của Bộ Công thương về phòng chống dịch bệnh, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp KHCN để phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công máy trợ thở trong thời gian rất ngắn cũng đã thể hiện được nội lực NCKH của Trường, nội lực này được xây dựng trong thời gian dài, trong đó có sự hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn của Bộ Công thương, Vụ Khoa học và Công nghệ thông qua các chủ trương, cơ chế, chính sách và các nhiệm vụ KHCN trong thời gian vừa qua.
Nhà trường luôn mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các nhà khoa học và cộng đồng để thiết kế máy trợ thở ngày càng được hoàn thiện. Trường sẵn sàng chia sẻ lại thiết kế để với nguồn vật tư, linh kiện có sẵn trong dân, nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước có thể cùng hoàn thiện và tự chế tạo máy trợ thở, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.