Dự án đường sắt đô thị Metro Nhổn – ga Hà Nội dài 12,5km với tổng mức đầu tư 34.826 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA. Trong đó, đoạn đi trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) dài 4km. Dự kiến ngày 9/8 tới đây, tuyến đường sắt đô thị Metro Nhổn – ga Hà Nội đoạn trên cao dài 8,5 km sẽ được vận hành thương mại.
Lộ trình của tuyến: điểm đầu Nhổn - theo Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với đường Vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với đường Vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).
Đã hoàn tất mọi công việc để đưa đoạn trên cao vào vận hành
Ngày 6/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã kiểm tra thực tế, trải nghiệm đi tàu của dự án từ Ga số 1 (ga Nhổn) đến Ga số 8 (ga Cầu Giấy); kiểm tra công tác thi công khoan ngầm tại gói thầu CP03 của dự án.
Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết: Về khai thác thương mại đoạn trên cao (từ ga S1 đến ga S8), toàn bộ đoạn đã hoàn thành thi công, lắp đặt, vận hành thử, nghiệm thu và các thủ tục pháp lý, đủ điều kiện để vận hành thương mại.
Đối với đoạn ngầm (từ ga S9 đến ga S12), bao gồm cả đoạn hạ ngầm sau ga S8 đến ga S9, tiến độ tổng thể đạt 43,50%. Trong đó, phần các ga ngầm 49,4% (tương đương 23,6% toàn bộ gói thầu), phần hầm đạt 39,5% (tương đương 19,9% toàn bộ gói thầu).
S10 đang triển khai phần kết cấu bên ngoài, ga S11 đang thi công chống thấm bản đáy, ga S12 đang lắp dựng cốt thép bản đỉnh…Theo kế hoạch, công tác khoan và lắp dựng hầm sẽ hoàn thành vào tháng 11/2025. Toàn bộ phần ngầm của dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2027.
Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho biết, đơn vị đã tiếp nhận 10 đoàn tàu được nhà sản xuất Alstom (Cộng hòa Pháp) thiết kế riêng. Với chủ đề “Hành trình xanh”, đoàn tàu gồm ba màu xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng. Dự kiến có 4-6 đoàn tàu sẽ vận hành, hoạt động từ 5h30 và kết thúc lúc 22h hàng ngày. Trong 3 tháng đầu, tần suất chạy tàu là 10 phút/chuyến. Sau 3 tháng, tần suất có thể đẩy lên 6 phút/chuyến vào giờ cao điểm.
Theo thiết kế kỹ thuật tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao, mỗi đoàn tàu cấu tạo gồm 4 toa, mỗi toa chở được 236 hành khách, mỗi chuyến chở được 944 hành khách. Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến tối đa đạt mức 9.440 hành khách/giờ/hướng.
Vận hành miễn phí trong 15 ngày đầu tiên
Theo Nghị quyết của HĐND thành phố, tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội sẽ chở khách miễn phí trong 15 ngày đầu. Ưu đãi này cũng từng được áp dụng tại dự án Cát Linh - Hà Đông.
Sau 2 tuần chạy miễn phí, Hanoi Metro sẽ chính thức bán vé. Giá vé tháng phổ thông là 200.000 đồng/tháng, ngang bằng tuyến Cát Linh - Hà Đông. Hành khách là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp sẽ được giảm 50% giá vé. Ngoài ra, nếu mua vé theo hình thức tập thể từ 30 người trở lên thì giá vé là 140.000 đồng. Giá vé ngày là 24.000 đồng, có thể đi toàn tuyến trong ngày và vé qua các ga dọc đường là từ 8.000 - 12.000 đồng/lượt. Giá vé có thể sẽ thay đổi sau khi dự án thông nốt 4km đi ngầm.
Khác với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, khách mua vé lượt sẽ được cấp vé dạng hình tròn, giống như đồng xu. Khi qua cửa soát vé, dùng vé quét để mở cổng, đến ga xuống thì nhét vào máy soát vé để mở cửa. Vé sau khi mua chỉ có giá trị trong 20 phút, nếu khách không lên tàu phải đến quầy vé để cập nhật lại.
Kỳ vọng thúc đẩy thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân Thủ đô
Dấu mốc khai trương tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội cũng đồng thời kết thúc chuỗi ngày "đơn độc" của tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Sự bổ trợ giữa 2 tuyến metro được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân Thủ đô.
Qua vận hành, người dân đã dần thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa tham gia giao thông, văn hóa sử dụng giao thông công cộng văn minh an toàn thân thiện. Nếu như trước đây nói người dân ngại đi 200 - 300m nhưng hiện đi bộ 1-2km để tiếp cận giao thông công cộng, điều này góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị.
Theo ông Vũ Hồng Trường cho biết: công nghệ của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội hiện đại hơn, khả năng thu hút khách sẽ ngang bằng, thậm chí hơn tuyến Cát Linh - Hà Đông vì tuyến đi qua rất nhiều trường đại học. Với nhiều bạn học sinh, sinh viên chia sẻ, lợi ích lớn nhất từ khi sử dụng tàu điện đó là giảm thời gian đi lại hơn so với di chuyển bằng phương tiện cá nhân, có thêm thời gian để ôn bài hay nghỉ ngơi trên tàu.