Hành trình về nguồn của Đoàn Đảng bộ cơ quan Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) do ông Nguyễn Khắc Hải - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty VEAM làm trưởng đoàn đã có hành trình trải dọc đất miền Trung.
Dâng hương tri ân 10 nữ thanh niên xung phong và gặp gỡ Anh hùng La Thị Tám
Điểm đến đầu tiên trong hành trình về nguồn 2022 của Đảng bộ cơ quan Tổng Công ty VEAM đã đưa các đảng viên đến thăm quan và dâng hương tại Đài Tưởng niệm chung và phần mộ 10 nữ Thanh niên xung phong. Ngã ba Đồng Lộc là địa danh ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong.
Trong những năm chiến tranh, ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Giai đoạn từ 1964-1972, Ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây gánh trên 3 quả bom. Ngày đêm trên đoạn đường này vẫn có hàng nghìn người làm nhiệm vụ thông suốt giao thông, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam.
Địa danh lịch sử Ngã ba Đồng Lộc bất tử đã đi vào lịch sử, trở thành địa chỉ thiêng liêng, biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là nơi giáo dục về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tại Khu Di tích Lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, Đoàn đã vinh dự được gặp mặt và trao đổi về những đóng góp của Anh hùng La Thị Tám, người có mặt trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ. Trong suốt 200 ngày đêm ròng rã, nữ Anh hùng Lê Thị Tám đã đếm và cắm tiêu 1.502 quả bom chưa nổ đã trút xuống Ngã ba Đồng Lộc. Hình ảnh người con gái 18 tuổi nhỏ bé khoác chiếc áo dù, tay cầm ống nhòm luôn đứng trên đồi đếm bom, chạy như con thoi đi cắm tiêu từng quả bom trở thành biểu tượng chiến thắng của từng đoàn xe tải ra tiền tuyến.
Nữ Anh hùng La Thị Tám trong chiến tranh đã trở thành đề tài của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo chiến trường, cô trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi “sự sống và cái chết mong manh trong gang tấc”. Ca khúc “Người con gái sông La” nổi tiếng được nhạc sĩ Doãn Nho viết từ cảm xúc về nữ anh hùng La Thị Tám và mảnh đất Đồng Lộc anh hùng.
Xúc động trước những hồi ức của nữ anh hùng La Thị Tám, ông Nguyễn Khắc Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Công ty VEAM phát biểu “Đoàn Đảng bộ cơ quan Tổng Công ty VEAM trong hành trình về nguồn tại Ngã ba Đồng Lộc, nơi 10 nữ anh hùng” của tiểu đội nữ thanh niên xung phong đã hy sinh, rất vinh dự được gặp Anh hùng La Thị Tám, người đã trực tiếp có mặt tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc trong giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh. Được trực tiếp nghe những hồi ức của cô về thời kỳ chiến tranh ác liệt, các đảng viên các Chi bộ Đảng của Tổng Công ty VEAM nhận thức được sự khốc liệt của chiến tranh và thấy rõ giá trị của hòa bình, qua đó luôn luôn biết ơn công lao sự hy sinh của các lớp cha anh đã hy sinh cho đất nước. Trân trọng những thành quả của thế hệ cha anh, thế hệ trẻ hôm nay xem Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng, là tấm gương để học tập, trau dồi về lý tưởng sống, đoàn kết khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Xin kính chúc Anh hùng La Thị Tám sức khỏe để tiếp tục kể câu chuyện để truyền cảm hứng cho các thế hệ sau này”.
Quảng Trị - Đất lửa anh hùng
Trên hành trình về nguồn, sáng 19/11, các đảng viên Đảng bộ Tổng Công ty VEAM đã đến viếng, dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 anh hùng, liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Đoàn Đảng bộ cơ quan Tổng Công ty VEAM đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ, tri ân sâu sắc công ơn các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương anh dũng chiến đấu, hy sinh trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Rời Nghĩa trang liệt sĩ Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Đoàn đến thăm Di tích lịch sử Uỷ ban Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam – Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời ngày 6/6/1969 trên cơ sở Hiệp thương giữa Mặt trân dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam.
Cũng trên hành trình về nguồn, Đoàn đã đến Thành cổ Quảng Trị – Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam, nơi an nghỉ của hơn 14.000 bộ đội và dân quân. Thành cổ Quảng Trị là công trình thành luỹ quân sự và là lỵ sở của triều đình nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Đây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thời thuộc Pháp và chính quyền miền Nam. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa hè năm 1972, cuộc chiến 81 ngày đêm giữ Thành đầy khốc liệt đã có khoảng 328.000 tấn bom đạn đã dội xuống mảnh đất này.
Tại Thành Cổ Quảng Trị, thành viên trong Đoàn đã thành kính dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm giữ Thành đầy khốc liệt.
Đoàn lắng nghe câu chuyện đầy xúc động về những dòng tâm tư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) gửi cho gia đình trong những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Ngày 20/11, tại Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh, Đoàn dâng hương tại Khu di tích Cố Tổng Bí Thư Hà Huy Tập. Đến với Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, các đảng viên được hiểu rõ hơn những chặng đường đấu tranh cách mạng của cố Tổng Bí thư qua các bức ảnh, các hiện vật để lại.
Hành trình về nguồn của Đảng bộ cơ quan Tổng Công ty VEAM không chỉ là hoạt động sinh hoạt chính trị thực tế sinh động mà sẽ là một trải nghiệm, giúp các đảng viên hiểu đầy đủ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn về những đóng góp to lớn của mảnh đất miền Trung cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và thống nhất đất nước.
Có thể khẳng định, “Hành trình về nguồn” thường niên là dịp để các đảng viên Đảng bộ cơ quan Tổng công ty VEAM tìm hiểu các di tích lịch sử nhằm nâng cao nhận thức về những truyền thống vẻ vang của dân tộc, hiểu rõ hơn về lòng yêu nước và có thêm động lực để rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bồi đắp niềm tự hào về Đảng, hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc. Đồng thời, tưởng nhớ về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của những người anh hùng liệt sĩ kiên trung.