Một xã phát triển kinh tế toàn diện, đa ngành
Theo ông Nguyễn Bá Sơn – Bí thư Đảng uỷ xã Ninh Hiệp, từ phong trào đổi mới do Đảng ta phát động, nhân dân ta được tự chủ làm kinh tế theo cơ chế thị trường, với phương châm chỉ đạo của xã là tạo điều kiện cho mọi người dân có công ăn việc làm, ai giỏi nghề gì làm nghề đó, Ninh Hiệp hôm nay đã trở thành một xã “phát triển kinh tế toàn diện, vững chắc theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa”. Cơ cấu phát triển kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp, với tốc độ tăng trưởng năm 2008 tương đương 17% - 18,5% và 2,8%. Năm 2008, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 752,144 tỷ đồng, thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 6 tỷ đồng.
Về công nghiệp, mấy năm gần đây, xã đã dần hình thành được một ngành công nghiệp sản xuất quần áo may sẵn. Họ sử dụng máy móc hiện đại, sản xuất ngay tại gia đình. Điều đặc biệt là mỗi gia đình chỉ làm một khâu công nghệ, ví dụ: Chủ kinh doanh thì chỉ thiết kế và sử dụng máy cắt. Lô vải nào cần thêu hoặc in hoa thì đưa đến các gia đình chuyên thêu hoặc chuyên in hoa. Lô nào cần vắt sổ thì đưa đến gia đình chuyên vắt sổ. Những gia đình có máy khâu thì gia công may. Thùa khuyết lại có gia đình chuyên sử dụng máy thùa khuyết. Các công đoạn đều có sự thỏa thuận về giá cả và thời hạn hoàn thành. Sự hiệp đồng sản xuất của từng gia đình với nhau đã ngẫu nhiên trở thành một dây chuyền sản xuất liên hoàn trong cả làng. Mỗi ngày, nơi đây đã cho ra thị trường hàng nghìn bộ quần áo. Và nhờ có nguồn vải sẵn, giá rẻ, mà quần áo may sẵn của họ cũng được bán ra với giá rất rẻ. Thương nhân các tỉnh về mua buôn rất nhiều, có lúc không kịp đáp ứng. Điều nhìn thấy trước mắt là Chợ Ninh Hiệp đã “tẩy chay” được gần hết hàng quần áo Trung Quốc, bởi giá rẻ, nhưng mẫu mã và chất lượng cắt may thậm chí còn hơn cả hàng Trung Quốc.
Về thủ công nghiệp, xã hiện còn tồn tại một nghề cổ truyền là tái chế thuốc nam. Nghề này mới chỉ cơ khí hoá được một phần là máy thái, còn các việc bóc, cạo, rửa, sao, tẩm thuốc thì vẫn làm bằng thủ công. Nhưng cũng có cái hay là ai ai cũng có thể làm được, nên mọi người dân từ lớn, bé, già, trẻ đều có việc làm, có thu nhập.
Về thương mại, Ninh Hiệp xưa có nghề dệt vải, sau vì không có sợi, mới chuyển thành nghề buôn bán vải. Ngay từ thời kháng chiến chống Pháp, người dân nơi đây đã mang hàng từ vùng địch hậu ra vùng tự do của ta để bán. Đến nay, thế hệ trẻ Ninh Hiệp năng động hơn, chịu khó đi xa tìm các nguồn hàng, nên vải vóc ở chợ Ninh Hiệp rất đa dạng về chủng loại, mặt hàng. Giá bán vải cũng rẻ hơn rất nhiều so với ở các nơi khác và thường được bán buôn cho các nơi là chính.
Về dịch vụ, đời sống của nhân dân trong làng hiện đã ngang tầm thành thị. Đại đa số nhà ở là nhà cao tầng. Nhà nào cũng đầy đủ tiện nghi: xe máy, tivi, tủ lạnh, bếp ga, máy giặt,... Cũng không ít nhà đã có máy tính nối mạng internet và lắp máy điều hoà nhiệt độ. Vì thế, người làng đã đi học các nghề xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa để phục vụ ngay tại địa phương, với đủ các loại nghề: thợ nề, thợ mộc, thợ sắt, thợ nhôm kính, thợ chữa xe máy, đồ điện và điện tử... Đặc biệt, người Ninh Hiệp rất quý thời gian làm việc kiếm tiền, nên những việc tạp dịch như dọn nhà, nấu ăn… nhiều nhà cũng đã thuê mướn. Những khi có công việc lớn như cưới hỏi, ma chay... đều có dịch vụ phục vụ tận nơi. Từ đó, các nghề dịch vụ cũng không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong làng. Theo báo cáo của UBND xã, 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ trên địa bàn đạt gần 250 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về nông nghiệp, xã có ít ruộng. Toàn xã chỉ có khoảng 400 ha, trong đó đất nông nghiệp chỉ còn 240 ha, mà nhân khẩu có tới hàng vạn người. Song khi chia ruộng sản xuất, thì nhà nào cũng có ruộng để làm. Tuy nhiên, những khâu nặng nhọc như cày bừa đất, thủy lợi… đều đã được làm bằng máy nông cụ. Người nông dân nơi đây chỉ có cấy, chăm sóc và gặt. Các vụ gặt, có gia đình còn thuê thêm nhân công và dịch vụ máy tuốt lúa. Nếu tính về hiệu quả kinh tế thì có thể không đủ bù đắp chi phí hoặc hiệu qủa không cao, nhưng điều đáng quý là không có gia đình nào bỏ ruộng hoang và đảm bảo được lương thực quanh năm.
Những vấn đề tiếp tục hoàn thiện
Thứ nhất là, làng xã không phải chỉ là đơn vị sản xuất thuần nông nghiệp như trước nữa. Quá trình phát triển của nó đã trở thành đa nghề và hình thành một đơn vị kinh tế cơ sở của đất nước. Trong thời đại công nghiệp hoá, nó không có khả năng chứa đựng được tất cả các ngành công nghiệp. Song, việc sử dụng máy công cụ để sản xuất ra hàng tiêu dùng, phục vụ dân sinh thì chắc chắn sẽ làm được.
Thứ hai là, đơn vị tổ chức sản xuất có thể là gia đình. Thực ra, lấy gia đình làm đơn vị sản xuất là truyền thống vốn có của dân tộc ta. Song ở đây, Ninh Hiệp đã có sự sáng tạo là cắt đoạn từng khâu công nghệ để sản xuất trong từng gia đình, rồi kết nối với nhau thành một dây chuyền lớn. Cách làm này có những lợi ích là:
- Về kinh tế, nó tiết kiệm được rất nhiều: Các gia đình tự thu xếp chỗ làm việc ngay trong nhà ở của mình, không phải đầu tư nhà xưởng lớn. Vốn đầu tư thiết bị từng công đoạn sẽ nhỏ hơn đầu tư cho cả dây chuyền, nên từng gia đình dễ đầu tư hơn. Công tác quản lý gọn nhẹ, không cần đến bộ máy gián tiếp. Những điểm nói trên sẽ có khả năng hạ giá thành sản phẩm so với các xí nghiệp tập trung. Sức phát triển kinh tế của Ninh Hiệp đòi hỏi tổ chức sản xuất với quy mô lớn hơn, hình thành cụm công nghiệp liên kết, thu hút lao động ở các nơi khác. Với cụm công nghiệp làm trung tâm, cùng với các hoạt động thương mại, dịch vụ, ổn định diện tích đất nông nghiệp, hạ tầng hoàn chỉnh... Ninh Hiệp sẽ tạo dựng mô hình kinh tế-xã hội phát triển chiều sâu, bền vững.
- Về mặt xã hội, ở đây không có quan hệ chủ - thợ, mà tất cả đều làm chủ, hợp tác với nhau, thỏa thuận với nhau về giá cả và thời hạn hoàn thành để đảm bảo hoạt động chung của cả dây chuyền. Mỗi sản phẩm có nhiều gia đình tham gia đã tạo cho nhiều người có việc làm và đều có thu nhập thỏa đáng. ở Ninh Hiệp hiện nay, dân giàu tương đối đều vì cách làm chia sẻ này. Bên cạnh đó, mọi người dựa vào nhau cùng làm ăn, nên sự đoàn kết xã hội trở nên gắn bó hơn. Tình làng, nghĩa xóm vẫn giữ được vẹn tròn. Không thấy có sự xung đột nào ở trong làng do việc cạnh tranh kinh tế với nhau. Thậm chí, ở ngoài chợ, họ còn nhờ nhau bán hàng hộ khi vắng mặt đột xuất, chứng tỏ họ rất tin nhau.
Thứ ba là, trình độ của nhân dân nông thôn đã khác xưa rất nhiều. Ngày xưa ở nông thôn ít người được đi học, nhiều người mù chữ. Ngày nay, ở Ninh Hiệp cũng như các xã khác đều đã phổ cập phổ thông cơ sở. Nhờ có trình độ văn hóa ấy, họ đã tiếp cận với công việc rất nhanh. Họ có thể làm công nhân điều hành máy móc hiện đại như máy thêu tự động điều khiển bằng máy vi tính. Họ có thể làm nhà quản lý doanh nghiệp. Trong hoạt động thực tế, họ rất sáng tạo, luôn luôn tìm đến sự hiệu quả.
Nhớ lại thời đầu cách mạng, Đảng ta đã chủ trương “Thành thị hóa nông thôn”, tức là phấn đấu đưa cuộc sống nông thôn cũng được như thành thị. Điều đó tới nay đã được chứng minh là đúng quy luật phát triển. Song, cứ để nó tự phát theo quy luật thì còn lâu đất nước ta mới đạt được mục tiêu này. Từ thực tế ở Ninh Hiệp, chúng tôi thiết nghĩ, các xã ở các địa phương khác trên cả nước cũng có thể làm được, vì trình độ văn hóa ở nông thôn là gần như nhau. Bên cạnh đó, cùng với việc tích cực thực hiện các chính sách theo Nghị quyết Trung ương về nông dân – nông nghiệp – nông thôn, Nhà nước cũng nên dùng “gói kích cầu” để đặt hàng gia công cho các xã, nhằm thúc đẩy việc phát triển nghề nghiệp ở các địa phương. Nhân dân có việc làm, có thu nhập tốt, thì mới tăng được sức mua của cả nền kinh tế.