Cách đây chừng 5-6 năm, kênh bán lẻ hiện đại chỉ có vài chuỗi siêu thị đáng chú ý như Co.op Mart, Big C hay Fivimart, Citimart, Maximark. Khi đó, số lượng các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cũng rất khiêm tốn.
Nhưng chỉ sau vài năm, cục diện thị trường đã thay đổi một cách chóng mặt. Hàng loạt tay chơi mới cả trong và ngoài nước đã gia nhập thị trường bán lẻ như Vingroup, T&T Group, Thế giới Di động, Aeon Mall của Nhật Bản hay Auchan đến từ Pháp...
Trước việc thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, một số thương hiệu đã chấp nhận rời bỏ cuộc chơi như Fivimart hay Maximark. Big C bắt đầu có dấu hiệu đuối sức khi một loạt hệ thống chủ chốt như Big C An Lạc hay Big C Thăng Long chững lại. Hệ thống Co.op Mart vẫn là một thế lực đáng kể trong ngành nhưng đang bị bám đuổi quyết liệt bởi chuỗi siêu thị VinMart & VinMart+ của Vingroup.
Vingroup chỉ mới chính thức tham gia thị trường bán lẻ siêu thị từ cuối năm 2014 thông qua việc mua lại hệ thống siêu thị Ocean Mart. Với tiềm lực tài chính mạnh cũng như M&A để rút ngắn thời gian, Vingroup đã nhanh chóng mở rộng chuỗi siêu thị VinMart và siêu thị mini VinMart+ trên phạm vi toàn quốc.
Sau thương vụ M&A đình đám mua lại chuỗi Fivimart vào tháng 10/2018, VinCommerce tiếp tục gây sốc khi mở tới 238 cửa hàng VinMart+ trong tháng 12/2018. Chỉ tính riêng ngày 31/12, đã có tới 117 cửa hàng đồng loạt khai trương, lập kỷ lục về tốc độ mở mới trong ngành bán lẻ của Việt Nam và quốc tế. Kết thúc năm 2018, VinCommerce đã sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.700 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc.
Với số lượng đạt trên 100 siêu thị, hiện VinMart cùng với Co.op Mart là 2 chuỗi lớn nhất trong ngành, bỏ xa các thương hiệu khác với chỉ từ 20-40 siêu thị cho mỗi chuỗi.
Bên cạnh Vingroup, một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng nhảy vào lĩnh vực bán lẻ như T&T Group của bầu Hiển với Qmart và Qmart Nhanh - gia nhập từ cuối năm 2017 và hiện đã có gần 40 cửa hàng hay Sơn Kim bắt tay với GS Retail mở chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu đến từ Pháp Auchan cũng có 21 siêu thị sau 3 năm thâm nhập thị trường Việt Nam.
Việc hàng loạt tập đoàn lớn đầu tư mạnh mẽ vào bán lẻ là hoàn toàn phù hợp với sự dịch chuyển các kênh mua sắm của người tiêu dùng. Báo cáo của Nielsen cho thấy năm 2018 là năm thay đổi chưa từng có cho kênh thương mại hiện đại.
Mặc dù kênh truyền thống bao gồm chợ vẫn chiếm ưu thế ở Việt Nam nhưng kênh hiện đại đang đạt được nhiều cột mốc ấn tượng. Khảo sát của Nielsen cho thấy so với năm 2010, số lần đi chợ trong một tháng đã giảm rõ rệt; thậm chí cả đi siêu thị cũng giảm đi.
Nhưng bù lại, số lần đi cửa hàng tiện lợi đã tăng vọt từ 1,24 lần/tháng lên 4,5 lần/tháng và số lần đến siêu thị mini từ 0 lên 2,2 lần. Đây chính là lý do dẫn đến sự bùng nổ số lượng siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi trong những năm qua. Các dự đoán đều cho thấy cửa hàng tiện lợi sẽ lên ngôi. Điều này lý giải vì sao, việc đầu tư cửa hàng tiện lợi, càng mở càng lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn chạy đua nhau giành mặt bằng đẹp, mở rộng chuỗi.
Đây cũng chính là lý do giải thích cho việc VinCommerce đã mở rộng hệ thống VinMart+ với một tốc độ "chóng mặt". Tại phân khúc cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini thì VinMart+ với 1.700 cửa hàng thực sự áp đảo so với phần còn lại. Tham vọng của Vingroup là đạt tới 4.000 cửa hàng vào năm 2020.
Ba đối thủ gần nhất cộng lại hiện cũng chỉ mới có khoảng 1.000 cửa hàng gồm: Bách Hóa Xanh đạt 400 cửa hàng, Circle K đạt 300 và Co.op Food khoảng 300 cửa hàng. Những hệ thống cửa hàng tiện lợi lớn khác như Family Mart, Shop & Go hay Satrafood hiện cũng mới chỉ dừng ở mức trên dưới 200 cửa hàng.