Năm 2019 ngành dệt may sẽ gặp nhiều thách thức hơn 2018

Trong năm 2018, ngành dệt may Việt Nam không có nhiều thuận lợi từ thị trường thế giới. Bước sang năm 2019, theo nhận định của ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, ngành dệt may sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2018.

2018, ngành dệt may tăng trưởng ấn tượng

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công Thương, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, năm 2018 là một năm hết sức thắng lợi đối với ngành dệt may Việt Nam khi tăng trưởng đạt 16,6%, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2010 trở lại đây. Điểm đặc biệt là giá trị tuyệt đối của tăng trưởng năm 2018 lên tới 5 tỷ USD bằng kim ngạch xuất khẩu của riêng ngành dệt may năm 2006. Tất cả các năm trước đây khi tốc độ tăng trưởng có thể là 12-15%, nhưng giá trị tuyệt đối của ngành chỉ ở ngưỡng 2,5-3 tỷ USD.

Con số tăng trưởng 5 tỷ là rất ấn tượng và đặc biệt trong điều kiện tổng cầu của thế giới tăng trưởng khoảng 3%. Tất cả 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất trên thế giới có tốc độ tăng trưởng ở mức 5%, trong đó có 2 nước xuất khẩu dệt may nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu nhiều nhất trên thế giới thì suy giảm, đó là Ấn Độ và Băng la đét. Chính vì vậy, đến hết năm 2018, từ vị trí là quốc gia xuất khẩu dệt may đứng thứ 4 trên thế giới thì nay Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai, sau Trung Quốc.

thách thức của ngành dệt may
Năm 2019, trước những tác động từ nền kinh tế thế giới, xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam không có nhiều thuận lợi

Điểm lại năm 2018, thuận lợi đối với ngành dệt may đó là kinh tế trong nước ổn định, quản lý nhà nước theo hướng thúc đẩy doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh... thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng trưởng tốt hơn.

Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, năm 2018, ngành dệt may không có nhiều thuận lợi. Thứ nhất là do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng rất nhanh trong quý IV/2018, mặc dù Việt Nam không chịu tác động trực tiếp của cuộc chiến này nhưng cuộc chiến đã làm nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm, giá giảm. Và đặc biệt, với ngành cung cấp sợi, từ quý III năm 2018, giá sợi và đơn hàng đều giảm.

Thứ hai, do Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất cả 4 lần trong năm 2018 với mức tăng lên đến 1% kéo theo những nước khác tăng lãi suất làm giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Thứ ba, đó là trước áp lực tăng lãi suất của cuộc chiến tranh thương mại, các nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ đều phá giá đồng tiền điều này dẫn đến các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đắt hơn về giá so với các quốc gia khác.

Thứ tư, một số hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA... chưa có hiệu lực trong năm 2018. Vì vậy, đặt trong bối cảnh này thì có thể thấy rằng tăng trưởng của dệt may hết sức tốt. Tăng trưởng thực sự đến từ sự ổn định kinh tế vĩ mô và đến từ chiến lược trong dài hạn của các doanh nghiệp dệt may, ông Trường nhận định.

Riêng đối với Tập đoàn dệt may Việt Nam, năm 2018, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 11%, lợi nhuận tăng 35%. Tập đoàn dệt may đang đặt một mục tiêu chung đó là tăng trưởng hiệu quả đến từ sản xuất kinh doanh gấp đôi tăng trưởng xuất khẩu, đi theo hướng cải thiện chất lượng của đơn hàng, cải thiện chất lượng của hợp đồng, tăng giá trị trong chuỗi sản xuất.

CPTPP có hiệu lực nhưng dệt may vẫn gặp nhiều thách thức 

Theo dự đoán của Tổng giám đốc Vinatex, năm 2019 thực sự là một năm thách thức đối với ngành dệt may, mặc dù chúng ta có hai hiệp định chính thức đi vào hiệu lực nhưng đối với thế giới thì tăng trưởng toàn cầu chững lại, dự báo GDP đều giảm ở các nền kinh tế mà ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật.

Mặt khác, chính sách tiền tệ của các nước còn nhiều phức tạp, ngân hàng tăng lãi suất... nhu cầu hàng tiêu dùng có xu hướng giảm. Thêm vào đó, các cường quốc như Ấn Độ, Indonesia sẽ làm mọi cách để cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng.

Trước những áp lực từ bối cảnh thế giới, ông Trường cho biết, ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD năm 2019, kịch bản thấp cũng xuất khẩu trên 38 tỷ USD. Năm 2018, con số này là hơn 36 tỷ USD.

“Tận dụng CPTPP, ngành dệt may phấn đấu tăng xuất khẩu 1 tỷ USD tại hai thị trường tiềm năng là Australia và Canada, mỗi nước khoảng 500 triệu USD. Tiềm năng vẫn còn khi hiện nay, xuất khẩu sang các nước CPTPP mới chỉ đạt 5,3 tỷ USD, trong đó thị trường truyền thống Nhật Bản đã chiếm 4 tỷ USD”, ông Trường cho biết.

Để đạt được ngưỡng 40 tỷ USD, ông Trường kiến nghị, Bộ Công Thương quan tâm hơn nữa đến phát triển cơ sở hạ tầng, đi đôi thu hút đầu tư. Đặc biệt thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các địa phương tạo điều kiện thu hút cấp phép các doanh nghiệp đầu tư lớn về phát triển sản xuất nguyên liệu để tận dụng hiệu quả các FTA trong đó có CPTPP, EVFTA.

Ngoài ra, Vinatex còn đề xuất các bộ, ngành tập trung giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp dệt may liên quan đến thuế của hàng hoá gia công. Đây là điểm đặc thù doanh nghiệp lớn, bởi họ không chỉ nhận hàng gia công tại đơn vị mình mà còn nhận ở các cơ sở vệ tinh khác trong khi thuế quan ở đó đang khá  phức tạp.

 

Hạ An