Trong thực tế, đã có một số ít DN bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư cho sinh viên như là một nghĩa vụ xã hội, đồng thời cũng là chiến lược phát triển nhân lực cho DN mình.
Đầu tư lâu dài
Hàng năm, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận khá nhiều tài trợ từ các công ty. Chỉ riêng năm nay, có đến 14 công ty, hầu hết là những công ty nước ngoài, hỗ trợ học bổng cho sinh viên của trường. Mức hỗ trợ của những công ty như Prudential, City Bank, Ngân hàng Hongkong (Thượng Hải), Công ty Liên doanh Bia Việt Nam… thường ở mức 2 - 3 triệu đồng/năm cho mỗi sinh viên.
Không dừng ở mức đầu tư “một chiều” cho sinh viên, các công ty như Foremost, AC Nielsen thực hiện cả chiến lược “săn đầu người” ngay trong trường đại học. Những sinh viên giỏi đang học năm thứ ba, năm thứ tư ngành quản trị kinh doanh, ngoại thương, tài chính của Đại học Kinh tế được hai công ty này tuyển chọn, cho thực tập, trả lương bán thời gian để có điều kiện đào tạo thêm và tuyển dụng bổ sung nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Thanh Long - phụ trách học bổng Trường Đại học Kinh tế - nói: “Hiện có đến 60 - 70% nhân lực của AC Nielsen là sinh viên tốt nghiệp của Đại học Kinh tế thành phố. Công ty có chủ trương nhận những sinh viên mới, chưa qua thực tế vì cho rằng như thế sẽ dễ đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với văn hóa của công ty”.
Nhiều công ty của Nhật, Hàn Quốc tìm đến khoa Đông phương học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận sinh viên năm thứ ba, năm thứ tư thực tập và làm việc bán thời gian. Có những lớp học tiếng Hàn Quốc có đến 35 - 40 sinh viên được các công ty tiếp nhận không sót người nào. Mức lương bán thời gian của các sinh viên ở đây cũng khá cao, 180 - 200 USD/tháng, cá biệt có người nhận lương lên đến 300 USD/tháng. Hầu hết các sinh viên qua thực tập đều được các công ty tuyển dụng.
“Đãi cát tìm vàng”
Trong cuộc tìm kiếm nguồn nhân lực từ sinh viên các trường cao đẳng, đại học, hầu như có ít công ty có một chiến lược hỗn hợp giữa đầu tư học bổng và tổ chức sàng lọc tuyển dụng sinh viên như công ty Unilever. Công ty cũng hỗ trợ học bổng cho các sinh viên giỏi một số khoa của các trường kinh tế, ngoại thương, bách khoa ở Hà Nội và TP.HCM. Unilever từng cấp học bổng cho các sinh viên vào được đến vòng chung kết cuộc thi Dynamic. 12 sinh viên xuất sắc của cuộc thi này đã nhận được suất học bổng 5 triệu đồng/năm của Công ty cùng với lời mời chào tuyển dụng.
Chương trình “Ngày hội việc làm” của Công ty mới thực sự là một cuộc “đãi cát tìm vàng” quan trọng. Unilever xuống tận các trường đại học, giới thiệu hình ảnh và tôn chỉ hoạt động của mình, đồng thời chọn những sinh viên có thành tích học tập cao để sàng lọc qua 6 vòng thi tuyển. Các kỹ năng ngoài học tập được chú trọng là tiếng Anh, kỹ năng lãnh đạo nhóm, kỹ năng xử lý tình huống, tính cách, chỉ số thông minh… Chương trình này đã được Công ty thực hiện từ năm 1996 và hoàn thiện năm 1999. Chỉ khoảng 20 sinh viên được tuyển chọn từ con số 3.000 sinh viên nộp đơn dự tuyển. Năm nay, chương trình kéo dài đến 2 - 3 tháng, chi phí mà Công ty đầu tư lên đến 300 triệu đồng. Số sinh viên được tuyển chọn qua các lần sàng lọc có mức thăng tiến khá nhanh, chỉ 1 - 2 năm đã lên đến chức trợ lý các trưởng phòng, có người trở thành trợ lý ban giám đốc.
Doanh nghiệp Việt Nam “chậm chân”
Ông Nguyễn Thanh Long nhận định: “Điều đáng buồn là thường chỉ có các DN liên doanh hay nước ngoài quan tâm đến việc hỗ trợ sinh viên trong đào tạo và tuyển dụng”. Năm nay, chỉ có hai DN Việt Nam hỗ trợ học bổng cho sinh viên Đại học Kinh tế là Công ty Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Toàn Hảo và Công ty Chế biến trà Bảo Lộc.
Công ty Dệt Thành Công đang có ý định đầu tư cho sinh viên đang học năm thứ 3, thứ 4 các khoa liên quan đến nhu cầu của Công ty. Thế nhưng, theo ông Chu Văn Hiến, Giám đốc phát triển kinh doanh của Dệt Thành Công, thì “công ty chạy đua không lại mấy ông nước ngoài” trong việc giành lấy những nhân tài ở các trường đại học.
Theo ông Long, các DN Việt Nam hoàn toàn có thể đặt hàng đào tạo sinh viên theo nhu cầu đối với các trường đại học để có nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển của DN. Nhưng, các DN Việt Nam thường thiếu hẳn công tác nghiên cứu phát triển nguồn lực, nên thường không rõ DN mình thiếu và yếu nhân lực ở bộ phận nào để có mức đầu tư đào tạo thích hợp…?