Mối quan hệ giữa bình đẳng giới và tăng trưởng kinh tế

Với khẩu hiệu "Đem lại cơ hội kinh tế cho phụ nữ là một lựa chọn kinh tế sáng suốt", ngày 16 tháng 9 năm 2006, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra kế hoạch mới kéo dài 4 năm với ngân sách 24,5 triệu đô la để

 1. Giới, bình đẳng giới và tăng trưởng kinh tế

 Giới

 Trong khoa học xã hội, giới (gender) là khái niệm dùng để chỉ thái độ, hành vi ứng xử, vai trò và những kỳ vọng liên quan đến nam và nữ, được hình thành dựa trên những đặc điểm văn hóa và xã hội nhất định

 Bình đẳng giới

 Bình đẳng giới là việc phụ nữ, nam giới có địa vị, quyền và trách nhiệm như nhau. Từ định nghĩa này, bất bình đẳng giới có thể được hiểu thái độ đánh giá thấp phụ nữ, sự thiên lệch về quyền được học hành, quyền được có việc làm và thu nhập tương xứng như nam giới, quyền ra quyết định và sử dụng các nguồn lực trong gia đình, trách nhiệm chăm sóc gia đình...

 Tăng trưởng kinh tế

 Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng trong tổng sản phẩm quốc nội, tổng thu nhập quốc dân hoặc thu nhập quốc dân bình quân đầu người. Tăng trưởng kinh tế có thể đạt được khi hiệu quả sử dụng đầu vào tăng hay năng suất trung bình tăng lên.

 2. Tác động của bất bình đẳng giới tới tăng trưởng kinh tế

 Bất bình đẳng giới thể hiện trên nhiều lĩnh vực.

 2.1. Tác động của bình đẳng giới trong giáo dục đến tốc độ tăng trưởng

 2.1.1 Bình đẳng giới trong giáo dục làm tăng chất lượng nguồn nhân lực trung bình của xã hội

 Theo Todaro (2006), ở hầu hết các quốc gia đang phát triển, trẻ em gái được học hành ít hơn trẻ em trai. Trong những năm gần đây, 66 trong số 108 quốc gia được nghiên cứu có tỷ lệ trẻ em gái nhập học cấp tiểu học và trung học thấp hơn trẻ em nam ít nhất khoảng 10%. Nếu tính trung bình cho tất cả các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ phụ nữ biết chữ thấp hơn 29% so với nam giới, số năm đến trường trung bình thấp hơn 45% so với nam giới và tỷ lệ nhập học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông của nữ thấp hơn tương ứng là 9%, 28% và 49% so với nam.

 Nếu chúng ta giả định rằng, trẻ em trai và gái có khả năng thiên bẩm như nhau và những đứa trẻ có khả năng hơn sẽ được học tập và đào tạo nhiều hơn, thì việc thiên vị trẻ em trai có nghĩa là những trẻ em trai có tiềm năng thấp hơn trẻ em gái lại được học hành nhiều hơn. Quan trọng hơn là điều đó làm khả năng thiên bẩm trung bình của những đứa trẻ được học hành sẽ thấp hơn so với những trường hợp cả trẻ em trai và trẻ em gái cùng có cơ hội học tập như nhau. Và vì thế, chất lượng nguồn nhân lực trong nền kinh tế sẽ thấp hơn mức có thể đạt được và kìm hãm tiềm năng tăng trưởng kinh tế.

 Hơn nữa, nếu chúng ta giả định rằng, lao động nam và nữ trong một số ngành không thể là đầu vào thay thế hoàn hảo cho nhau tức là đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đối với nam giới đồng nghĩa với việc đầu tư nhiều hơn cho chất lượng đầu vào của ngành sử dụng nhiều lao động nam và ngược lại đối với ngành sử dụng nhiều lao động nữ. Theo quy luật, năng suất cận biên giảm dần, hiệu quả của một đơn vị vốn đầu tư thêm cho giáo dục đối với ngành sử dụng nhiều lao động nam sẽ giảm dần và tổng hiệu quả trong nền kinh tế sẽ cao hơn, nếu chúng ta chuyển một phần kinh phí đầu tư đó sang cho việc đào tạo nữ lao động trong ngành sử dụng nhiều lao động nữ.

 2.1.2 Bình đẳng giới trong giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực của tương lai

 Khi mức độ bất bình đẳng giới trong giáo dục giảm đi, tức là ở mỗi cấp đào tạo, tỷ lệ nữ so với nam tăng lên và khi trình độ và nhận thức của phụ nữ trong gia đình được cải thiện, số lượng và chất lượng đầu tư cho giáo dục đối với con cái sẽ được cải thiện trực tiếp thông qua sự dạy dỗ của người mẹ cũng như khả năng thuyết phục hoặc quyền của người mẹ trong việc đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đối với con cái.

 Ngoài ra, trình độ của người mẹ cao hơn, đóng vai trò quyết định trong việc chăm sóc và dinh dưỡng đối với con cái. Trong các gia đình có cùng mức thu nhập, số trẻ em chậm phát triển trong các gia đình với trình độ của người mẹ cao hơn đã giảm hơn hẳn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự gia tăng về thu nhập của gia đình không không phải lúc nào cũng dẫn đến sự cải thiện sức khỏe và giáo dục cho các thành viên trong gia đình (Todaro, 2006).

 Tuy nhiên, trong dài hạn, các tác động này sẽ làm cho chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện và năng suất lao động trung bình của toàn xã hội sẽ được nâng lên.

 2.1.3 Bình đẳng giới trong giáo dục có ảnh hưởng gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế qua các ảnh hưởng về dân số

 Các mô hình kinh tế liên quan đến tỷ lệ sinh cho rằng, khi phụ nữ có trình độ hơn, chi phí cơ hội thời gian của họ sẽ tăng lên. Đồng thời họ cũng có khả năng thương thuyết trong gia đình hơn. Hai yếu tố này đều góp phần làm giảm tỷ lệ sinh (Becker, 1981; Schultz, 1985, 1994, Sen, 1999). Tỷ lệ sinh giảm tác động đến tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ sinh thấp hơn làm giảm gánh nặng nuôi con và tăng tỷ lệ tiết kiệm, và chính tỷ lệ tiết kiệm cao hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ sinh thấp hơn đồng nghĩa với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng lên. Và nếu tất cả các lao động gia tăng thêm đều có việc làm thì thu nhập tính trên đầu người tăng lên, cho dù năng suất lao động và lương không tăng. Điều đó có thể đạt được là do số người ăn theo đã giảm. Tác động này đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á trong nhiều năm.

 2.2. Ảnh hưởng của bình đẳng giới trong việc tiếp cận hoặc sử dụng các nguồn lực đầu vào đến  hiệu quả kinh tế 

 Bất bình đẳng giới được thể hiện thông qua sự tiếp cận hạn chế của phụ nữ đối với các nguồn tín dụng, hoặc hạn chế quyền sử dụng các tài sản thế chấp để vay vốn hoặc không có quyền quyết định việc phân bổ đầu vào trong các hoạt động sản xuất. Do đó, các đầu vào được tập trung hầu hết cho các hoạt động sản xuất của nam giới. Theo quy luật, năng suất cận biên của các đầu vào giảm dần, tổng sản lượng sẽ tăng lên khi tổng đầu vào được phân chia đều hơn cho cả các hoạt động sản xuất của cả nam và nữ.

 Kết luận:

 Các phân tích trên cho thấy, bất bình đẳng giới trong giáo dục và quyền quyết định đối với các hoạt động kinh tế, hoặc hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn lực đầu vào của quá trình sản xuất đối với phụ nữ đều hạn chế tăng trưởng kinh tế. Điều đó càng khẳng định, bình đẳng giới không chỉ đơn thuần là mục tiêu phát triển mang tính chuẩn tắc, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn.

 Tài liệu tham khảo

Abu-Ghaida, D., & Klasen, S., (2004), The Economics and Human Development Costs of Missing the Millennium Development Goal on Gender Equity, the World Bank, Washington DC;

Gillis, M. (1990), Economics of Development, W.W. Norton & Company, New York;

 Irene, V.S. (2007), Tài liệu tập huấn của Khóa học GEPA cho cán bộ nghiên cứu Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hà Nội;

Seguino, S.& Grown, C. (2006), Gender Equity and Globalization: Macroeconomic Policy for Developing Countries, Journal of International Development, (http://www.interscince.wiley.com)

Todaro, M.P. & Smith, S.C., (2006), Economic Development, Pearson Edducation Limited, Essex;

World Bank, (2001) Engendering Development, the World Bank, Washington DC;

  • Tags: