Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Trong bối cảnh cả nước phải ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, khảo sát PCI 2021 đã ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành và chính quyền các cấp đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nhằm “vượt bão” COVID-19.
“Có thể nói, doanh nghiệp trên cả nước đã dồn toàn lực thay đổi để vượt khó và chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch. Năm 2022 có thể vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp đang bước vào cuộc sống “bình thường mới” sau khi kiên cường và sáng tạo vươn lên từ cú sốc do dịch bệnh gây ra. Việc khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã giúp nền kinh tế nước ta đang có những dấu hiệu khởi sắc ngay trong quý I/2022”, ông Phạm Tấn Công nhận định.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper cho biết: Trong 17 năm qua, chỉ số PCI đã vươn lên trở thành một công cụ quan trọng cho các nhà đầu tư muốn tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đồng thời kích thích những cải thiện về chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương của Việt Nam.
Báo cáo PCI 2021 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.127 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.
Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng và Vĩnh Phúc lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2021. Đây cũng là những địa phương có những chuyển biến rất tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 theo đánh giá của các doanh nghiệp.
Điều tra PCI năm qua cho thấy, trong bối cảnh năm 2021 khó khăn chưa từng có do dịch COVID-19, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian, theo đánh giá của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cải cách hành chính chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng.
Kết quả điều tra khu vực doanh nghiệp FDI cũng ghi nhận những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam với những chuyển biến tương đối tích cực trong cải cách thủ tục hành chính nhiều lĩnh vực. Chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm. Chất lượng lao động và chất lượng cơ sở hạ tầng cũng có những cải thiện tương đối rõ rệt theo thời gian.
Dù vậy, Báo cáo chỉ số PCI 2021 khuyến nghị chính quyền các tỉnh cần đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, tập trung cải cách trong các lĩnh vực thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, môi trường, xây dựng, phòng cháy và quản lý thị trường. Các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện cần là trọng tâm cải cách trong thời gian tới, khi gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp còn lớn. Cùng với việc tiếp tục cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, cần triển khai hiệu quả hơn các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh việc đánh giá về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại các địa phương, Báo cáo PCI 2021 còn đi sâu tìm hiểu về những thách thức mà các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI phải đối mặt, cách thức ứng phó đối với dịch bệnh COVID-19 cũng như đánh giá của họ về các biện pháp phòng chống dịch do các chính quyền địa phương triển khai. Từ những phân tích về các yếu tố thúc đẩy khả năng chống chịu và khả năng phát triển của doanh nghiệp, Báo cáo PCI 2021 cho thấy các chính sách trợ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch cần được thiết kế sát với nhu cầu và khả năng phát triển của từng nhóm doanh nghiệp mới có thể phát huy hiệu quả kỳ vọng.
Được triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.