Kỳ vọng lớn từ các FTA
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ, GDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.580 USD/người, mức tăng GDP bình quân 2016 - 2020 dự kiến là 6,5 - 7%/năm. Năm 2019, kinh tế trong nước cơ bản ổn định; GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,98%, đạt mức cao nhất so với cùng kỳ của 9 năm trở lại đây; lạm phát bình quân 9 tháng được kiểm soát ở mức thấp 1,91%, dự báo GDP cả năm 2019 có thể vượt mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% do Quốc hội đề ra.
Việt Nam đã ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) với những cam kết ở mức độ rất cao của các bên tham gia trong tất cả các lĩnh vực, kể cả truyền thống, phi truyền thống, phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mà cả trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ...
Các cơ hội được nhìn nhận rõ rệt thông qua gia tăng kim ngạch thương mại, thu hút đầu tư, nâng cao trình độ quản lý, đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thực thi các FTA thế hệ mới cũng đặt ra không ít thách thức với Việt Nam - nền kinh tế có trình độ phát triển còn thấp so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU và tham gia CPTPP. Vì vậy, vai trò của hoạt động dịch vụ logistics được nhìn nhận là một trong những nhân tố quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần gia tăng thương mại, đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu và tận dụng các lợi thế trong các FTA thế hệ mới.
Bên cạnh đó, môi trường kinh tế thế giới đang có những diễn biến cực kỳ phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng cực đoan nổi lên trong quan hệ kinh tế quốc tế gây nên những biến động lớn cho sản xuất và xuất khẩu. Cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung có tác động lên thương mại toàn cầu, trong đó tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Hoa Kỳ, Trung Quốc mà trên cả các thị trường thứ ba.
Tác động nhìn chung là đa chiều, có cả những thuận lợi, tuy nhiên những mặt khó khăn, thách thức cho nền kinh tế của ta là không nhỏ. Để hạn chế tầm tác động của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung nói riêng và các biện pháp bảo hộ thương mại của các nước nói chung, Việt Nam rất cần các giải pháp bổ trợ góp phần thúc đẩy xuất khẩu, không chỉ thông qua việc gia tăng giá trị của mặt hàng mà còn góp phần gia tăng giá trị của toàn chuỗi cung ứng như dịch vụ logistics.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kinh tế số đang là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập sâu rộng hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang là xu hướng mạnh mẽ, góp phần đáng kể nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian làm ra sản phẩm. Kinh tế chia sẻ cũng đóng vai trò quan trọng trong cả tiến trình xử lý chuỗi logistics, đảm bảo kết nối chặt chẽ giữa các bên tham gia, tận dụng tối ưu nguồn lực cũng như kiểm soát hiệu quả về mặt thời gian, chi phí, và chất lượng dịch vụ.
Logistics đang được quan tâm đặc biệt
Năm 2020 là một năm quan trọng khi Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN. Đây cũng là năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 và là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Trước bối cảnh xu thế thương mại quốc tế có những biến đổi không ngừng tác động trực tiếp tới hoạt động thương mại và kinh tế của Việt Nam, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế là yêu cầu thiết yếu để phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước đã ban hành các Nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt cho phát triển logistics.
Để từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách về logistics, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI), công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.
Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Ngân hàng Thế giới thực hiện việc xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Logistics trong thập niên vừa qua.
Đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất mới
Trong thời gian qua, ngành logistics có mức tăng trưởng cao 13-15%. Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics hiện nay là khoảng 4.000 doanh nghiệp, bao gồm cả dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận tải,... Sự phát triển của ngành logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.
Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu...
Tôi mong muốn các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics cả nước tích cực đối thoại với các Bộ ngành, địa phương về các ý tưởng, biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, để logistics trở thành ngành mũi nhọn, hỗ trợ hiệu quả cho các ngành kinh tế khác, trước hết là hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản Việt Nam; thúc đẩy kết nối phát triển logistics dọc các hành lanh kinh tế chính và giải pháp tận dụng hiệu quả mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics để tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí logistics.