Trong cuộc sống hàng ngày, thực tế chúng ta nhận thấy người phụ nữ cụ thể hơn là người lao động nữ - không chỉ bắt đầu làm việc khi bước vào công sở hay phân xưởng sản xuất, mà họ đã bắt đầu lao động từ sáng sớm, lúc bắt đầu thức dậy. Họ là người luôn mang bên mình những lo toan, từ công việc gia đình, lo chuẩn bị cho chồng đi làm, lo cho con đi học, lo chợ búa cơm nước, cộng với thời gian lao động sản xuất để tạo thu nhập, sau giờ làm việc lại tất bật vào “việc nhà”, như vậy, nếu thời gian của chúng ta là những chiếc bánh có kích thước như nhau thì... trong gia đình, chiếc bánh của mỗi người – người nam và người nữ, người vợ và người chồng – liệu có được sử dụng như nhau ? hay nói khác hơn, sự hưởng thụ của mỗi người về món quà này như thế nào ?
Trong suốt quá trình lao động đó, nếu nhìn ở góc độ giới, chúng ta sẽ phát hiện những thiệt thòi của người nữ (LĐN), mà có thể bấy lâu nay vẫn được nhìn từ những điều bình thường trong cuộc sống.
Đề cập vấn đề này, không để kêu ca hay đòi hỏi sự “ ưu đãi” cho lao động nữ, cũng không nhằm mục đích quy trách nhiệm. Hy vọng rằng, đây là một gợi ý để chúng ta cùng nhau nhìn lại một thực tế đang diễn ra hàng ngày trong gia đình cũng như tại nơi làm việc của chúng ta.
Chúng ta thử quay lại thước phim một ngày làm việc của người phụ nữ buổi sáng thường thức dậy sớm hơn và buổi tối ngủ cũng trễ hơn mọi người trong gia đình. Nếu hai vợ chồng đi làm cùng thời gian, thì trước giờ đi làm, người vợ phải tính toán, chuẩn bị cho gia đình, chuẩn bị cho con ăn uống, đi học. Người chồng thường là lãnh nhiệm vụ chở con đến trường. Sau 8 giờ làm việc, người chồng đón dùm con về, còn người vợ lại loay hoay chợ búa, trong đầu luôn tìm giải pháp cho câu hỏi: mua gì, ăn gì, chi tiêu bao nhiêu ?... Về đến nhà, trong lúc người chồng được nghỉ ngơi hoặc đọc sách báo, thì người vợ – là người cũng vừa xong 8 giờ lao động ấy lại vào bếp ! Vì việc “nội trợ, bếp núc” là của phụ nữ mà. Ăn uống xong, người chồng có thể dọn dẹp phụ giúp vì thương vợ, làm dùm chút chút và sau đó thì xem tivi ! Còn lại mớ quần áo chưa giặt, mấy bộ đồ chưa ủi, cái nhà chưa lau... là việc các bà?!!
Đó là hình ảnh của những gia đình có những người chồng tiến bộ, nghĩa là cũng có chia sẻ việc nhà cửa với vợ. Chưa nói đến các ông chồng tan sở là tập họp chén chú, chén anh, là phải đi “ngoại giao”, đi “công việc”!
Trong số những người chồng có quan tâm đến công việc của vợ, đa số thường xuất phát từ lòng yêu thương, tình cảm vợ chồng. Điều này rất đáng quý nhưng nếu nói về bình đẳng giới, thì ý thức này chưa rõ nét lắm. Điều này cũng không đáng ngạc nhiên, vì “nội trợ” cũng chưa được xem là công việc có giá trị như những việc làm khác trong xã hội, mặc dù đó là một việc tính được bằng giá trị kinh tế và rất có ý nghĩa về mặt xã hội.
Thật ra, cũng có một số người chưa thấy đây là việc đáng quan tâm lắm để bàn, vì quan điểm “việc nhà là việc của các bà” đã thành nếp nghĩ từ thời phong kiến, mà cái gì đã thành nếp, thì khó thay đổi ngay được. Nếp nghĩ này cũng vẫn tồn tại ngay chính trong phụ nữ, do vậy, chúng ta - những người nữ cũng thấy đây là bổn phận đương nhiên. Và cam chịu.
Trở lại vấn đề thời gian, chúng ta tự hỏi, nếu muốn cho mình được tiến bộ, người phụ nữ sẽ học tập vào lúc nào ? Giải trí vào lúc nào ? Và trong một ngày, họ có mấy giờ nghỉ ngơi ! Giờ nào chăm sóc cho bản thân ? Đây mới là những yêu cầu trong bình đẳng thật sự.
Về chủ trương, chính sách, Nhà nước ta đã có nhiều quan tâm cho phụ nữ được phát triển và cũng rất nhiều phụ nữ đạt được những thành tích đáng trân trọng. Để được như vậy, bên cạnh sự tạo điều kiện của gia đình và xã hội, bản thân người nữ phải phấn đấu gấp nhiều lần so với nam giới.
Thế nhưng, với đa số lao động nữ trực tiếp trong ngành, trình độ học vấn còn hạn chế, thu nhập không dư giả, gánh nặng 2 vai việc nhà, việc nước, thì việc phấn đấu để tiến bộ là con đường khá gian nan !.
Chỉ tính riêng việc học tập nâng cao trình độ, trong thực tế đã có nhiều doanh nghiệp tổ chức mở lớp học văn hóa cho công nhân, Công đoàn động viên các chị đi học, nhưng... các chị đi học thêm ngoài giờ thì ai lo việc nhà ? Con số các ông chồng chịu “gồng gánh” việc nhà cho vợ đi học, thực tế không nhiều lắm, vì đã quen nếp rồi !
Nhìn ở góc độ giới, việc tạo điều kiện để thực hiện sự bình đẳng đã được thể chế hóa trong các văn bản các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nhưng vì sao số lượng nữ giữ trọng trách cao tỷ lệ càng giảm ? Tính riêng nữ cán bộ quản lý trong ngành, đặc biệt ở cấp tổng giám đốc, chỉ đếm trên đầu ngón tay ? Riêng ngành Dệt May là ngành có tỷ lệ nữ trên 70%, tính trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong các đơn vị quốc doanh trung ương và thành phố chỉ có một nữ Tổng giám đốc của Công ty Dệt Phong Phú, còn đại đa số là cấp phó. Thông tin này cho chúng ta suy nghĩ: Tại sao người phụ nữ đã được xã hội tạo điều kiện rồi mà họ vẫn còn khó khăn trên con đường phấn đấu đạt sự tiến bộ của bản thân ? Một trong những lực cản đó, theo tôi, chính là yếu tố thời gian. Ngoài ý chí vươn lên của chính mình, họ phải có thời gian. Nhưng, tại sao phụ nữ không có thời gian ? Câu trả lời đã rõ: Việc làm hàng ngày cộng với việc quán xuyến gia đình đã đặt trên vai của họ một gánh nặng. Khó mà làm khác hơn. Người ta thấy điều này rất bình thường vì cách nhìn, cách nghĩ từ xa xưa đã thấm sâu, chưa thực sự gột rửa được. Để minh hoạ thêm, ta thử đặt một câu hỏi, trong chúng ta, gia đình nào đã thực hiện được việc: sắp xếp để mọi thành viên nam, nữ trong gia đình có số giờ làm việc, nghỉ ngơi, giải trí tương đối ngang bằng nhau ? Hay là cái cảnh ông bố xem ti vi, đọc sách báo và cậu trai học bài sau giờ cơm tối, còn mẹ và em gái tiếp tục dọn dẹp, lo việc nhà... vẫn đang tiếp diễn hàng ngày ?
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta nghe nói đến gia đình tiến bộ, gia đình văn hóa khá nhiều, nhưng nếu muốn bình đẳng thật sự thì phải thay đổi từ trong nếp suy nghĩ của mỗi người, để có sự công bằng thực sự. Muốn trồng cây mới thì phải nhổ rễ cũ, dù hơi khó, vì rễ đã ăn sâu. Nhưng nếu muốn, đành phải kiên trì thôi.
Như vậy, chỉ tính riêng ở góc độ thời gian, chúng ta thấy việc thực hiện bình đẳng giới không đơn giản, nói bình đẳng là có bình đẳng.
Không có thời gian thì dù xã hội có ca tụng người phụ nữ thêm bao nhiêu nữa, họ cũng vẫn còn gánh nặng 2 vai và phải phấn đấu gấp ba, bốn lần nam giới để có được cơ hội trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, nâng cao trình độ bản thân, để được tiến bộ.
Nhìn rộng hơn vào thời gian trong cuộc đời người phụ nữ: Tuổi đi làm như nhau, tuổi nghỉ hưu khác nhau. Rồi độ tuổi 25-35 tuổi là thời gian lý tưởng cho việc phấn đấu, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn.v.v... thì thời gian này, người phụ nữ lại phải lo thiên chức làm mẹ của mình, tính từ lúc mang thai, sinh đẻ, nuôi con đến tuổi đi học, trung bình, mỗi người mẹ có 2 con đã phải mất đi một thời gian gần 10 năm. 10 năm để phấn đấu cho mình – thời điểm này, ngoài 8 giờ làm việc và lo chăm sóc cho con thì cũng đã không còn giờ nào để mà lo phấn đấu nữa (phạm vi bài này chưa đề cập đến vấn đề sức khoẻ cho người lao động nữ). Vậy cơ hội nào cho người nữ ?
Đây chính là một lực cản lớn cho người phụ nữ, chính vì vậy, mặc dù người phụ nữ thường được đánh giá tốt trong công việc, nhưng khi đề bạt thường bị cân nhắc: “Phụ nữ có hạn chế là do vướng bận gia đình”. Mặc dù thực tế thời gian qua đã chứng minh, những đóng góp của người lao động nữ cho sự phát triển của ngành cũng như trong xã hội chúng ta không nhỏ.
Xin kể thêm 1 chuyện nhỏ, tôi được nghe ở một số cuộc phỏng vấn các nhà quản lý giỏi, câu hỏi đặt cho các chị thường là: “Chị làm thế nào để hài hòa, đảm đang hai vai trò việc nước, việc nhà” ... còn các anh thì chắc không có câu hỏi tương tự ! Tại sao ? Đây cũng là điểm để chúng ta suy ngẫm.
Như đã nói ở trên, chúng ta không phân tích để quy trách nhiệm, nhưng để cùng nhìn vào nguyên nhân cốt lõi của vấn đề chính là nếp nghĩ: “ Việc nhà là của phụ nữ” “Con hư tại mẹ” “Phụ nữ giỏi việc xã hội thường dễ mất hạnh phúc gia đình”... Vô hình chung, cách nhìn của chúng ta và xã hội đã tạo nên một lực cản cho người phụ nữ: ở cấp quản lý thì ngại bị nói là bỏ bê việc gia đình, còn CNLĐ thì càng khó khăn hơn và cũng chẳng có thời gian đâu mà phấn đấu... ! Cứ như thế, người lao động nữ nói chung rất khó khăn để vươn lên, phát huy năng lực của mình đóng góp cho xã hội. Cái quan niệm ấy đã đặt người phụ nữ trước 2 vai trò, trong khi nam giới có thể tập trung vào 1 vai trò cụ thể và có thể thực hiện lần lượt các vai trò của mình, thì ngược lại, người phụ nữ phải thực hiện nhiều vai trò cùng một lúc với sự đòi hỏi phả trọn vẹn!
Có một lúc nào, thử nhìn lại xem, trong mỗi chúng ta, có bị ảnh hưởng của nếp nghĩ này không. Muốn vậy, chúng ta hãy xem lại sự phân công lao động trong gia đình, trong công sở. Tính thử xem những chiếc bánh thời gian đã được “ phân phối” như thế nào cho các thành viên nam nữ quanh ta ?
Nếu ta không thay đổi cách nhìn, để rồi biến thành những hành động cụ thể hàng ngày, mặc cho người phụ nữ cứ phải “làm tròn vai trò trong gia đình” rồi mới có cơ hội học hành phấn đấu, thì có khác nào hình ảnh Cô Tấm ngày xưa phải lựa sạch thúng đậu đủ màu xong sẽ được đi dự hội ?!
Liệu có một sân chơi bình đẳng trong công việc, trong bố trí thời gian cho người phụ nữ nói chung và cho lao động nữ nói riêng?.
Thời Gian
TCCT
Có một quà tặng của cuộc sống mà mỗi người chúng ta được thừa hưởng công bằng nhất, đó là thời gian. Đúng vậy, trong một ngày, chúng ta ai cũng có được 24 giờ bằng nhau. Nếu có khác chăng là khác ở cá