Năm 2006 là năm đầu tiên Nhà nước thực hiện đổi mới về giải pháp và điều hành dài hạn đối với Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia theo Quyết định số 279 ngày 3/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ, để doanh nghiệp dễ tiếp cận với Chương trình; đơn giản hoá thủ tục thanh toán; cơ quan chủ trì chương trình linh hoạt hơn trong việc xây dựng và điều chỉnh các hạng mục trong Chương trình; cơ quan quản lý kiểm soát được nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho XTTM. Ngoài ra, Chính phủ đã chủ động ban hành cơ chế XNK phù hợp với định chế của WTO, trước thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, đó là Nghị định 12/2006.NĐ-CP ngày 23/1/2006, về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh, chuyển khẩu với nước ngoài - cơ chế dài hạn nhất từ trước tới nay, tạo sự ổn định trong điều hành XNK và giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược. Nhà nước đã hết sức nỗ lực để đưa hoạt động XNK vào một sân chơi lớn (WTO) và phát triển, đồng thời phải chấp nhận Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm (không muộn hơn 31/12/2018) (Tuy nhiên, trước thời điểm trên, nếu ta chứng minh được với đối tác nào là kinh tế Việt Nam hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường, thì đối tác đó ngừng áp dụng chế độ “phi thị trường” đối với ta. Chế độ “phi thị trường” chỉ có ý nghĩa trong các vụ kiện chống bán phá giá).
2. Những bất cập về môi trường pháp lý đối với hoạt động XK&XTTM
- Đối với ngành Dệt may, kể từ khi Việt Nam là thành viên chính thức của WTO, rào cản về hạn ngạch đã được dỡ bỏ, nhưng lại gặp một số khó khăn khác. Như việc Bộ Thương mại Mỹ áp đặt cơ chế giám sát đối với hàng dệt may Việt Nam, nên khác với các năm trước, từ đầu năm 2007 đến nay, các nhà nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam chỉ đặt hàng thăm dò, các đơn hàng chỉ đến khoảng tháng 6. Đối với một số công ty, việc XK hàng dệt may đi Mỹ gặp khó khăn và khả năng kiện chống bán phá giá mặt hàng này vẫn có thể xảy ra.
- Mặc dù, cả nước quyết tâm cải cách hành chính và có Luật Thương mại, nhưng hiện nay vẫn còn hiện tượng “hành” doanh nghiệp, tự động đặt thêm thủ tục và thu phí của doanh nghiệp dệt may, dù đã được chấn chỉnh, nhưng vẫn gây khó khăn cho công tác xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian qua.
- Đối với mặt hàng gạo xuất khẩu, các doanh nghiệp phản ánh việc áp dụng cơ chế giá định hướng của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra quá cứng nhắc, khiến DN rất bị động và khó khăn trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài.
Các công ty XK gạo bức xúc: “Khi chúng tôi đàm phán xong với nhà nhập khẩu thì giá hợp đồng đã không còn phù hợp với giá định hướng, phải đàm phán lại, gây khó khăn và mất uy tín cho doanh nghiệp. Đề nghị cơ chế giá định hướng cần được áp dụng trong thời hạn dài hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng”.
- Đây chỉ là những mặt “nổi” mà chúng ta biết được sự gây phiền hà của cán bộ nhân danh Nhà nước đối với các doanh nghiệp, nhưng chắc chắn còn có những sự hành hạ khác đối với doanh nghiệp xuất khẩu mà dễ gì phát hiện được. Điển hình, vụ án chạy quota mà một quan chức cao cấp phải ngồi tù đã gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Qua vụ án này, nhiều người đã đật câu hỏi, còn bao nhiêu kiểu như việc chạy quota này mà chúng ta không phát hiện được, hoặc có phát hiện chắc gì đã được đưa ra công luận, đưa ra công luận thì chắc gì đã xử lý, công minh. Ngay vụ án chạy quota cũng còn rất nhiều người chưa đồng tình với việc xử lý thậm chí, Chánh án phiên tòa cũng bức xúc đối với khung hình phạt mà Viện kiểm sát Tối cao đã tuyên trong cáo trạng.
- Tình trạng chung của Việt Nam trong nhiều năm qua và hiện nay, là chúng ta làm việc không khoa học, mang nặng hình thức và duy ý chí, nhiều việc làm không giống ai và không theo quy luật chung. Nếu hiện tượng này không được khắc phục nhanh thì chắc chắn, chúng ta sẽ thua thiệt và đất nước phát triển rất chậm. Cụ thể:
Theo một chuyên gia pháp luật của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Cho đến nay, chưa có bất kỳ một định nghĩa hay cách hiểu thống nhất nào về “cơ chế giám sát xuất khẩu”.
Bản thân thuật ngữ “giám sát xuất khẩu” cũng không được sử dụng thống nhất. Việt Nam từ lâu đã duy trì các biện pháp kiểm soát khác nhau đối với hàng hoá xuất khẩu. Trong giai đoạn kinh tế bao cấp trước đây, hầu hết các hoạt động xuất khẩu đều phải xin cấp phép, hoặc kiểm soát.
Hiện nay, khi hoạt động xuất khẩu thương mại được đẩy mạnh và khuyến khích, các thủ tục hành chính được giảm bớt, các chủ thể xuất khẩu tự chịu trách nhiệm về hàng hoá của mình, hình thức cấp phép vẫn được duy trì đối với một số loại hàng hoá đặc biệt (ví dụ văn hoá phẩm, một số loại tài nguyên thiên nhiên...).
Cũng giống như các nước khác, việc kiểm soát xuất khẩu nói trên của Việt Nam được thực hiện nhằm mục tiêu bảo vệ những lợi ích công cộng quan trọng (an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên). Những biện pháp này có thể liên quan, hoặc góp phần vào mục tiêu thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thương mại, nhưng chúng không nhằm mục tiêu đối phó với những rào cản thương mại ở các thị trường xuất khẩu mà hàng hoá Việt Nam có thể phải đối mặt.
Nếu hiểu “cơ chế giám sát xuất khẩu” theo nghĩa là một cơ chế mà Nhà nước thiết lập để kiểm soát các hoạt động xuất khẩu, nhằm hạn chế nguy cơ bị áp dụng các rào cản thương mại ở nước nhập khẩu, thì hầu như không một quốc gia nào có một “cơ chế” như vậy.
Thực tế này có thể được giải thích bởi nhiều lý do:
- Thứ nhất, về phương pháp, khó có một cơ chế giám sát nào có thể áp dụng thống nhất cho tất cả các loại hàng hoá xuất khẩu. Một cơ chế kiểm soát thống nhất, lâu dài đối với tất cả các loại hàng hoá xuất khẩu là không tưởng, hoặc giả sử có một cơ chế như vậy thì cũng không thể có hiệu quả.
- Thứ hai, về tính hiệu quả, sử dụng một cơ chế tĩnh để đối phó với những rủi ro động không đơn giản. Cũng như vậy, khó có thể chắc chắn về tính hiệu quả của việc áp dụng cơ chế giám sát xuất khẩu ổn định để đối phó với những loại rào cản thương mại vốn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau.
Điều cuối cùng là, đừng bao giờ có những quyết định không được xã hội đồng tình ủng hộ, như việc cho nhập ô tô cũ, nhưng thuế thì lên tận mây xanh, các nhà nhập khẩu đành đứng nhìn và hệ quả là người dân vẫn chịu cảnh mua ô tô giá cao bậc nhất thế giới và nhiều người mất lòng tin vào Bộ Tài chính. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại tuyên bố, thị trường trong nước sôi động từ 1/ 5/2006, cho phép nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng. Động thái này cho người “tậu xe” có nhiều sự lựa chọn và tạo lực cạnh tranh mới cho thị trường ôtô Việt Nam theo hướng tích cực?
3 - Một số ý kiến về xây dựng môi trường pháp lý
Những tác động của địa vị nền kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam trong giai đoạn đầu gia nhập WTO cũng là một thách thức không nhỏ đối với xuất khẩu. Với điều khoản chỉ được công nhận nền kinh tế thị trường sau 12 năm gia nhập WTO, đây được coi là một trong những điều khoản cam kết sẽ mang lại nhiều thách thức, đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách hợp lý, nhằm giảm thiểu các thiệt hại do địa vị kinh tế phi thị trường mang lại đối với Việt Nam.
Mặc dù vậy, trong thời gian trước mắt, với cam kết từ điều khoản này, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại khi bị áp dụng các quy định đối với nền kinh tế phi thị trường khi gặp các tranh chấp thương mại liên quan đến các biện pháp đối kháng và chống bán phá giá.
Để đối phó với tình trạng trên, Chính phủ cần hết sức thận trọng khi đưa ra các chính sách và quy định thể chế, đồng thời nỗ lực phấn đấu thoát ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường trong thời gian sớm nhất có thể. Các thành viên WTO sẽ xác định sự tồn tại môi trường kinh doanh thương mại, tuân thủ các tiêu chí một nền kinh tế thị trường dựa vào các yếu tố chất lượng của các đạo luật và quy định về sở hữu, sự chuyển đổi của đồng tiền, việc định giá, vai trò các doanh nghiệp nhà nước và vai trò của Chính phủ, các quy định về lao động và phá sản doanh nghiệp...
Theo các chuyên gia, Quốc hội và Chính phủ cần lưu ý hoạt động lập pháp và ban hành chính sách liên quan đến các lĩnh vực này, vì nó sẽ rất quan trọng khi xác lập địa vị kinh tế thị trường hay phi thị trường cho Việt Nam khi bị điều tra chống bán phá giá, một loại hình tranh chấp mà Việt Nam chuẩn bị phải đối mặt ngày càng nhiều vì đã là thành viên WTO.
Cụ thể, về dệt may, các thành viên WTO sẽ không được áp dụng hạn ngạch dệt may đối với ta khi vào WTO, riêng trường hợp ta vi phạm quy định WTO về trợ cấp bị cấm đối với hàng dệt may thì một số nước có thể có biện pháp trả đũa nhất định. Ngoài ra, thành viên WTO cũng sẽ không được áp dụng tự vệ đặc biệt đối với hàng dệt may của ta.
Về trợ cấp nông nghiệp, ta cam kết không áp dụng trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản từ thời điểm gia nhập. Tuy nhiên, ta bảo lưu quyền được hưởng một số quy định riêng của WTO dành cho nước đang phát triển trong lĩnh vực này. Đối với loại hỗ trợ mà WTO quy định phải cắt giảm, nhìn chung, ta duy trì được ở mức không quá 10% giá trị sản lượng. Ngoài mức này, ta còn bảo lưu thêm một số khoản hỗ trợ nữa vào khoảng 4.000 tỷ đồng mỗi năm.
Có thể nói, trong nhiều năm tới, ngân sách của nước ta cũng chưa đủ sức để hỗ trợ cho nông nghiệp ở mức này. Các loại trợ cấp mang tính chất khuyến nông hay trợ cấp phục vụ phát triển nông nghiệp được WTO cho phép nên ta được áp dụng không hạn chế.
Kết luận:
Hiện nay, nhiều văn bản pháp luật đã được xây dựng hợp lý và phù hợp với quốc tế hơn, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nếu Nhà nước không tích cực rà soát lại và tạo môi trường pháp lý tốt, thì hoạt động XK& XTTM sẽ khó phát triển.