Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho biết các tác động từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, các biện pháp phong toả phòng chống đại dịch Covid-19 của Trung Quốc và việc các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đang siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát đang ở mức cao kỷ lục sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, giá các loại hàng hoá, đặc biệt là nhóm hàng năng lượng, đã tăng vọt sau khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2/2022 vừa qua. Từ đó, gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu và khiến các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phải siết chặt chính sách tiền tệ.
Việc Trung Quốc theo đuổi chính sách “Không ca nhiễm Covid-19” bằng các biện pháp phong toả hoàn toàn hoặc toàn bộ nhiều thành phố, trung tâm sản xuất lớn trong những tháng gần đây đã khiến hoạt động sản xuất tại đây bị đình trệ và chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy. Đồng thời, việc gần 400 triệu người dân buộc phải ở trong nhà để phòng chống dịch bệnh khiến sức mua tại Trung Quốc suy yếu đáng kể. Đà tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc hiện đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm trở lại đây.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chịu áp lực lớn trong việc nâng lãi suất cơ bản và siết chắt các chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát. Giới quan sát nhận định FED có thể đẩy nhanh và mạnh tay hơn trong việc nâng lãi suất cơ bản khi lạm phát tháng 4/2022 tại Hoa Kỳ vẫn neo ở gần mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây. ECB cũng có thể phải bắt đầu tăng lãi suất trước cuối năm nay khi các nền kinh tế lớn tại EU như Pháp và Đức đang ghi nhận giá cả mọi loại hàng hoá, dịch vụ ở mức cao kỷ lục.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cảnh báo triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu là rất nhỏ và việc giảm tốc tăng trưởng sẽ diễn ra trên diện rộng. Riêng Nhật Bản và Ấn Độ - 2 nền kinh tế lớn hiếm hoi được Morgan Stanley dự báo sẽ không giảm tốc đáng kể.