“Dĩ nhiên, lạm phát đã đạt đỉnh và dữ liệu đã thể hiện cho điều đó. Quan trọng hơn, chúng tôi thấy khả năng lạm phát giảm trong thời gian tới. Tỷ lệ lạm phát trung bình của châu Á đạt đỉnh ở mức 5,5% và hiện lạm phát đã giảm 0.5 điểm phần trăm so với mức đỉnh. Trong khi đó, lạm phát tại Hoa Kỳ đạt đỉnh ở mức 9%, còn châu Âu đâu đó quanh 8.5-9%”, ông Chetan Ahya nói.
Ông Chetan Ahya cũng cho biết có ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu tăng “quá nóng” ở châu Á, nhất là khi tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các quốc gia đều thấp hơn mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trước đó, hồi đầu tháng 7, Morgan Stanley đã nhận định lạm phát tại châu Á có thể đạt đỉnh trong quý 3 năm nay.
“Theo đánh giá của tôi, đà hồi phục ở phần lớn các nền kinh tế tại châu Á đang ở giai đoạn giữa chu kỳ. Tôi nghĩ đây là lý do quan trọng nhất và giải thích tại sao chúng tôi cho rằng lạm phát tại châu Á sẽ được kiểm soát và các ngân hàng trung ương không cần phải nâng lãi suất lên tới mức mà sẽ kìm hãm sự phát triển của các nền kinh tế”, ông Chetan Ahya nói thêm.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley cho biết nhu cầu về hàng hoá đang là yếu tố thúc đẩy lạm phát trên toàn cầu, nhất là ở châu Á. “Nhu cầu hàng hóa đã tăng mạnh vì đại dịch tại Hoa Kỳ và tình trạng mất cân bằng cung cầu xảy ra. Tuy nhiên, mọi thứ đã hồi phục và nhu cầu đã giảm”, ông Chetan Ahya lưu ý.
Morgan Stanley cũng cho biết trong bối cảnh tình trạng chuỗi cung ứng đã được cải thiện, hàng tồn kho ở mức cao, nhu cầu về hàng hoá được dự báo sẽ giảm trong vài tháng tới. Bên cạnh đó, ông Chetan Ahya cho biết thị trường lao động tại châu Á không bị thiếu hụt như ở Hoa Kỳ, điều này góp phần kìm hãm áp lực tăng tiền lương. Do đó, châu Á có vẻ kiểm soát lạm phát tốt hơn các khu vực khác trên thế giới.
Nhận định của Morgan Stanley có thể giúp giảm bớt phần nào áp lực đối với giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương tại châu Á sẽ theo sát động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). FED đã và đang mạnh tay nâng lãi suất ở mức nhanh nhất trong gần 30 năm trở lại đây khi lạm phát tại Hoa Kỳ chạm mức cao nhất trong hơn 40 năm qua.
Trong tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput cho biết ngân hàng trung ương không cần nâng lãi suất ở “mức cao” khi nền kinh tế tính đến cuối năm nay sẽ chỉ trở về như mức trước khi đại dịch xảy ra.
Hiện nhiều nhà phân tích kỳ vọng rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải cân nhắc kỹ hơn về việc siết chặt chính sách tiền tệ. Nhiều nhà phân tích và các tổ chức kinh tế đã liên tục cảnh báo việc các ngân hàng trung ương chạy đua nâng lãi suất sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu “hạ cánh cứng”. Một số dấu hiệu gần đây có thể cho thấy áp lực lạm phát trên toàn cầu đang dần hạ nhiệt, đặc biệt là giá dầu thô và giá hàng loạt các loại lương thực, thực phẩm đã giảm xuống.
Tuy nhiên, Morgan Stanley cho rằng triển vọng xuất khẩu của châu Á vẫn còn tương đối yếu. “Khi đánh giá dưới góc độ kinh tế, những con số thực - sau khi đã điều chỉnh lạm phát cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 1 - 3% so với cùng kỳ. Cách đây 12 tháng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từng tăng hơn 10%. Chúng tôi thấy sự giảm tốc và triển vọng xuất khẩu hàng hoá của châu Á không quá ổn”, ông Chetan Ahya phân tích.