Giá vàng thế giới giao ngay tuần trước đã tăng hơn 1% lên 1.802 USD/ounce, xác lập chuỗi 4 tuần tăng giá liên tiếp. Tuy nhiên, dữ liệu về lạm phát tại Hoa Kỳ trong tháng 7 đã không tạo được động lực mạnh mẽ để giá vàng bứt phá khỏi ngưỡng tâm lý quan trọng 1.800 USD/ounce.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 7 tăng 8,5%, thấp hơn dự báo và mức tăng của hồi tháng 6, nhưng con số này vẫn quanh mức cao nhất trong 40 năm qua.
Khảo sát của chuyên trang tin tức thị trường vàng Kitco.com cho thấy các chuyên gia thị trường vàng đang bị chia rẽ về dự báo triển vọng của giá vàng trong tuần này.
Cụ thể, khảo sát đối với 11 chuyên gia phân tích trên thị trường Wall Street cho thấy 45,5% số người được hỏi nhận định giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng lên nhưng cũng có tới 45,5% số người cho rằng giá vàng sẽ giảm xuống trong tuần này. 9% số chuyên gia còn lại dự báo giá vàng sẽ không biến động nhiều trong các phiên giao dịch sắp tới.
Trên thị trường Main Street, trong số 216 người tham gia khảo sát, 42,1% kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên cao hơn nữa, chỉ có 28,7% nhận định giá vàng sẽ giảm xuống, và 29,2% số người còn lại dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong tuần này.
Khảo sát của Kitco trên thị trường Wall Street chủ yếu tập trung vào các chuyên gia phân tích, giới đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức đầu tư nắm giữ lượng vàng lớn; trong khi đó, các nhà đầu tư tham gia khảo sát trên thị trường Main Street chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Giới phân tích cho biết việc USD mạnh lên được dự báo sẽ tiếp tục gây sức ép lên giá vàng trong tuần nay. Ông Marc Chandler, Giám đốc điều hành Bannockburn Global Forex (Hoa Kỳ), cho biết “Trong vài tuần qua, giá vàng đang giao dịch quanh mốc 1.800 USD/ounce. Tuy nhiên, tôi cho rằng giá USD sẽ phục hồi khi doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tại Hoa Kỳ tăng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng. Ngưỡng hỗ trợ đầu tiên đối với giá vàng khi giá vàng giảm xuống là mức 1.765 USD/ounce”.
Ông Adam Button, chiến lược gia tiền tệ tại Forexlive.com, nhấn mạnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đóng vai trò chủ chốt đối với diễn biến giá vàng trong thời gian tới.
Tại một hội nghị được tổ chức trong tuần trước, Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis ông Neel Kashkari cho biết FED vẫn còn một chặng đường rất dài trước khi tuyên bố “đã chiến thắng lạm phát”. Chủ tịch FED chi nhánh San francisco bà Mary Daly cũng có ý kiến tương tự như ông Neel Kashkari.
Ông Neel Kashkari nhận định FED sẽ cần tăng lãi suất cơ bản lên mức 3,9% vào cuối năm nay và lên mức 4,4% vào cuối nă 2023. Mức lãi suất cơ bản của FED hiện chỉ ở khoảng từ 2,25% - 2,5%.
Ngay cả những chuyên gia phân tích lạc quan nhất về triển vọng giá vàng cũng thận trọng khi đưa ra nhận định. Ông Darin Newsom, Chủ tịch hãng tư vấn thị trường Darin Newsom Analysis (Hoa Kỳ), cho biết "Biểu đồ giá vàng giao tháng 12 cho thấy giá kim loại quý sẽ tiếp tục đi lên trong ngắn hạn. Ngưỡng cản trong ngắn hạn là mức 1.824 USD/ounce, còn ngưỡng hỗ trợ là 1.798 USD/ounce. Việc này khiến thị trường dao động trong biên độ hẹp và làm tăng khả năng giá vàng có thể biến động mạnh theo cả 2 hướng”.
Một yếu tố khác có thể hỗ trợ giá vàng đi lên là nỗi lo suy thoái kinh tế. Ông Adrian Day, Chủ tịch hãng tư vấn đầu tư Adrian Day Asset Management (Hoa Kỳ), cho biết “Thị trường đang ngày càng tin rằng FED không thể hạ lạm phát xuống thấp đáng kể mà không gây ra suy thoái. Điều này có lợi cho vàng, kể cả khi FED vẫn duy trì quan điểm thắt chặt chính sách tiền tệ. Thị trường đã chứng kiến nhiều số liệu kinh tế tiêu cực trước khi FED thực hiện các hành động. Nếu FED tiếp tục siết chặt chính sác, tình hình suy thoái sẽ tệ đi rất nhanh”.