Chốt phiên giao dịch ngày 12/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 giảm 1,5% xuống còn 98,15 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 cũng giảm 2,4% xuống mức 92,09 USD/thùng. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (11/8), giá cả hai loại dầu thô chủ chốt của thị trường thế giới đã tăng hơn 2%.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm khi một số thông tin cho thấy sự gián đoạn nguồn cung dầu thô từ khu vực Duyên hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ có thể sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn; trong khi đó, tâm lý thị trường vẫn chịu ảnh hưởng từ lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế sẽ khiến triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm xuống.
Trước đó, trong ngày 11/8, tập đoàn khai thác dầu khí hàng đầu thế giới Shell (Anh) cho biết đã phải ngưng hoạt động ba giàn khoan với tổng công suất 410.000 thùng dầu/ngày tại khu vực Duyên hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ do đường ống dẫn dầu bị hư hỏng. Tuy nhiên, đại diện của tập đoàn Shell cho biết đường ống dẫn dầu đã được sửa chữa và các hoạt động khai thác dầu sẽ được nối lại vào cuối ngày 12/8.
Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã tăng 3,4% và giá dầu thô WTI tăng 3,5%. Trong tuần trước, giá dầu thô Brent đã lao dốc, mất tới 14% do lo ngại lạm phát và môi trường lãi suất cao trên toàn cầu sẽ khiến nền kinh tế thế giới giảm tốc, kéo theo đó là sự suy giảm nhu cầu sử dụng dầu thô.
Chuyên gia phân tích thị trường Phil Flynn từ hãng tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh Price Futures (Hoa Kỳ) nhận định việc giá dầu thô giảm xuống trong phiên giao dịch ngày 12/8 là sự điều chỉnh của thị trường sau vài phiên tăng giá liên tục.
Thị trường hiện cũng đang đánh giá các quan điểm trái ngược về dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô thời gian tới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Trong ngày 11/8, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay xuống mức 3,1 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,26 triệu thùng/ngày so với lần dự báo gần nhất.
Trong khi đó, IEA lại cho biết việc giá khí đốt tăng cao kỷ lục đang khiến nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng dầu nhiên liệu thay cho khí đốt để sản xuất điện, điều này giúp nhu cầu sử dụng dầu thô tăng lên. IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay lên thêm 2,1 triệu thùng/ngày. IEA cũng nâng dự báo sản lượng khai thác dầu thô của Nga trong nửa cuối năm nay thêm 0,5 triệu thùng/ngày và nhận định OPEC sẽ gặp khó khăn trong việc nâng thêm sản lượng.
Ở một diễn biến khác, dữ liệu mới nhất của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes Co. (Hoa Kỳ) cho thấy số lượng giàn khoan dầu hoạt động tại Hoa Kỳ đã tăng thêm 3 giàn khoan lên mức 601 giàn khoan trong tuần này. Số lượng giàn khoan hoạt động, thường được xem là chỉ báo sớm về sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ, đã tăng chậm lại trong thời gian gần đây và được dự báo sẽ chỉ đạt mức như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2023.