Giá dầu thô 12/8: Giao dịch quanh mức hơn 99 USD/thùng, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng dầu nhiên liệu để sản xuất điện

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 12/8, giá dầu thô thế giới giao dịch quanh mức hơn 99 USD/thùng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết nhiều quốc gia có xu hướng tăng sử dụng dầu nhiên liệu thay cho khí đốt để sản xuất điện. Giá dầu thô còn được hỗ trợ bởi việc đồng USD suy yếu đáng kể.
giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

 

Vào lúc 10h00 sáng nay ngày 12/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 điều chỉnh giảm 0,46% xuống mức 99,22 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 cũng giảm 0,41% xuống 93,95 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng mạnh 2,3% lên 99,60 USD/thùng và giá dầu thô WTI tăng 2,6% lên 94,34 USD/thùng.

Động lực tăng giá của dầu thô chủ yếu đến từ việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cho biết việc giá khí đốt tự nhiên và giá điện tăng vọt lên mức cao kỷ lục đang thúc đẩy nhiều quốc gia chuyển từ sử dụng khí đốt tự nhiên sang dầu nhiên liệu để sản xuất điện. Đồng thời, IEA cũng nâng dự báo triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm nay lên thêm 380.000 thùng/ngày.

Đồng thời, giá dầu thô còn được nâng đỡ bởi việc đồng USD suy yếu đáng kể so với các đồng tiền chủ chốt khác thế giới. Đồng USD chịu áp lực giảm sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát trong tháng 7 của Hoa Kỳ thấp hơn so với dự báo của giới phân tích, qua đó khiến thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ giảm cường độ nâng lãi suất cơ bản trong thời gian tới.

Tín hiệu lạc quan về lạm phát tại Hoa Kỳ đã phần nào kích thích giới đầu tư giải ngân đối với các loại tài sản có độ rủi ro cao như hàng hoá, bao gồm cả dầu thô. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ trong những tuần gần đây có dấu hiệu phục hồi tương đối tốt.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định đà tăng của giá dầu thô phần nào bị kìm hãm khi dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước tăng 5,5 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 73.000 thùng được giới phân tích đưa ra trước đó.

Dòng chảy dầu thô của Nga tới các nước Trung Âu qua đường ống dẫn dầu Druzhba cũng đã được nối lại vào ngày 10/8 sau 6 ngày tạm ngưng. Qua đó, giúp tạm thời giải toả cú sốc đối với an ninh năng lượng của châu Âu trong bối cảnh giá khí đốt tại đây đã đạt mức cao kỷ lục vì sự sụt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga khi mùa Đông đang đến gần.

Trong khi đó, giá dầu thô trên thị trường giao ngay trên toàn cầu đang có xu hướng giảm dần khi những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu thô dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine hạ nhiệt dần. Đồng thời, thị trường còn đối mặt với rủi ro kinh tế toàn cầu giảm tốc, khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu có thể giảm xuống.

Tường Vy