Theo đó, giá than nhiệt lượng cao xuất đi từ cảng Newcastle của Australia được dự báo sẽ đạt trung bình 320 USD/tấn trong năm nay, tăng mạnh so với mức dự báo 230 USD/tấn được đưa ra trước đó. Trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, Fitch Solutions dự báo giá than sẽ đạt trung bình 246 USD/tấn thay vì mức 159 USD/tấn được dự báo trước đây.
Giá than đá tại Newcastle thường được sử dụng làm giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch than đá tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Australia hiện là quốc gia xuất khẩu than lớn thứ hai thế giới, sau Indonesia.
Fitch Solutions cho biết giá than tại châu Á được hỗ trợ nhờ việc các quốc gia châu Âu tăng cường cạnh tranh với các quốc gia châu Á để thu gom nguồn cung khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khi Nga đang giảm cung ứng khí đốt cho châu Âu, điều này buộc các quốc gia đang phát triển tại châu Á phải tăng cường sử dụng năng lượng từ than.
Trong thời gian vừa qua, hàng loạt chuyên gia phân tích và các tổ chức quốc tế cảnh báo nguy cơ xảy ra “cuộc chiến” tranh giành nguồn cung LNG giữa châu Âu và châu Á. LNG là loại năng lượng sạch hơn than đá và được nhiều quốc gia đang phát triển tại châu Á đẩy mạnh sử dụng trong những năm gần đây trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Bangladesh… không thể cạnh tranh về giá so với các nền kinh tế phát triển tại châu Âu để đảm bảo nguồn cung LNG thì các quốc gia này sẽ phải tăng cường sử dụng than đá.
Đầu tháng 3, giá than đá đã có lúc đạt mức cao kỷ lục 422,6 USD/tấn sau khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra khiến các dòng chảy năng lượng trên toàn cầu bị rối loạn. Mặc dù sau đó đã giảm mạnh vào cuối tháng 3 nhưng giá than đã liên tục tăng trở lại. Dữ liệu của Trading Economics cho thấy giá than tại cảng Newcastle hiện đạt 398 USD/tấn, tăng gần 140% so với hồi đầu năm và tăng tới 237% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, giá than còn được hỗ trợ nhờ việc châu Âu có thể tăng cường huy động nguồn nhiệt điện than nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng này. Điều này đồng nghĩa với việc EU sẽ phải tăng cường tìm kiếm nguồn cung than từ các nước khác như Australia, Colombia và Nam Phi, kéo theo đó là việc đẩy giá than vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu tăng lên.
Từ đầu tháng 6, nhiều quốc gia EU như Đức và Áo đưa ra các kế hoạch khẩn cấp nhằm phục hồi sản xuất nhiệt điện than để đảm bảo năng lượng cho mùa Đông tới đây. Hà Lan đã loại bỏ giới hạn sản xuất năng lượng từ than. Các nhà máy nhiệt điện than của Italy cũng đã tích cực dự trữ than trong vài tháng qua.
Diễn biến giá than trên thị trường kỳ hạn (giao sau) cũng cho thấy giá than sẽ neo cao trong nhiều tháng tới đây. Hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy (Na Uy) cảnh báo giá than đá trên thế giới có thể vượt ngưỡng 500 USD/tấn trong năm nay. Nếu dự báo này thành hiện thực thì đây sẽ là mức giá than cao nhất trong vòng 200 năm trở lại đây.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo sản lượng điện của các nhà máy nhiệt điện than trên toàn cầu sẽ tăng 9% trong năm nay. Trong năm 2021, sản lượng điện than toàn cầu đã giảm 4% do nhu cầu sử dụng năng lượng suy giảm vì đại dịch Covid-19.
Theo IEA, nhu cầu sử dụng điện trong năm nay sẽ vượt xa tốc độ tăng trưởng của các nguồn cung cấp điện ít phát thải khí nhà kính, buộc các quốc gia kể cả các nền kinh tế giàu phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch.