Một công trình trọng điểm

Theo dự báo phụ tải của qui hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 (thường gọi là tổng sơ đồ phát triển điện V – TSĐ V) có hiệu chỉnh, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện năng giai đoạn 20

Sự phát triển khả quan của nền kinh tế xã hội đã dẫn đến tốc độ tăng nhu cầu điện vượt quá dự báo 2-3%/năm. Do điều kiện địa lý, kế hoạch phát triển nguồn điện ở các vùng cũng không phù hợp với nhu cầu tăng trưởng điện của các khu vực. ở miền Bắc, chủ yếu là nhiệt điện than và thuỷ điện như Thuỷ điện Hòa Bình, Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí.v.v... ở miền Nam chỉ có các nguồn nhiệt điện khí như Phú Mỹ, Bà Rịa, Ô Môn,v.v...

Do sự hạn hẹp khả năng tài chính, nên việc xây dựng nguồn trong những năm 2000 trở về trước chủ yếu là ở miền Bắc như Thủy điện Hòa Bình, Nhiệt điện Phả Lại, miền Trung có Thủy điện Yaly,... Từ khi xuất hiện việc thu khí từ các mỏ dầu miền cực Nam, chúng ta đã xây dựng các nhà máy phát điện sử dụng khí. Đường dây 500 kV mạch 1 đã chuyển tải cho miền Nam tính tới năm 2001 một lượng công suất 16 tỷ kWh, tương đương 587 triệu USD, vượt qua số tiền đầu tư đường dây này.

Từ khi có công nghệ thu khí từ các mỏ dầu vào bờ, chúng ta đã tập trung xây dựng các nhà máy điện khí đốt và đã đưa lại hiệu quả vô cùng to lớn. Đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên này là một lợi thế cho đất nước và ước công suất điện sẽ vượt quá nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của khu vực miền Nam tính đến năm 2005 là 1.4000 MW. Trong lúc đó, ở miền Bắc, miền Trung, các nhà máy điện mới như Uông Bí, Thái Bình và Nhà máy Điện Sơn La.v.v... đang chuẩn bị xây dựng nên miền Bắc sẽ bị thiếu 1200-1300 MW vào những năm 2005-2006. Những năm qua, đường dây 500 kV mạch 1 đã đem lại hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn cho đất nước, nhưng cũng chỉ chuyển tải được 800 MW. Hiện nay, trong giờ cao điểm (18-22h trong ngày) đã bị quá tải đoạn Pleiku - Đà Nẵng 10%. Như vậy, việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 2 là không thể thiếu được, đây là một sự liên kết hệ thống, đảm bảo vận hành an toàn như một tất yếu khách quan. Nó đảm bảo sự cung cấp điện vững chắc, cân đối công suất cho các miền  của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và trước mắt, tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội trong những năm 2004-2006. Đường dây 500 kV mạch 2 cùng với đường dây 500 kV mạch 1 tạo thành một mối liên kết vững chắc cho việc hòa nhập hệ thống điện khu vực, trước mắt như Lào, Campuchia và Trung Quốc trong tương lai.

Đường dây 500 kV mạch 2 dài khoảng 1.500 km từ Pleiku (tỉnh Gia Lai) đến Thường tín (tỉnh Hà Tây), đi qua đèo Lò Xo như mạch 1, nhưng lại đi qua đèo Violax giáp ranh giữa huyện Batơ - Quảng Ngãi và huyện Krono của tỉnh Kontum rất hiểm trở. Ngoài ra, nó cũng được thiết kế đi song song với mạch 1 từ  Đà Nẵng ra Bắc nên đều phải vượt các đèo Hải Vân, Phước Tương, Phú Gia và qua các sông lớn như mạch 1 với 2530 vị trí móng, 223.000 m3 bê tông, 62.000 tấn cột mạ kẽm, 17.000 tấn dây dẫn, 600 tấn dây chống sét lưỡng kim, 600 tấn cáp quang... Khối lượng công việc thi công vô cùng to lớn và bằng gần 90% của mạch 1. Thời gian thi công được chia ra 3 giai đoạn:

- Cuối năm 2004, xong đoạn Pleiku – Dốc Sỏi - Đà Nẵng, dài 393 km, 736 vị trí móng.

- Tháng 6/2005, xong đoạn Đà Nẵng – Hà Tĩnh, dài gần 400 km, 1003 vị trí móng.

- Tháng 12/2005, xong đoạn Hà Tĩnh – Thường Tín, dài gần 370 km, 904 vị trí móng.

Để đảm bảo tiến độ thi công công trình trọng điểm này lãnh đạo ngành Điện đã đề xuất với Chính phủ cho phép triển khai xây dựng đường dây trên theo một cơ chế “đặc biệt”. Cụ thể: Cho phép chỉ định các đơn vị xây lắp trong nước có kinh nghiệm đảm nhận phần xây dựng các đường dây và trạm 500 kV; cho phép chỉ định thầu các đơn vị trong nước sản xuất cột, dây dẫn; cho phép EVN mời các nhà thầu đã trúng thầu cung cấp vật tư thiết bị đường dây và trạm 500 kV gần đây để ký hợp đồng mua vật tư thiết bị (giá chỉ định thầu thấp hơn giá các hợp đồng tương ứng đã ký cho các công trình trên); cho phép 15 tỉnh, thành phố có đường dây đi qua thành lập hội đồng đền bù sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt và tiến hành đền bù, khi đã thoả thuận tuyến với các địa phương; cho phép thực hiện cơ chế vừa thiết kế vừa thi công. EVN cũng sẽ cho phép các đơn vị như Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc và miền Trung, mời các đơn vị rà phá bom mìn tiến hành rà phá khi công tác cắm móng trung gian hoàn chỉnh từng đoạn tuyến để phục vụ kịp thời các đơn vị thi công. Ngoài ra, có thể xem xét việc sử dụng thiết kế đường dây 500 kV mạch 1 vào đường dây 500 kV Pleiku – Thường Tín.

Việc tổ chức thi công đường dây 500 kV mạch 2 có rất nhiều thuận lợi, đó là sự đồng tình, quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công nghiệp, cũng như các cơ quan trung ương và các tỉnh thành có đường dây 500 kV đi qua. Không những thế, đường dây này được tổ chức thi công sau khi đã xây dựng thành công các đường dây như 500 kV mạch 1 Hòa Bình – Phú Lâm, Pleiku- Phú Lâm, Phú Mỹ – Nhà Bè – Phú Lâm, nên lực lượng thi công trong nước đã trưởng thành gấp bội. Nếu như trước đây, chúng ta phải thuê tư vấn thiết kế, mua dây dẫn nước ngoài, mua cột thép nước ngoài thì đối với đường dây này, chúng ta tự gia công sản xuất trong nước 100% (chỉ phải mua thiết bị trạm, sứ cách điện, cáp quang, thiết bị thông tin), chính vì thế mà chúng ta chủ động được gần như hoàn toàn.

 

Đối với anh em xây lắp, trước đây riêng việc đúc móng bằng thủ công đã kéo dài hàng tháng thì nay, từ đào, trộn bê tông.v.v... đều thực hiện bằng máy là chủ yếu. Chính sự cơ giới hóa xây lắp đã tạo ra năng suất lao động tăng cao, giúp tiến độ đẩy nhanh. Điều đó đồng nghĩa với việc kiểm soát tốt tiến độ đề ra. Nguồn vật liệu cũng được cung ứng, đảm bảo chất lượng tại chỗ. Nếu như trước đây phải có chỉ tiêu mới có xi măng đúc móng thì nay, các lò xi măng với chất lượng cao trung ương được cung cấp tại hiện trường.v.v...

Đương nhiên trong nền kinh tế thị trường, việc tổ chức thi công đường dây 500 kV mạch 2 cũng phải đối mặt với những khó khăn như phải tổ chức quản lý giám sát thật tốt các nguồn vật liệu đưa vào công trình. Ngay từ đầu, Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã ban hành các qui định chặt chẽ từ khâu cung cấp vật liệu, giám sát chuyển bước thi công, nghiệm thu,... Điều đáng quan tâm bậc nhất đối với công trình này cũng như các công trình xây dựng cơ bản khác, là việc đền bù giải phóng mặt bằng, đường tạm,.v.v... Đây là những thách thức vô cùng to lớn. Với hơn 1000 nhà dân có đường dây đi qua là một bài toán cần phải quan tâm không chỉ của ngành Điện mà còn là trách nhiệm của các địa phương. Chủ tịch HĐQT và TGĐ đã có các buổi làm việc với Chủ tịch UBND 15 tỉnh có đường dây đi qua, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, nên cho đến nay, gần như 61 huyện thị đã thành lập được Hội đồng đền bù và đang hoạt động có hiệu quả. Vì thế, nhân dân trên địa bàn có đường dây đi qua đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho lực lượng thi công.

Với kinh nghiệm và trình độ hiện nay của lực lượng thi công, quản lý, lãnh đạo, chắc chắn đường dây 500 kV mạch 2 sẽ đảm bảo tiến độ đề ra vào cuối năm 2005, chắc chắn nguồn điện miền Nam sẽ cung cấp an toàn cho miền Bắc trong đó có thủ đô Hà Nội yêu quí của chúng ta./.

  • Tags: