Một số bất cập trong cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hợp tác và những đề xuất

Có một thời mà nền kinh tế nước ta chỉ tồn tại chủ yếu là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Sau đó, trong quá trình chuyển đổi, nhiều thành phần kinh tế mới được thiết lập và kinh tế tập thể dần dầ

Có lẽ ít người có thể tưởng tượng nổi là trên thế giới có đến 2,8 tỷ xã viên hợp tác, KTHT với nhiều hình thức hợp tác mà nòng cốt là HTX dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn về quy mô, về địa bàn, về phân phối theo lao động, theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ, hoạt động theo nguyên tắc, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm cả người ít vốn và người nhiều vốn, cùng góp vốn và góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Theo ước tính, khu vực tư nhân trong nước cung cấp tới 96% số lượng việc làm trong khu vực công nghiệp ở nông thôn và khoảng 2 triệu doanh nghiệp hộ gia đình làm các nghề chế biến nông sản và thực phẩm, chế biến gỗ, dệt may, sản xuất gạch ngói, thuộc da, thủ công mỹ nghệ…
KTHT và HTX lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể. Đồng thời coi trọng lợi ích xã hội của thành viên, góp phần xoá đói giảm nghèo, tiến lên làm giầu cho các thành viên.
Tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển KTHT và HTX trong các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn mà trung tâm là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Theo Báo cáo “Đánh gía chung về tình hình Việt Nam” của Liên hợp quốc năm 1999, Việt Nam chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp, với ba phần tư dân số sống ở nông thôn, trong đó hai phần ba sống bằng nghề nông. Một con số đáng lưu ý là trên thực tế, 94% số hộ gia đình dưới mức nghèo khổ ở Việt Nam hiện đang sinh sống ở nông thôn (Tổng cục Thống kê 1999). Đồng thời, khoảng 6-7 triệu người dân nông thôn trong độ tuổi lao động không có việc làm ổn định, tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn theo ước tính lên tới 57% (theo điều tra mức sống Việt Nam 1997/1998, Tổng cục Thống kê). Đặc biệt, trong điều kiện quốc tế hoá đời sống kinh tế thì, phải không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả kinh tế HTX để kinh tế HTX đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Rất tiếc, trong quá trình phát triển KTHT và HTX hiện nay còn nhiều điều bất cập, dẫn đến kinh tế HTX không phát triển như đòi hỏi của xã hội. Vậy nguyên nhân nào làm cản trở sự phát triển kinh tế HTX? Nguyên nhân có thể có nhiều, nhưng trong bài này chỉ đề cập đến một số cơ chế chính sách mà chúng ta cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.
Những bất cập về cơ chế, chính sách phát triển HTX.
Cán bộ quản lý HTX

- Hiện nay, phần lớn cán bộ HTX chưa đủ trình độ về quản lý. Nhà nước chưa có một chính sách cụ thể và đầu tư nguồn vốn thích hợp để đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ HTX. Nhiều chủ nhiệm HTX cho rằng, Nhà nước không quan tâm đến sự phát triển HTX. Không hiểu tại sao, Nhà nước cấp phép cho thành lập rất nhiều trường đại học, nhiều đến nỗi chất lượng đào tạo đại học rất kém và nhiều tiêu cực xảy ra. Trong khi đó, không có một trường đại học chuyên ngành về HTX để đào tạo cán bộ cho lĩnh vực kinh tế HTX. Chúng ta không thể phát triển kinh tế HTX khi cán bộ HTX không có trình độ thích hợp. Đã đến lúc Nhà nước nên xem xét đến việc thành lập Trường Đại học chuyên ngành về HTX.
- Hiện nay, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, nhưng Nhà nước lại chưa có chính sách thu hút họ về làm việc ở các HTX. Vì vậy, cần có chính sách thu hút cán bộ quản lý, cán bộ khoa học – công nghệ (KHCN) về công tác tại các HTX. Muốn làm được điều trên thì phải có chính sách ưu đãi cụ thể cho cán bộ quản lý, KHCN làm việc ở HTX, như được hưởng lương, thưởng và chế độ bảo hiểm xã hội (do ngân sách nhà nước cấp). Ngoài ra, họ còn được hưởng phụ cấp gắn với hiệu quả SX-KD của HTX.
Chính sách đất đai: Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt trong nông nghiệp, do đó việc quản lý và sử dụng đất có hiệu quả là hết sức cần thiết. Nhiều chủ nhiệm HTX cho rằng, khó khăn về vốn, HTX không lo bằng không có đất để thuê làm văn phòng và cơ sở sản xuất. Thực tế, hầu hết các HTX phi nông nghiệp rất khó khăn tìm địa điểm để làm văn phòng làm việc, cũng như làm cơ sở SX-KD. Trong khi đó, qua tìm hiểu thấy nhiều HTX phi nông nghiệp trước đây vẫn thuê đất của Nhà nước, nhưng nay không sử dụng đúng mục đích mà Nhà nước vẫn chưa có biện pháp thu hồi để cho các HTX khác đang khó khăn về đất được thuê lại.
Hiện nay, có đến 50-60% số HTX không thuê được mặt bằng để SX-KD, trong khi đó, quy định của Nhà nước, muốn dược thuê đất ở các khu, cụm công nghiệp thì HTX phải thuê ít nhất 2.000 m2, quy định như vậy không hợp lý. Như chúng ta đã biết, quy mô HTX thường là nhỏ (Luật HTX quy định chỉ cần 7 người là được thành lập HTX) về vốn và quy mô SX-KD. Do vậy, Nhà nước nên có quy hoạch đất để các HTX tuỳ theo hoàn cảnh của mình có thể thuê đất với diện tích phù hợp.
Đối với HTX phi nông nghiệp, Nhà nước nên cho thuê đất dài hạn, giảm mức nộp thuế đất trong một thời gian nhất định và được nộp thuế làm nhiều lần. Đất do HTX đầu tư và tự khai phá, tôn tạo, khi Nhà nước chuyển sang chế độ cho thuê, cần trả lại chi phí khai phá cho HTX.
Một số ý kiến về Luật HTX mới sửa đổi, bổ sung:
- Luật HTX đã có nhiều tiến bộ so với Luật HTX cũ. Như, Luật mới đã cho phép cán bộ, công chức, các thành phần kinh tế khác góp vốn vào HTX; thủ tục thành lập đơn giản rất nhiều, không gây khó khăn như trước; HTX có quyền SX-KD những gì mà luật pháp không cấm…Tuy các nhà làm luật đã có nhiều cố gắng để Luật HTX thông thoáng hơn, giúp cho các HTX phát triển, nhưng cũng còn nhiều quy định chưa hợp lý. Thí dụ: Luật HTX quy định, xã viên chỉ được góp vốn không quá 30% số vốn của HTX là cứng nhắc. Tại sao lại khống chế 30% là tỷ lệ tối đa mà một xã viên được góp vốn, làm như vậy là không khuyến khích HTX phát triển. Nhiều người có vốn nhưng họ lại không thích thành lập công ty cổ phần mà muốn hoạt động dưới hình thức kinh tế tập thể HTX, nếu hạn chế tỷ lệ góp vốn không khuyến khích phát triển HTX, trong khi đó HTX rất cần vốn để SX-KD?
- Luật HTX tuy đã mở rộng đối tượng tham gia HTX, nhưng lại giữ nguyên nguyên tắc cũ là phiếu bầu của các xã viên có giá trị như nhau, mà không tính đến tỷ lệ góp vốn như các công ty cổ phần, như vậy không hợp lý. Tại sao, người có tỷ lệ góp vốn đến 30% như Luật HTX mới quy định, ý kiến của họ chỉ bằng người góp vốn 1%? Quy định như vậy vô tình làm tăng tính rủi ro cho những người góp nhiều vốn. Khi những người đóng góp vốn lớn, cũng có nghĩa là trách nhiệm của họ cũng rất lớn, nên họ phải tìm, chọn những phương án SX-KD có hiệu quả nhất cho HTX. Do đó, những nhà làm Luật HTX nên nghiên cứu vấn đề này để có những đề xuất sửa đổi cho hợp lý.
Một vấn đề nữa mà nhiều người yêu cầu là, đối với Hội đồng Quản trị, nên để người có nhiều vốn góp tham gia và người có nhiều vốn góp nhất phải là Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Như vậy mới hợp lý, vì người có nhiều vốn góp (họ chính là người quyết định sự tồn vong của HTX) họ phải có quyền quyết định số vốn của mình đầu tư vào lĩnh vực SX-KD nào, mà họ cho là có hiệu quả. Vì điều hành HTX đã có Ban quản trị, Trưởng Ban quản trị và Trưởng Ban quản trị có thể là người của HTX hoặc thuê ngoài (những quy định này cũng tương tự như các công ty cổ phần). Đây là ý kiến mà các nhà quản lý, các nhà xây dựng chính sách, luật pháp cần nghiên cứu.
Vấn đề về thuế và tài chính:
Chính sách thuế nói chung là hợp lý, nhưng ngành Thuế hiện nay thu thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn mang tính “lợi cho ngành Thuế là chính”.  Được biết, hiện nay đối với HTX, thuế thu nhập doanh nghiệp được thu đã không dựa theo phương án SX-KD mà HTX xây dựng cho từng năm, mà dựa theo cảm tính để đưa ra mức “tạm thu”,  buộc HTX nộp (sau đó năm tiếp theo mới quyết toán và HTX có thể phải nộp thêm hoặc được trả lại tiền thuế). Ngành Thuế cần cải tiến thu theo tháng, hoặc ít nhất là theo quí mới hợp lý, như vậy mới công bằng. Đây cũng là vấn đề bức xúc về mối quan hệ của nhà quản lý và doanh nghiệp mà xã hội đang quan tâm (do nhà quản lý không mấy khi tạo điều kiện cho doanh nghiệp). Một chủ nhiệm HTX phàn nàn: Chính sách thuế chưa khuyến khích HTX phát triển, cán bộ thuế vẫn còn coi HTX là đối tượng để “hành là chính”.
Nhiều HTX phàn nàn vì hiện nay không được đối xử bình đẳng so với các thành phần kinh tế khác, thậm chí còn kém cả tư nhân. Thí dụ, ngay tại Hà Nội có HTX muốn vay vốn ngân hàng để phát triển SX-KD mặc dù có đất mua trước đây với đầy đủ giấy tờ, có trước bạ, công chứng hợp lệ, nhưng không được vay. Nguyên nhân, ngân hàng cứ khăng khăng đòi phải có “sổ đỏ”. Trong khi HTX đó đã 3-4 năm đi lại, nhưng không hiểu lý do gì mà Sở Địa chính không cấp. Lần gần đây nhất là tháng 5/2004, khi lên Sở Địa chính Tp Hà Nội hỏi thì HTX vẫn nhận được câu trả lời: Cứ chờ! Không hiểu chờ đến bao giờ? Tại sao ngân hàng cứ nhất thiết đòi phải có “sổ đỏ”, khi HTX có giấy tờ đầy đủ do các cấp chính quyền cấp chứng nhận về quyền sử dụng đất và thực tế đã sử dụng nhiều năm? Chính vì sự chậm chễ trong việc cấp “sổ đỏ” và nguyên tắc cứng nhắc trong việc cho vay vốn của ngân hàng đã làm cho những xã viên HTX càng không tin vào tương lai, tiền đồ khi vào HTX. Nhiều người cho rằng, nếu là cá nhân thì việc cấp “sổ đỏ” đã xong từ lâu rồi.
Thiết nghĩ, ngành Ngân hàng cũng cần phải đổi mới cách làm của mình. Nhiều doanh nghiệp nhà nước vay vốn quá dễ nên đã làm thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng vay của ngân hàng, trong khi đó những HTX có giấy tờ hợp pháp, nhưng không hợp lệ thì lại phải chịu những “nguyên tắc” đến sợ!
Sự quan tâm của xã hội và chính quyền với HTX.
Có một chủ nhiệm HTX tâm sự: Tôi làm Chủ nhiệm HTX từ khi mới hơn 20 tuổi và nay đã hơn 70 tuổi, nhưng thấy ngày nay, sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với HTX là ít nhất. Trước đây, khi nói đến các thành phần kinh tế thì HTX thường được nhắc đến sau kinh tế nhà nước, nay thì ngược lại, HTX được đề cập đến cuối cùng. Có lẽ ngày nay chỉ có các cấp Liên minh HTX là còn quan tâm đến HTX, nhưng nhiều việc lại không có thẩm quyền giúp HTX phát triển. Hiện nay, phần lớn các HTX không có đất để làm văn phòng làm việc, việc tạo điều kiện để có đất SX-KD cũng không được giải quyết. Điều bức xúc này là có thật. Hiện nay, rất tiếc nhiều cấp chính quyền, nhiều nơi, nhiều lúc không những không quan tâm đến thành phần kinh tế HTX, mà còn tỏ thái độ coi thường kinh tế HTX.
Vấn đề cuối cùng nên để Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội nghiên cứu, đó là vấn đề bảo hiểm xã hội. Trước đây, xã viên HTX được đóng bảo hiểm, nhưng đến năm 1986 không cho đóng nữa. Sự vô lý này đã làm cho nhiều địa phương “xé rào” cho xã viên HTX đóng bảo hiểm từ năm 1998 (còn Hà Nội hiện nay mới đang triển khai). Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Lao động,Thương binh & Xã hội nên nghiên cứu vấn đề sau: HTX có từ năm 1958, nên nhiều người làm chủ nhiệm HTX đã mấy chục năm (có người trên dưới 70 tuổi và có mấy chục năm làm chủ nhiệm HTX), nay mới cho đóng bảo hiểm thì thật là thiệt thòi cho họ. Nên chăng, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội có chính sách để những người đã có công lao vì sự nghiệp HTX (như có trên 20 năm làm chủ nhiệm HTX, có Huy chương Vì sự nghiệp HTX được đóng tượng trưng 5 năm bảo hiểm để họ được hưởng bảo hiểm như là đã đóng mấy chục năm làm chủ nhiệm. Theo tính toán, số đối tượng này không nhiều, nhưng có ý nghĩa cực kỳ lớn đối với việc đóng bảo hiểm cho xã viên hiện nay. Bởi lẽ, nhiều chủ nhiệm tuổi đã cao, trên 50 tuổi khá nhiều, nếu họ không được hưởng bảo hiểm xã hội, thì họ chẳng thiết tha đóng bảo hiểm cho xã viên. Thực tế hiện nay là như vậy.
Rất mong Nhà nước có các chính sách cụ thể và hiệu quả để HTX được đối xử bình đẳng như các thành phần kinh tế khác, nhằm vực dậy khu vực kinh tế quan trọng này.

  • Tags: