I. Thực trạng, tiềm năng của ngành máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam
Ngành Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam đã hình thành từ khoảng năm 1963 với những sản phẩm đầu tiên là những chiếc máy nổ từ 12 mã lực. Từ lúc chỉ có 1 doanh nghiệp sản xuất thì đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất máy động lực như như Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo, Công ty Vinappro, Công ty Diesel Sông Công, Công ty Vikyno... Ngoài ra, còn có các viện chuyên nghiên cứu như Viện Máy nông nghiệp.
Vào những năm 1969, đã hình thành Công ty Vinappro, Công ty Vikyno ở khu Công nghiệp Biên Hoà, Đồng Nai, liên doanh với các công ty của Nhật Bản như Yanmar, Kubota lắp ráp động cơ các loại để phục vụ cho phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam. Sự ra đời của các công ty sản xuất động cơ diesel và các nhà nhập khẩu độc quyền các loại máy nổ thời kỳ trước năm 1975 là do số ít người giàu có đứng ra chiếm lĩnh thị trường. Trước năm 1975, việc nhập khẩu động cơ máy nông nghiệp vào Việt Nam đã giúp cho nông dân Việt Nam giải phóng sức lao động, tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước với các chính sách nông nghiệp và các chính sách khoán, nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam đã chuyển biến mạnh, từ một nước phải nhập khẩu gạo trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2, thứ 3 trên thế giới. Để đạt được những thành quả trên có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Do đó, nhu cầu máy nông nghiệp tăng cao và có khả năng cạnh tranh với hàng nhập ngoại.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các loại động cơ máy nổ từ 6 đến 80 mã lực, nhưng chủ yếu từ 6 đến 24 mã lực, do nhu cầu tiêu thụ là nông dân, thị trường nuôi tôm rất cần động cơ máy nổ từ 6 đến 10 mã lực. Số lượng động cơ của tất cả công ty sản xuất hàng năm vào khoảng 24.000 máy, trong khi nhu cầu tiêu thụ là 70.000 máy nổ các loại. Nhu cầu rất lớn, nhưng hiện nay, ta chỉ tiêu thu được khoảng 15- 20%, còn lại, máy nổ của Trung Quốc cũng như máy đã qua sử dụng của Nhật chiếm khoảng 70 –80% thị phần.
Các sản phẩm máy nổ do Việt nam sản xuất năm 1999 – 2002
Đơn vị: cái
Tên sản phẩm chủ yếu
Năm 1999
Năm 2000
Năm 2001
Năm 2002
Động cơ Diesel
14.809
15.066
18.263
24.000
Máy kéo, xe vận chuyển
1.756
2.496
2.447
2.700
Dự báo nhu cầu thị trường sử dụng máy nổ giai đoan 2002 - 2010
Sản phẩm
Nhu cầu thị trường
Kế hoạch sản xuất của VEAM
Động cơ Diesel<30ML
80.000
110.000
115.000
24.000
84.000
119.000
Động cơ Diesel <160 ML
1.000
2.000
3.500
500
1.000
1.500
Độngcơ Diesel< 1000ML
800
1.500
2.500
-
700
1.000
Động cơ xăng đa dụng
10.000
15.000
30.000
4.000
6.000
II. Một số giải pháp
Để góp phần từng bước mở rộng thị phần của các sản phẩm máy nông nghiệp của Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp trong nước cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
1. Hoàn thiện kênh phân phối.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành đều có nhiều hình thức bán hàng đến tay người tiêu dùng như bán tại doanh nghiệp, tại các cửa hàng trưng bày, thông qua đại lý, qua chương trình đầu tư... Tuy nhiên, phần lớn các đại lý, cửa hàng có quy mô nhỏ, nên chưa tạo được sự hấp dẫn của khách hàng, chưa đủ năng lực cạnh tranh.
Để đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp cần xây dựng quy chế về đại lý bán hàng, trong đó quy định tiêu chuẩn đại lý, biên chế, các hình thức trang trí và tên gọi...
2. Hoàn thiện các giải pháp về tiếp thị:
Trước tiên, cần quảng cáo sản phẩm máy nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, radio, loa đài địa phương, qua các bản tin Hội Nông dân... để bà con nông dân biết, phân biệt được xuất xứ của các sản phẩm, đặc biệt là tính ưu việt của máy nông nghiệp do Việt Nam sản xuất, từ đó khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Sau khi bán hàng, phải có cơ chế bảo hành theo quy định. Ngoài ra, các đại lý cần có chế độ chăm sóc khách hàng sau bán hàng như thăm hỏi, tư vấn, sửa chữa khi có sự cố.
3. Về chiến lược giá cả:
Trong tình hình nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, sản phẩm máy nông nghiệp do Việt Nam sản xuất thường có giá thành cao hơn máy của Trung Quốc từ 30 - 40%. Vì vậy, trong cạnh tranh về chiến lược giá, doanh nghiệp phải biết giải thích cho người tiêu dùng biết nguyên nhân giá cao hơn loại máy khác, là vì các lý do sau:
- Sức tiêu hao nhiên liệu ít hơn.
- Có phụ tùng thay thế và các dịch vụ bảo hành.
- Chất lượng máy có tốt hơn.
Công tác định giá không phải mang tính tuyệt đối mà mang tính tương đối, linh hoạt, vì khách hàng ngày nay có nhiều thông tin chọn lựa khi mua hàng.
4. Nhóm giải pháp đẩy mạnh sản lượng:
Các doanh nghiệp cần thường xuyên phối hợp cùng Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp, Tổng đại lý tổ chức các lớp học về bảo hành, sửa chữa máy nông nghiệp (có kèm tặng phẩm, các tờ bướm nói về các loại máy nông nghiệp) để qua đó quảng bá, giới thiệu thương hiệu máy nông nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Mặc khác, cần đa dạng hoá các hình thức bán hàng như:
- Sử dụng điện thoại hay Internet trong việc đặt hàng.
- Xây dựng chế độ hoa hồng thích đáng để kích thích các đại lý đẩy mạnh khâu tiêu thụ.
- Nối mạng vi tính ứng dụng trong nghiệp vụ sản xuất và tiêu dùng trong toàn Tổng Công ty.
- Liên kết với Ngân hàng và Hội Nông dân.
III. Một số kiến nghị để đẩy mạnh sản xuất máy nông nghiệp góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn
- Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư kỹ thuật, công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực... vào các nhà máy để chế tạo ra các chi tiết, phụ tùng có chất lượng cao, thay thế phụ tùng nhập khẩu. Đầu tư mới để hiện đại hoá nhanh chóng ngành Máy động lực để ngang với đà phát triển của khu vực và thế giới. Cần phải có quy hoạch phát triển ngành, tránh hiện tượng tự phát và cạnh tranh không lành mạnh.
- Không cho nhập các chi tiết máy, phụ tùng mà trong nước đã sản xuất được kể cả việc cho đầu tư các nhà máy lắp ráp máy nông nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm phù hợp với khả năng sản xuất trong nước và được các nước khác công nhận để tạo điều kiện cho cạnh tranh lành mạnh cũng như xuất khẩu máy nông nghiệp Việt Nam ra nước ngoài. Không nhập khẩu những loại máy nông nghiệp mà trong nước sản xuất được để khuyến khích hàng nội địa như ta đã làm bằng cách dán tem. Các công ty sản xuất máy động lực cần nhanh chóng thực hiện hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000 đưa các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế vào áp dụng.
- Khuyến khích đổi mới cơ cấu sản phẩm hiện có để đa dạng hoá sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
- Tăng cường công tác quản lý chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.
Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều tiềm năng phát triển về công, nông nghiệp, với những bước đi thích hợp về công nghiệp hoá nông thôn, với sự giúp đỡ của các công ty để phát triển, tin rằng trong thời gian tới sẽ mở ra nhiều hướng mới, tiếp cận, thu hút nhiều máy móc thực hiện tốt sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.