Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Mỹ đã có những bước phát triển tích cực trong những năm đây. Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng gần 5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 139 tỷ USD tỷ USD vào năm 2021. Xét về kim ngạch thương mại với Việt Nam, châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng thương mại cao nhất trong nhiều năm qua.
Trong năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ năm đạt khoảng 139 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2020 và chiếm 20,7% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với nước ngoài. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 114 tỷ USD, tăng 26,5%; nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, tăng 14,2%. Đáng chú ý, trao đổi thương mại với tất cả các thị trường lớn tại khu vực đều ghi nhận tăng trưởng ở mức 2 con số, nổi bật là Hoa Kỳ (22,9%), Brazil (35,2%), Canada (18,5%), Mexico (37,5%), Chile (54,1%)…
Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm có: Điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Giày dép các loại, hàng dệt may… Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ khu vực gồm có: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, thức ăn gia súc và nguyên liệu, dược phẩm, Bông các loại…
Dư địa phát triển cho quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và các quốc gia châu Mỹ được nhận định còn rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác tốt cũng như phòng tránh các rủi ro tại thị trường châu Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ các quy định phòng vệ thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu vào các quốc gia châu Mỹ.
Dưới đây là một số biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường châu Mỹ.
Thị trường Hoa Kỳ
Tính tới hết năm 2021, Hoa Kỳ tiếp tục là quốc gia điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam với 41 vụ việc bao gồm 21 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 08 vụ việc chống trợ cấp, 10 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế và 02 vụ việc điều tra tự vệ. Trong năm 2021, ngoài việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong, Hoa Kỳ cũng đã tiến hành rà soát hành chính với các mặt hàng cá tra, basa, tôm nước ấm đông lạnh…
Chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong
Ngày 14 tháng 5 năm 2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mật ong nhập khẩu từ Achentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraine và Việt Nam. Theo số liệu của DOC, lượng mật ong nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ ước tính 50,5 ngàn tấn trong năm 2020, tương ứng với kim ngạch 60,2 triệu USD. Ngày 17 tháng 11 năm 2021, DOC sơ bộ kết luận các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam bán phá giá vào Hoa Kỳ với biên độ từ 410,93% đến 413,99%, trong khi các nhà sản xuất, xuất khẩu của các nước còn lại bán phá giá từ 6,24% đến 49,44%.
Trong quá trình điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành nhiều lần bày tỏ quan điểm với phía Hoa Kỳ, đề nghị Hoa Kỳ đánh giá khách quan, công bằng, tuân thủ đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Sau khi lắng nghe ý kiến các bên và rà soát lại phương pháp tính toán và các số liệu thu thập, ngày 8 tháng 4 năm 2022, DOC đã ban hành kết luận điều tra cuối cùng. Theo đó, thuế chống bán phá giá dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm mạnh, từ mức 410,93% - 413,99% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74% - 61,27%. Đây là tín hiệu tích cực giúp ngành mật ong có thể nỗ lực để tiếp tục duy trì xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Hội Nuôi Ong Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam trao đổi với các cơ quan của Hoa Kỳ ở các giai đoạn tiếp theo (đánh giá thiệt hại, rà soát thuế chống bán phá giá…) nhằm hỗ trợ ngành mật ong Việt Nam được đối xử công bằng trong vụ việc này theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp chế biến mật ong đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như tiếp cận các thị trường khác, khai thác hiệu quả lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do mà ta đã tham gia.
Chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dún
Ngày 23 tháng 11 năm 2020, DOC khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm sợi dún nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Theo số liệu của DOC, lượng nhập khẩu sợi dún có xuất xứ từ Việt Nam vào Hoa Kỳ ước đạt 2,4 ngàn tấn năm 2019, tương ứng với kim ngạch khoảng 4,5 triệu USD. Ngày 19 tháng 10 năm 2021, DOC chính thức kết luận các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam bán phá giá ở mức từ 2,58% đến 22,36%; trong khi các nhà sản xuất, xuất khẩu của các nước khác bán phá giá từ 7,45% đến 56,08%. Thời gian áp thuế tính từ ngày 25 tháng 10 năm 2021.
Gia hạn biện pháp tự vệ đối với pin năng lượng mặt trời
Ngày 25 tháng 01 năm 2018, Hoa Kỳ ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ tất cả các quốc gia trên thế giới. Thời gian áp dụng 04 năm từ ngày 07 tháng 02 năm 2018 đến 06 tháng 02 năm 2022. Ngày 04 tháng 02 năm 2022, Hoa Kỳ quyết định tiếp tục gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ nêu trên thêm 04 năm, từ 07 tháng 02 năm 2022 đến 06 tháng 02 năm 2026, tuy nhiên nới lỏng hạn ngạch và điều chỉnh mức thuế ngoài hạn ngạch giảm dần theo lộ trình. Theo số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế (USITC), kim ngạch xuất khẩu pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam đạt khoảng 1,4 tỷ đô la Mỹ trong năm 2021.
Chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời
Ngày 18 tháng 8 năm 2021, DOC đã nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan và Việt Nam của một nhóm các doanh nghiệp Hoa Kỳ ẩn danh. Mặt hàng này đã bị DOC áp thuế chống bán phá giá với Trung Quốc từ năm 2012 ở mức 15,85 đến 238,95%, và thuế chống trợ cấp từ 11,97 đến 15,24%.
Ngày 11 tháng 11 năm 2021, DOC đã chính thức từ chối Hồ sơ nói trên do việc không công khai danh tính là không phù hợp với quy định hiện hành của Hoa Kỳ và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên liên quan khác.
Ngày 09 tháng 02 năm 2022, DOC thông báo tiếp tục nhận được Hồ sơ đề nghị điều tra lần thứ 2. Do Hồ sơ lần này đã hợp lệ, DOC đã khởi xướng điều tra vụ việc từ ngày 25 tháng 3 năm 2022.
Trong tháng 9 năm 2022, DOC đã gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam đến cuối tháng 11/2022.
Chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với gỗ dán cứng
Ngày 11 tháng 6 năm 2020, DOC khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu gỗ cứng. Trong vụ việc này, DOC điều tra hai nội dung, bao gồm: (i) phạm vi sản phẩm đối với một công ty của Việt Nam; (ii) việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với toàn ngành gỗ của Việt Nam. Mặt hàng này đã bị DOC áp thuế chống bán phá giá với Trung Quốc từ năm 2018 ở mức 183,36%, và thuế chống trợ cấp từ 22,98% đến 194,90%.
Theo số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, sau khi bị áp thuế vào tháng 01 năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán làm từ gỗ cứng của Trung Quốc liên tục suy giảm, từ 1,1 tỷ USD (2017), xuống chỉ còn 800 triệu USD (2018) và 300 triệu USD (2019). Trong khi đó, xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam sang Hoa Kỳ cùng kỳ liên tục gia tăng, từ 64 triệu USD (2017), lên 187 triệu USD (2018) và 309 triệu USD (2019).
Ngày 21 tháng 01 năm 2022, DOC kết luận các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ công ty Việt Nam thuộc phạm vi lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Ngày 13 tháng 9 năm 2022, DOC đã thông báo gia hạn lần thứ tư thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam vào ngày 31 tháng 1 năm 2023.
Chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép tấm không gỉ
Ngày 15 tháng 5 năm 2020, DOC đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép tấm không gỉ dạng đai và dải của Việt Nam. Trong đó, DOC điều tra hai nội dung: (i) phạm vi sản phẩm để xác định liệu sản phẩm thép tấm không gỉ được sản xuất tại Trung Quốc sau đó được gia công thêm ở Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thuộc đối tượng đang bị áp thuế hay không; và (ii) điều tra về hành vi chống lẩn tránh của các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt hàng này đã bị DOC áp thuế với Trung Quốc từ năm 2017 với mức thuế chống bán phá giá từ 63,86% đến 76,64% và thuế chống trợ cấp từ 75,60% đến 190,71%.
Theo số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng từ 44,2 triệu USD (2016) lên 65,2 triệu USD (2017), giảm còn 53,4 triệu USD (2018) và lên 53,8 triệu USD (2019). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm từ 75 triệu USD (2016) xuống còn 20,2 triệu USD (2017), 14 triệu USD (2018) và còn 11,5 triệu USD (2019).
DOC đã thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng đối với cả hai nội dung điều tra đến ngày 4 tháng 1 năm 2023.
Chống bán phá giá đối với máy cắt cỏ
Ngày 17 tháng 6 năm 2020, DOC khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm máy cắt cỏ có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc. Theo số liệu do DOC cung cấp, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam sang Hoa Kỳ trong giai đoạn điều tra khoảng 135 ngìn USD.
Do doanh nghiệp thuộc đối tượng điều tra không cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu, ngày 17 tháng 7 năm 2021, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng và chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam từ 148,35% tới 176,37%.
Trong năm 2021, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng cho đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) và tiến hành rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 17 (POR17).
Ngày 28 tháng 6 năm 2021, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng với POR16 đối với cá tra-basa của Việt Nam (giai đoạn từ ngày 01 tháng 8 năm 2018 đến ngày 31 tháng 7 năm 2019). Mức thuế dành cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg. Đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu khác của Việt Nam, mức thuế chống bán phá giá không thay đổi, được duy trì ở mức 2,39 USD/kg.
Ngày 10 tháng 3 năm 2022, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ với POR17 (giai đoạn từ ngày 01 tháng 8 năm 2019 đến ngày 31 tháng 7 năm 2020). Theo đó, mức thuế dành cho các bị đơn bắt buộc từ 0-3,87 USD/kg. Các nhà sản xuất, xuất khẩu khác tiếp tục bị áp dụng mức thuế 2,39 USD/kg.
Sản phẩm này đã bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2003, cho đến nay đã có khoảng 10 công ty được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào thị trường này. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra-basa năm 2021 đạt 1,61 tỷ USD, trong đó thị trường Hoa Kỳ đứng đầu với khoảng 370,6 triệu USD.
Rà soát thuế chống bán phá đối với tôm nước ấm đông lạnh
Ngày 08 tháng 4 năm 2020, DOC thông báo khởi xướng rà soát hành chính lần thứ 15 (POR15) đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2019 tới 31 tháng 01 năm 2020). Tuy nhiên, các Bên yêu cầu đã rút đề nghị rà soát vào tháng 4 và tháng 5 năm 2020. Do đó, DOC quyết định hủy bỏ cuộc rà soát hành chính trong giai đoạn nêu trên và cũng không tiến hành rà soát cho giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2020 đến ngày 31 tháng 01 năm 2021. Như vậy, không có thay đổi về mức thuế trong giai đoạn này.
Ngày 25 tháng 2 năm 2022, DOC thông báo khởi xướng rà soát hành chính lần thứ 16 (POR16) với vụ việc (giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2021 tới 31 tháng 01 năm 2022). Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan của Việt Nam cần xem xét tham gia hợp tác, cung cấp thông tin, dữ liệu chính xác, đầy đủ để DOC có căn cứ đánh giá vụ việc.
Sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh đã bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2005. Theo số liệu thống kê của VASEP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD, trong đó thị trường Hoa Kỳ đứng đầu với khoảng 1,05 tỷ USD.
Thị trường Canada
Tính tới hết năm 2021, Canada đã khởi xướng điều tra 18 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 11 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 05 vụ việc chống trợ cấp và 02 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Trong năm 2021, Canada không khởi xướng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại mới đối với Việt Nam.
Chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với ghế bọc đệm
Ngày 21 tháng 12 năm 2020, Canada đã khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với ghế bọc đệm từ Trung Quốc và Việt Nam. Tháng 8 năm 2021, Canada đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc này. Theo đó, đối với Việt Nam, trong số 8 doanh nghiệp tham gia hợp tác điều tra, chỉ có một doanh nghiệp bị áp thuế chống trợ cấp 3,7%, các doanh nghiệp còn lại không bị áp thuế. Mức thuế chống trợ cấp dành cho các doanh nghiệp không hợp tác là 5,5%.
Hiện nay, có một nhà xuất khẩu Việt Nam đã đệ đơn xin yêu cầu rà soát nhanh tới Canada nhằm giảm mức thuế phòng vệ thương mại. Cơ quan điều tra Canada đã ban hành bảng câu hỏi và sẽ tiến hành điều tra rà soát theo đề nghị của nhà xuất khẩu nói trên.
Chống bán phá giá đối với thép cốt bê tông
Ngày 22 tháng 9 năm 2020, Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cốt bê tông có xuất xứ từ Việt Nam, đồng thời điều tra về tình hình thị trường đặc biệt do nghi ngờ ngành bị điều tra có sự can thiệp của Chính phủ dẫn tới giá, chi phí đầu vào không phản ánh trung thực giá thị trường.
Ngày 10 tháng 6 năm 2021, Canada thông báo về việc ban hành quyết định cuối cùng cho vụ việc, theo đó, kết luận (i) không tồn tại tình hình thị trường đặc biệt trong ngành thép cốt bê tông tại Việt Nam – nghĩa là Chính phủ Việt Nam không can thiệp vào thị trường nguyên liệu của ngành thép cốt bê tông để tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu; (ii) quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với thép cốt bê tông nhập khẩu từ Việt Nam. Cơ quan chức năng Canada kết luận rằng sản phẩm thép cốt bê tông có xuất xứ từ Việt Nam, Algeria, Hy Lạp, Indonesia, Italy, Singapore đã bán phá giá và bị áp thuế chống bán phá giá từ 3,3% đến 23,1%. Doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam xuất khẩu sản phẩm này sang Canada bị áp dụng mức thuế 10,5%.
Thị trường Mexico
Ngày 31 tháng 8 năm 2021, Mexico đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là vụ việc đầu tiên Mê-xi-cô khởi xướng điều tra PVTM đối với một mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế ITC, trong giai đoạn điều tra (năm 2020), Việt Nam xuất khẩu khoảng 170 triệu USD sản phẩm bị điều tra sang Mexico. Năm 2021, trị giá xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 2 lần lên khoảng 370 triệu USD.
Mexico là thị trường xuất khẩu thép mạ mới nhưng rất tiềm năng của Việt Nam và là thị trường chủ lực mặt hàng này ở châu Mỹ, do thép mạ đã bị hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực (Hoa Kỳ, Canada, Đông Nam Á, EU) áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngày 14 tháng 9 năm 2022, Mexico đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam và áp thuế sơ bộ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép mạ Việt Nam từ 0% - 12,34%. Đây được xem là mức thuế tương đối thấp so với các vụ việc mà Mexico điều tra phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu từ các nước vào Mexico trong thời gian gần đây.