- Lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa gồm:
+ Bao bì mềm (đơn lớp, đa lớp), để đóng gói sản phẩm của các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm và các ngành công nghiệp khác. Loại bao bì này tiện lợi cho việc đóng gói trên dây chuyền tự động, chủng loại, kích thước đa dạng.
+ Bao bì xốp (Shopping), phục vụ bao gói cho các siêu thị và các sản phẩm khác.
+ Bao bì dệt Polypropylen (PP), dùng để đóng gói bao lớn như nông sản (lạc, gạo, ngô, khoai, sắn…) và các sản phẩm công nghiệp khác (đường, muối, xi măng...).
+ Bao bì rỗng, là các loại chai lọ dùng để đóng gói chất lỏng, mỹ phẩm, hoá chất.
- Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, như: ống cấp thoát nước, ống cáp điện, cửa sổ, cửa đi, vách ngăn, ốp tường, ốp trần.v.v...
- Lĩnh vực sản xuất sản phẩm tiêu dùng, như: Đồ dùng gia đình (bàn, ghế, tủ, cốc, chén, xô, chậu, rổ rá, chén, bát đồ chơi bằng nhựa, giày, dép các loại .v.v...).
- Lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật cao, như: Phụ tùng cho ô tô, xe máy, điện dân dụng, điện tử, viễn thông, ti vi, máy tính, vải giả da, vải nhựa kỹ thuật, màng mỏng, nhựa PU và các sản phẩm phục vụ các ngành y tế, da giày, giao thông, trang trí nội thất .v.v...
Ngoài bốn lĩnh vực sản xuất trên, còn một số DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên liệu và khuôn mẫu.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, một số DN Nhựa đã đầu tư máy móc thiết bị công nghệ cao, thiết bị số hoá, nhưng so với các nước trong khu vực và thế giới mới chỉ đạt ở mức trung bình, và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của các DN chưa cao. Tính chung 10 năm, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 4,44 %, trên vốn đạt 7,2%, so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (các chỉ số tương ứng là 14,6% và 11,6 %) thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu so với mức bình quân của cả nước (5,3% và 4,5%) thì tỷ suất trên doanh thu của ngành Nhựa thấp hơn, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn. Điều này cho thấy, các DN nhựa vẫn có lợi thế thu hút vốn đầu tư.
Việc sử dụng vốn đầu tư của các DN nhựa trong những năm vừa qua còn một số hạn chế sau:
- Thứ nhất, nhìn chung, các dự án đầu tư mới chủ yếu là đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu, quy mô đầu tư nhỏ, vốn không lớn, dẫn đến hiệu quả chưa cao, chi phí quản lý chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí đầu tư.
- Thứ hai, việc đầu tư nhìn ở góc độ toàn Ngành thường trùng lặp, dẫn đến cạnh tranh sản phẩm trên thị trường rất gay gắt, làm suy giảm hiệu quả đầu tư.
- Thứ ba, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chưa được nâng cao do thời gian thực hiện đầu tư kéo dài, cơ cấu sử dụng vốn đầu tư chưa hợp lý, đầu tư manh mún thiếu đồng bộ, dẫn đến thời gian khai thác thiết bị thấp.
- Thứ tư, việc nghiên cứu dự án còn chưa được quan tâm. Nhiều DN chưa đánh giá hết tầm quan trọng của việc nghiên cứu dự án khả thi và việc thực hiện theo dự án đã được phê duyệt.
- Thứ năm, các DN nhựa chưa khai thác cũng như chưa tìm mọi cách để thu hút, huy động các nguồn vốn đầu tư, nên nhiều dự án đã được nghiên cứu nhưng không thực hiện được, gây ra lãng phí vốn, thời gian, lao động cho việc nghiên cứu, lập dự án.
- Thứ sáu, chưa nghiên cứu để thực hiện các dự án sản xuất các sản phẩm mới mang tính đột phá, các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao (phục vụ các ngành y tế, văn hoá, giáo dục), sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Thứ bảy, các DN chưa nhận thức đầy đủ cơ hội cũng như thách thức khi gia nhập WTO, do đó chưa nghiên cứu nhu cầu phát triển của Ngành trong tương lai để đầu tư, đi trước đón đầu vào các sản phẩm mang tính hội nhập cao, đảm bảo khả năng cạnh tranh, trước tiên là thị trường khu vực, sau đó là ở các nước khác trên thế giới.
Trong những năm qua, Nhà nước đã bảo hộ sản xuất trong nước đối với các DN nhựa ở mức cao, cụ thể là thuế suất nhập khẩu đối với nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được, ở mức 0 %; thuế đối với nguyên liệu đã sản xuất được ở mức từ 5% đến 10%; thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhựa ở mức 20% đến 50%. Để các DN chủ động khi gia nhập WTO, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định áp dụng biểu thuế nhập khẩu hàng hoá mới. Theo quyết định này, mức thuế sẽ được điều chỉnh tiến gần với mức cam kết cắt giảm, tạo môi trường thuận lợi cho các DN không bị tác động mạnh bởi thuế nhập khẩu, để các DN tự điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Đến đầu năm 2007, biểu thuế nhập khẩu cam kết sẽ có hiệu lực, các dòng thuế sẽ tiếp tục được cắt giảm, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh tiếp để các DN có chiến lược kinh doanh thích hợp khi gia nhập WTO.
Để tiếp tục phát triển ngành Nhựa với tốc độ cao, phù hợp với xu thế hội nhập, xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Tập trung nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực theo chiến lược phát triển ngành Nhựa giai đoạn 2006-2010.
Với mục tiêu để ngành Nhựa trở thành một ngành mũi nhọn, cần phải tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như:
- Sản xuất nguyên liệu: Chú trọng sản xuất các loại nguyên liệu mà trong nước có nhu cầu lớn và chúng ta có lợi thế như:
+ Đầu tư mở rộng 2 nhà máy sản xuất nguyên liệu PVC hiện có, bởi vì đầu tư mở rộng thì suất đầu tư sẽ thấp hơn. Khi hình thành được cụm công nghiệp lọc, hoá dầu thì mới tiếp tục đầu tư nhà máy mới.
+ Tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên liệu PP, PE do nhu cầu về các loại nguyên liệu này rất lớn, trong nước chưa có nhà máy nào sản xuất. Vốn đầu tư cho sản xuất 2 loại nguyên liệu này ở mức có thể thực hiện được với khả năng hiện nay của các DN nhựa.
+ Tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên liệu khác, theo hướng đầu tư trực tiếp vào sản xuất nguyên liệu mới, với công nghệ cao mà các nước trong khu vực chưa sản xuất để tạo lợi thế đầu tư đi tắt đón đầu, đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu, như nhựa sinh học có nguồn từ thực vật - axit polylactic (PLA) từ ngô, lúa mỳ, củ cải và những loại cây mà ở nước ta có rất nhiều và rẻ. Loại nguyên liệu này phục vụ sản xuất bao bì thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ ăn uống và nhiều sản phẩm khác, có khả năng tự huỷ, góp phần bảo vệ môi trường. Đây là xu hướng phát triển trong kỷ nguyên của chúng ta, do đó nhu cầu về loại nguyên liệu này rất lớn.
- Đối với sản xuất khuôn mẫu, thiết bị cho ngành Nhựa, cần tập trung đầu tư vào các dự án sản xuất khuôn mẫu, trục in, thiết bị, phụ tùng có nhu cầu cao, chất lượng tốt, phục vụ cho việc sản xuất hàng nhựa cao cấp và các sản phẩm nhựa xuất khẩu.
- Đối với việc đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu, cần đầu tư để chuyển dịch mạnh cơ cấu sản phẩm, đó là tập trung vào các loại sản phẩm nhựa kỹ thuật và vật liệu xây dựng, đây là những sản phẩm mà nhu cầu thị trường đòi hỏi rất lớn.
Để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đòi hỏi phải đầu tư thẳng vào công nghệ gia công tiên tiến, chẳng hạn như công nghệ đùn thổi 3 chiều, đùn 6 lớp, đưa kỹ thuật làm lạnh bằng khí nitơ, CO2… để giảm chu kỳ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hoặc đầu tư thiết bị với công nghệ ép khuôn có khí bên trong (GAM), có khí bên ngoài (EGM) để giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, giảm trọng lượng sản phẩm, giảm chu kỳ sản xuất, sản phẩm nhựa có độ tinh xảo như khuôn mẫu, bề mặt sản phẩm bóng, ít co ngót, biến dạng trong gia công, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của các ngành công nghiệp khác (ô tô, điện tử, hàng tiêu dùng).
Triển khai thực nghiệm gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất. Đây là yêu cầu thực tế để đáp ứng mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài cho sự phát triển của các DN Nhựa Việt Nam.
Ngoài ra, để phát triển bền vững, cần phải tập trung đầu tư sớm các DN thu gom, phân loại phế thải nhựa, xử lý để tái sử dụng, hình thành hệ thống DN sản xuất, chế biến nhựa tái sinh và sử dụng nhựa tái sinh, góp phần vào việc sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm giá đầu vào đối với nguyên vật liệu.
2. Hoàn thiện và tuân thủ thực hiện quy trình đầu tư xây dựng ở các doanh nghiệp Nhựa Việt nam
Các dự án đầu tư của các DN nhựa trong thời gian vừa qua, chủ yếu là đầu tư chiều sâu, qui mô vốn đầu tư nhỏ, thời gian thực hiện dự án ngắn, công tác nghiên cứu và lập dự án đầu tư sơ sài và thiếu khoa học, dẫn đến việc thực hiện các dự án thường phải điều chỉnh, sửa đổi hoặc không thực hiện được, gây lãng phí trong việc sử dụng vốn đầu tư; một số công trình hoàn thành chưa được khai thác hết công suất, sản phẩm được tạo ra có sức cạnh tranh chưa cao, do đầu tư không đúng, dẫn đến nguy cơ phá sản. Trong khi đó, các dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng (chủ yếu là vốn đầu tư nước ngoài), vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện dự án dài, chi phí cho nghiên cứu khả thi cao, đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư yêu cầu phải có năng lực, trình độ tốt, do tính phức tạp của dự án, nhưng do các thủ tục hành chính trong đầu tư thường rất rườm rà, dẫn đến việc thực hiện các dự án thường phải kéo dài, gây ứ đọng, lãng phí trong việc sử dụng vốn đầu tư, làm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, công trình hoàn thành chậm so với dự kiến, gây thiệt hại về kinh tế cũng như khả năng thâm nhập thị trường hạn chế, nhiều trường hợp chủ đầu tư phải chuyển nhượng vốn đầu tư cho cổ đông khác. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng lập dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư là cơ sở để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển Ngành.
3. Đa dạng hoá các hình thức huy động vốn đầu tư và lựa chọn hình thức huy động vốn đầu tư thích hợp.
3.1. Huy động vốn đầu tư bên trong doanh nghiệp
Về cơ bản và lâu dài, nguồn vốn bên trong DN là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của DN, mà cũng thể hiện sự phát huy nội lực của DN. Nguồn vốn bên trong mà DN có thể huy động gồm:
- Tiền khấu hao cơ bản tài sản cố định. Lợi nhuận để lại tái đầu tư.
- Thu hồi nhanh vốn các tài sản, vật tư ứ đọng, không cần dùng.
3.2. Huy động vốn bên ngoài doanh nghiệp
- Vay vốn trung hạn, dài hạn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong nước và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam.
Mua thiết bị trả chậm của các hãng cung cấp máy móc thiết bị nước ngoài (tín dụng thương mại)
- Thực hiện liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài
- Huy động vay vốn của cán bộ công nhân viên doanh nghiệp
- Vay vốn từ ngân hàng phát triển.
- Thuê tài sản
- Huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.
4. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Ngành công nghiệp Nhựa được coi là ngành công nghiệp vật liệu mới và ngành chế tạo kỹ thuật cao. Nhân lực của Ngành bao gồm những nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực chất dẻo, vật liệu mới, công nghệ gia công bậc cao...; những nhà quản lý, khai thác, sử dụng công nghệ và đội ngũ kỹ thuật viên làm việc trong các phòng thí nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Theo một tài liệu nghiên cứu, năm 2002, có trên 110.000 lao động làm việc trong ngành Nhựa – Cao su, chiếm 4,6% lực lượng lao dộng toàn ngành Công nghiệp, trong đó ngành Nhựa chiếm trên 50%, vào khoảng trên 70.000 người, lao động gián tiếp, chiếm 17% (số có trình độ đại học và trên đại học là 6,65%, trung cấp là 2,1%, công nhân kỹ thuật là 7,97%); lao động trực tiếp chiếm 83% (trình độ đại học và trên đại học là 1%, công nhân kỹ thuật là 7,97%, nhân viên trung cấp là 4,6%, lao động khác chiếm 69,23%, số lao động này chưa qua đào tạo tại các trường lớp). Như vậy, số công nhân không được đào tạo tham gia lao động trực tiếp lớn gấp 6,8 lần số công nhân kỹ thuật. Trong toàn Ngành, số lao động không qua đào tạo chiếm 76,6%. Điều này đã minh chứng về lực lượng lao động có kỹ thuật và công nhân lành nghề còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập của Ngành.
Đào tạo nhân lực được xét từ ba phương diện là cơ sở đào tạo, nghiên cứu, DN sử dụng lao động và người lao động. Chính vì vậy, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các DN nhựa Việt Nam cần liên kết với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu để đào tạo lại lực lượng lao động hiện đang sử dụng, hoặc đầu tư vốn vào các cơ sở nghiên cứu để nhận được nhân lực theo yêu cầu “đặt hàng” hoặc tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên học giỏi để nhận số lao động này khi tốt nghiệp. Đồng thời, DN phải có chính sách tuyển chọn, bố trí, sử dụng, đãi ngộ hợp lý đối với lao động có trình độ cao.