Một số kết quả nghiên cứu KHCN nổi bật của ngành Công nghiệp giai đoạn 2001-2005

Thời gian qua, hoạt động khoa học, công nghệ ngành Công nghiệp đã tích cực phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình phối hợp hoạt động, nhằm từng bước hình thành thị trường KHCN,

 

Trong giai đoạn 2001-2005, hoạt động nghiên cứu KHCN ngành công nghiệp đã có một số kết quả nổi bật như:

- Nghiên cứu áp dụng thành công công nghệ phối hợp gia công áp lực và hàn để tạo phôi trục bánh răng lớn, nâng cao tuổi thọ lên 3-5 lần so với công nghệ đúc thông thường, áp dụng cho nhiều loại bánh răng liền trục của các máy nghiền công suất lớn; cho các loại bánh răng hộp giảm tốc lớn từ 400 kW trở lên, mang lại hiệu quả lớn cho các nhà máy xi măng như Bình Điền, Bỉm Sơn...   

- Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máng khí động năng suất 350 T/h, điều khiển tự động DCS đáp ứng nhu cầu vận chuyển bột xi măng rời đến các công trình xây dựng, giá thành bằng 50% nhập ngoại.

- Nghiên cứu công nghệ sản xuất thuốc tập hợp hữu cơ để tuyển nổi quặng apatit loại 3, thay thế thuốc tuyển nhập ngoại, tiết kiệm ngoại tệ. (Hiện nay đã chiếm hơn 50% thị phần thuốc tuyển của Công ty Apatit Việt Nam).

- Nghiên cứu chế tạo thành công chất chống khối cho ure VHCKK-2000, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giá thành bằng 60% nhập ngoại, tiết kiệm ngoại tệ.

- Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và chuyển giao công nghệ hệ thống nồi nấu bột giấy kiểu đứng 140m3 (15.000 tấn/năm) điều khiển tự động dạng DCS cho Công ty Giấy Đồng Nai, giảm nhập ngoại, tiết kiệm ngoại tệ.

- Lần đầu tiên chế tạo thành công tại Việt Nam máy cắt thép tấm cỡ lớn 9m x 20m điều khiển tự động CNC, dải tốc độ cắt 1-2.000mm/phút, độ chính xác dịch chuyển sai số 0,2mm, phục vụ cho các nhà máy đóng tầu cỡ lớn và các nhà máy sản xuất kết cấu thép.

- Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy tuyển từ ướt dạng tang quay dùng nam châm điện điều chỉnh vô cấp để phân loại quặng, tạp chất, giảm tổn thất nguyên liệu, thay thế thiết bị nhập ngoại.

- Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị lọc bụi chất lượng cao điều khiển theo chương trình để bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp, giảm bụi phát sinh trong một số doanh nghiệp như Unilever, Công ty Giấy Đồng Nai.

- Trong lĩnh vực năng lượng, đã nghiên cứu xây dựng phòng thí nghiệm và Trung tâm kỹ thuật An toàn nổ trong khai thác than hầm lò đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

- Nghiên cứu về chế độ thuỷ lực, đập chứa, điều tiết lũ phục vụ các công trình thuỷ điện mới (Sơn La, Sê San 3).

- Nghiên cứu đề xuất, đánh giá mô hình dự báo phụ tải dài hạn thích hợp với hệ thống điện Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, phục vụ tốt cho công tác qui hoạch hệ thống điện.

- Công nghệ hồ sợi dọc bông chỉ số cao >Ne40, Ne45; sau khi hồ, độ bền sợi tăng 30%, độ dãn sợi giảm không quá 5%, chất lượng vải mộc (loại A) đạt trên 90%, đáp ứng yêu cầu may hàng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu vải cho ngành may.

-  Qui trình tẩy trắng bột giấy sử dụng oxy kiềm nâng cao tính chất cơ lý của sản phẩm và độ trắng, giấy đạt mức A theo TCVN 6886:2001, loại bỏ Clo, giảm ô nhiễm môi trường, kết quả nghiên cứu đã được áp dụng trong toàn ngành Giấy.

- Công trình nghiên cứu "Các giải pháp kỹ thuật công nghệ sử dụng có hiệu quả nguồn pyrit trong nước, đốt trong lò tầng sôi KC-150 để sản xuất axit sunphuric" của Công ty Supe Phốtphát và Hóa chất Lâm Thao đạt kết quả tốt, vượt công suất thiết kế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã được trao giải nhất giải thưởng VIFOTEC năm 2003.

- Công trình "Nghiên cứu công nghệ hoàn nguyên Ilmennite Việt Nam tạo vật liệu bọc que hàn chất lượng cao" của Viện Nghiên cứu Mỏ và luyện kim đạt kết quả tốt, được trao giải ba giải thưởng VIFOTEC năm 2003.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện phân để nâng cao chất lượng thiếc từ 99,75% lên 99,95% tại Công ty Kim loại màu Thái Nguyên và Trung tâm thực nghiệm sản xuất – Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim.

- Công trình nghiên cứu "Nghiên cứu khai thác hương liệu từ nguồn thảo mộc sẵn có ở Việt Nam để thay thế hương liệu tổng hợp phục vụ trong nước và xuất khẩu" của Viện Kinh tế - Kỹ thuật Thuốc lá được trao giải khuyến khích giải thưởng VIFOTEC năm 2003.

- Công ty Phân lân Văn Điển đã giành Giải thưởng Quốc tế WIPO tặng cho Doanh nghiệp ứng dụng xuất sắc hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất và đời sống; PGS. TS. Đỗ Huy Định - Công ty Phụ gia và Phát triển dầu mỏ đã giành giải thưởng Quốc tế WIPO Nhà sáng tạo xuất sắc nhất.

- Trong lĩnh vực công nghiệp Chế biến thực phẩm, đã nghiên cứu ứng dụng enzyme sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm; nâng cao chất lượng thịt, trứng, sữa... nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất một số đồ uống chất lượng cao, đồ uống chức năng từ ngũ cốc; nghiên cứu sử dụng Protein thực vật để sản xuất thực phẩm giả thịt ở dạng tươi... tăng sản phẩm cho xã hội, giải quyết việc làm cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa.   

- Trong lĩnh vực công nghệ gen, đã nghiên cứu định hướng về chọn giống các loại cây nguyên liệu giấy, thuốc lá, bông, cây có dầu ngắn ngày và dài ngày. áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, nuôi cấy mô, biến nạp gen, phục tráng mở rộng diện tích rừng trồng cây nguyên liệu giấy Trung tâm Bắc bộ, Thanh Hoá, KonTum; phát triển thuốc lá vàng tại Cao Bằng, Tuyên Quang, các tỉnh miền Trung, cao nguyên; chọn tạo các giống bông lai triển vọng, giống lai theo cơ chế bất dục đực trồng ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng Duyên hải, vùng núi phía Bắc; chọn tạo giống dừa năng suất cao, ổn định ở Nam bộ, các biện pháp chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác nâng cao năng suất các loại cây trồng: cây thuốc lá, cây bông, cây nguyên liệu giấy, cây có dầu... tạo ra nhiều nguồn nguyên liệu có chất lượng cao, giảm chi phí nhập ngoại, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành; góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

- Công nghệ tin học đã được triển khai áp dụng rộng rãi trong các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt đối với các tổ chức KHCN, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, cập nhật và mở rộng thông tin trong hoạt động nghiên cứu triển khai của các đơn vị trong ngành. Hàng năm, các tổ chức KHCN đều được cấp kinh phí hỗ trợ cho việc tăng cường cơ sở vật chất, nguồn lực thông tin như mua tài liệu, tạp chí chuyên ngành, nối mạng và khai thác mạng... Nhiều kết quả nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý đã được đưa vào sử dụng, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý như chương trình quản lý cán bộ, hệ thống lưu giữ, cập nhật, khai thác thông tin, quản lý các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành công nghiệp, hệ thống mạng thông tin để cung cấp, liên kết các nguồn dữ liệu từ các tổ chức KHCN thuộc Bộ nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu khoa học thông qua mạng internet, mạng LAN...

Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu KHCN của Bộ Công nghiệp trong 5 năm qua đã gắn với sản xuất, góp phần giải quyết đòi hỏi thực tế, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập ngoại, đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại, chế tạo các thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành. Trong hoạt động KHCN, đã chú trọng phát huy hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu KHCN với các lực lượng KHCN của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo mạng lưới KHCN sâu rộng; phát huy sự phối hợp giữa các tổ chức KHCN trong và ngoài ngành ở trong nước, một số cơ quan KHCN nước ngoài, các tổ chức Quốc tế để nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin hoặc nhận chuyển giao công nghệ. Các tổ chức KHCN đã đẩy mạnh sản xuất thử - thử nghiệm các sản phẩm mới do kết quả nghiên cứu tạo ra, chuyển giao công nghệ, tư vấn dịch vụ KHKT trong việc chế tạo, thiết bị lẻ, dây chuyền công nghệ, tạo nguồn kinh phí bổ sung, tăng cường năng lực nghiên cứu KHCN của đơn vị, cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên.
  • Tags: