Trong 5 năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc có mối quan tâm lớn đối với cải cách hành chính (CCHC), nhằm thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu của CCHC là “xây dựng chính quyền hướng về dịch vụ” và tạo dựng một hệ thống quyền lực tương xứng với trách nhiệm, hoạch định chính sách có tính khoa học và bảo đảm thực thi, giám sát có hiệu...
Để tiến hành CCHC thành công, Chính phủ Trung Quốc đã tập trung vào lĩnh vực quản lý hành chính và xây dựng chính quyền. Theo số liệu thống kê, trong 31 tỉnh, vùng tự trị và thành phố thuộc TƯ, 28 Uỷ ban và Bộ đã có 25.797 vấn đề phê chuẩn mang tính hành chính được hoàn thành (8.666 bị huỷ bỏ và 1.841 được điều chỉnh...).
Từ công cuộc CCHC của Trung Quốc, chúng ta có thể tham khảo một số kinh nghiệm sau:
1. Các biện pháp cải cách.
Năm 2004, Chính phủ Trung Quốc có “Chương trình thực hiện toàn diện quản lý hành chính của Chính phủ theo Luật”. Trong Chương trình đã làm rõ các tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu cụ thể, nguyên tắc cơ bản, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện việc quản lý toàn diện hệ thống hành chính trong 10 năm. Chính phủ TQ tập trung cải cách thế chế chính quyền. Mục tiêu của cải cách thể chế là chuyển đổi hơn nữa chức năng của Chính phủ, hoàn thiện cơ cấu thể chế Chính phủ...
Các cải cách về thể chế hướng tới việc xây dựng một thể chế có trách nhiệm hơn như: Tiếp tục cải cách đối với hệ thống phê chuẩn và kiểm tra hành chính. Số lượng các vấn đề về phê chuẩn và kiểm tra hành chính bị huỷ bỏ hay điều chỉnh bởi chính quyền trung ương là 1.800; Cải cách ở các thị trấn và tiến hành các cuộc thử nghiệm về hội nhập ở đô thị và nông thôn (giảm và sáp nhập các thị trấn); Nâng cao chức năng quản lý xã hội và dịch vụ công của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp, trước tiên tập trung vào chuyển đổi chức năng của Chính phủ; Hoàn thiện một hệ thống kiểm soát vĩ mô để đạt được quyền lực kiểm soát vĩ mô tương đối tập trung; Hoàn thiện hệ thống quy định về tài chính để kiểm soát rủi ro; Củng cố hệ thống quản lý kinh doanh và thương mại qua việc cải cách hệ thống phân phối, lưu thông và thực hiện sự liên kết thương mại quốc tế, trong nước và hoàn thiện thể chế liên quan đến an toàn thực phẩm và an toàn sản xuất.
Cải cách sự thi hành luật về mặt hành chính đã đi trước để quy định sự thi hành luật về mặt hành chính. Đã có 82 thành phố được thí điểm có quyền lực xử phạt hành chính tập trung được Chính phủ trao quyền, 190 chính quyền thành phố và 804 chính quyền huyện đã triển khai quyền lực xử phạt hành chính tập trung một cách tương đối... Lĩnh vực có quyền xử phạt hành chính tập trung và thực thi luật hành chính được mở rộng từ quản lý đô thị đến văn hoá, du lịch, an toàn trong khai thác mỏ, nông nghiệp, nguồn nước, giao thông... Biện pháp cải cách này đã gắn kết quyền lực thực thi, tinh giản số người làm việc trong cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu năng thực thi luật và giảm chồng chéo công việc, đổ trách nhiệm và gây phiền nhiễu cho nhân dân trong khi thực thi luật.
Những năm gần đây, theo yêu cầu của Đại hội Đại biểu Nhân dân và “Luật xem xét lại về mặt hành chính”, chính quyền và các cơ quan quản lý ở tất cả các cấp đã liên tục cải thiện hệ thống phối hợp và thủ tục chi tiết để xem xét lại về mặt hành chính, cho phép xem xét lại về mặt hành chính đóng vai trò thiết yếu trong giải quyết tranh chấp hành chính, xây dựng mối liên kết chặt chẽ hơn giữa chính quyền và nhân dân, giảm bớt mâu thuẫn xã hội, duy trì ổn định xã hội và sự hoà hợp.
2. Kinh nghiệm 6 lần cải cách cơ cấu chính phủ Trung Quốc.
Vào quý I năm 2008, với 2.744 phiếu thuận, 117 phiếu chống và 99 phiếu trắng, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã thông qua Phương án Cải cách cơ cấu chính phủ lần thứ 6 (1982, 1988, 1993, 1998 và 2003). Theo đó, tân nội các chỉ còn 27 bộ và cơ quan ngang bộ, giảm một bộ so với khoá trước. Trong đó đáng chú ý có 5 "siêu bộ" và Ủy ban Năng lượng quốc gia.
Theo giới chuyên môn, tuy đã tiến hành 3 lần cải cách đầu tiên, song bộ máy chính phủ tuy được “bóp” lại ở đầu này, nhưng lại bị “phình” ra ở đầu kia. Nhưng sau lần cải cách thành công năm 1998, giảm từ 40 bộ xuống còn 29 bộ, sau đó vào năm 2003 rút còn 28 bộ và năm 2008, chỉ còn 27 bộ và cơ quan tương đương.
Người ta đánh giá cải cách bộ máy chính phủ năm 2003 là lần cải tổ sâu rộng nhất kể từ năm 1982. Nó không những thích ứng với những đổi thay của nền kinh tế thị trường, mà còn là lần cải cách chú trọng tới cơ chế, chứ không phải cải cách tên gọi. Một trong những bộ được thành lập mới và được coi là quan trọng nhất trong lần cải tổ năm 2003 là Bộ Thương mại. Bộ Thương mại ra đời, đồng nghĩa với sự ra đi của Uỷ ban Kinh tế mậu dịch quốc gia và Bộ Hợp tác kinh tế mậu dịch đối ngoại.
Dư luận cho rằng, 5 lần cải cách trước đây đã đặt nền tảng vững chắc cho việc tinh gọn bộ máy chính phủ hiện nay, cũng như chuyển biến chức năng của những cơ quan hữu quan. Khi tiến hành cải cách lần đầu vào năm 1982, Chính phủ TQ có tới hơn 100 bộ và cơ quan ngang bộ và riêng Bộ Công nghiệp Luyện kim có tới 24 thứ trưởng (một con số khổng lồ!).
Giới chuyên môn rút ra từ cuộc cải cách năm 1982 mấy vấn đề đáng quan tâm nhất: phá bỏ chế độ làm lãnh đạo suốt đời; đưa một loạt cán bộ trẻ, có tri thức lên cương vị lãnh đạo theo tiêu chuẩn 4 hoá "cách mạng hoá, trẻ hoá, tri thức hoá, chuyên nghiệp hóa".
Lần cải cách thứ ba (1993) được coi là bước đột phá bởi khi đó, Trung Quốc bắt đầu đề cập tới việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường Xã hội chủ nghĩa. Cuộc cải cách thứ tư (1998) được coi là mạnh dạn nhất - giảm từ 40 bộ xuống còn 29 bộ và cơ quan tương đương.
Ngoài ra, cơ quan chính phủ còn tiến hành giảm tới 50% quân số - từ 34.000 người xuống còn 17.000 nhân viên.
Về cải cách lần thứ 6, người ta nhận thấy có mấy vấn đề được quan tâm nhất: Tăng cường và cải thiện điều tiết vĩ mô, thúc đẩy phát triển khoa học; Coi trọng bảo hiểm và cải thiện dân sinh, tăng cường quản lý xã hội; Phục vụ công và thống nhất quản lý, tiến hành hợp nhất những bộ phận hữu quan.
Như vậy, cải cách thể chế quản lý hành chính là một phần trong nội dung cải cách thể chế chính trị và điều này cũng phản ánh sự tiến bộ của văn minh chính trị Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề nổi bật trong quản lý của Chính phủ Trung Quốc hiện nay là cơ chế hạn chế quyền lực công hiệu quả vẫn chưa được xây dựng. Điều này giải thích lý do tại sao một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thậm chí ở vị trí lãnh đạo cấp cao, có hành vi tham nhũng trong những năm gần đây. Nó không chỉ huỷ hoại lòng tin của công chúng, mà còn gây ra những nguy hiểm cho đất nước và cũng như mối nghi ngờ về hiệu quả của cải cách.
3. Chúng ta thấy gì từ CCHC Trung Quốc.
Ngay từ đầu, Trung Quốc đã chủ trương “Cải cách là toàn diện, bao gồm cải cách thể chế kinh tế, cải cách thể chế chính trị và cải cách các lĩnh vực tương ứng khác". Sở dĩ Trung Quốc cải cách thành công vì trong khi cải cách tất cả các lĩnh vực, họ đã kiên trì coi cải cách kinh tế làm trọng điểm.
Đặc biệt nhất là tháng 6-2006, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn Phố Đông (Thượng Hải) trở thành khu đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm cải cách tổng hợp đồng bộ. Để thực hiện kế hoạch này, Trung ương quyết định thực hiện chính sách “ba không” (không cấp ngân sách, không cấp hạng mục, không ưu đãi thuế) nhưng bù lại, được cho “đặc quyền cực lớn”, đó là quyền ưu tiên thí điểm thực hiện sáng tạo chế độ. Trọng tâm thí điểm cải cách tổng hợp đồng bộ chính là việc chuyển biến chức năng chính quyền, xây dựng một chính quyền hành chính công hiệu suất cao, kiểu “nhiều cơ cấu, một chính quyền”. Từ tháng 7-2006, Phố Đông thực hiện triển khai chế độ chất vấn hành chính, đánh giá hiệu năng, giám sát điện tử, nhằm nâng cao hiệu suất năng lực hành chính. Đồng thời cũng loại bỏ, rút ngắn các khâu phê duyệt hạng mục xây dựng cơ bản trong khu từ 281 ngày xuống còn chưa đến 100 ngày.
Đại hội Đảng CS Trung Quốc lần thứ XIII đưa ra mô hình "nhà nước điều tiết thị trường, thị trường dẫn dắt xí nghiệp" đã làm nổi bật tác dụng của thị trường và có thể coi đó là giai đoạn quá độ từ thuyết kinh tế hàng hoá XHCN sang thuyết kinh tế thị trường XHCN.
Trong một bối cảnh thế giới bất thường và có nhiều biến động, Việt Nam và Trung Quốc đang phải nỗ lực vượt qua những khó khăn thách thức của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu và vẫn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, và tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu to lớn được thế giới ghi nhận.