1- Kinh nghiệm của một số Tập đoàn sản xuất thiết bị Viễn thông trên thế giới
1.1. Tập đoàn Siemens.
Siemens là một trong những tổ chức kinh tế đa quốc gia và đa văn hóa lớn nhất trên thế giới, được thành lập năm 1847 tại thủ đô Béclin (CHLB Đức), có các chi nhánh ở trên 190 quốc gia..
Trong quá trình phát triển, Siemens đã không ngừng đưa ra các chính sách, chiến lược phát triển mềm dẻo, sáng tạo; thực thi có hiệu quả các giải pháp đòn bẩy chủ lực; khai thác triệt để các tiềm năng, thế mạnh về các nguồn tài lực, đội ngũ nghiên cứu khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp.
Các hoạt động kinh doanh của Siemens đều dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chân thật và chính trực. Siemens chấp nhận các tiêu chuẩn hợp lý và các nguyên tắc khắt khe trong các chiến lược của mình và trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày.
Phương châm của Siemens là coi sự thành công của khách hàng là sự thành công của chính mình. Tất cả các bộ phận của Siemens đều có những nhân viên có trách nhiệm làm thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng. Hơn nữa, Siemens còn xây dựng một trung tâm tiếp nhận thông tin phản hồi từ phía khách hàng, giúp cho khách hàng dễ dàng trong việc gửi nhận thông tin bằng điện thoại hoặc e-mail.
Để đảm bảo khách hàng ưa thích sản phẩm của mình, Siemens sẵn sàng cho phép dùng thử các sản phẩm một cách rộng rãi, trước khi khách hàng quyết định mua. Đội ngũ kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin, các nhà thiết kế và các nhà tâm lý của Siemens luôn cùng nhau đúc kết những kinh nghiệm thu được từ những cửa hàng, để tạo ra những sản phẩm mà khách hàng ưng ý. Sự cộng tác gần gũi với khách hàng là yếu tố thành công then chốt trong kinh doanh của Siemens.
Bên cạnh đó, Siemens luôn chú trọng đến công tác đào tạo và nâng cao trình độ cho nhân viên của mình. Cuối năm tài khóa 2002, Siemens có 426.000 nhân viên trên toàn thế giới với 2/3 nhân viên của Siemens có trình độ chuyên nghiệp, 25% là kỹ sư hoặc các nhà khoa học, 34% có chứng chỉ nghề. Đồng thời, Siemens đã chi 500.000.000 Euro để phát triển nguồn nhân lực, trong đó, dành 60% cho nâng cao trình độ nhân viên.
Một trong những khẩu hiệu của Siemens là “Đổi mới toàn cầu”. Với 4500 bằng sáng chế trong năm 2002, Siemens là một trong những tổ chức đổi mới lớn nhất trên thế giới. Siemens có 53.000 nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển với chi phí 5,8 tỉ Euro. Thuật ngữ “Đổi mới” bao gồm nhiều lĩnh vực như đổi mới trong chiến lược kinh doanh, sản xuất, tổ chức và công nghệ kỹ thuật; trong đó vấn đề đổi mới công nghệ kỹ thuật, đặc biệt trong các khâu công nghệ then chốt, là điều kiện tiên quyết để tiếp tục cạnh tranh; duy trì vị thế tiên phong về công nghệ trong thời gian dài, để giữ vững và mở rộng thị phần Siemens. Chính vì thế, các sản phẩm với công nghệ mới chiếm 3/4 doanh số của Siemens.
1.2. Tập đoàn 3M
Hãng 3M là Công ty Khai khoáng và sản xuất Minnesota, được thành lập ở Hoa Kỳ vào năm 1902. Công ty đã nhanh chóng đổi mới và không ngừng phát triển từ một doanh nghiệp khai khoáng, trở thành một tập đoàn đa công nghệ với doanh thu hơn 16 tỉ USD cùng với 73.000 nhân viên. Ngày nay, 3M đang hướng tới việc phát triển trên 30 lĩnh vực công nghệ khác nhau.
Trong quá trình phát triển, 3M thực hiện chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm bằng cách mua lại các hãng sản xuất khác như: Năm 1973 mua lại K&B Electronics để mở rộng sản xuất các sản phẩm măng xông; Năm 1979, mua lại Tập đoàn Dynatel để mở rộng lĩnh vực thiết bị kiểm tra; Năm 1998- 2000, đã mua lại PSI Telecom và tập đoàn Quates (bao gồm Quantes AG và Pouyet SA), một nhà sản xuất có danh tiếng của châu Âu chuyên về sản phẩm công nghiệp viễn thông.
Với chiến lược “Khách hàng sẽ tự quyết định đối với những gì 3M đã làm”, hệ thống bán hàng của 3M luôn luôn gần gũi với khách hàng, đồng thời lợi ích của khách hàng được quan tâm hàng đầu trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp. Hơn 150 bằng sáng chế đã được cấp cho Tập đoàn 3M chỉ trong vòng 3 năm, tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mang tính giải pháp riêng biệt cho khách hàng với chất lượng cao như hệ thống đấu nối cáp quang và cáp đồng; hệ thống quản lý cáp quang và cáp đồng; đổi mới hệ thống tủ đấu nối cáp dùng cho ngoài trời và trong nhà; các hệ thống cấu trúc cáp quang và cáp đồng; các thiết bị kiểm tra, chẩn đoán và dò tìm; giải pháp băng thông rộng cho viễn thông và mạng...
Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng là yếu tố cạnh tranh quan trọng, nhằm chiếm lĩnh nhanh chóng thị trường viễn thông quốc tế và tạo nên nền tảng cơ bản cho sự thành công của 3M. Các sản phẩm, phần cứng, phần mềm, dịch vụ của 3M luôn có độ tin cậy và mang tính hữu hiệu.
3M luôn chủ động trong cuộc chiến đấu nhằm làm giảm những điểm yếu kém và ngày càng rút ngắn các qui trình sản xuất. 3M chú trọng đến việc phát triển sự hợp tác với khách hàng, phát triển nhiều sản phẩm và mở thêm các chi nhánh của mình. Các giải pháp về phần mềm giúp cho các bộ phận khác nhau của Tập đoàn ở các nơi trên thế giới có thể kết hợp công việc với nhau một cách nhuần nhuyễn. 3M đang tăng tốc tập trung vào việc nghiên cứu các sản phẩm mới, nhằm mang lại lợi ích cho khách hàng. Bằng cách này, 3M hàng ngày nâng cao giá trị cho khách hàng, cho cổ đông và cho nhân viên của mình.
1.3. Tập đoàn Ericsson
Ericsson là một tập đoàn viễn thông ra đời từ năm 1876, với hơn 100.000 nhân viên hoạt động trên 140 quốc gia trên thế giới. Trụ sở chính của Tập đoàn này đặt ở Stockhom-Thụy Điển.
Ericsson là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển và cung cấp các dịch vụ, các hệ thống cho mạng viễn thông cố định và di động. Hoạt động của hãng trong lĩnh vực viễn thông, truyền số liệu gồm những sản phẩm dịch vụ, hệ thống và những giải pháp đầu cuối, những sản phẩm cho phép mạng di động và mạng cố định truyền tiếng nói, dữ liệu và truyền đa phương tiện một cách nhanh chóng, hiệu quả. Thông qua việc liên kết với Tập đoàn Sony thành lập nên Sony Ericsson, Ericsson còn cung cấp điện thoại di động cầm tay để hỗ trợ những ứng dụng đa truyền thông và những thiết bị liên lạc cá nhân. Ngoài ra, Ericsson cũng cung cấp nhiều dịch vụ và hệ thống khác nhau cho các nhà sản xuất máy điện thoại cầm tay, cũng như những thiết bị khác liên quan tới công nghệ viễn thông.
Ericsson đã đề ra 3 tiêu chí hoạt động đáng tin cậy để quản lý nguồn nhân lực và thực hiện công việc kinh doanh của hãng, đó là: Phẩm chất chuyên môn (trình độ nghiệp vụ); tính tôn trọng; tính kiên trì.
Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tập đoàn này là: hệ thống di động, công nghệ WCDMA và GSM, những mạng đa dịch vụ và mạng dữ liệu đường trục; mạng di động CDMA.
Mục tiêu quan trọng hàng đầu của Tập đoàn là củng cố vị trí dẫn đầu trong việc cung cấp các dịch vụ, hệ thống trong lĩnh vực viễn thông và nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính. Chiến lược đó được thể hiện qua những hoạt động cụ thể như: ¦u tiên phát triển thị trường thông qua việc không ngừng đổi mới công nghệ và kỹ thuật mới; Củng cố và thiết lập những mối quan hệ lâu dài với những nhà cung cấp dịch vụ mạng trên thế giới, mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng; Khuyếch trương thương hiệu, khai thác thế mạnh vị trí dẫn đầu thị trường toàn cầu; Tiếp tục kiểm soát những chi phí và nâng cao hiệu quả trong kinh doanh.
Tính đến tháng 12/2002, Tập đoàn đã có hơn 20.000 nhân viên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Chi phí cho R&D là 4,02 tỉ USD, chiếm khoảng 20% tổng doanh số bán hàng. Đội ngũ nhân viên phát triển sản phẩm thường xuyên được đào tạo và huấn luyện làm việc với những kỹ thuật tiên tiến.
Chiến lược cạnh tranh của Ericsson hiện nay là luôn luôn tôn trọng đối thủ. Trong thị trường mạng đa dịch vụ và hệ thống di động, Ericsson phải cạnh tranh với nhiều tập đoàn viễn thông, đồng thời cũng thiết lập mối quan hệ với những tập đoàn này. Những đối thủ cạnh tranh trực tiếp chủ yếu gồm: Alcatel, Lucent, Motorola, Nokia, Nortel và Siemens. Ngoài ra, Tập đoàn còn phải cạnh tranh với số lượng lớn nhà cung cấp và những cơ sở sản suất của nước sở tại mà Ericsson đang cung cấp. Ericsson quan niệm rằng, sự lớn mạnh về tài chính và mối quan hệ với những khách hàng sẽ là yếu tố quan trọng trong chiến lược cạnh tranh này.
1.4. Tập đoàn Huawei.
Huawei là một doanh nghiệp trẻ, có tốc độ phát triển rất cao, được thành lập năm 1988, có trụ sở chính tại Bắc Kinh - Trung Quốc, chuyên cung cấp các thiết bị viễn thông và các giải pháp cho mạng viễn thông.
Trong giai đoạn đầu thành lập, mục tiêu của Huawei là thị trường trong nước. Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp lớn tham gia thị trường quốc tế, Huawei đã tiến hành mở rộng sản xuất và mở các chi nhánh văn phòng khu vực ở nhiều nước trên thế giới và các trung tâm hỗ trợ khách hàng, trung tâm huấn luyện, đào tạo, nâng cao kỹ thuật và chuyên môn cho nhân viên trên toàn cầu. Hiện nay, Hauwei có 32 văn phòng quản lý khu vực đặt tại Mỹ, ấn Độ, Thụy Điển, Nga… Các văn phòng này hoạt động rất hiệu quả, góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và từ đó sản phẩm của Huawei đã có mặt tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Do hoạt động có hiệu quả tại nước ngoài, hàng năm, doanh số bán hàng của Huawei tăng rất nhanh, riêng năm 2002 tăng khoảng 68%. Từ năm 1997, Huawei đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, quản lý nguồn nhân lực, kiểm toán tài chính
Sản phẩm của Huawei được sản xuất theo dây chuyền khép kín từ khâu thiết kế đến khâu chế tạo sản phẩm. Huawei nghiên cứu và sản xuất các Chip đặc dụng cho sản phẩm Huawei, chính vì thế, sản phẩm Huawei đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về cải tiến cũng như sửa chữa thiết bị, từ khâu đầu đến khâu cuối.
Hiện nay, Huawei có rất nhiều khách hàng lớn như : China Telecom , China Unicom, Thai AIS , SingTele, Hutchison Telecom, PCCW Hongkong, Telemar (Brazil), Rosteleco (Russia), VNPT (Vietnam),..
Huawei luôn chú trọng đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm; đã thành lập 1 công ty thành viên chuyên về nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong số 22.000 nhân viên của Huawei thì 46% thuộc bộ phận R&D; hàng năm, Huawei trích 68% tổng chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ. Riêng năm 2001, Huawei đầu tư cho R&D là 342 triệu USD và năm 2002, đầu tư cho R&D là 363 triệu USD.
Phát huy thành công với công nghệ số hóa, Huawei tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ mới như đầu tư phát triển công nghệ hệ thống truyền tải quang thế hệ mới STM-64, MADM,.. Nhờ sự đổi mới công nghệ, Huawei đã chiếm lĩnh thị trường cáp quang khu vực châu á - Thái Bình Dương, năm 2001 đã chiếm tới 15,4% trong tổng thị phần khu vực và 35% thị phần của Trung Quốc.
Nguồn nhân lực được Huawei coi là vấn đề hàng đầu, của Tập đoàn. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực luôn được ưu tiên trong các chính sách đầu tư và phát triển của Huawei. Mỗi năm, Huawei tăng thêm 10% nhân viên thương mại và nghiên cứu phát triển, bảo đảm nguồn nhân lực vững chắc là nòng cốt cho quá trình phát triển và cạnh tranh với các tập đoàn khác, đồng thời cũng là đối tác liên kết nhau trong sản xuất và chia sẻ công nghệ.
Huawei có các trung tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn dùng để đào tạo và huấn luyện cho đội ngũ nhân viên trên toàn cầu. Hàng năm, bên cạnh các khóa đào tạo và đào tạo lại cho nhân viên, Huawei còn đầu tư nguồn nhân lực từ các trường đại học thông qua nguồn hỗ trợ học bổng, đưa nhân viên đi đào tạo tại các trường và các hãng nổi tiếng nước ngoài, nhằm thu hút và tiếp thu công nghệ mới cho Tập đoàn.
1.5. Tập đoàn công nghệ viễn thông Krone.
Krone được thành lập vào năm 1928, có trụ sở chính tại Beeskowdam – Béclin (CHLB Đức). Đến năm 1999, Krone được Tập đoàn GenTek Inc.(Mỹ) mua lại, nhưng vẫn giữ lại thương hiệu Krone với các sản phẩm truyền thống.
Krone là nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ viễn thông hoàn chỉnh, từ khâu tư vấn, phân tích, lập kế hoạch, hướng dẫn khách hàng lựa chọn những phương án đầu tư hiệu quả nhất. Nhờ đó, Krone trở thành một trong những nhà cung cấp các dịch vụ và sản phẩm công nghiệp viễn thông hàng đầu trên thế giới với hơn 3.500 nhân viên và 36 đơn vị kinh doanh, 11 nhà máy trên khắp thế giới, và văn phòng đại diện trên 140 quốc gia.
Krone cung cấp các sản phẩm, các giải pháp kết nối cho mạng lưới cáp quang và cáp đồng với công nghệ đấu nối theo phương châm LSA-PLUS (L: không cần hàn, S: không vặn vít, A: không cần tách rời vật cách ly, P: hiệu quả, L: dễ sử dụng, U: ứng dụng toàn cầu, S: an toàn và nhanh chóng). Công nghệ này đã nhanh chóng khẳng định được tính ưu việt trong mạng lưới viễn thông hiện đại. Krone còn cung cấp các hệ thống chuẩn đoán và phân tích cấu trúc cáp, kiểm soát từ xa thông qua kết nối và truy nhập mẫu.
Một số công nghệ, sản phẩm điển hình của Krone như: Giá phối dây Plug-and-play; sản phẩm đấu nối LSA-Plus Direct; sản phẩm Mille-Tie... Krone đã đưa ra công nghệ nối cáp độc nhất, khắc phục lỗi đi cáp, kết nối cáp mới được tùy biến để giúp các nhà lắp đặt và tích hợp mạng giảm sự cố kết nối mạng.
Hỗ trợ khách hàng lựa chọn phương án đầu tư có hiệu quả, hướng dẫn khách hàng đến với sản phẩm của mình và giữ họ lại bằng chính chất lượng của nó, là một trong những chính sách giúp Krone đứng vững trên thị trường trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, Krone cũng khôn khéo chuyển hướng đầu tư sang các thị trường mới đầy tiềm năng như Trung Quốc, ấn Độ bằng cách đầu tư xây dựng các nhà máy ngay tại thị trường mới, nhằm giảm chi phí vận chuyển và sử dụng nguồn lao động rẻ.
2- Các bài học kinh nghiệm:
- Về định hướng chiến lược phát triển:
Các tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông, cung cấp các vật tư thiết bị và giải pháp cho mạng lưới viễn thông, không tham gia tổ chức, khai thác mạng lưới thường có lịch sử phát triển lâu dài và khởi đầu bằng việc chuyên môn hóa với một số sản phẩm nhất định. Sau đó, quy mô sản xuất và cơ cấu sản phẩm được từng bước phát triển và đa dạng hóa, mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới, với thị trường hoạt động đa quốc gia.
Xác định chiến lược sản phẩm có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn của mỗi tập đoàn, và được xác lập không chỉ căn cứ vào nhu cầu phát triển của thị trường mà còn có tính gợi mở, hướng dẫn thị trường.
- Chính sách đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm.
+ Đổi mới và phát triển công nghệ đón đầu: Trên cơ sở phân tích xu hướng phát triển của mạng lưới viễn thông, các tập đoàn chú trọng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới, nhằm đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, đón đầu nhu cầu phát triển mạng lưới.
+ Đầu tư cho R&D: Hàng năm, các tập đoàn đều dành một khoản chi phí lớn cho công tác nghiên cứu phát triển, nhất là đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học công nghệ, nhằm tạo ra những đột phá trong khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ trở thành yếu tố thành công then chốt trong môi trường cạnh tranh quốc tế.
+ Lựa chọn sản phẩm, công nghệ mũi nhọn: Các tập đoàn thường sản xuất kinh doanh với một cơ cấu sản phẩm đa dạng, nhưng đều có những sản phẩm đặc chưng, mũi nhọn. Việc đổi mới công nghệ thường tập trung toàn bộ sức mạnh công nghệ, nhân lực và các nguồn lực của hãng để phát triển các sản phẩm mới, khâu công nghệ then chốt có ảnh hưởng quyết định đến khả năng phát triển và mở rộng thị trường, củng cố và nâng cao danh tiếng, uy tín của Tập đoàn.
- Những sách lược và khâu đột phá trong quá trình phát triển:
+ Tăng cường tích tụ, tập trung vốn: Trong quá trình phát triển, các tập đoàn thực hiện chính sách tích tụ và tập trung sản xuất, vốn kinh doanh thông qua việc mua lại, sáp nhập và liên kết kinh tế, tăng qui mô sản xuất, doanh thu, lao động và mở rộng thị phần, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Xu thế sáp nhập đang là trào lưu hiện nay đối với những tập đoàn công nghiệp viễn thông.
+ Quản lý chất lượng sản phẩm: Trong quá trình sản xuất, các hãng sản xuất thực thi các chính sách quản lý chất lượng chặt chẽ, tạo nên sự phát triển đồng bộ trong tất cả các khâu từ sản xuất đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng.
+ Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng làm công tác R&D luôn là một trong những tiêu chí quan trọng, thiết yếu của các tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông, trên cơ sở thực hiện những chính sách ưu tiên trong đào tạo, phát triển và cơ chế thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực trình độ cao.
+ Hướng đến khách hàng: Các nhà sản xuất luôn xây dựng một chiến lược kinh doanh định hướng đến khách hàng trên cơ sở tôn trọng khách hàng, coi khách hàng là bạn đồng hành trong quá trình phát triển của mình; đồng thời, thiết lập các kênh thông tin dễ dàng để tiếp nhận, giải đáp các ý kiến phản hồi từ khách hàng.
+ Xu hướng hợp tác: Phần lớn các tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông là các công ty đa quốc gia, có phạm vi hoạt động trải rộng trên nhiều quốc gia. Hoạt động trong môi trường kinh doanh toàn cầu, các tập đoàn thường thực hiện chính sách cạnh tranh lành mạnh, có thể chuyển hóa đối thủ cạnh tranh sang hợp tác để cùng khai thác thị trường mới.
+ Cung cấp sản phẩm đồng bộ: Cung cấp giải pháp trọn gói cho khách hàng là một trong những sách lược đem lại sự thành công cho các tập đoàn công nghiệp viễn thông, họ không chỉ cung cấp cho khách hàng các sản phẩm, giải pháp, mà còn giúp các nhà khai thác trong việc nghiên cứu thị trường, tìm ra các giải pháp tối ưu, đồng bộ, đáp ứng một cách tốt nhất cho nhu cầu của khách hàng./.