Từ ngày 14 tháng 01 năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Với những cam kết toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, Hiệp định CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhóm nội dung về Sở hữu trí tuệ của Hiệp định được quy định trong Chương 18, gồm có 73 điểm và 04 phụ lục,.
Trong đó có nhiều quy định chặt chẽ đòi hỏi Việt Nam cần sửa đổi hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các quy định về bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ sáng chế để phù hợp với các cam kết trong CPTPP.
Dưới đây là một số quy định về bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ sáng chế mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý trong CPTPP:
Thứ nhất, CPTPP yêu cầu mở rộng bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và khuyến khích bảo hộ nhãn hiệu mùi (Điều 18.18).
Tại thời điểm Hiệp định CPTPP được ký kết thì đây là một nội dung mới so với các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Theo cam kết, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh các quy định để bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong thời hạn 3 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực. Theo các quy định trước đây của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2009 và năm 2019 (Luật Sở hữu trí tuệ 2005) mới chỉ bảo hộ nhãn hiệu dưới dạng dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều, hoặc sự kết hợp của các yếu tố và đó là điều kiện tiên quyết để bảo hộ nhãn hiệu.
Nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đặt ra tại Điều 18.18, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã ghi nhận dấu hiệu “âm thanh được thể hiện dưới dạng đồ hoạ” cũng sẽ được bảo hộ tại Việt Nam. Như vậy, điều kiện “nhìn thấy được” không còn là điều kiện duy nhất đặt ra trong việc bảo hộ nhãn hiệu và theo đó, Việt Nam không được từ chối một dấu hiệu chỉ vì dấu hiệu đó là dấu hiệu âm thanh.
Quy định tại khoản 2, Điều 105, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đặt ra yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu của đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh là “tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó”. Có thể thấy rằng, quy định về yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu tại điều khoản này vừa đảm bảo được điều kiện bảo hộ chung của nhãn hiệu thông thường là “nhìn thấy được” dưới hình thức “bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh”, vừa đảm bảo được yếu tố đặc thù phi truyền thống của loại nhãn hiệu âm thanh đó là tệp chứa đựng âm thanh.
Ngoài ra, Điều 73, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 cũng bổ sung các dấu hiệu loại trừ không được bảo hộ là với danh nghĩa nhãn hiệu âm thanh như quốc ca của Việt Nam và các nước, quốc tế ca để tương ứng với các dấu hiệu loại trừ không bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu thông thường nhìn thấy được khác.
Các quy định nói trên của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 là cơ sở pháp lý quan trọng để các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định, Thông tư) quy định chi tiết về thẩm định khả năng phân biệt, cách thức công bố đơn và lưu giữ hồ sơ đối với nhãn hiệu âm thanh.
Có thể thẩy, để các sản phẩm/dịch vụ của mình dễ được nhận biết hơn so với sản phẩm/dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, các nhà sản xuất/kinh doanh ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ, cũng chú trọng đến việc sử dụng các dấu hiệu mới lạ làm nhãn hiệu để tạo ấn tượng, thu hút người tiêu dùng.
Mặt khác, sử dụng các loại dấu hiệu mới làm nhãn hiệu cũng là để đáp ứng một phần nhu cầu tích hợp và tận dụng các chức năng mới của sản phẩm công nghệ hiện đại, thông minh, đặc biệt trong thời đại phát triển công nghệ như hiện nay. Theo đó, nhãn hiệu âm thanh không chỉ thể hiện được chức năng vốn có của một nhãn hiệu là để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, mà còn góp phần tăng khả năng thu hút khách hàng.
Tuy đến ngày 01/01/2023 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 mới có hiệu lực thi hành, nhưng các quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh có hiệu lực từ ngày 14/01/2022. Như vậy, các tổ chức và cá nhân có thể đăng ký nhãn hiệu âm thanh từ ngày 14/01/2022.
Thứ hai, tiêu chí bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng (Điều 18.22).
Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các công ước, hiệp định quốc tế. Theo Công ước Paris 1883, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) năm 1994 và Khuyến nghị chung của Tổ chức Sở hữu tí tuệ thế giới (WIPO) về các quy định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng được quy định ở Điều 18.22 Hiệp định CPTPP, nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận trên lãnh thổ Việt Nam có quyền được tôn trọng một cách bình đẳng với các nhãn hiệu nổi tiếng của quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Ngược lại, Việt Nam có nghĩa vụ đảm bảo tuân thủ các quy định chung của các công ước, hiệp định quốc tế đã tham gia đối với nhãn hiệu nổi tiếng, trong đó không được quy định trái với những nội dung của công ước, hiệp định quốc tế về nhãn hiệu nổi tiếng, đơn cử như điều kiện để xác định một nhãn hiệu nổi tiếng dựa trên thủ tục đăng ký trong hoặc ngoài quốc gia, hay không phải liệt kê tên các nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận trong một danh sách cụ thể.
Theo Điều 18.22, Hiệp định CPTPP yêu cầu các nước không được lấy tiêu chí số lượng các quốc gia đã bảo hộ nhãn hiệu, đã công nhận nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đã nằm trong danh mục nhãn hiệu nổi tiếng để quyết định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.
Trước đây, tại Điều 75, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019) thì dựa vào các tiêu chí sau để xem xét đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được bảo hộ nhãn hiệu:
- Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
- Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
- Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
- Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
- Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
- Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
- Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
Nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đặt ra tại Điều 18.22, đoạn mở đầu "các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:" tại Điều 75 này sẽ được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 thành “Việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được lựa chọn từ một số hoặc tất cả các tiêu chí sau đây:”, và có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Bên cạnh đó, nhằm phù hợp với các tiêu chí công nhận nhãn hiệu nổi tiếng dựa trên các quy định của công ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có sự thay đổi trong cách xác định đối tượng nhận biết, cụ thể là định nghĩa “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam” (khoản 20 Điều 4).
So với phạm vi “người tiêu dùng” được quy định theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, “bộ phận công chúng có liên quan” theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 được xác định cụ thể hơn, có thể gồm:
- Người tiêu dùng có liên quan đến hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Nhà sản xuất hoặc cung ứng loại hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Người bán và những người có liên quan đến kênh phân phối loại hàng hóa/dich vụ mang nhãn hiệu…
Trong thực tế, bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tại Việt Nam, nhu cầu này phù hợp với mong muốn đảm bảo môi trường kinh doanh và phát triển lành mạnh. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, nhu cầu sẽ tạo một thị trường luôn đảm bảo an toàn cho uy tín, chất lượng về bảo hộ nhãn hiệu của các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động thương mại. Tài sản trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia.
Việc sửa đổi định nghĩa về nhãn hiệu nổi tiếng không chỉ phù hợp với pháp luật quốc tế trong CPTPP mà con đáp ứng các cam kết trong Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định TRIPS và Khuyến nghị chung của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 1999 mà còn tạo thuận lợi cho các hoạt động thực thi quyền.
Thứ ba, thiết lập hệ thống nhãn hiệu điện tử (Điều 18.24).
Hiệp định CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải thiết lập một hệ thống điện tử trực tuyến để nộp đơn, gia hạn hiệu lực nhãn hiệu và một hệ thống thông tin điện tử mở để có thể truy cập công cộng, tra cứu nhãn hiệu trực tuyến.
Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống điện tử phục vụ cho việc nộp đơn và tra cứu nhãn hiệu. Theo đó, để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tuyến, người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền Sở Hữu Công Nghiệp.
Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi đơn đăng ký nhãn hiệu trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến.
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định. Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận.
Trong trường hợp Người nộp đơn không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho Người nộp đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.
Các cá nhân, doanh nghiệp và các bên có liên quan có thể tra cứu thông tin nhãn hiệu tại mục Tra cứu nhãn hiệu Việt Nam (WIPO Publish) thuộc website Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (www.noip.gov.vn).
Hệ thống đăng ký và tra cứu thông tin nhãn hiệu tiếp tục được hoàn thiện và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu về tra cứu nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ngày càng tăng cũng như đáp ứng các cam kết của Việt Nam về sở hữu trí tuệ tại các hiệp định, công ước, thoả ước quốc tế.
Thứ tư, hợp đồng li-xăng không bắt buộc phải đăng ký (Điều 18.27).
Đối với quy định này, Cục Sở hữu trí tuệ đã có hướng dẫn áp dụng như sau: “Kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực, các hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba không phụ thuộc vào việc đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (thay vì quy định tại Khoản 2 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019). Việc sử dụng nhãn hiệu theo quy định tại Khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 bởi bên được chuyển quyền theo hợp đồng chuyển quyền sử dụng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu trong các thủ tục xác lập, duy trì và thực thi quyền đối với nhãn hiệu mà không phụ thuộc vào việc đăng ký hợp đồng đó tại Cục Sở hữu trí tuệ.”
Thứ năm, mở rộng thời hạn sáng chế không bị mất tính mới (Điều 18.38).
Hiệp định CPTPP quy định việc xác định sáng chế có tính mới hoặc có trình độ sáng tạo hay không, các bên phải bỏ qua ít nhất là các thông tin đã được bộc lộ công khai nếu việc bộc lộ công khai này: (a) do người nộp đơn sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người nộp đơn sáng chế; và (b) xảy ra trong vòng 12 tháng trước ngày nộp đơn trong lãnh thổ của Bên đó.
Về nội dung này, Cục Sở hữu trí tuệ đã có văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 60.3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về các trường hợp sáng chế không bị mất tính mới như sau:
- Sáng chế được bộc lộ công khai bởi người có quyền đăng ký sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có quyền đăng ký sáng chế (bất kể là có hay không có sự đồng ý của người có quyền đăng ký sáng chế); và
- Việc bộc lộ công khai trong trường hợp nêu trên xảy ra trong thời hạn không quá 12 tháng trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục SHTT (không tính ngày ưu tiên).
- Thông tin bộc lộ công khai trong các trường hợp nêu trên không được lấy làm tài liệu đối chứng (không thuộc “tình trạng kỹ thuật”) để xác định tính mới hoặc trình độ sáng tạo của sáng chế liên quan.
Đồng thời, theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, đơn sáng chế nộp trước nhưng được công bố vào hoặc sau ngày công bố của đơn nộp sau không được xem là một phần của tình trạng kỹ thuật đã biết trong việc đánh giá tính mới của đơn nộp sau.
Thực trạng này chưa bảo đảm mục tiêu thỏa đáng và cân bằng giữa quyền của chủ sở hữu và quyền lợi của công chúng như: phạm vi tình trạng kỹ thuật để đánh giá tính mới của sáng chế chưa tính đến đơn nộp trước, nhưng chưa được công bố vào ngày hoặc sau ngày công bố của đơn nộp sau.
Để khắc phục, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 thiết lập 02 điều kiện bộc lộ bao gồm (i) bộc lộ dưới dạng là tài liệu sáng chế và (ii) bộc lộ dưới dạng là tài liệu phi sáng chế, tương ứng, đối với sáng chế xin đăng ký được coi là có tính mới. Cụ thể, Khoản 1 Điều 60 được sửa đổi và bổ sung như sau:
Sáng chế được coi là có tính mới nếu không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên;
- Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.
Thứ sáu, yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp riêng phần (Điều 18.55)
CPTPP yêu cầu các nước Thành viên phải bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đầy đủ và hiệu quả, bao gồm cả các kiểu dáng được thể hiện ở một phần của sản phẩm hoặc một phần của một sản phẩm nằm trong tổng thể toàn bộ sản phẩm (kiểu dáng riêng phần), nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về vấn đề này.
Hiệp định CPTPP không định nghĩa khái niệm kiểu dáng công nghiệp. Đồng thời, tiêu chuẩn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo CPTPP phù hợp với các quy định trong Hiệp định TRIPS trong khi Việt Nam đã gia nhập WTO từ 2007. Do vậy, quy định về điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong pháp luật hiện hành của Việt Nam phù hợp quy định có liên quan trong CPTPP.
Theo quy định của Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, kiểu dáng công nghiệp, dù được nộp đơn từ bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, sẽ được bảo hộ tại Việt Nam nếu đáp ứng đủ ba điều kiện: tính mới; tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Hơn nữa, khoản 2 Điều 18.55 CPTPP cũng dẫn chiếu đến Điều 25 Hiệp định TRIPS.
Khoản 1 Điều 25 Hiệp định TRIPS chỉ yêu cầu bảo hộ các kiểu dáng công nghiệp được tạo ra một cách độc lập nếu chúng đáp ứng yêu cầu về tính mới và tính độc đáo. Tính độc đáo theo Hiệp định TRIPS được hiểu là tương đương với tính sáng tạo quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã đặt ra điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cao hơn so với quy định của Hiệp định CPTPP, thêm điều kiện thứ ba là “có khả năng áp dụng công nghiệp”.
Về thời hạn bảo hộ, Việt Nam cũng đưa ra thời hạn bảo hộ dài hơn so với quy định của CPTPP. CPTPP có dẫn chiếu đến thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo Điều 26 Hiệp định TRIPS. Điều 26 Hiệp định TRIPS chỉ quy định thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tối thiểu cho các quốc gia thành viên là 10 năm trong khi Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 cho phép một kiểu dáng công nghiệp với tối đa hai lần gia hạn có thể được bảo hộ tại Việt Nam lên đến 15 năm.
Nhìn chung, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết của Việt Nam về bảo hộ sở nhãn hiệu theo Hiệp định CPTPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia gần đây, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định EVFTA. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 được xây dựng trên cơ sở tận dụng tối đa những linh hoạt mà các điều ước cho phép, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Hay nói cách khác, các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 được xây dựng với quan điểm thi hành cam kết quốc tế ở mức độ phù hợp nhất với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bảo đảm cho doanh nghiệp có đủ thời gian bắt kịp với những thay đổi của quá trình hội nhập.
Bên cạnh đó, các quy định trong chính sách về tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền nhằm cải thiện các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ... theo hướng gọn nhẹ, thuận tiện, minh bạch, giúp các doanh nghiệp có thể xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn. Các quy định trong chính sách về tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ hoặc chính sách về nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng giúp cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn, hiệu quả hơn, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh hơn, từ đó tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam hội nhập hiệu quả vào sân chơi chung của thế giới.