Một số nhận biết về thực phẩm biến đổi gen

Trước sự thúc ép gia tăng về dân số của hành tinh chúng ta, một mặt chúng ta phải bảo tồn tính đa dạng sinh học, mặt khác lại phải sản xuất ra nhiều của cải vật chất để nuôi sống con người và bảo tồn

Thành tựu của công nghệ chuyển gen đã thực sự thu hút được sự quan tâm không chỉ riêng các nhà khoa học, các nhà công nghệ, các nhà doanh nghiệp, tập đoàn tư bản…, mà còn có các nguyên thủ quốc gia, các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), Uỷ ban Tiêu chuẩn CODEX, tổ chức FDA, Tổ chức Sở hữu trí tuệ  (IPRs) thế giới…, đặc biệt đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội trên hành tinh chúng ta. Với sự nhận biết của mình, qua tập hợp sàng lọc tin tức, kết quả đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, bài viết này có thể cung cấp thêm những kiến thức, trăn trở, băn khoăn và thậm chí còn là những cuộc tranh luận chưa tới hồi kết thúc liên quan đến thành tựu của công nghệ sinh học hiện đại đối với thực phẩm biến đổi gen.

1.Thực phẩm biến đổi gen, tính cấp thiết và các ảnh hưởng liên quan.

Công nghệ chuyển gen là một quá trình chuyển đổi cho phép chúng ta xoá bỏ được ranh giới giữa các giống, loài vượt qua được “hàng rào tự nhiên” để cải tiến, đột biến các chủng giống vi sinh vật, cây trồng, vật nuôi. Như chúng ta đã biết, do tính thống nhất của mã di truyền mà một khi gen mã hoá theo tình trạng mong muốn được phân lập từ bất kỳ một sinh vật nào (dù từ vi sinh vật), người ta đều có thể chuyển gen đó vào một sinh vật khác hoặc giữa các loài không có quan hệ, mà sinh vật đó chúng ta đang cần cải tiến hoặc mong muốn đột biến. Đây là thành tựu to lớn của khoa học vì quyền năng này không thể thực hiện được khi chúng ta sử dụng các phương pháp lai tạo giống cổ điển, tự nhiên. Như vậy, thành tựu của công nghệ chuyển gen giúp cho con người sử dụng một cách triệt để hơn tính đa dạng sinh học vào các mục đích cần thiết của con người. Như vậy, sản phẩm biến đổi gen (Genetically Modified Organisms-GMO) sẽ được hiểu là sản phẩm mà nguyên liệu gen (DNA) đã được biến đổi bởi công nghệ sinh học hiện đại- công nghệ gen hoặc công nghệ DNA tái kết hợp.

Hiện nay, không phải tất cả các loại thực phẩm có trên thị trường đều là thực phẩm biến đổi gen, nhưng sản phẩm chuyển gen có được phải là thành tựu của công nghệ sinh vật chuyển gen và cây trồng chuyển gen. Thực phẩm chuyển gen có một số ưu điểm cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, nghĩa là con người đã dùng kỹ thuật gen để tạo ra sản phẩm thực phẩm có giá trị thấp hơn thành sản phẩm có giá trị cao hơn, có lợi ích lớn hơn hoặc khía cạnh này, hoặc khía cạnh kia, hoặc cho cả hai khi xét về giá trị dinh dưỡng và thời gian bảo quản thực phẩm. Tuy vậy, còn nhiều ý kiến và các câu hỏi vẫn luôn thường trực đối với người tiêu dùng khi nhắc tới thực phẩm chuyển gen, vì mọi người đều cho rằng sử dụng thực phẩm truyền thống là cách an toàn nhất, nhưng chúng ta lại quên rằng, một số đặc tính hiện có của thực phẩm tự nhiên có thể bị thay đổi hoặc theo cách tích cực hoặc tiêu cực. Nhưng dù sao đi nữa, việc đánh giá một cách đầy đủ đối với thực phẩm chuyển gen là việc làm đặc biệt cần thiết về hai khía cạnh liên quan đến sức khoẻ của con người và sinh thái môi trường, trong khi đó, việc làm này không bắt buộc đối với thực phẩm truyền thống. Việc đánh giá độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen thường được quan tâm tới các đặc thù sau: ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ (khả năng gây độc); Khả năng gây dị ứng; Những cấu tử đặc biệt có tính năng dinh dưỡng hoặc gây độc tố; Tính ổn định của gen được chuyển đổi; Hiệu quả dinh dưỡng gắn liền với sự biến đổi gen và các ảnh hưởng bất kỳ có thể xẩy ra do việc chuyển gen…

Từ các yếu tố đánh giá nêu trên, nhiều câu hỏi đặt ra cho thực phẩm chuyển gen đối với sức khoẻ của con người sẽ là những vấn đề gì ? Về mặt lý thuyết, các nhà khoa học đã nêu 3 vấn đề chủ yếu để tranh luận và trao đổi như sau:

Khả năng gây dị ứng. Việc chuyển gen từ thực phẩm gây dị ứng về nguyên tắc nói chung là không khuyến khích và ủng hộ, trừ khi điều đó có thể chứng minh rằng sản phẩm protein của gen chuyển giao là không gây dị ứng. Đối với thực phẩm lai tạo truyền thống tự nhiên, thì tính dị ứng nói chung là không thử nghiệm, vì thế các tổ chức FAO và WHO chấp thuận các Nghị định thư về thử nghiệm cho các loại thực phẩm biến đổi gen. Như vậy, liên quan đến khả năng gây dị ứng của thực phẩm chuyển gen đã được tranh luận theo các tiêu chí mang tính khoa học và các định chế pháp lý bằng các Nghị định thư. Và cho đến nay, chúng ta vẫn chưa phát hiện được các vấn đề liên quan đến khả năng gây dị ứng đối với thực phẩm chuyển gen đã được thương mại hoá.

Sự giao phối cùng giống. Như trên đã nêu, cây trồng chuyển gen tức là việc chuyển các gen từ thực vật biến đổi gen vào cây trồng cổ truyền hoặc các loài có liên quan tại nơi hoang dã (được gọi là “sự giao phối cùng giống”), cũng như sự gieo trồng phối trộn thu được từ các hạt giống quy định với các hạt giống ứng dụng gieo trồng biến đổi gen có thể có ảnh hưởng gián tiếp về an toàn thực phẩm và an ninh lương thực. Ví dụ, tại Mỹ, khi một giống ngô được chuyển gen với mục đích chỉ sử dụng cho chăn nuôi, nhưng lại xuất hiện trong sản phẩm ngô dùng cho con người. Để tránh hiện tượng này, nhiều quốc gia đã ban hành chính sách, chiến lược để làm giảm việc phối trộn bằng cách phân chia rõ ràng trên các cánh đồng, trong đó quy định khu vực nào trồng thực vật biến đổi gen và khu vực nào trồng thực vật tự nhiên. Mối nguy cơ này chúng ta có thể loại trừ được nếu thiết lập quy trình quản lý chặt chẽ.

Chuyển giao gen. Việc chuyển giao gen từ thực phẩm biến đổi gen sang các tế bào của cơ thể hoặc sang vi khuẩn trong vùng dạ dày ruột sẽ tạo ra mối liên quan nếu nguyên liệu gen chuyển giao có ảnh hưởng ngược lại đối với sức khoẻ của con người. Điều này xẩy ra tương đối đặc biệt vì các gen kháng thể kháng sinh sử dụng để tạo ra cơ quan biến đổi gen đã được chuyển giao. Mặc dầu biết rằng, khả năng chuyển giao gen là rất thấp, nhưng gần đây, Hội đồng chuyên gia của FAO/WHO vẫn khuyến khích việc sử dụng công nghệ không có gen kháng thể kháng sinh.

2. Vấn đề quản lý và thương mại hoá, câu hỏi liệu thực phẩm biến đổi gen có an toàn không.

Hiện nay, chúng ta đã và đang sử dụng thực phẩm biến đổi gen, vì thực phẩm có được phong phú như thế đã phải áp dụng công nghệ Cây trồng chuyển gen và Vi sinh vật chuyển gen. Để làm rõ hơn, chúng ta có thể đưa ra nhiều bằng chứng, thế giới đã thương mại nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng, có tính kháng thể rất cao, lại có tính bảo quản được lâu dài hơn so với cây trồng không biến đổi gen như: ngô, đậu tương, lúa, cà chua và nhiều loại hoa củ quả khác…Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhờ công nghệ chuyển gen cũng đã có nhiều biến đổi đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, vai trò của vi sinh vật chuyển gen góp phần đáng kể và chính nó đã tạo nên bước chuyển dịch công nghệ trong một số ngành chủ lực như: Enzyme Amylase bền nhiệt được tổng hợp nên bởi chủng vi khuẩn Bacillus Licheniformis mang gen mã hoá enzyme có nguồn gốc từ Bacillus Stearothermophylus được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp sản xuất rượu-bia-nước giải khát để thuỷ phân tinh bột, ngoài ra, người ta cũng đã chuyển gen mã hoá Enzyme Acetolactate Decarboxylase từ vi khuẩn Bacillus Brevis vào B.subtilis để sử dụng cho sản xuất bia, nhằm giảm thời gian lên men phụ và quá trình tổng hợp diacetyl… Như vậy, hầu hết các loại thực phẩm chế biến trên thị trường đều chứa các phụ gia thực phẩm như dầu cải, lecithin, tinh bột biến tính, maltodextrin và các loại siro glucose…, mà phần lớn các chất phụ gia này lại được sản xuất từ đậu tương và ngô chuyển gen. Rõ ràng, thực phẩm biến đổi gen đã có mặt ở khắp trên thế giới, nhưng đến nay, chưa có một hệ thống quản lý Quốc tế đặc biệt nào được áp dụng, mà mới chỉ có một vài tổ chức quốc tế tập trung vào việc ban hành và phát triển các Nghị định thư về GMO.

ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) hiện nay là cơ quan liên kết với FAO và WHO có trách nhiệm biên soạn các tiêu chuẩn, quy phạm thực hành, các hướng dẫn, các khuyến nghị… với mục tiêu đề nghị cần biên soạn Quy phạm thực phẩm quốc tế. Codex hiện nay đang xây dựng những nguyên tắc về phân tích các nguy cơ đối với sức khoẻ con người khi sử dụng thực phẩm biến đổi gen. Những quy định trong các nguyên tắc này đối với thực phẩm biến đổi gen buộc phải tiến hành đánh giá các mối liên quan đến sức khoẻ con người trước khi đưa ra thị trường thương mại. Việc đánh giá này sẽ được thực hiện hoặc áp dụng theo từng trường hợp cụ thể và bao gồm đánh giá cả ảnh hưởng trực tiếp (từ gen cấy vào) và những ảnh hưởng không lượng định được trước (điều có thể xẩy ra do hậu quả của việc cấy gen mới vào). Nội dung của bản nguyên tắc này do Codex xây dựng đang được hoàn tất trong thời gian tới. Những nguyên tắc của Codex không có ảnh hưởng ràng buộc đối với luật pháp của từng quốc gia, nhưng sẽ được tham khảo đặc biệt theo Hiệp định WHO/SPS (kiểm dịch động thực vật) và là cơ sở pháp lý rất quan trọng nhằm sử dụng để tham khảo trong trường hợp có tranh chấp thương mại. Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học (CPB), Hiệp ước Môi trường ràng buộc về luật pháp đối với các đối tác của nó nhằm quản lý các hoạt động qua biên giới của sinh vật biến đổi sống (LMOs). Thực phẩm biến đổi gen nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định thư này chỉ khi chúng chứa cơ quan biến đổi sống có thể chuyển giao hoặc tái tạo nguyên liệu gen. Do đó, mục tiêu của Nghị định thư CPB là yêu cầu các nước xuất khẩu tìm kiếm sự đồng ý của nước nhập khẩu trước khi xuất hàng LMOs dự kiến sản phẩm sẽ bán ra thị trường.

Vậy, sản phẩm biến đổi gen đưa vào thị trường quốc tế đã được đánh giá về rủi ro chưa? Vấn đề này đã được khẳng định, tất cả các sản phẩm biến đổi gen mới được đưa vào thị trường quốc tế đều đã vượt qua các đánh giá rủi ro thực hiện bởi các cơ quan có trách nhiệm về an toàn thực phẩm ở các quốc gia. Mặc dầu ở từng quốc gia sẽ có những đánh giá khác nhau, nhưng nói chung đều triển khai thực hiện theo những nguyên tắc cơ bản như nhau, trong đó, chú trọng đánh giá mức độ rủi ro đối với sức khoẻ con người và môi trường sinh thái. Phải thừa nhận rằng, những cuộc đánh giá này là hết sức kỹ lưỡng và chứng minh rằng, thực phẩm chuyển gen chưa gây ra bất kỳ rủi ro nào đối với sức khoẻ con người. Thêm vào đó, năm 2000, tại Hội nghị quốc tế tổng kết về an toàn thực phẩm chuyển gen đã kết luận “không có một bằng chứng nào cho thấy thực phẩm chuyển gen hiện đang có trên thị trường gây ra bất cứ lo ngại nào về sức khoẻ con người hay có bất kỳ khía cạnh nào kém an toàn hơn so với cây trồng được lai tạo tự nhiên…” (Jane E. Henney, Uỷ viên cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, 2000).

3. Việt Nam với việc phát triển thực phẩm biến đổi gen.

Việc tạo ra các vi sinh vật chuyển gen nói chung và các loại cây trồng chuyển gen trong nông nghiệp nói riêng đã và đang mang lại nhiều lợi ích cơ bản và lâu dài trong nhiều lĩnh vực khác nhau: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp dược, công nghiệp y tế, môi trường, kinh tế, thương mại… của thế giới như ông Michael Kenward, tác giả của bài báo với tiêu đề “Công nghệ sinh học hướng tới thời đại lớn” (Biotech heads for the Big time) đã đánh giá rằng, nếu thế kỷ XX được đánh dấu bằng cuộc cách mạng điện tử, thì thế kỷ XXI được đặc trưng bởi cuộc cách mạng công nghệ sinh học. Với tầm nhìn xa hơn nữa, Việt Nam chúng ta phải có sự lựa chọn giữa cơ hội phát triển nền kinh tế trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá để có những quyết sách đúng đắn, nhằm đầu tư, phát triển và thừa hưởng những thành quả của công nghệ sinh học nói chung và của vi sinh vật chuyển gen nói riêng, do chính bàn tay và trí tuệ của người Việt Nam chúng ta tạo ra. Về mặt pháp lý, nước ta đã ban hành Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản pháp quy kỹ thuật liên quan hướng dẫn thực hiện. Nhiều tổ chức được hình thành như: Uỷ Ban Codex thực phẩm Việt Nam, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Văn phòng TBT, SPS… sẽ là nơi tập hợp các nhà nghiên cứu khoa học công nghệ, nhà quản lý và hoạch định chính sách phát triển kinh tế…, tư vấn cho Chính phủ trong việc định hướng phát triển cây trồng chuyển gen, sinh vật chuyển gen cũng như việc lưu hành, sử dụng thực phẩm chuyển gen. Để người tiêu dùng tự nhận biết thực phẩm chuyển gen trên thị trường là điều rất khó, do vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần có hướng dẫn hoặc có giải pháp cần thiết buộc sản phẩm thực phẩm biến đổi gen phải ghi trên nhãn hàng hoá của mình để người tiêu dùng biết và lựa chọn.
  • Tags: