Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản - JIS

            Hệ thống Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản (JIS) có tới 8.148 tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản. JIS được ban hành lần đầu vào tháng 6/1949, dựa trên "Luật tiêu chuẩn hóa công nghiệp" và thường được biết đến dưới cái tên "dấu chứng nhận tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản". Theo quy định của điều 26 trong Luật tiêu chuẩn công nghiệp, tất cả các cơ quan của Chính phủ phải ưu tiên đối với các sản phẩm được đóng dấu chất lượng JIS khi mua để phục vụ cho hoạt động của cơ quan.

            Hệ thống tiêu chuẩn JIS được áp dụng đối với các sản phẩm công nghiệp và khoáng sản, trừ những sản phẩm được áp dụng chuyên ngành như dược phẩm, phân hóa học, sợi tơ tằm, thực phẩm và nông sản khác (được quy định trong Luật Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản - JAS). Do đó, khi kiểm tra các sản phẩm này, chỉ cần kiểm tra dấu chất lượng tiêu chuẩn JIS là đủ để xác nhận chất lượng của chúng. Giấy phép đóng dấu chứng nhận tiêu chuẩn JIS trên hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cấp.

            Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản - JAS

            Luật Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản JAS quy định các tiêu chuẩn về chất lượng, đưa ra các quy tắc về việc ghi nhãn chất lượng và đóng dấu chất lượng tiêu chuẩn. Ngày nay, hệ thống JAS đã trở thành cơ sở cho người tiêu dùng Nhật Bản lựa chọn các thực phẩm chế biến.

            Danh sách các thực phẩm được JAS điều chỉnh gồm: đồ uống, thực phẩm chế biến. Đa số các sản phẩm như thực phẩm đóng hộp, nước hoa quả, các sản phẩm chế biến từ cà chua thịt lợn hun khói được sản xuất tại Nhật đều mang dấu JAS. Việc sử dụng dấu chứng nhận phẩm chất JAS trên nhãn hiệu sản phẩm là tự nguyện, các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ cũng không bị bắt buộc phải sản xuất hay kinh doanh các sản phẩm có chất lượng tiêu chuẩn JAS.

            Một sản phẩm được cấp dấu chất lượng JAS khi có đầy đủ các điều kiện sau:

            - Sản phẩm phải là một nông sản hoặc là sản phẩm sẽ được quy định bởi một tiêu chuẩn JAS trong tương lai gần.

            - Sản phẩm đó phải là sản phẩm có chất lượng khó xác định.

            - Là sản phẩm mà người tiêu dùng cần biết được chất lượng của nó trước khi quyết định mua.

            Tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm

            Luật vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản quy định dư lượng hóa chất cho phép tồn đọng trong nông thủy sản, thực phẩm nhập khẩu vào Nhật Bản. Một số chất tồn đọng được quy định như sau:

            - Chloramphenicol: không cho phép tồn đọng (trong mực, tôm).

            - Acetamiprid: dưới 0,01 ppm (trong gạo).

            - Orysastrobin: dưới 0,2 ppm (trong gạo).

            Các dấu chứng nhận chất lượng khác

            Ngoài tiêu chuẩn JIS và JAS còn có nhiều loại dấu chất lượng khác sử dụng ở Nhật Bản.

            Dấu Q: Chất lượng và độ đồng nhất của sản phẩm: dành cho các sản phẩm dệt, bao gồm quần áo các loại, khăn trải giường…

            Dấu G: Thiết kế, dịch vụ, hậu mãi và chất lượng: dành cho các sản phẩm như máy ảnh, máy móc thiết bị, đồ thủy tinh, đồ gốm, đồ văn phòng, sản phẩm may mặc và đồ nội thất.

            Dấu S: Độ an toàn: dành cho các chủng loại hàng hóa phục vụ trẻ em, đồ dùng gia dụng, dụng cụ thể thao.

            Dấu S.G: Độ an toàn (bắt buộc): dành cho xe tập đi, xe đẩy, nồi áp suất, mũ đi xe đạp, mũ bóng chày và các loại hàng hóa khác.

            Dấu Len: Dùng cho sợi nguyên chất, quần áo len nguyên chất, đồ len đan, thảm, hàng dệt kim, có trên 99% len mới.

            Dấu SIF: Các hàng may mặc có chất lượng tốt: dành cho hàng may mặc như quần áo nam, nữ, ô, áo khoác, ba lô và các sản phẩm phục vụ cho thể thao.

            Dấu nhãn chất lượng

            Hiện nay có khoảng 100 mặt hàng thuộc đối tượng phải dán nhãn chất lượng:

            + Các sản phẩm dệt gồm: vải, quần áo, áo nỉ, váy, áo sơ mi, áo mưa, cà vạt, khăn trải giường, máy hút bụi, quạt, ti vi.

            + Sản phẩm nhựa gồm: bát, đĩa, chậu giặt.

            + Các sản phẩm khác: bột giặt, găng tay da, bàn chải đánh răng…

            Dấu tiêu chuẩn môi trường Ecomark

            Cục Môi trường Nhật Bản đang khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm không làm hại môi trường, các sản phẩm này được đóng dấu "Ecomark".

            Để được đóng dấu Ecomark, sản phẩm phải đạt được ít nhất một trong các tiêu chuẩn sau:

            - Việc sử dụng sản phẩm đó không gây ô nhiễm tới môi trường hoặc có nhưng ít.

            - Việc sử dụng sản phẩm đó mang lại nhiều lợi ích cho môi trường.

            - Chất thải sau khi được sử dụng không gây hại cho môi trường.

            - Sản phẩm đóng góp đáng kể vào việc bảo vệ môi trường ngoài cách kể trên.

            Các quy định GSP

            Ưu đãi GSP chỉ dành cho những hàng hóa có xuất xứ nhập khẩu từ một khu vực hay quốc gia được hưởng quy chế ưu đãi. Nếu hàng hóa có chứa nguyên vật liệu hay bộ phận rời nhập từ nước khác để sản xuất hàng hóa đó thì các nguyên vật liệu hay bộ phận rời này phải qua chế biến ở một mức độ nhất định tại nước hưởng GSP đủ để bị làm thay đổi về cơ bản.

            Mức độ chế biến được coi là đủ nếu hàng hóa thành phẩm phân loại theo hệ thống mã thuế HS có sự chuyển đổi ở mức 4 chữ số HS (4-digit) với các bộ phận và nguyên vật liệu dùng để sản xuất sản phẩm đó. Nguyên vật liệu nhập từ Nhật Bản vào nước được hưởng GSP để sử dụng cho việc sản xuất các hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản được coi là có xuất xứ từ nước được hưởng ưu đãi GSP. Nhưng quy định này không áp dụng đối với một số sản phẩm đặc biệt như hàng dệt và sản phẩm lông thú.

            - Đối với hàng hóa sản xuất tại các nước ASEAN, Nhật Bản áp dụng tiêu chuẩn thừa nhận xuất xứ lũy kế. Trước khi gia nhập ASEAN, sản phẩm của Việt Nam phải có tỷ lệ nguyên liệu trong nước tối thiểu là 50% để có thể được coi là có xuất xứ từ Việt Nam. Sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội ASEAN, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định áp dụng tiêu chuẩn thừa nhận xuất xứ lũy kế cho Việt Nam. Điều đó có nghĩa là nếu hàng Việt Nam được sản xuất bằng 30% nguyên liệu gốc của Việt Nam và 30% nguyên liệu nhập từ các nước thuộc ASEAN thì được coi là được sản xuất với 60% nguyên liệu gốc của Việt Nam.

            Những hạn chế áp dụng trong chế độ GSP của Nhật:

            - Điều khoản loại trừ (Escape Clause): Ưu đãi GSP có thể bị tạm ngừng theo lệnh của Chính phủ Nhật Bản trong trường hợp việc tăng lượng nhập khẩu hàng nông, lâm thủy sản hay các sản phẩm công nghiệp và khai khoáng có thể gây thiệt hại cho sản xuất ở trong nước.

            - Hạn ngạch trần nhập khẩu (Ceiling): Đầu năm tài chính, Nhật Bản sẽ đưa ra hạn ngạch trần theo số lượng hay giá trị đối với các loại sản phẩm công nghiệp và khai khoáng nhập khẩu nhất định. Hạn ngạch nhập khẩu và lượng nhập khẩu tối đa đối với mỗi nước được quản lý theo chế độ "ai xin trước, hưởng trước" cho đến khi đạt đến một nửa số lượng hay trị giá cụ thể. Sau ngày hạn ngạch sử dụng hết, các hàng hóa nhập khẩu này sẽ được áp dụng thuế suất MFN.

            - Chế độ phân phối trước: Một số loại sản phẩm công nghiệp và khai khoáng nhất định (gồm cả da thuộc, lông thú, hàng dệt may và giầy dép) quy định hạn ngạch nhập khẩu được hưởng ưu đãi được phân phối trước.

            - Tạm ngừng ưu đãi theo quy định "Giới hạn 1/4": Nếu lượng nhập khẩu một mặt hàng GSP vượt quá 1/4 hạn ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng đó thì nước này sẽ không được tiếp tục hưởng ưu đãi GSP đối với sản phẩm đó trong thời gian còn lại của năm tài chính.

            - Hạn ngạch linh hoạt: Các sản phẩm mà việc nhập khẩu không gây phương hại tới sản xuất trong nước có thể được hưởng ưu đãi GSP ngay cả khi đã vượt mức hạn ngạch trần và mức "giới hạn 1/4". Các hàng hóa này sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi GSP cho tới khi có thông báo khác của Bộ Tài chính Nhật Bản.

  • Tags: