Lên đến thị xã Lai Châu, chúng tôi ngỡ ngàng bởi những tòa nhà cao ngất trời đang được xây cao thêm từng ngày. Xe chở đất, đá, vật liệu xây dựng, bê tông, gạch, sắt nối đuôi nhau thành hàng dài không ngớt. Nơi thì san ủi, đào xuống, chỗ thì lu lèn, đắp nổi lên… Trời cứ mưa mà công nhân vẫn làm, xe vẫn chạy, máy vẫn nổ rền vang. Chúng tôi bắt gặp một người độ tuổi trung niên, mặc áo bạt trùm kín đầu chỉ hở khuôn mặt, tay cầm một cây gậy chỉ huy giao thông lúc giơ lên, khi hạ xuống. Tôi hỏi: “Sao mưa thế mà bác vẫn làm?”. Anh cười: “Gió mưa là việc của trời, nghề của chúng tôi mưa nắng là chuyện thường tình, mưa có việc của mưa, nắng có việc của nắng”. Hóa ra họ đã nhân lúc trời mưa, dùng nước mưa để rửa, kì cọ những vết bùn đất bám trên mặt đường, khi trời tạnh ráo, xịt khô sạch sẽ rồi giải áp phan nhựa nóng.
Không chỉ có công nhân giao thông làm đường dưới trời mưa mà trên tầng cao của những tòa nhà kia công nhân xây dựng cũng đang thi công. Tiếng cưa gỗ reng reng, tiếng búa đóng đinh bồm bộp, tiếng máy khoan tường rin rít…, rồi nữa, công nhân môi trường cũng đang đào, bấng, vun xới, trồng cây xanh ở bên lề đường, mấy tốp thợ điện áo vàng rực rỡ cũng đang cặm cụi trước trạm biến áp 110KV… Tất cả mọi người, mọi ngành đang chạy đua với thời gian, từng ngày, từng giờ để đảm báo tiến độ công trình. Chúng tôi có dịp trò chuyện với một chủ doanh nghiệp từ Điện Biên lên Lai Châu làm công trình xây dựng. Khi tôi hỏi: “Cơn bão giá vừa qua có làm doanh nghiệp anh bị chao đảo không?”. Trầm tư hồi lâu, anh tâm sự: “Làm sao mà bình yên được. Các anh thấy đấy, giá vật tư lên từng ngày, gấp 2, gấp 3 lần so với vài tháng trước, lãi suất ngân hàng tăng gần gấp đôi, doanh nghiệp thì hàng trăm thứ phải chi, giá nhân công, giá xăng dầu, giá vật liệu, giá lương thực, thực phẩm cứ lũ lượt kéo nhau tăng lên ầm ầm”. “Vậy doanh nghiệp chấp nhận phải chi lớn thế thì lãi suất thế nào?”. Biết chúng tôi đăm chiêu, ngẫm nghĩ như cùng chia sẻ, anh bộc bạch: “Thật lòng với các anh, chuyện làm ăn là phải biết chấp nhận lấy ngắn nuôi dài, có công trình hòa vốn, thậm chí bị lỗ vẫn phải làm để có việc cho người lao động. Chẳng nhẽ họ từ miền xuôi lên đây gắn bó với mình 5 – 6 năm rồi, nay vì không lãi lời mà mình nỡ bỏ họ ư? Làm thế sao đành được! Thôi thì thời buổi khó khăn, mình phải khép các nhu cầu khác, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, lấy chỗ nọ bù đắp chỗ kia. Vấn đề nào doanh nghiệp chịu đựng được thì gắng sức chia sẻ chung với Nhà nước, vấn đề nào ngoài sức mình thì đề đạt với nhà nước tháo gỡ bằng cơ chế, quyết tâm phấn đấu bằng mọi giá, phải hoàn thành đúng kế hoạch, đúng tiến độ công trình…”. Mỗi người trong chúng tôi có một suy ngẫm, một tâm tư nhưng đều có chung một ý nghĩ: “Cái chất con người ở vùng cao này có tấm lòng rất thật, bình dị mà gần gũi đến dễ mến, dễ thương – từ chủ doanh nghiệp cho đến người công nhân lao động. Họ thật sự làm chúng tôi khâm phục và thêm yêu quý, giữa lúc khó khăn về mọi mặt của thời buổi “gạo châu, củi quế” này mà vẫn giữ được cái tâm con người.
Chúng tôi đã từng gặp những người lang thang không việc làm vì chủ doanh nghiệp thua lỗ rồi xa thải hàng loạt công nhân, đã tận mắt nhìn thấy những công trình ngổn ngang, bừa bộn đang thi công bị bỏ dở, sắt gỉ hoen vàng, bê tông nham nhở… vì “cơn bão giá” đã khiến cho nhiều doanh nghiệp không trụ nổi đành “bỏ của chạy lấy” người, để lại cảnh công trình hoang tàn như sau trận mạc…
Nhưng lên với Lai Châu, chúng tôi như bị cuốn trong niềm vui bất tận, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Toàn thị xã như một công trường khổng lồ đang sôi động chuyển mình, lúc tưng bừng, ồn ã, khi thoăn thoắt, nhịp nhàng. Mọi người ở đây đang lao động quên mình không quản nắng mưa, không chần chừ, do dự, không toan tính thiệt hơn, họ có niềm tin vững vàng về một ngày mai tốt đẹp hơn, dẫu rằng trước mắt họ còn vô vàn những khó khăn, thiếu thốn. Họ thật sự là những con người có tấm lòng vàng, biết chia sẻ lúc khó khăn, biết chấp nhận về mình những thiệt thòi mà không hề đắn đo, so bì, chấp nhận một cách vô tư, nhẹ nhàng. Phải chăng, đó là nét đẹp nhân văn, một nét đẹp thật đậm đà bản sắc văn hóa trong cư xử mọi lẽ của cuộc sống mà con người Lai Châu đã thấu tỏ và thể hiện vô tư như núi, như rừng. Chia tay miền đất thân thương, đầy ắp tình người, nơi có những con người thật bình dị, hiền hòa, nhưng nghị lực phi thường. Hình ảnh về họ cứ đọng lại mãi trong tôi như mây trắng mãi vờn bay trên triền núi rồi bồng bềnh êm trôi. Sau những cơn mưa, đất trời Lai Châu càng thêm tươi thắm, trong trẻo, trữ tình và thơ mộng biết nhường nào.