Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng…
Trên bản đồ xuất khẩu gạo của thế giới nhiều năm qua, gạo Việt Nam là một trong những thương hiệu hàng đầu, có sức cạnh tranh mạnh mẽ với các cường quốc sản xuất gạo khác như Thái Lan và Ấn Độ. Năm 2005, Việt Nam xuất khẩu hơn 5 triệu tấn, đem về 1,3 tỉ USD.
Tuy nhiên, ngay tại thị trường trong nước, chúng ta vẫn chưa thấy một thương hiệu gạo nào đủ mạnh để đáp ứng được các nhu cầu hàng ngày của hàng triệu gia đình Việt Nam. Phần lớn các bà nội trợ vẫn quen mua gạo được đóng gói đơn giản từ các sạp chợ hoặc các vựa gạo nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng chất lượng gạo không ổn định và gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn đúng loại gạo ưa thích theo nhu cầu riêng của mình.
Trong khi đó, cùng nằm trong khu vực sử dụng gạo như là thực phẩm chính, nhiều thương hiệu gạo của các nước châu Á quanh ta đã được xây dựng rất bài bản về mặt hình ảnh thiết kế cũng như hoạt động tiếp thị. Nhờ đó, các nhà sản xuất đã nâng cao hơn giá trị tiêu thụ của sản phẩm và giành được những chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Một số loại gạo như vậy đã có mặt tại các siêu thị Việt Nam gây được sự chú ý của người tiêu dùng trong nước và làm tăng thêm sự chênh lệch về mức độ chuyên nghiệp trong việc tiếp thị sản phẩm giữa các nhà kinh doanh mặt hàng gạo trong và ngoài nước.
Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần có một thương hiệu gạo Việt đủ mạnh, trước hết là dành cho chính người tiêu dùng Việt Nam?
“Xôi chè” đặt tên…
Nằm trong chương trình Xây Dựng thương hiệu nông sản Việt Nam do Công ty Cà phê Trung Nguyên tài trợ, mới đây, một nhóm học viên của khóa đào tạo Brand Manager của Vietnam Marcom, với sự hỗ trợ chuyên môn của Công ty Quảng cáo Hà Thái Hiển, đã hoàn thành dự án xây dựng một thương hiệu cho gạo Việt Nam: “Gạo Sohafarm”.
Chọn một sản phẩm chủ lực của Nông trường Sông Hậu - Sohafarm để xây dựng thương hiệu, các tác giả của Dự án đã tính toán đến khả năng ổn định chất lượng và cung ứng sản phẩm rộng lớn cho thị trường trong nước của nông trường lớn nhất miền Tây này.
Dự án là một hệ thống thương hiệu “Gạo Sohafarm” tương đối hoàn chỉnh bao gồm logo, nhãn hiệu, bao bì, bảng hiệu, cửa hàng, đồng phục.. cho đến các ý tưởng thiết kế cho các sự kiện như ra mắt sản phẩm hoặc triển lãm tại hội chợ. Tất cả được đề xuất dựa trên định vị thương hiệu và các nghiên cứu về tập quán tiêu dùng của người Việt Nam, cộng với một lối thiết kế rất sáng tạo và đầy ngẫu hứng.
Những ý tưởng quảng cáo cho “Gạo Sohafarm” đã được những người làm quảng cáo chuyên nghiệp nâng lên thành những tác phẩm mang đậm nét văn hóa thuần chất Việt Nam không những trong hình ảnh mà còn trong từng câu chữ, nhằm thuyết phục và gây được ấn tượng tốt đẹp, đưa đến cho người xem sự cảm nhận tinh tế nhất: “Hạt dẻo hạt thơm, đong đầy hạnh phúc” từ những bữa cơm đầm ấm trong mỗi gia đình Việt.
Những hình ảnh vốn quá thân quen như rá gạo, niêu cơm, đĩa rau luộc, món thịt kho đã được chăm chút để trở nên những hình ảnh minh họa đầy sức thuyết phục và nhiều xúc cảm cho những tiêu đề “gạo Việt”, “cơm Việt” và “món ăn Việt”.
Mặc dù ngày nay, nhất là ở các thành phố lớn, rất nhiều gia đình chỉ nấu cơm bằng nồi điện, nhưng tất cả đều vẫn yêu mến những nét đẹp xưa cũ này, chính là những hình ảnh của một gia đình Việt hạnh phúc.
Một động tác chuẩn bị cho xu hướng tiêu dùng mới
Nhìn về phía trước, xây dựng một thương hiệu gạo Việt đủ mạnh tại thị trường nội địa, Cũng là một bước đi cần thiết trước khi nghĩ đến việc xuất khẩu những sản phẩm gạo chế biến hoàn chỉnh và có thương hiệu mang giá trị thương phẩm cao hơn so với cách thức xuất khẩu thô như hiện nay.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng được gợi ý một phương thức tiếp thị đặc biệt dành riêng cho mặt hàng đặc biệt này: Nâng việc tiêu thụ sản phẩm “Gạo Sohafarm” lên thành một chương trình giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam, cộng hưởng với việc quảng bá du lịch, nhất là tại khu vực ĐBSCL.
Đây cũng là một cách làm khéo léo đã được nước láng giềng Thái Lan khai thác triệt để và thành công rực rỡ nhiều năm qua. Riêng việc chọn tên thương hiệu “Gạo Sohafarm” cũng là một sự chuẩn bị cần thiết cho bước tiếp theo: Trở thành một thương hiệu quốc tế.